Chế phẩm sinh học đang được chú ý rất nhiều trong thời gian gần đây. Những sản phẩm chứa vi sinh vật sống này đã được ghi nhận là cung cấp tất cả các loại lợi ích sức khỏe liên quan đến chức năng đường ruột và hơn thế nữa. Tuy nhiên không phải tất cả các loại thực phẩm chứa nhiều probiotics đều phù hợp với bạn.
Nếu bạn đang muốn sử dụng chúng để tăng cường sức khỏe, thì điều quan trọng là phải đảm bảo bạn dùng các sản phẩm bổ sung probiotic phù hợp để có được kết quả như mong đợi.
1. Probiotics là gì?
Ruột của bạn có chứa vi khuẩn thu được khi sinh và trong cuộc sống sau này thông qua một quá trình gọi là thuộc địa hóa.
Nhiều loại vi khuẩn trong số này được coi là có lợi. Chúng có nhiều chức năng bao gồm chuyển đổi chất xơ thành các axit béo chuỗi ngắn, tổng hợp một số vitamin và hỗ trợ hệ thống miễn dịch của bạn.
Sử dụng probiotics có thể giúp tăng số lượng vi khuẩn có lợi này. Định nghĩa chính thức về chế phẩm sinh học là, “vi sinh vật sống khi được sử dụng với lượng thích hợp sẽ mang lại lợi ích sức khỏe cho vật chủ”.
Về cơ bản, probiotics là vi sinh vật cung cấp các tác dụng có lợi khi được sử dụng với lượng thích hợp. Probiotics có thể được sử dụng ở dạng bổ sung hoặc từ các loại thực phẩm lên men như dưa cải bắp, kefir và sữa chua.
Không nên nhầm probiotics với prebiotics - một loại chất xơ có vai trò là nguồn thức ăn cho vi khuẩn sống trong ruột già của bạn.
Một số sản phẩm probiotics nhất định có thể có những lợi ích cụ thể. Probiotics đã được phát hiện là cung cấp các lợi ích cho sức khỏe bao gồm các chủng Bifidobacterium, Lactobacillus và Saccharomyces khác nhau. Nhiều chất bổ sung probiotic chứa sự kết hợp của các chủng khác nhau trong cùng một chất bổ sung.
Nghiên cứu đã cho thấy một số chủng vi khuẩn dường như có hiệu quả hơn những chủng khác trong điều trị một số bệnh nhất định. Vì vậy, bạn có nhiều khả năng đạt được kết quả tốt bằng cách dùng sản phẩm đã được chứng minh là đạt được các tác dụng cụ thể, chẳng hạn như kiểm soát tiêu chảy.
Ngoài ra, một điều quan trọng là bạn phải tiêu thụ đủ số lượng men vi sinh cần thiết. Liều lượng Probiotics thường được đo bằng đơn vị hình thành khuẩn lạc (CFU). Nói chung, liều lượng cao hơn đã cho thấy tạo ra kết quả tốt nhất trong hầu hết các nghiên cứu.
Tuy nhiên, một số sản phẩm có thể có hiệu quả với liều lượng 1–2 tỷ CFU mỗi ngày, trong khi những sản phẩm khác có thể yêu cầu ít nhất 20 tỷ CFU để đạt được hiệu quả mong muốn.
Dùng sản phẩm probiotics liều cực cao không được tìm thấy là gây hại. Một nghiên cứu đã cho thấy những người sử dụng liều lên đến 1,8 nghìn tỷ CFU mỗi ngày không gặp phải vấn đề gì. Tuy nhiên, nó đắt và dường như không cung cấp bất kỳ lợi ích bổ sung nào.
Tuy nhiên, cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa biết mọi thứ về men vi sinh. Vẫn còn nhiều điều để khám phá về probiotics, mặc dù nghiên cứu đã nhanh chóng mở rộng trong vài năm qua.
2. Bổ sung Probiotics có tác dụng gì?
2.1. Probiotics có thể giúp giảm táo bón
Táo bón là tình trạng đại tiện khó, khó đi và không thường xuyên. Mọi người đều bị táo bón ít nhất một lần trong đời, nhưng với một số người nó trở thành một vấn đề mãn tính.
Táo bón mãn tính thường gặp nhất ở người già và người lớn nằm liệt giường, nhưng nó cũng có thể xảy ra ở trẻ em. Ngoài ra, một số người bị hội chứng ruột kích thích cũng bị táo bón dai dẳng, đây có thể là triệu chứng chính của họ.
Các phương pháp điều trị táo bón thông thường bao gồm thuốc nhuận tràng và thuốc làm mềm phân. Tuy nhiên, thay đổi chế độ ăn uống và bổ sung probiotic đã trở thành phương pháp thay thế trong điều trị táo bón trong những năm gần đây.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bổ sung một số chủng lợi khuẩn có thể làm giảm táo bón ở cả người lớn và trẻ em. Trong một nghiên cứu so sánh tác dụng của probiotics và prebiotics ở trẻ em bị hội chứng ruột kích thích, cho thấy B. lactis giúp giảm táo bón đáng kể.
Nhóm sử dụng sản phẩm probiotics cũng ít bị ợ hơi, đầy bụng và chướng bụng sau bữa ăn hơn so với nhóm sử dụng prebiotics.
Các loại probiotics khác có thể cải thiện táo bón bao gồm B. longum, S. cerevisiae và sự kết hợp của L. acidophilus, L. plantarum, L. reuteri, L. rhamnosus và B. animalis.
2.2. Probiotics có thể cải thiện các triệu chứng IBS
Đôi khi các triệu chứng chính của hội chứng ruột kích thích không liên quan đến độ đặc của phân hoặc tần suất đi ngoài Thay vào đó, một số bệnh nhân thường xuyên cảm thấy chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn và đau bụng dưới.
Một đánh giá dựa trên 19 nghiên cứu cho thấy trong khi một số bệnh nhân báo cáo cải thiện các triệu chứng IBS khi dùng men vi sinh, nhưng kết quả khác nhau giữa các cá nhân. Các nhà nghiên cứu không thể xác định được loại men vi sinh nào đem lại hiệu quả nhất.
Ngoài ra, do các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích rất đa dạng, đôi khi một triệu chứng được cải thiện trong khi những triệu chứng khác thì không.
Ví dụ, một nghiên cứu về những người bị IBS chủ yếu do táo bón phát hiện ra rằng mặc dù S. cerevisiae cải thiện chứng táo bón, nhưng nó không ảnh hưởng nhiều đến đau bụng hoặc khó chịu.
Trong một nghiên cứu khác, những người tham gia bị hội chứng ruột kích thích chủ yếu là tiêu chảy được cho uống một chất bổ sung sản phẩm có chứa các chủng Lactobacillus , Bifidobacterium và Streptococcus. Kết quả cho thấy nhu động ruột và tính nhất quán không cải thiện, nhưng triệu chứng đầy hơi thì có cải thiện.
Một nghiên cứu khác cho thấy giảm đáng kể triệu chứng đau và đầy hơi trong quá trình điều trị bằng sản phẩm probiotics trên. Các nhà nghiên cứu tin rằng probiotics dẫn đến sự gia tăng melatonin, đây là một loại hormone liên quan đến chức năng tiêu hóa.
2.3. Probiotics có thể giúp bạn giảm cân
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột có thể ảnh hưởng sâu sắc đến trọng lượng cơ thể bạn. Một số nghiên cứu đã cho thấy việc bổ sung probiotic có thể hữu ích trong việc giảm cân và giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
Các nghiên cứu trên động vật và con người đã phát hiện ra một số chủng vi khuẩn có thể làm giảm lượng chất béo và calo mà ruột hấp thụ, thúc đẩy sự cân bằng lành mạnh của các vi khuẩn đường ruột, đồng thời giảm cân và mỡ bụng.
Theo một phân tích năm 2014 dựa trên một số nghiên cứu, probiotic dường như có hiệu quả để giảm béo bao gồm Lactobacillus rhamnosus, Lactobacillus gasseri và sự kết hợp của Lactobacillus rhamnosus và Bifidobacterium lactis.
Trong một nghiên cứu, những người đàn ông bị béo phì được cho sử dụng L. gasseri trong 12 tuần đã giảm đáng kể trọng lượng cơ thể và mỡ trong cơ thể, đặc biệt giảm tới 8,5% mỡ bụng.
Trong một nghiên cứu khác, những phụ nữ bị béo phì được cho sử dụng L. rhamnosus trong ba tuần đã giảm cân nhiều gấp đôi so với những người dùng giả dược. Điều đặc biệt là họ vẫn tiếp tục giảm cân trong giai đoạn duy trì của nghiên cứu, trong khi đó nhóm dùng giả dược lại tăng cân.
Bổ sung probiotic cũng có thể giúp hạn chế tăng cân khi bạn tiêu thụ nhiều calo. Trong một nghiên cứu kéo dài 4 tuần, những người đàn ông trẻ gầy đã ăn thừa 1.000 calo mỗi ngày. Những người dùng sản phẩm probiotics tăng cân ít hơn so với nhóm đối chứng.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảm thấy không có đủ bằng chứng để đưa ra kết luận chắc chắn về tác dụng của probiotics đối với việc giảm cân tại thời điểm này.
2.4. Probiotics để hỗ trợ sức khỏe não bộ
Sức khỏe đường ruột và não bộ có một mối liên hệ chặt chẽ. Các vi khuẩn trong ruột già tiêu hóa và lên men chất xơ thành các axit béo chuỗi ngắn nuôi dưỡng ruột. Nghiên cứu đã cho thấy những hợp chất này cũng có thể có lợi đối với não và hệ thần kinh.
Một đánh giá dựa trên 38 nghiên cứu thực hiện trên động vật và con người cho thấy rằng các chế phẩm sinh học khác nhau đã giúp cải thiện các triệu chứng trầm cảm, tự kỷ, lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và trí nhớ kém.
Các chủng vi khuẩn thường được sử dụng trong các nghiên cứu này là Bifidobacterium longum, Bifidobacterium breve, Bifidobacterium Infantis, Lactobacillus helveticus và Lactobacillus rhamnosus.
Probiotics dường như có hiệu quả đối với cả lo lắng tổng quát và lo lắng liên quan đến các nguyên nhân cụ thể. Một nghiên cứu cho thấy khi bệnh nhân ung thư vòm họng dùng men vi sinh trong hai tuần trước khi phẫu thuật, họ có mức hormone căng thẳng trong máu thấp hơn và giảm 48% sự lo lắng.
Trong các nghiên cứu khác, probiotics đã được chứng minh là giúp cải thiện tâm trạng tổng thể và giảm buồn bã ở những người khỏe mạnh và ở cả những bệnh nhân mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính.
Bổ sung probiotic cũng có thể giúp bạn chống chọi với chứng trầm cảm, cả với những người mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng. Trong một nghiên cứu kéo dài 8 tuần thực hiện trên những bệnh nhân bị trầm cảm nặng, những người dùng L. casei, L. acidophilus và B. bifidum đã giảm đáng kể chứng trầm cảm.
2.5. Probiotics có thể cải thiện sức khỏe tim mạch
Sử dụng probiotics có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một số chủng vi khuẩn nhất định trong sữa chua hoặc chất bổ sung probiotic có thể dẫn đến những thay đổi có lợi trong các dấu hiệu sức khỏe tim mạch. Các thay đổi có lợi đó bao gồm giảm cholesterol LDL “xấu” và tăng cholesterol HDL “tốt”.
Các chủng vi khuẩn cụ thể được cho là có hiệu quả trong việc giảm mức cholesterol bao gồm Lactobacillus acidophilus, Lactobacillus reuteri và Bifidobacterium longum.
Một phân tích của 14 nghiên cứu cho thấy chế phẩm sinh học giúp giảm cholesterol LDL ở mức trung bình, tăng nhẹ HDL và giảm chất béo trung tính. Có thể có một số quá trình chịu trách nhiệm về những tác động này, bao gồm những thay đổi trong chuyển hóa chất béo và giảm sự hấp thu cholesterol trong ruột.
Một đánh giá dựa trên 9 nghiên cứu có kiểm soát cho thấy huyết áp giảm nhẹ ở những người dùng probiotics. Tuy nhiên, hải sử dụng nhiều hơn tám tuần với liều cao hơn 10 tỷ CFU mỗi ngày mới có tác dụng đáng kể.
2.6. Probiotics để tăng cường miễn dịch
Các nghiên cứu cho thấy việc bổ sung probiotic có thể giúp thay đổi sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột theo cách tăng cường khả năng phòng vệ chống lại nhiễm trùng, dị ứng và ung thư.
Đặc biệt là các chủng Lactobacillus GG, Lactobacillus gasseri, Lactobacillus crispatus, Bifidobacterium bifidum và Bifidobacterium longum. Những chủng vi khuẩn này dường như làm giảm nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp và bệnh chàm ở trẻ em, cũng như giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ trưởng thành.
Ngoài ra, probiotics đã được chứng minh là có tác dụng giảm viêm, đây một yếu tố nguy cơ gây ra nhiều bệnh khác nhau.
Trong một nghiên cứu cho người lớn tuổi tiêu thụ hỗn hợp Lactobacillus gasseri, Bifidobacterium bifidum và Bifidobacterium longum hoặc giả dược trong vòng ba tuần. Sau khi bổ sung probiotic, các dấu hiệu viêm giảm xuống, các dấu hiệu chống viêm tăng lên và sự cân bằng vi khuẩn đường ruột trở nên giống với hệ vi khuẩn đường ruột ở những người trẻ, khỏe mạnh.
Một số sản phẩm probiotics cũng có thể giúp ngăn ngừa viêm nướu hoặc nhiễm trùng nướu. Một nghiên cứu kéo dài 14 ngày đã xem xét những người trưởng thành không đánh răng và dùng chỉ nha khoa trong khi được bổ sung Lactobacillus brevis hoặc giả dược. Kết quả cho thấy viêm nướu tiến triển nhanh hơn ở nhóm dùng giả dược, chứng tỏ men vi sinh đã giúp bảo vệ chống lại nhiễm trùng.
2.7. Probiotics cho sức khỏe tổng quát
Ngoài việc sử dụng probiotcis cho các bệnh và tình trạng cụ thể, bạn cũng có thể dùng men vi sinh để tăng cường sức khỏe tổng thể.
Một nghiên cứu gần đây được thực hiện ở người lớn khỏe mạnh cho thấy rằng dùng Bifidobacterium bifidum trong bốn tuần giúp tăng cường sản xuất các axit béo chuỗi ngắn có lợi. Ngoài ra, còn có một số bằng chứng cho thấy probiotic có thể giảm tình trạng viêm thường xảy ra khi bạn già đi.
Tất nhiên, cùng với việc bổ sung probiotics bạn cũng phải đảm bảo rằng bạn đang thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh và thực hành các hành vi tăng cường sức khỏe khác. Nếu không thực hiện các biện pháp một cách tổng thể, bạn không thể mong đợi probiotics mang lại nhiều lợi ích cho bạn.
Ngoài ra, mặc dù các sản phẩm probiotics an toàn cho hầu hết mọi người, nhưng chúng có thể gây hại cho những người bị bệnh nặng hoặc người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm, bao gồm cả những người bị HIV hoặc AIDS.
Có hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh là điều vô cùng quan trọng. Mặc dù các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành, nhưng probiotics dường như đem lại các tác dụng có lợi cho một số tình trạng sức khỏe khác nhau và cũng có thể hỗ trợ sức khỏe tổng thể tốt hơn. Dùng đúng sản phẩm probiotics phù hợp có thể giúp bạn nhắm đến các vấn đề sức khỏe cụ thể và cải thiện sức khỏe tổng thể cũng như chất lượng cuộc sống của bạn.
Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website (vinmec.com) để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com