Glucosamine uống trước hay sau ăn? Uống lúc nào tốt nhất?

Glucosamine là một phần tử xuất hiện tự nhiên trong cơ thể bạn, nhưng nó cũng là một chất cần được bổ sung. Ngày nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm, thực phẩm chức năng về Glucosamine được sử dụng trong điều trị các bệnh lý về xương khớp. Chính vì nó được sản xuất dưới dạng thực phẩm chức năng nên mọi người có thể mua và sử dụng một cách dễ dàng, thậm chí nhiều người còn không cần tới sự tư vấn của các bác sĩ. Nhưng không phải ai cũng biết Glucosamine uống trước hay sau ăn? Uống lúc nào tốt nhất?

1. Glucosamine là gì?

Glucosamine là một hợp chất hóa học tự nhiên trong cơ thể chúng ta, được phân loại như một loại đường amin. Có hai loại glucosamine chính đó là glucosamine sulfateglucosamine hydrochloride.

Glucosamine có vai trò như một khối xây dựng cho các phân tử chức năng trong cơ thể chúng ta, nhưng chủ yếu là để phát triển và duy trì sụn trong khớp - có tác dụng đệm xương khớp. Nhưng khi bạn già đi, số lượng của chất này bắt đầu giảm xuống, dẫn đến sự phá vỡ dần dần của khớp. Có một bằng chứng cho thấy việc bổ sung glucosamine sulfate giúp chống lại tình trạng này.

Ngoài ra, glucosamine cũng được tìm thấy trong một số động vật và các mô không phải của con người như vỏ sò, xương động vật và nấm. Các dạng bổ sung glucosamine thường được sản xuất từ các nguồn tự nhiên này.


Glucosamine có tác dụng phát triển và duy trì sụn khớp
Glucosamine có tác dụng phát triển và duy trì sụn khớp

2. Tác dụng của Glucosamine

Đa phần mọi người đều biết Glucosamine được sử dụng hỗ trợ điều trị bệnh lý xương khớp, đặc biệt là các trường hợp thoái hóa xương khớp. Nhưng không phải ai cũng hiểu hết tác dụng của nó, glucosamine có một số tác dụng chính sau đây:

  • Glucosamine có thể làm giảm viêm: cách glucosamine hoạt động trong điều trị bệnh cho đến nay vẫn chưa được hiểu rõ ràng. Nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó có thể làm giảm viêm, đặc biệt là khi được sử dụng cùng với các chất bổ sung Chondroitin - một hợp chất cũng liên quan đến việc sản xuất và duy trì sụn khỏe mạnh.
  • Glucosamine hỗ trợ khớp khỏe mạnh: sụn khớp là một mô trắng mịn bao phủ các đầu xương, nơi tạo thành khớp. Dịch khớp giúp cho xương di chuyển tự do, giảm thiểu ma sát, cho phép chuyển động không đau tại khớp. Glucosamine tham gia quá trình hình thành một số hợp chất hóa học liên quan đến việc tạo ra sụn khớpdịch khớp. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng glucosamine bổ sung có thể bảo vệ mô khớp bằng cách ngăn chặn sự phá vỡ sụn.
  • Glucosamine thường được sử dụng để điều trị rối loạn xương và khớp: mặc dù glucosamine được sử dụng thường xuyên để điều trị các tình trạng xương và khớp khác nhau, nhưng cần nghiên cứu thêm về tác dụng này.

Hầu hết các nghiên cứu cho thấy hiệu quả của việc sử dụng glucosamine-sulfate để kiểm soát các triệu chứng viêm xương khớp.


Sử dụng glucosamine-sulfate để điều trị viêm xương khớp
Sử dụng glucosamine-sulfate để điều trị viêm xương khớp

3. Dạng bào chế và bổ sung glucosamine

Glucosamine bổ sung được làm từ các nguồn tự nhiên như vỏ sò, nấm hoặc được sản xuất nhân tạo trong phòng thí nghiệm. Liều glucosamine điển hình là 1.500mg mỗi ngày, bạn có thể uống một lần hoặc chia làm nhiều lần trong ngày.

Glucosamine bổ sung có hai dạng:

  • Glucosamine sulfate
  • Glucosamine hydrochloride

Ngoài ra, cũng có một số sản phẩm kết hợp glucosamine sulfate với chondroitin sulfate.

Hầu hết các dữ liệu khoa học đang cho thấy các sản phẩm bổ sung glucosamine sulfate hoặc glucosamine sulfate kết hợp với chondroitin đem lại hiệu quả tốt nhất.

4. Uống Glucosamine vào thời gian nào là tốt nhất?

Có rất nhiều người đặt ra các câu hỏi xoay quanh vấn đề uống glucosamine như:

  • Uống Glucosamine vào thời gian nào là tốt nhất?
  • Glucosamine uống trước hay sau ăn?
  • Glucosamine uống sáng hay tối thì tốt hơn?
  • Có nên uống glucosamine mỗi ngày không?

Bạn có thể uống glucosamine vào bất kỳ thời điểm nào trong này mà bạn cảm thấy thuận tiện nhất cho bạn. Có một số ý kiến cho rằng uống vào buổi sáng là tốt nhất. Có một số người thích uống chúng trong bữa ăn. Những người khác lại thích uống chúng khi bụng đói với một hoặc hai ly nước. Tuy nhiên có một số người gặp phải tác dụng phụ khi dùng đường uống, cho nên để giảm các triệu chứng bạn nên sử dụng glucosamine trong hoặc sau khi ăn.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, glucosamine được xếp vào trong nhóm thuốc tác dụng chậm lên các triệu chứng bệnh viêm khớp và thuốc biến đổi bệnh viêm khớp. Hiện nay, glucosaminechondroitin đang được sử dụng phổ biến nhất để cải thiện triệu chứng viêm khớp. Do thuốc có tác dụng chậm, nên hiệu quả của nó có thể phát huy sau 2-3 tháng sử dụng liên tục.


Sử dụng glucosamine liên tục trong 2-3 tháng để thuốc phát huy tác dụng
Sử dụng glucosamine liên tục trong 2-3 tháng để thuốc phát huy tác dụng

Để việc sử dụng glucosamine đạt hiệu quả tốt nhất, bạn nên tuân thủ theo chỉ dẫn trên bao bì sản phẩm hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ. Bạn không nên sử dụng sản phẩm này nhiều hơn khuyến cáo trên nhãn. Không nên sử dụng các sản phẩm khác nhau cùng chứa glucosamine cùng một lúc mà không có lời khuyên của bác sĩ, bởi nó có thể làm tăng nguy cơ quá liều glucosamine.

5. Uống glucosamine có thể gặp phải tác dụng phụ không?

Glucosamine bổ sung có khả năng an toàn cho hầu hết mọi người. Tuy nhiên, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ sau đây:

  • Buồn nôn.
  • Ợ nóng.
  • Đau bụng.
  • Tiêu chảy.
  • Dị ứng: nổi mề đay, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng.

Bạn không nên sử dụng glucosamine nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú, do hiện nay vẫn thiếu bằng chứng cho thấy nó an toàn trong những trường hợp này.

Glucosamine cũng có thể làm xấu đi sự kiểm soát lượng đường trong máu đối với những bệnh nhân bị bệnh tiểu đường, mặc dù nguy cơ này tương đối thấp. Vì vậy nếu bạn đang sử dụng thuốc điều trị tiểu đường, bạn hãy trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng glucosamine.

Nếu bạn đang tìm kiếm thuốc giảm đau xương khớp, thì việc bổ sung glucosamine có thể đáng để bạn xem xét. Nhưng tốt nhất là bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi quyết định sử dụng glucosamine để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể nhất.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, glucosamine.com, drugs.com, healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe