Hỗ trợ chức năng bàn tay cho người bị tai biến mạch máu não

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Lê Thu Hương - Bác sĩ nội trú - Phục hồi chức năng, Trung tâm Y học tái tạo - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City.

Tai biến mạch máu não hay đột quỵ là bệnh lý ngày càng gia tăng không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam. Đa số các bệnh nhân có thể được cứu sống nhưng để lại các di chứng về vận động, nhận thức, ngôn ngữ, khả năng nhai nuốt và tự chủ vệ sinh. Các vấn đề này làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và cả người chăm sóc, là gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội.

1.Các vấn đề về tay sau khi bị tai biến mạch máu não

Liệt vận động: Trong bệnh lý tai biến mạch máu não, do ảnh hưởng của vùng não bị tổn thương, bệnh nhân thường bị liệt vận động một nửa người, bao gồm tay, chân, thân mình, thậm chí liệt mặt và các dây thần kinh sọ não khác.

Do các nhóm cơ vùng tay bị ảnh hưởng, chức năng vận động của tay bị giảm, làm bệnh nhân có thể liệt hoàn toàn hoặc một phần, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, trong đó các nhóm cơ nhỏ với chức năng thực hiện các động tác tinh tế của bàn tay thường bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng.


Co cứng cơ sau tai biến mạch não
Co cứng cơ sau tai biến mạch não

Co cứng cơ: Sau giai đoạn cáp của bệnh, người bệnh sẽ chuyển trạng thái từ liệt mềm sang liệt cứng. Cũng giống như các nhóm cơ khác bên nửa người bị tổn thương, các nhóm cơ ở tay trẻ nên co cứng, nặng hơn có thể dẫn đến co rút, biến dạng khớp. Từ đó, các khớp như khớp vai, khớp khuỷu, cổ tay, và các khớp bàn ngón tay bị hạn chế tầm vận động, gây khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động bình thường của bàn tay

Đau: Cùng với liệt vận động và co cứng cơ, đau là một triệu chứng khá thường gặp sau tai biến mạch máu não, đặc biệt đau tay hay đau chi trên.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề đau này, phổ biến hay gặp bao gồm:

  • Co cứng cơ: cơ bị căng, gồng cứng, co rút, biến dạng khớp
  • Hội chứng Sudeck do rối loạn giao cảm, làm bàn tay bị phù nề, giảm hoạt động và đau
  • Bán trật khớp vai và trật khớp vai
  • Đau do nguyên nhân thần kinh

2.Cải thiện chức năng bàn tay

Khả năng vận động của tay, bàn tay sẽ được cải thiện dần, thời gian hồi phục tốt là trong 1 tháng đầu, và kéo dài đến 1 năm, sau đó khả năng hồi phục sẽ giảm dần.

Trong thời gian này, các bài tập vận động, bài tập chức năng chi trên, bài tập sinh hoạt hàng ngày và các phương pháp vật lý trị liệu, và các dụng cụ hỗ trợ như đai treo vai, nẹp tay có thể giúp bệnh nhân cải thiện tối đa khả năng vận động của bàn tay.

Tuy nhiên, với nhiều trường hợp, các vận động tinh tế như khả năng cầm nắm đồ vật, sự khéo léo của bàn tay sẽ không còn được như cũ, khiến cho các sinh hoạt gặp trở ngại và cần trợ giúp của các dụng cụ hỗ trợ.

2.1 Dụng cụ hỗ trợ chức năng bàn tay

Có rất nhiều dụng cụ hỗ trợ chức năng bàn tay cho bệnh nhân tai biến mạch máu não với mục đích để họ có cuộc sống độc lập nhất có thể sau khi bị bệnh, từ các dụng cụ cơ bản nhất trong sinh hoạt hàng ngày như thìa, đũa, cốc uống nước, lược chải đầu cho đến các công cụ như đồ làm bếp, mặc quần áo...

Các dụng cụ này sẽ được thiết kế khác biệt so với các dụng cụ nguyên bản ban đầu của người bình thường theo các nguyên tắc sau, phụ thuộc vào khả năng vận động của người bệnh.


Đũa thông minh (Nguồn ảnh: amazon.com)
Đũa thông minh (Nguồn ảnh: amazon.com)

2.2 Tăng kích thước tay cầm của đồ dùng

Vì vận động tinh tế của bàn tay giảm, nên các đồ dùng cầm tay của bệnh nhân tai biến thường được thiết kế với tay cầm lớn hơn để phù hợp với khả năng cầm nắm của người bệnh


Bộ dụng cụ hỗ trợ ăn uống tăng kích thước tay cầm của bệnh nhân tai biến (Nguồn ảnh: essentialaids.com)
Bộ dụng cụ hỗ trợ ăn uống tăng kích thước tay cầm của bệnh nhân tai biến (Nguồn ảnh: essentialaids.com)

2.3 Thay đổi hình dáng đồ vật

Để trợ giúp tình trạng hạn chế vận động, một số đồ vật được thiết kế với các hình dáng khác biệt so với hình dáng thông thường để phù hợp với khả năng của người bệnh.


Cốc khuyết mũi (Nguồn ảnh: essentialaids.com)
Cốc khuyết mũi (Nguồn ảnh: essentialaids.com)

Thìa cong (Nguồn: essentialaids.com)
Thìa cong (Nguồn: essentialaids.com)

2.4 Bổ sung thiết bị hỗ trợ cầm tay

Với các bệnh nhân có chức năng bàn tay quá kém, ngoài thay đổi kích thước và thay đổi hình dáng của đồ vật, bệnh nhân cần hỗ trợ thêm bằng các thiết bị hỗ trợ cầm nắm để gắn vào tay khi sử dụng.


Dụng cụ hỗ trợ cầm tay
Dụng cụ hỗ trợ cầm tay

2.5 Các vật dụng hỗ trợ thông minh

Với các hoạt động phức tạp, cần động tác khéo léo hơn, nhiều bệnh nhân tai biến sẽ cần các dụng cụ hỗ trợ tốt hơn.


Dụng cụ hỗ trợ đi tất (Nguồn: essentialaid)
Dụng cụ hỗ trợ đi tất (Nguồn: essentialaid)

Dụng cụ hỗ trợ cởi giày (Nguồn ảnh: essentialaids.com)
Dụng cụ hỗ trợ cởi giày (Nguồn ảnh: essentialaids.com)

Dụng cụ hỗ trợ bấm móng tay (Nguồn ảnh: healthproductsforyou.com)
Dụng cụ hỗ trợ bấm móng tay (Nguồn ảnh: healthproductsforyou.com)

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe