Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Hội chứng ống cổ tay là một “biến chứng” khác liên quan đến bệnh tiểu đường. Ngoài cảm giác khó chịu ở cẳng tay, nó có thể khiến bạn suy nhược. Dưới đây là mối liên hệ và cách xử lý đối với những người bị hội chứng ống cổ tay do mắc bệnh tiểu đường.
1. Hội chứng ống cổ tay là gì?
Hội chứng ống cổ tay (CTS) là tình trạng bàn tay và cánh tay bị đau dần dần, phát triển từ một dây thần kinh bị chèn ép ở cổ tay của bạn.
Nó đặc biệt ảnh hưởng đến dây thần kinh giữa, chạy qua ống cổ tay từ bàn tay đến cẳng tay. Dây thần kinh giữa cung cấp cảm giác cho lòng bàn tay của các ngón tay và năng lượng cho ngón tay cái của bạn.
Khi dây thần kinh giữa bị chèn ép do phù nề dây thần kinh hoặc gân trong ống cổ tay thì đều có thể ảnh hưởng đến bàn tay và ngón tay. Nó cũng có thể dẫn đến các triệu chứng khác như lưu thông máu kém và mất sức cầm nắm.
Nguyên nhân chính xác của tình trạng này là không rõ. Nhưng với bệnh tiểu đường, các nhà nghiên cứu tin rằng lượng đường trong máu cao làm cho các gân của ống cổ tay trở nên bị glycosyl hóa. Điều đó có nghĩa là các gân bị viêm và lượng đường dư thừa tạo thành một “chất siêu sinh học” làm cho các gân giảm khả năng trượt tự do, tương tự như những gì xảy ra ở vai bị cứng khớp.
2. Mối liên hệ giữa hội chứng ống cổ tay và bệnh tiểu đường
Hội chứng ống cổ tay ảnh hưởng đến từ 2 đến 3% số người, nhưng nó dường như tập trung chủ yếu ở những người đang đối mặt với các thách thức sức khỏe khác.
Các điều kiện phổ biến nhất liên quan đến hội chứng ống cổ tay là:
- Bệnh tiểu đường
- Tình trạng tuyến giáp
- Huyết áp cao (phổ biến ở những người bị bệnh tiểu đường)
- Rối loạn tự miễn dịch
Nghiên cứu cho thấy, hội chứng ống cổ tay xuất hiện ở 20% số người mắc bệnh tiểu đường. Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và hội chứng ống cổ tay có thể là do lượng đường trong máu quá cao.
Vào năm 2014, nhà nghiên cứu Hà Lan Steven H. Hendriks và nhóm của ông đã quyết định xem xét lại vấn đề và cố gắng loại bỏ các yếu tố gây nhiễu (những tình trạng khác gây nhầm lẫn cho các tập dữ liệu trong nghiên cứu lâm sàng). Những gì họ phát hiện ra là mặc dù bệnh tiểu đường loại 2 được chẩn đoán thường xuyên hơn ở những người mắc hội chứng ống cổ tay, nhưng nó không thể được coi là yếu tố nguy cơ độc lập sau khi họ điều chỉnh chỉ số khối cơ thể, giới tính và tuổi tác.
Đáng chú ý là họ không tìm thấy mối liên hệ nào giữa hội chứng ống cổ tay và thời gian mắc bệnh tiểu đường, mức độ kiểm soát đường huyết hoặc biến chứng vi mạch. Vì vậy, chỉ số cân nặng quá mức, tuổi cao và giới tính nữ sẽ làm tăng nguy cơ mắc cả bệnh tiểu đường và hội chứng ống cổ tay.
Đặc biệt, những người dành nhiều thời gian gõ trên máy tính có yếu tố rủi ro nghề nghiệp. Các tác giả nhận thấy ngoài những người thường xuyên phải gõ máy tính thì các đối tượng sau đây có nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay, bao gồm:
- Công nhân dây chuyền lắp ráp sử dụng chuyển động cổ tay lặp đi lặp lại
- Công nhân xây dựng sử dụng dụng cụ điện rung
3. Hội chứng ống cổ tay có di truyền không?
Các chuyên gia y tế cho rằng, chắc chắn có một phần di truyền đối với hội chứng ống cổ tay, đặc biệt là trường hợp nó tấn công những người trẻ tuổi.
Các yếu tố di truyền khác có thể góp phần phát triển hội chứng ống cổ tay bao gồm những bất thường trong một số gen quy định myelin, một chất béo có tác dụng cách ly các sợi thần kinh.
Về cơ bản, cũng giống như bệnh tiểu đường, nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh này, bạn có nhiều khả năng mắc bệnh hơn.
4. Chẩn đoán hội chứng ống cổ tay
Các triệu chứng của ống cổ tay diễn ra từ từ, vì vậy điều quan trọng là phải đi khám bác sĩ sớm nếu bạn thường xuyên cảm thấy châm chích hoặc bỏng rát, mất cảm giác ở tay.
Khi bạn đi khám, bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm để phân biệt với bệnh thần kinh ngoại biên. Hai bệnh này có các triệu chứng giống nhau nhưng phương pháp điều trị khác nhau.
Hai bài kiểm tra lâm sàng được sử dụng để chẩn đoán hội chứng ống cổ tay là bài tập Tinel và Phalen. Đây là bài tập uốn dẻo để kiểm tra xem bạn có cảm giác ngứa ran ở bàn tay hoặc cổ tay hay không. Cụ thể:
- Trong bài kiểm tra dấu hiệu Tinel, bác sĩ sẽ chạm vào bên trong cổ tay của bạn qua dây thần kinh giữa. Nếu bạn cảm thấy ngứa ran, tê hoặc “sốc” nhẹ ở tay, bạn có thể bị hội chứng ống cổ tay.
- Bài kiểm tra Phalen yêu cầu bạn chống khuỷu tay lên bàn, sau đó thả lỏng cổ tay để bàn tay hướng xuống với lòng bàn tay ép vào nhau ở tư thế cầu nguyện. Kết quả dương tính là khi ngón tay của bạn ngứa ran hoặc tê cóng trong vòng một phút.
5. Điều trị hội chứng ống cổ tay
Các phương pháp điều trị hội chứng ống cổ tay bao gồm nghỉ ngơi, nẹp cổ tay, sử dụng thuốc, vật lý trị liệu và thậm chí phẫu thuật.
Đối với hầu hết mọi người, tránh các hoạt động tác động lên cổ tay, đeo nẹp tay và dùng ibuprofen để giúp giảm đau và giảm áp lực lên dây thần kinh giữa.
Các biện pháp khắc phục tại nhà khác mà bạn có thể thử bao gồm kéo giãn và nâng cao bàn tay, cổ tay bất cứ khi nào có thể.
Phương pháp phẫu thuật ống cổ tay thường sử dụng đó là phẫu thuật mở và nội soi. Theo các chuyên gia, cả hai đều có hiệu quả 95%. Tuy nhiên, mỗi cái đều có ưu và nhược điểm, chủ yếu liên quan đến tình trạng sau phẫu thuật.
Tóm lại, hội chứng ống cổ tay là một “biến chứng” khác liên quan đến bệnh tiểu đường. Ngoài cảm giác khó chịu ở cẳng tay, nó có thể khiến bạn suy nhược. Do đó, với những ai bị bệnh tiểu đường, nếu nhận thấy đau, châm chích và hạn chế vận động ở tay thì cần thăm khám sớm để có phương pháp điều trị thích hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo:
- Carpal tunnel syndrome. (2009, December)
orthoinfo.aaos.org/topic.cfm?topic=A00005 - Carpal tunnel syndrome. (n.d.)
hopkinsmedicine.org/neurology_neurosurgery/centers_clinics/peripheral_nerve_surgery/conditions/carpal_tunnel_syndrome.html