Hẹp khe khớp gối và thoái hóa khớp gối là hai khái niệm thường được nhắc đến cùng nhau. Thoái hóa khớp là quá trình thoái hóa của sụn khớp gối, dẫn đến việc giảm dần độ dày của sụn và hẹp dần khoảng cách giữa các đầu xương. Tình trạng hẹp khe khớp gối là một trong những dấu hiệu đặc trưng của thoái hóa khớp.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Hẹp khe khớp gối là gì?
Hẹp khe khớp gối là một dấu hiệu thoái hóa khớp gối đặc trưng, kèm hình thành các gai xương. Tình trạng thoái hóa khớp gây hẹp khe khớp đang nhận được sự quan tâm lớn do tỷ lệ mắc ngày càng cao, đặc biệt ở những quốc gia có tuổi thọ trung bình cao, như Việt Nam.

Thoái hóa khớp gối là bệnh lý phổ biến ở người lớn tuổi, tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ thường cao hơn so với nam giới. Hẹp khe khớp gối xảy ra khi lớp sụn khớp bên ngoài đầu xương bị mài mòn và bong tróc, điều này có thể xảy ra do quá trình lão hóa tự nhiên hoặc do các yếu tố bên ngoài tác động như chấn thương.
Khi các mảnh sụn khớp cùng với phần xương dưới sụn bị vỡ, chúng thường kẹt lại trong ổ khớp. Cơ thể coi những mảnh này như dị vật trong khớp gối (loose bodies), kích hoạt phản ứng viêm khớp.
Ngoài ra, khi lớp sụn khớp (vốn không có dây thần kinh cảm giác đau) bị bong ra, phần xương dưới sụn (có dây thần kinh cảm giác đau) sẽ lộ ra và cọ xát với đầu xương đối diện trong quá trình vận động. Đây chính là lý do khiến bệnh nhân bị hẹp khe khớp gối cảm thấy đau nhức dữ dội.
2. Phân loại thoái hóa khớp gối và hẹp khe khớp gối
Căn cứ vào nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp gối và hẹp khe khớp gối, bệnh được chia thành hai thể khác nhau, cụ thể là:
- Thoái hóa khớp và hẹp khe khớp nguyên phát: Nguyên nhân chính thường là do quá trình lão hóa tự nhiên. Bệnh lý này chủ yếu xuất hiện ở người trên 50 tuổi.
- Thoái hóa khớp và hẹp khe khớp thứ phát: Thường có liên quan đến một số yếu tố sau đây:
- Chấn thương và vi chấn thương: Những tổn thương này ảnh hưởng đến bề mặt sụn khớp, bao gồm gãy xương, trật khớp có tổn thương sụn đi kèm.
- Yếu tố nội tiết và chuyển hóa: Các tình trạng như suy giáp, bệnh to đầu chi, hoặc sự thay đổi nội tiết ở phụ nữ sau mãn kinh.
- Các dị tật bẩm sinh: Bao gồm khớp lỏng lẻo bẩm sinh.
- Viêm khớp nhiễm khuẩn cấp tính hoặc mãn tính.
- Viêm khớp không nhiễm khuẩn: Điển hình như viêm khớp dạng thấp.
- Thiếu máu nuôi dưỡng: Dẫn đến hoại tử xương hoặc loạn dưỡng xương.
- Bệnh lý liên quan đến máu: Chẳng hạn như rối loạn đông máu (Hemophilia) hoặc u máu.

3. Triệu chứng
Những dấu hiệu thoái hóa khớp gối và hẹp khe khớp gối là:
- Đau khớp âm ỉ và chịu ảnh hưởng của các yếu tố cơ học. Cơn đau gia tăng khi có sự di chuyển hoặc thay đổi tư thế cơ thể. Ngược lại, khi khớp được nghỉ ngơi, cơn đau sẽ giảm. Tình trạng đau có thể diễn ra theo các chu kỳ dài ngắn không đều.
- Giới hạn khả năng vận động: Sụn khớp bị bong tróc làm hẹp khoảng cách giữa các đầu xương, gây cọ sát. Kết quả là các chuyển động của khớp gối bị ảnh hưởng, đặc biệt khi thay đổi tư thế đột ngột, leo cầu thang hay ngồi xổm.
- Biến dạng khớp gối: Thoái hóa khớp gối thường không làm thay đổi hình dạng của khớp gối một cách rõ rệt. Song song với việc khe khớp bị thu hẹp, gai xương cũng là nguyên nhân khiến khớp gối bị biến dạng.
- Khi di chuyển khớp gối, bệnh nhân có thể phát ra tiếng “lục khục”.
- Triệu chứng của "khớp bị hư hại": Vào sáng sớm, khớp gối thường bị cứng, không thể vận động, nhưng hiện tượng này chỉ kéo dài trong khoảng dưới 30 phút.
- Có thể sờ thấy những gai xương lớn xung quanh khớp.
- Teo cơ quanh khớp là biến chứng do sự hạn chế vận động.

4. Các xét nghiệm giúp chẩn đoán thoái hóa khớp gối
- Khi tiến hành chẩn đoán thoái hóa khớp gối bằng cách chụp X-quang khớp gối, ba dấu hiệu cơ bản mọi người thường gặp là:
- Hẹp khe khớp gối: Các bờ khe khớp không đồng đều.
- Có sự đặc xương dưới lớp sụn.
- Gai xương xuất hiện: Những gai xương thô và đặc thường thấy ở vùng giao giữa xương, sụn khớp và màng hoạt dịch.
- Do chi phí khá cao, kỹ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp vi tính (CT scan) ít được áp dụng để chẩn đoán hẹp khe khớp gối.
- Nội soi khớp giúp hỗ trợ điều trị và phát hiện các tổn thương liên quan trong thoái hóa khớp.
- Siêu âm khớp có thể chỉ ra sự xuất hiện của gai xương và dịch trong ổ khớp.

5. Phân độ thoái hóa khớp gối và hẹp khe khớp gối trên X quang
Phân độ thoái hóa khớp gối theo tiêu chuẩn Kellgren và Lawrence trên phim X-quang như sau:
- Độ 1: Không có dấu hiệu hẹp khe khớp gối, thỉnh thoảng chỉ thấy gai xương nhỏ.
- Độ 2: Khe khớp gối hẹp nhẹ, kèm theo gai xương nhỏ xuất hiện.
- Độ 3: Khe khớp gối bị hẹp rõ rệt, có nhiều gai xương vừa phải, đôi khi xuất hiện đặc xương dưới sụn hoặc sự biến dạng của đầu xương.
- Độ 4: Khe khớp gối hẹp nghiêm trọng, gai xương to, đặc xương dưới sụn và đầu xương biến dạng rõ rệt.
6. Điều trị hẹp khe khớp gối
6.1 Điều trị hẹp khe khớp gối không dùng thuốc
- Tư vấn cho bệnh nhân về cách tránh những yếu tố khiến khớp bị quá tải, như việc vận động quá mức, thừa cân béo phì.
- Cần thay đổi thói quen để tránh các tư thế không đúng, gây lệch trục khớp.
- Vật lý trị liệu chủ yếu nhằm làm giảm cơn đau, cung cấp dinh dưỡng và cải thiện tuần hoàn máu cho các cơ quanh khớp. Phương pháp điều trị bao gồm sử dụng tia hồng ngoại, liệu pháp chườm nóng, suối khoáng hoặc tắm bùn ấm.
- Thủy liệu pháp đang được ứng dụng rộng rãi trong điều trị thoái hóa khớp, đặc biệt là đối với những trường hợp nặng. Môi trường nước kết hợp với nước ấm giúp giảm áp lực lên các khớp, nhờ đó giảm đau và sưng viêm. Áp suất thủy tĩnh và sức nổi của nước hỗ trợ các khớp vận động dễ dàng hơn, giúp phục hồi chức năng khớp.
6.2 Điều trị giảm triệu chứng
- Các thuốc giảm đau sử dụng đơn lẻ bao gồm Acetaminophen (Paracetamol, Efferalgan) và Morphin.
- Khi cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể kết hợp với các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) dạng uống hoặc tiêm như Diclofenac, Meloxicam, Piroxicam, Celecoxib hoặc các loại thuốc bôi ngoài da giúp giảm đau hiệu quả và ít gây tác dụng phụ so với các loại thuốc dùng toàn thân. Cần lưu ý không kết hợp đồng thời hai thuốc NSAIDs, vì điều này có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ mà không mang lại hiệu quả giảm đau đáng kể.
- Thuốc Corticosteroid giảm đau thường được tiêm nội khớp và không nên dùng qua đường toàn thân.

6.3 Điều trị theo cơ chế bệnh sinh
- Một số thuốc giảm đau tuy chậm nhưng hoạt động theo cơ chế gây bệnh, ví dụ như Glucosamine sulfate, Chondroitin sulfate (có thể dùng kết hợp giữa glucosamine và chondroitin) hoặc thuốc Diacerhein.
- Cung cấp chất nhầy cho dịch khớp.
- Tiêm huyết thanh tươi giàu tiểu cầu tự thân: Đây là phương pháp mới trong điều trị hẹp khe khớp gối, đem lại hiệu quả khá tốt. Phương pháp này được áp dụng cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối mức độ I, II, III.
6.4 Điều trị ngoại khoa
Trong trường hợp bệnh nhân bị hạn chế vận động, đau dữ dội và triệu chứng không thuyên giảm dù đã dùng thuốc, điều trị ngoại khoa có thể là một lựa chọn. Các phương pháp điều trị bao gồm:
- Nội soi khớp: Đối với bệnh nhân bị thoái hóa và hẹp khe khớp gối tiến triển nhanh, đặc biệt là người cao tuổi hoặc không thể thực hiện phẫu thuật thay khớp gối, phương pháp nội soi có thể được áp dụng để điều trị.
- Phương pháp điều chỉnh trục bằng cách đục xương.
- Phẫu thuật thay khớp nhân tạo: Áp dụng thay thế khớp bán phần hoặc toàn phần cho bệnh nhân có triệu chứng nặng, giảm sút vận động nghiêm trọng, có khả năng tài chính và kháng trị đối với các liệu pháp điều trị khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Xem thêm:
- Thay khớp gối - giải pháp cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối nặng
- Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối
- Điều trị đau bằng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)
- Huyết tương giàu tiểu cầu: Phương pháp điều trị đau tận gốc, an toàn, nhanh chóng