Bài viết được viết bởi các bác sĩ khoa Nội ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Hệ miễn dịch rất cần thiết cho sự sống. Nếu không có hệ miễn dịch, cơ thể sẽ dễ dàng bị tấn công bởi vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, v.v.... hệ miễn dịch giữ cho chúng ta khỏe mạnh khi phải tiếp xúc với mầm bệnh. Hệ miễn dịch có ở khắp cơ thể và liên quan đến nhiều loại tế bào, cơ quan, protein và mô. Những người mắc ung thư trải qua các bước điều trị như hóa trị, xạ trị...cũng thường có hệ miễn dịch yếu.
1. Ung thư vú ảnh hưởng đến hệ miễn dịch như thế nào?
Một nghiên cứu mới đây đã phân tích tác dụng lâu dài của hóa trị liệu đối với bệnh nhân ung thư vú. Kết quả cho thấy hóa trị liệu làm suy yếu hệ miễn dịch trong vòng ít nhất 9 tháng sau khi điều trị. Điều này có thể làm bệnh nhân không đủ khả năng phòng chống các bệnh viêm nhiễm trùng thông thường như viêm phổi và uốn ván dù đã được tiêm phòng trước đó.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Ung thư Vú – của Đại học Leeds và Bệnh viện NHS Trust ở Anh.
Một trong những tác giả, Thomas Hughes, phó giáo sư tại Khoa Y tại Leeds, nói: “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy tác động của hóa trị liệu tồn tại lâu đến như vậy”
Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ và lấy đi hơn nửa triệu mạng sống trên toàn thế giới mỗi năm.
Bệnh được điều trị đa mô thức bao gồm phẫu thuật loại bỏ khối u kết hợp với các phương pháp khác như liệu pháp hormone, xạ trị và/hoặc hóa trị liệu để tiêu diệt tế bào ung thư còn lại. Thuốc hóa trị tấn công các tế bào ung thư phân chia nhanh chóng. Nhưng các tế bào khác, ví dụ như những tế bào trong tủy xương nơi tạo ra các tế bào bạch cầu cũng phân chia và có khả năng bị ảnh hưởng bởi hóa trị.
2. Một số tế bào lympho và kháng thể bị suy yếu trong vòng 9 tháng
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 88 bệnh nhân ung thư vú nguyên phát trong các khoảng thời gian khác nhau từ 2 tuần đến 9 tháng sau khi kết thúc hóa trị. Họ theo dõi mức độ của hệ miễn dịch, bao gồm kháng thể và một nhóm các tế bào bạch cầu gọi là tế bào lympho. Dữ liệu cho thấy mức độ của các tế bào lympho T, B và tế bào diệt tự nhiên NK , những tế bào có chức năng bảo vệ cơ thể chống nhiễm trùng đã giảm đáng kể sau khi hóa trị.
Ảnh hưởng này chỉ ngắn hạn đối với hầu hết các loại tế bào lympho, vì những tế bào này sẽ trở lại mức độ như trước khi hóa trị liệu sau thời gian 9 tháng. Nhưng các tế bào B và tế bào T hỗ trợ chỉ đạt 65% mức độ như trước khi hóa trị sau 6 tháng, và duy trì ở mức đó 3 tháng tiếp theo. Các tế bào B tạo ra các kháng thể và các tế bào T hỗ trợ cũng góp phần trong nhiệm vụ đó.
Kháng thể rất quan trọng để giúp hệ miễn dịch xác định và loại bỏ mầm bệnh như virus và vi khuẩn. Có các kháng thể khác nhau đối với từng mầm bệnh khác nhau. Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng mức độ kháng thể chống lại các loại vi khuẩn gây bệnh uốn ván và viêm phổi giảm sau khi hóa trị và vẫn giảm ở thời điểm sau 9 tháng.
3. Ảnh hưởng suy giảm miễn dịch khác nhau đối với từng liệu pháp hóa trị khác nhau
Khi so sánh các liệu pháp hóa trị khác nhau, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng phác đồ chỉ dùng anthracycline sẽ làm giảm số lượng các tế bào B và tế bào T hỗ trợ so với ban đầu, nhưng sẽ phục hồi gần như mức bình thường sau một thời gian từ khi kết thúc điều trị.
Tuy nhiên, sau khi điều trị hóa trị bao gồm có thuốc dòng anthracycline sau đó là dòng taxan, mức độ giảm của các tế bào B và tế bào T hỗ trợ hồi phục rất chậm
Các tác giả lưu ý rằng việc hút thuốc cũng có ảnh hưởng, với một số tế bào miễn dịch chỉ hồi phục 50% như trước khi hóa trị ở những người hút thuốc, trong khi đạt tới 80% ở những người không hút thuốc.
Các nhà nghiên cứu cho thấy "Cần phải tính đến sức khỏe miễn dịch của bệnh nhân ung thư vú khi lập kế hoạch điều trị, nhưng cũng cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định điều này có cải thiện kết quả của bệnh nhân hay không."
4. Làm gì để cải thiện hệ miễn dịch sau hóa trị?
Liệu pháp miễn dịch tự thân - AEIT (autologous enhancement immunological therapy) chính là một giải pháp đáp ứng được các yêu cầu này.
Nguyên lý của liệu pháp AEIT là tách các tế bào miễn dịch từ máu ngoại vi người bệnh, nuôi cấy chọn lọc trong môi trường đặc biệt để gia tăng số lượng tế bào miễn dịch, sau đó truyền trở lại các tế bào này vào cơ thể của chính bệnh nhân đó. Liệu pháp này có thể sử dụng nhiều loại tế bào miễn dịch khác nhau như: Tế bào giết tự nhiên NK (Natural Killer cells), tế bào T gây độc CTL (cytotoxic T cells) ...
Từ tháng 10/2018, Bộ Y tế đã cho phép áp dụng Liệu pháp miễn dịch tự thân tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City – nơi đầu tiên ở Việt Nam được áp dụng phương pháp này trong điều trị.
Vinmec đã xây dựng quy trình chuẩn, đảm bảo truyền tế bào miễn dịch an toàn, không có các biến chứng nặng, đạt hiệu quả tối ưu. Vinmec đã mang tới cho người bệnh ung thư Việt Nam cơ hội được phát hiện sớm, khám và điều trị trong điều kiện tốt, với chi phí hợp lý mà không phải ra nước ngoài.
Khách hàng có thể trực tiếp đến Vinmec Times City để thăm khám hoặc liên hệ hotline 0243 9743 556 để được hỗ trợ.
XEM THÊM:
- Quy trình thực hiện liệu pháp tăng cường hệ miễn dịch tự thân hỗ trợ điều trị ung thư tại Vinmec
- Cơ hội đẩy lùi ung thư bằng liệu pháp miễn dịch tự thân theo công nghệ Nhật Bản
- Liệu pháp mới trong điều trị ung thư hoàn toàn thực hiện được tại Việt Nam mà không cần ra nước ngoài