Bạn đang đối diện với một số điều choáng ngợp khi biết mình bị ung thư, phải điều trị bệnh, có thể bị tái phát, và giờ bác sĩ cho biết rằng cơ hội điều trị không còn nhiều, hoặc bệnh không đáp ứng với điều trị và bạn không có cơ hội khỏi bệnh nữa. Hay thậm chí là không còn cách điều trị. Bạn và người thân thấy suy sụp vì những điều này, nhất là khi lần đầu nghe tin.
Nhiều người chia sẻ họ đã thay đổi cách nhìn nhận về cuộc sống sau khi họ biết tình hình bệnh không còn đáp ứng với điều trị. Họ nhận ra ý nghĩa của việc tận hưởng cuộc sống mỗi ngày.
Lựa chọn cách chăm sóc
Mỗi người có mục tiêu khác nhau khi đối mặt với bệnh ung thư tiến triển và những mục tiêu ấy có thể thay đổi. Bạn có thể đã biết không còn nhiều cách để chữa trị, hoặc có lẽ bạn đã hi vọng bệnh của mình sẽ thuyên giảm. Tuy nhiên, bây giờ bạn cần biết làm sao để kiểm soát bệnh tiến triển. Quyết định điều trị sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chính bạn. Bạn có thể cần sự hỗ trợ từ người thân và nhân viên y tế. Nhưng chỉ bạn mới có thể quyết định mình cần làm gì.
Những vấn đề có thể bạn quan tâm
- Thay đổi phương pháp điều trị có kết quả gì? Nhằm mục đích gì
- Để điều trị triệu chứng, làm chậm tiến triển bệnh, hay cả hai?
- Điều gì có thể xảy ra khi thay đổi phương pháp điều trị?
- Tác dụng phụ và nhược điểm của phương pháp điều này là gì? Có hay gặp không?
- Cách điều trị này có tác dụng hơn?
Bạn cần phải chia sẻ mong muốn của mình với đội ngũ nhân viên y tế chăm sóc cho bạn. Bạn cũng nên cho họ biết bạn cần những thông tin gì và tìm hiểu về tiên lượng bệnh.
Trao đổi với Đội ngũ chăm sóc bạn
Khi bệnh tiến triển, bạn cần trao đổi với bác sĩ. Đó là cách duy nhất để bác sĩ xác định điều trị phù hợp với bạn. Trong nhiều trường hợp, một nhóm các nhân viên y tế bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên xã hội, chuyên gia dinh dưỡng, và các chuyên khoa khác sẽ chăm sóc bạn.
Họ cần biết bạn mong đợi gì trong quá trình điều trị tích cực cũng như giai đoạn sau đó. Hãy chia sẻ mọi băn khoăn của bạn. Bạn có quyền sống một cách thanh thản, được tôn trọng những giá trị của bạn. Vì vậy, cần có sự chia sẻ, thấu hiểu giữa bạn với những người chăm sóc.
Mẹo chuẩn bị cho buổi tư vấn với Đội ngũ y tế:
- Lập trước sẵn danh sách các thắc mắc của bạn.
- Đi cùng với người thân hoặc bạn thân. Họ sẽ giúp bạn ghi nhớ những gì bác sĩ hay điều dưỡng trao đổi.
- Hỏi mọi điều bạn muốn hỏi. Nếu bạn không hiểu, hãy hỏi cho đến khi bạn rõ. Hãy nhớ rằng không có gì là ngớ ngẩn khi bạn đặt câu hỏi cả.
- Hãy hỏi cách xử trí tình huống cấp cứu như cần liên hệ với ai, nơi nào, liên hệ như thế nào.
Cách xử trí triệu chứng
Mỗi người phản ứng với ung thư và việc điều trị ung thư khác nhau. Một số có triệu chứng trong khi số khác không có dấu hiệu gì trong một thời gian dài. Nhưng, bạn có quyền được chữa trị khi bị bệnh.
- Đau: không phải bị ung thư lúc nào cũng đau. Tuy nhiên nếu bị đau thì bạn không nên chịu đựng vì hầu hết đau có thể kiểm soát được với thuốc và trị liệu. Xử trí đau sẽ giúp bạn ăn ngủ tốt hơn, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn để dành thời gian cho gia đình và bạn bè cũng như có thể làm những điều bạn thích.
- Lo âu: Ung thư hủy hoại cả cơ thể và tâm trí. Hiện giờ bạn phải đối mặt với nhiều thứ, bạn có thể cảm thấy choáng ngợp nên lo lắng có thể là bình thường. Tuy nhiên nếu lo âu làm cuộc sống hàng ngày, hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế. Họ có thể giúp bạn biết bạn cần nói chuyện với ai. Tư vấn với chuyên gia sức khỏe tâm thần đã được chứng minh có tác dụng giúp nhiều người đối phó với lo âu. Bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc giúp bạn kiểm soát lo âu.
- Mệt mỏi: là khi bạn cảm giác mệt hơn bình thường. Kiệt sức – không thể thực hiện kể cả những việc nhỏ hàng ngày bạn vẫn làm. Một số nguyên nhân có thể gây mệt mỏi ngoài ung thư và việc điều trị ung thư như rối loạn lo âu, căng thẳng, thay đổi chế độ ăn uống ngủ nghỉ. Nếu bạn bị những vấn đề này, bạn có thể muốn trao đổi với nhân viên y tế. Một số phương thuốc có thể điều trị mệt mỏi.
- Chán ăn và Thay đổi thể chất: Khi bị ung thư giai đoạn muộn, bạn thường bị chán ăn. Hoặc dù bạn ăn uống đầy đủ nhưng cơ thể không hấp thụ được chất dinh dưỡng dẫn tới sụt cân, mất mỡ, và cơ.
Điều dưỡng, chuyên gia dinh dưỡng, và đội ngũ nhân viên y tế có thể giúp bạn điều chỉnh chế độ ăn phù hợp. - Lú lẫn: Bạn có thể thấy mình dường như bị nhầm lẫn hay quên. Tình trạng này hay gặp khi bệnh tiến triển nhưng cũng có thể là do thuốc. Lú lẫn có thể xảy ra đột ngột hoặc thỉnh thoảng xuất hiện trong ngày với các biểu hiện như khó tập trung, có vấn đề về trí nhớ và nhận thức. Nếu bạn thấy những dấu hiệu này, hãy trao đổi với đội ngũ nhân viên y tế để xác định nguyên nhân và cách xử trí.
Ứng phó với cảm xúc
Cảm xúc đến rồi đi là một phần tất yếu của cuộc sống nhưng bạn có thể áp dụng một số cách sau để kiểm soát cảm xúc.
- Trước hết, hãy biết rằng bạn không đơn độc. Nhiều người cũng trải qua hoàn cảnh như bạn. Một số chọn cách tâm sự với bạn bè và người thân. Một số cảm thấy ổn hơn khi họ tham gia vào một nhóm hỗ trợ - nơi mà họ có thể chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ.
- Bạn vẫn có thể hi vọng dù mắc ung thư nhưng những gì bạn hi vọng sẽ thay đổi. Khi biết không thể khỏi bệnh, bạn vẫn còn có thể mong đợi những điều khác. Đó có thể là cảm giác nhẹ nhàng, yên bình, chấp nhận hoàn cảnh, và thậm chí là cảm giác được vui vẻ. Hi vọng có thể giúp bạn tìm được mục tiêu sống và cảm thấy ổn hơn.
- Không có gì là bất thường nếu bạn thấy buồn. Bạn cũng có thể cảm thấy chẳng còn chút năng lượng nào hay không màng ăn uống. Bạn có thể khóc hoặc buồn theo cách của riêng bạn, không cần lúc nào cũng phải lạc quan hoặc giả vờ vui vẻ trước mặt mọi người. Tỏ ra ổn sẽ không giúp bạn cảm thấy đỡ hơn, thậm chí điều đó có thể khiến bạn và những người thân yêu trở nên xa cách. Đừng kìm nén cảm xúc mà hãy để nó tự nhiên.
- Những người trải qua mất mát hay biến cố lớn có thể cần được hỗ trợ thêm. Bạn có thể tư vấn với đội ngũ nhân viên y tế, một người mà bạn tin tưởng, hay chuyên gia sức khỏe tâm thần, sẽ luôn có người giúp đỡ chia sẻ cùng bạn.