Rách sụn chêm khớp gối gây ra nhiều triệu chứng như đau nhức, sưng tấy, cứng khớp, khó vận động,... Tình trạng này thường xảy ra do chấn thương trong sinh hoạt, tai nạn giao thông hoặc chơi thể thao. Vậy, rách sụn chêm có thể tự lành hay không và cần phẫu thuật hay không sẽ được giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Rách sụn chêm khớp gối là gì?
Sụn chêm là miếng sụn xơ hình chữ C nằm ở đầu gối, đóng vai trò như "miếng đệm" giúp nhận lực khi khớp gối bị va đập. Mỗi bên đầu gối có 2 sụn chêm, nằm giữa đầu xương đùi và xương chày, được chia thành sụn chêm trong và sụn chêm ngoài dựa trên vị trí của sụn chêm.
Rách sụn chêm khớp gối là tổn thương thường gặp trong các loại chấn thương đầu gối, vì khi khớp gối chịu áp lực lớn, đặc biệt khi vặn xoắn hoặc xoay vòng trong lúc đang chịu toàn bộ sức nặng cơ thể, sụn chêm có thể bị rách.
Người bị rách sụn chêm đầu gối thường gặp các triệu chứng sau:
- Đau, sưng và cứng khớp gối.
- Chân khó duỗi thẳng hoàn toàn hoặc gập lại.
- Khi cử động đầu gối, người bệnh có thể nghe thấy tiếng lục khục hoặc tiếng "nổ" khi mảnh sụn chêm bị rách.
Mặc dù nhiều người bị rách sụn chêm khớp gối vẫn có thể đi lại bình thường, thậm chí cầu thủ bóng đá vẫn có thể thi đấu tiếp sau khi rách, nhưng 2-3 ngày sau, đầu gối sẽ sưng lên, gây khó khăn cho việc vận động, cảm giác gối bị mất linh hoạt.
Trong quá trình khám, bệnh nhân cảm thấy đau đớn khi bác sĩ ấn vào khe khớp. Ngoài ra, khi bị rách sụn chêm, nghiệm pháp Macmurray và Appley sẽ cho ra kết quả dương tính.
2. Rách sụn chêm có tự lành không?
Rách sụn chêm có tự lành không và có cần phẫu thuật không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bác sĩ sẽ quyết định dựa trên:
- Mức độ nghiêm trọng của chấn thương .
- Loại rách, vị trí sụn chêm bị rách.
- Tuổi tác và mức độ hoạt động của bệnh nhân.
- kết quả chẩn đoán hình ảnh khớp gối (như chụp X-quang, chụp MRI).
Vị trí rách sụn chêm đóng vai trò quan trọng trong việc xác định rách sụn chêm khớp gối có tự lành không và có phải mổ không:
- Mặt ngoài sụn chêm: giàu mạch máu, nếu vết rách nhỏ có khả năng tự lành cao. Tuy nhiên, trường hợp nghiêm trọng vẫn cần phẫu thuật.
- Hai phần ba bên trong mặt sụn chêm: ít mạch máu, khả năng tự lành thấp, thường cần phẫu thuật nội soi cắt bỏ sụn chêm bị rách.
Ngoài ra, quyết định phẫu thuật còn phụ thuộc vào tuổi tác, kỳ vọng sức khỏe và những yếu tố khác.
3. Cách điều trị rách sụn chêm đầu gối
3.1 Điều trị bảo tồn
Phương pháp điều trị bảo tồn được chỉ định đối với các trường hợp:
- Vết rách nhỏ ở bờ ngoại vi.
- Kết quả lâm sàng cho thấy bệnh nhân vẫn vận động bình thường, khớp gối vững, chuyển động khớp không bị ảnh hưởng.
Cách điều trị bảo tồn cho rách sụn chêm khớp gối:
- Chườm đá: 20 phút mỗi lần, vài lần mỗi ngày bằng túi chườm đá để giảm sưng.
- Băng thun đầu gối: Giúp giảm sưng nề.
- Hạn chế vận động: Có thể sử dụng nạng để hỗ trợ di chuyển.
- Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, bất động khớp gối.
- Sử dụng thuốc: Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid, thuốc giảm phù nề theo chỉ định của bác sĩ.
- Kê cao chân: Kê cao chân so với tim bằng gối hoặc đệm khi nằm có thể giảm sưng khớp gối và thúc đẩy quá trình hồi phục sụn chêm do rách.
Ở người bệnh cao tuổi bị rách sụn chêm khớp gối do thoái hóa khớp hoặc viêm xương khớp, cách điều trị rách sụn chêm đầu gối không phẫu thuật thường được ưu tiên hơn vì hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
3.2 Phẫu thuật
Sửa chữa sụn chêm bằng phương pháp nội soi khớp gối là kỹ thuật hiện đại sử dụng camera mini đưa vào khớp gối để quan sát và thao tác dụng cụ. Nhờ vậy, bác sĩ có thể sửa chữa hoặc loại bỏ sụn hư hại một cách chính xác, bảo tồn tối đa phần sụn lành, giúp khớp gối vận động linh hoạt sau phẫu thuật.
Các phương pháp phẫu thuật sụn chêm khớp gối bị rách:
- Cắt bỏ toàn bộ sụn chêm: Loại bỏ hoàn toàn sụn chêm đến tận bao khớp, là phương pháp điều trị ít được áp dụng hiện nay.
- Cắt một phần sụn chêm bị tổn thương: Dành cho trường hợp rách sụn chêm khớp gối ở vùng vô mạch.
- Khâu sụn chêm: Áp dụng khi rách sụn chêm khớp gối ở vùng giàu mạch máu, rách dọc, dài dưới 2cm và mới xảy ra dưới 8 tuần. Khâu sụn chêm cần được thực hiện sớm để đạt hiệu quả cao. Nếu để muộn, tổn thương tại vị trí rách sẽ bị xơ hóa, khiến khả năng phục hồi thấp hơn nhiều.
- Ghép sụn chêm: Ghép sụn là kỹ thuật y khoa tiên tiến đòi hỏi sử dụng sụn chêm đồng loại để phục hồi sụn khớp bị tổn thương. Do tính phức tạp, hiện nay Việt Nam chưa thể thực hiện phương pháp điều trị này.
4. Biến chứng của rách sụn chêm
Rách sụn chêm khớp gối nếu không phát hiện sớm để điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng sau, bao gồm:
- Đau nhức khớp dữ dội: Cơn đau có thể tăng khi người bệnh nghiêng người sang hai bên.
- Teo cơ tứ đầu đùi: Biến chứng này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng duỗi thẳng chân mà còn khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc di chuyển, vận động.
- Hư khớp gối: Nếu không phát hiện sớm tình trạng rách sụn chêm, những tổn thương có thể trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn đến việc cắt bỏ sụn chêm, gây thoái hóa và hư khớp gối nhanh chóng, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi.
- Tổn thương các bộ phận khác: Người bị rách sụn chêm có thể đi kèm các tổn thương khác như bong chỗ bám dây chằng, tổn thương dây chằng.
Rách sụn chêm có tự lành không không chỉ phụ thuộc vào mức độ tổn thương mà còn liên quan đến tình trạng, vị trí rách và kết quả cận lâm sàng. Do vậy, bác sĩ sẽ dựa trên các yếu tố này để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.