Mặc dù viêm quanh khớp vai là một bệnh lý phổ biến nhưng nhiều người bệnh thường không chú trọng đến việc điều trị sớm và dứt điểm ngay từ giai đoạn đầu. Tình trạng này có thể dẫn đến tàn phế và thường xuất hiện ở những bệnh nhân có thái độ chủ quan khi mắc bệnh. Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về bệnh thông qua bài viết nhé!
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BSCK I Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Viêm quanh khớp vai gây tàn phế thế nào?
Khớp vai là khớp có phạm vi vận động rộng nhất trong tất cả các khớp cơ thể. Viêm quanh khớp vai là bệnh lý phổ biến, gây đau và hạn chế cử động khớp vai. Ban đầu, các triệu chứng có thể chỉ là đau nhẹ và âm ỉ, do đó nhiều người thường bỏ qua không đi khám và điều trị.
Tuy nhiên, khi cơn đau tăng lên và khả năng vận động của vai giảm đi, tình trạng này ảnh hưởng nhiều đến khả năng lao động và sinh hoạt hàng ngày.
Viêm quanh khớp vai là tình trạng tổn thương các mô mềm xung quanh khớp, bao gồm gân, cơ, dây chằng và bao khớp. Bệnh không ảnh hưởng đến đầu xương, sụn khớp và màng hoạt dịch.
Viêm quanh khớp vai là một tình trạng phổ biến, đặc biệt là ở nhóm tuổi từ 40 đến 60 với tỷ lệ khoảng 3-5% trong độ tuổi này. Bệnh thường gặp ở nam giới nhiều hơn so với nữ giới.
Viêm quanh khớp vai bao gồm các dạng sau:
- Viêm quanh khớp vai đơn thuần xuất phát từ viêm gân và viêm dây chằng xung quanh khớp với triệu chứng chính là đau. Trong tình trạng này, người bệnh không bị hạn chế vận động vai và yếu cơ.
- Viêm quanh khớp vai thể cấp do viêm túi thanh mạc cấp tính với các triệu chứng như đau đột ngột và dữ dội khiến bệnh nhân mất ngủ vì đau. Cơn đau có khả năng lan rộng khắp vùng vai, xuống cánh tay, lên cổ hoặc thậm chí đến tận bàn tay làm mất khả năng vận động của cánh tay. Do đó, người bệnh thường giữ tay áp sát thân, không thể cử động vai và tay vì đau.
- Viêm quanh khớp vai thể giả liệt xảy ra do đứt bán phần hoặc đứt toàn phần gân cơ chóp xoay. Bệnh có các triệu chứng như đau, mất khả năng vận động chủ động, khó khăn trong quá trình nâng cánh tay ra phía trước, dang vai sang ngang hoặc xoay ngoài chủ động khớp vai.
- Viêm quanh khớp vai thể đông cứng là kết quả của tình trạng co thắt bao khớp, viêm mạn tính làm dày bao khớp, dẫn đến tình trạng hạn chế cử động khớp vai mọi hướng, đặc biệt là khi thực hiện các động tác như gãi lưng, gài dây áo lót, chống nạnh cũng như đưa tay lên cao.
Tình trạng này thường chỉ xuất hiện ở một bên nhưng cũng có trường hợp hai bên đều bị, đặc biệt là ở những người mắc bệnh đái tháo đường hoặc các bệnh lý khớp như viêm khớp dạng thấp.
Dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng tình trạng viêm quanh khớp vai ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng làm việc và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Bên cạnh đó, các cơn đau kéo dài xuất hiện khi vận động hoặc khi ngủ vào ban đêm gây khó khăn cho người bệnh và hạn chế khả năng cử động khớp vai. Nếu không chữa trị kịp thời, tình trạng đau đớn này sẽ trở nên nghiêm trọng, làm cho quá trình điều trị khó khăn hơn.
Trong một số trường hợp, những người bệnh mắc hội chứng vai-tay nếu không được điều trị kịp thời và triệt để có khả năng gặp phải nguy cơ mất chức năng của tay, dẫn đến tình trạng tàn tật.
2. Điều trị viêm quanh khớp vai sớm để đạt hiệu quả tốt nhất
Nguyên tắc chung trong quá trình điều trị bệnh bao gồm: Điều trị đợt cấp và điều trị duy trì. Để đạt hiệu quả cao, quá trình điều trị cần kết hợp nhiều phương pháp như điều trị nội khoa, phục hồi chức năng và can thiệp ngoại khoa.
2.1 Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa đòi hỏi sử dụng một số hoặc tất cả các loại thuốc sau đây:
2.1.2 Thuốc giảm đau thông thường
Người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau với các mức độ khác nhau theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới. Một số lựa chọn bao gồm: acetaminophen, acetaminophen kết hợp với codein hoặc tramadol.
2.1.2 Thuốc chống viêm không steroid
Người bệnh có khả năng sử dụng một trong các loại thuốc chống viêm không steroid sau: Diclofenac, Piroxicam, Meloxicam, hoặc Celecoxib.
2.1.3 Tiêm corticoid tại chỗ (áp dụng với thể viêm khớp vai đơn thuần)
Corticoid dạng tiêm tại chỗ thường được sử dụng là các muối như betamethasone dipropionate, methylprednisolone acetate, betamethasone sodium phosphate. Lưu ý rằng, quá trình tiêm chỉ thực hiện một lần duy nhất dưới hướng dẫn của siêu âm.
Sau 3 đến 6 tháng, bác sĩ có thể chỉ định tiêm lại nếu bệnh nhân cảm thấy đau.
Đặc biệt, bác sĩ cần tránh tiêm cho bệnh nhân đã bị đứt gân bán phần do thoái hóa vì có thể dẫn đến hoại tử gân và đứt gân hoàn toàn.
2.1.4 Nhóm thuốc chống thoái hóa khớp có tác dụng chậm như:
- Glucosamin sulfat.
- Diacerein (Có thể duy trì 3 tháng).
2.1.5 Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân
Phương pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân được áp dụng cho các trường hợp gân cơ chóp xoay bán phần bị đứt do chấn thương đối với những bệnh nhân dưới 60 tuổi.
2.1.6 Thực hiện chế độ sinh hoạt và vận động hợp lý
Trong giai đoạn viêm cấp tính, người bệnh cần cho vai nghỉ ngơi. Sau khi điều trị giảm viêm, người bệnh có khả năng bắt đầu tập luyện để phục hồi chức năng khớp vai nhưng cần được chỉ định và giám sát bởi bác sĩ.
Đồng thời, người bệnh cần tránh làm việc quá sức trong thời gian dài, hạn chế các động tác đột ngột, mạnh mẽ như dang vai hay xoay vai quá mức.
2.1.7 Nội soi ổ khớp lấy các tinh thể calci lắng đọng
Phương pháp này được sử dụng cho các trường hợp đứt gân.
2.2 Điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật được chỉ định với thể giả liệt, đặc biệt là ở những người trẻ bị đứt gân vùng khớp vai do chấn thương.
Phẫu thuật nhằm nối lại các gân bị đứt. Tuy nhiên, khi áp dụng đối với người cao tuổi (> 60 tuổi) và gặp phải tình trạng đứt gân do thoái hóa, bác sĩ cần thực hiện cẩn thận.
Sau khi thực hiện phẫu thuật, người bệnh cần tái khám định kỳ sau 1-3 tháng, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe để tiến hành theo dõi và kiểm tra tình trạng của gân, bao gân và khớp vai.
Hơn nữa, các phương pháp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng cũng sẽ được kết hợp nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình điều trị bệnh.
3. Phòng tránh viêm quanh khớp vai bằng cách nào?
Để giảm tác động và áp lực lên khớp vai, từ đó ngăn ngừa viêm xung quanh khớp vai, người bệnh cần chú ý đến các điều sau:
- Tránh vác quá nặng và làm việc quá sức;
- Cẩn thận trong các hoạt động hàng ngày để tránh chấn thương ở khớp vai;
- Không thay đổi đột ngột tư thế của vai, nên làm nóng và co duỗi vai trước khi tập luyện;
- Dành thời gian để nghỉ ngơi sau khi sử dụng vai trong thời gian dài, tránh áp lực quá mức lên vai;
- Nhận biết các triệu chứng viêm khớp vai sớm để có phương pháp điều trị thích hợp và kịp thời.
4. Điều trị viêm quanh khớp vai bằng phương pháp PRP tại Vinmec
Hiện nay, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã áp dụng phương pháp mới PRP (Huyết tương giàu tiểu cầu) trong điều trị viêm quanh khớp vai, đảm bảo tính an toàn cao và hiệu quả cải thiện triệu chứng viêm rõ rệt.
Nguyên tắc điều trị dựa trên sử dụng huyết tương chiết xuất từ máu của chính người bệnh, giàu tiểu cầu để thúc đẩy giải phóng yếu tố tăng trưởng và các phân tử sinh học kích thích quá trình tự hồi phục nhanh của mô tế bào tại vị trí điều trị. Vì vậy, phương pháp này chỉ thúc đẩy quá trình tự nhiên của cơ thể nên mang lại tính an toàn đáng tin cậy.
Mẫu máu lấy từ người bệnh đảm bảo an toàn, không lây nhiễm, không dị ứng và không xảy ra phản ứng không tương thích. Sau khi được xử lý, huyết tương được tiêm vào khớp giúp giảm triệu chứng viêm đau một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Quá trình điều trị bằng huyết tương giàu tiểu cầu không chỉ có tác dụng hiệu quả trong điều trị viêm quanh khớp vai mà còn kích thích quá trình tái tạo các mô tế bào bị tổn thương, giúp cải thiện khả năng phục hồi chức năng vận động của khớp vai.
Phương pháp PRP được đánh giá là một phương pháp mới có thời gian phục hồi ngắn, hiệu quả lâu dài và đặc biệt an toàn. Nhờ PRP, các vấn đề như viêm quanh khớp vai và các bệnh viêm khớp khác không còn là vấn đề đáng lo ngại nữa.
Nhìn chung, nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả, viêm quanh khớp vai có thể gây ra tàn phế. Để điều trị bệnh hiệu quả, người bệnh cần kiên trì tuân thủ liệu trình điều trị do bác sĩ đề xuất, kết hợp với duy trì sinh hoạt hợp lý.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.