Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, BS. Đặng Mạnh Cường - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Sụn chêm là hai sụn lớn có vị trí trên đỉnh xương chày ở đầu gối, giúp bảo vệ khớp khỏi những lực kéo căng khi đi lại, chạy nhảy và leo trèo. Rách sụn chêm rất thường gặp do chấn thương gây ra bởi lực xoắn mạnh hoặc uốn cong quá mức khớp gối. Hình ảnh các tổn thương sụn chêm trên MRI là công cụ hữu ích nhằm xác định mức độ tổn thương và định hướng cách thức điều trị phù hợp.
1. Rách sụn chêm là gì?
Sụn chêm có nguồn gốc là từ nguyên bào sợi, giúp ngăn cách đầu dưới xương đùi và đầu trên của xương chày. Mỗi bên khớp gối có 2 sụn chêm, gồm sụn chêm trong và sụn chêm ngoài. Sụn chêm hoạt động giống như một cái nêm để hỗ trợ sự ổn định của khớp gối khi cử động. Đồng thời, khi chúng ta đi bộ, chạy và nhảy, đầu gối sẽ phải hấp thụ những lực cực lớn. Lúc này, lớp sụn cũng đóng vai trò như một lớp đệm, hấp thụ lực sang chấn mạnh, giảm thiểu tối đa lực dư thừa làm tổn thương bề mặt xương không bị hư hại. Hơn nữa, nhờ có sụn chêm, các nguồn lực từ nhiều hướng sẽ được phân tán rộng trên toàn bộ đầu gối thay vì cô lập chúng.
Ở những người trẻ tuổi, sụn chêm thường rất dễ bị rách khi đầu gối uốn cong hay bị xoắn vặn quá mức, chẳng hạn như đang xoay vòng cơ thể mà dừng lại đột ngột. Các bệnh cảnh tổn thương sụn chêm thường liên quan đến thể thao, chẳng hạn như bóng đá, quần vợt hoặc bóng rổ. Thậm chí, động tác quỳ xuống, ngồi xổm sâu hoặc nâng vật nặng lên đôi khi có thể dẫn đến rách sụn chêm. Các sụn này có thể bị rách theo bất kỳ hướng nào, tùy vào hướng lực tác động.
Ngược lại, ở người lớn tuổi, rách sụn chêm có thể là do sự thoái hóa tự nhiên. Song song đó, sự thoái hóa trên bề mặt xương đùi, trở nên thô ráp hơn sẽ xé rách lớp sụn chêm khi vốn dĩ chúng đã trở nên mềm hơn do thoái hóa. Trong những trường hợp này, phẫu thuật thường có chỉ định, không chỉ để sửa chữa sụn chêm mà còn giúp sửa chữa bề mặt khớp đã bị hư hỏng.
2. Triệu chứng của rách sụn chêm là gì?
Nếu bạn bị tổn thương sụn chêm do rách sụn chêm, bạn có thể có các dấu hiệu và triệu chứng tại đầu gối sau đây:
- Cảm giác mất ổn định ổ khớp
- Sưng khớp
- Cứng khớp
- Đau khớp, đặc biệt là khi vặn hoặc xoay đầu gối
- Khó duỗi thẳng đầu gối
Nếu các dấu hiệu trên kéo dài, bạn không đi khám, điều trị mà âm thầm chịu đựng, khả năng di chuyển của khớp gối sẽ giảm dần. Bạn luôn có các cơn đau đầu gối dai dẳng, cuối cùng là dễ bị viêm xương khớp, thoái hóa sớm ở đầu gối bị thương.
3. Chẩn đoán rách sụn chêm bằng cách nào?
Rách sụn chêm thường là một chẩn đoán được nghĩ đến đầu tiên khi bệnh nhân nhập viện với chấn thương tự phát tại đầu gối. Việc xác chẩn sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bác sĩ yêu cầu bạn di chuyển đầu gối, cử động chân theo các vị trí khác nhau, quan sát cách đi lại, nâng gối và cả ngồi xổm.
Tuy nhiên, để giúp xác định nguyên nhân của các dấu hiệu và triệu chứng của bạn, việc tham gia của các công cụ chẩn đoán hình ảnh là cần thiết.
- X-quang: Đây là phương tiện phổ biến, nhanh chóng và dễ dàng thực hiện. Tuy nhiên, giá trị của x-quang trong tổn thương sụn chêm lại khá hạn chế, bởi vì cấu trục của sụn là không thể xuất hiện trên phim x-quang. Dù vậy, chỉ định này có thể giúp loại trừ các vấn đề khác tại đầu gối cũng gây ra các triệu chứng tương tự.
- MRI: Phương tiện hình ảnh học này sử dụng sóng radio và từ trường mạnh để tạo ra hình ảnh chi tiết của cả mô cứng và mô mềm trong tổ chức khớp gối của bạn. Đây chính là cách thức nghiên cứu hình ảnh tốt để phát hiện rách sụn chêm.
- Nội soi ổ khớp: Khi tổn thương sụn chêm quá phức tạp, bác sĩ có thể sử dụng một dụng cụ gọi là máy nội soi khớp để kiểm tra các cấu trúc giải phẫu bên trong đầu gối của bạn. Thiết bị này sẽ được đưa vào qua một vết mổ nhỏ gần đầu gối, chứa nguồn sáng và một camera nhỏ, truyền hình ảnh phóng to từ bên trong đầu gối lên màn hình. Nếu cần thiết, dụng cụ phẫu thuật cũng có thể được đưa vào đồng thời qua máy soi khớp hoặc thông qua các vết mổ nhỏ khác ở đầu gối để sửa chữa vết rách.
4. Hình ảnh các tổn thương sụn chêm trên MRI
Máy chụp MRI (cộng hưởng từ) có bản chất là sự kết hợp các khối nam châm lớn, tần số vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết của các cơ quan và cấu trúc bên trong cơ thể. Ưu điểm của phương tiện này được phát huy trong việc chẩn đoán các bệnh lý ở sụn khớp, dây chằng, gân, xương hoặc cơ xung quanh.
Có độ nhạy khoảng 95% và độ đặc hiệu 81% đối với sụn chêm trong, có độ nhạy khoảng 85% và độ đặc hiệu 93% đối với sụn chêm bên, MRI là phương thức được lựa chọn khi nghi ngờ rách sụn chêm và mô tả hầu hết các đặc điểm của tổn thương này.
Hai tiêu chí xác định rách sụn chêm trên MRI quan trọng nhất là khi quan sát thấy (1) sụn chêm có hình dạng bất thường và (2) sụn chêm có cường độ tín hiệu cao nhưng lại tiếp xúc một cách không rõ ràng trên bề mặt của đầu xương.
Về vị trí và kiểu rách, hình ảnh sụn chêm trên MRI giúp phân loại thành các kiểu sau đây:
- Rách sụn chêm ngang: Đây là kiểu rách phổ biến, chiếm 32% tại sụn chêm trong. Bệnh nhân rách sụn chêm kiểu ngang thường lại không nhớ rõ tình trạng chấn thương cụ thể, chỉ đi khám vì cảm giác đau đầu gối mới xuất hiện hoặc tăng nhiều hơn khi đi lại, vận động. Chính vì thế, nguyên nhân của các trường hợp này thường được cho rằng do thoái hóa, nhất là ở những bệnh nhân hơn 40 tuổi mà không có chấn thương gối ban đầu.
- Rách sụn chêm dọc: Kiểu rách này có hình ảnh trên MRI là một đường rách kéo dài song song với chu vi của sụn. Đây là hệ quả hầu như luôn luôn liên quan đến chấn thương đầu gối ở mức độ đáng kể.
- Rách sụn chêm xuyên tâm: Đây là trường hợp có đường rách hình vòng, phát sinh từ rìa tự do của một sụn và kéo dài vào trong lòng sụn. Vị trí phổ biến nhất cho kiểu rách này là ở sụn chêm trong và có nguyên nhân là do xương đùi giữ trọng tâm của cơ thể trượt ra ngoài rìa của xương chày.
- Rách sụn chêm phức tạp: Kiểu rách này là khi sụn chêm bị rách không theo một đường gọn gàng mà rách một vạt, lan rộng trong một mặt phẳng tạo ra những vạt sụn riêng biệt. Đôi khi vạt sụn bị rách có thể tự xê dịch hoặc có thể bị dịch chuyển bởi đầu dò trong quá trình nội soi khớp.
- Rách sụn chêm thành nắp: Vết rách sụn chêm đã đi quá giới hạn chu vi sụn, tạo thành một mảnh sụn rời và bị dịch chuyển ra khỏi vị trí vết rách. Vai trò của MRI đầu gối trong kiểu rách này rất quan trọng nhằm xác định vị trí mảnh nắp trước khi nội soi. Đôi khi có thể khó tìm thấy mảnh rách do nó bị dịch chuyển khi nội soi khớp. Nếu không được loại bỏ, phần nắp rách sẽ gây đau đầu gối mạn tính và làm kẹt khớp gối.
5. Cách điều trị rách sụn chêm
5.1. Các điều trị ban đầu
Điều trị cho một bệnh nhân bị rách sụn chêm thường bắt đầu với các cách bảo tồn, tùy thuộc vào loại, kích thước và vị trí của vết rách trên diện sụn.
Trong đa số các trường hợp, vết rách trên khớp thường cải thiện theo thời gian với biện pháp điều trị như viêm khớp. Vì vậy, phẫu thuật tại thời điểm này thường không được chỉ định. Để bảo tồn khớp, bác sĩ sẽ đề nghị các cách thức như sau:
- Nghỉ ngơi: Tránh các hoạt động làm nặng thêm cơn đau đầu gối của bạn, đặc biệt là bất kỳ hoạt động nào khiến bạn cần phải vặn hoặc xoay đầu gối. Nếu cơn đau của bạn có mức độ nghiêm trọng, nên sử dụng nạng để có thể giảm áp lực lên đầu gối, thúc đẩy quá trình chữa lành.
- Chườm lạnh: Nước đá có thể làm giảm đau đầu gối và sưng viêm. Bạn có thể sử dụng một gói lạnh, một túi nước đá đông lạnh hoặc đơn giản là một chiếc khăn chứa đầy đá viên chườm tại đầu gối trong khoảng 15 phút mỗi lần; đồng thời cũng giữ cho đầu gối của bạn được nâng cao. Lặp lại cứ sau bốn đến sáu giờ trong các ngày đầu tiên và giãn cách dần trang các ngày sau đó khi đã bớt sưng viêm.
- Thuốc: Thuốc giảm đau không kê đơn là hữu ích giúp thuyên giảm bớt các cơn đau đầu gối.
5.2. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu đúng cách có thể giúp bạn tăng cường sức mạnh cơ bắp quanh đầu gối và ở chân để giúp ổn định, hỗ trợ chức năng khớp gối.
5.3. Phẫu thuật
Nếu đầu gối của bạn vẫn đau mặc dù đã điều trị phục hồi chức năng tích cực, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Đôi khi can thiệp cần để sửa chữa phần sụn rách, đặc biệt là ở trẻ em và thanh niên.
Nếu vết rách không thể được sửa chữa tối thiểu, lớp sụn có thể được phẫu thuật cắt bỏ, thông qua các vết mổ nhỏ bằng phương pháp nội soi khớp. Dù vậy, sau phẫu thuật, bạn vẫn cần phải thực hiện các bài tập để duy trì sức mạnh và sự ổn định của đầu gối.
Trong trường hợp rách sụn chêm do thoái hóa tiến triển, bác sĩ có thể phẫu thuật kết hợp thay khớp gối. Tuy nhiên, đối với những người trẻ tuổi, lớp sụn chêm bị rách có thể thay thế bằng sụn khớp cấy ghép hay dùng sụn hiến.
Tóm lại, tổn thương sụn chêm do rách sụn chêm khá thường gặp sau chấn thương đầu gối ở người trẻ tuổi và do thoái hóa ở người cao tuổi. Dù là nguyên nhân nào, chỉ định chụp MRI luôn cần thiết. Các hình ảnh sụn chêm trên MRI sẽ giúp bác sĩ chỉnh hình xác định tổn thương và lên kế hoạch điều trị, cải thiện chức năng khớp gối cho người bệnh, hạn chế di chứng lâu dài.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
Trước khi nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park từ tháng 12 năm 2017, Bác sĩ Đặng Mạnh Cường có trên 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực siêu âm – chẩn đoán hình ảnh ở các Bệnh viện Giao thông vận tải Hải Phòng, Phòng MRI bệnh viện Nguyễn Tri Phương và khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Quốc tế Becamex.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.