Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Dương Tiến - Bác sĩ Nội cơ xương khớp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Glucosamine sulfate được sử dụng để giảm triệu chứng thoái hoá khớp gối từ nhẹ đến trung bình. Hiện nay, trên thị trường có nhiều chế phẩm glucosamine kết hợp với các thành phần khác nhau như: chondroitin, các vitamin, và các dược liệu. Cho nên để phát huy tối đa tác dụng của nó nên được tư vấn bởi bác sĩ trước khi sử dụng.
1. Glucosamine sulfate
Glucosamine sulfate là một loại đường tự nhiên được tìm thấy trong chất lỏng và các mô đệm của khớp. Mô đệm này được gọi là sụn. Tuy nhiên, glucosamine cũng được tìm thấy trong lớp vỏ cứng của các động vật có vỏ như: tôm, cua, sò, hến.
Bổ sung glucosamine sulfate thường được thực hiện bằng cách sử dụng các loại động vật có vỏ. Ngoài ra, các chất này cũng có thể được tạo ra từ phòng thí nghiệm.
2. Lợi ích của Glucosamine sulfate
Glucosamine sulfate là một chất được bổ sung rộng rãi và có tác dụng giúp giảm đau ở những người bị viêm xương khớp. Viêm xương khớp xảy ra khi sụn bị vỡ. Điều này có thể gây ra đau khớp.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu cho thấy bổ sung glucosamine sulfate có thể làm giảm đau đầu gối ở những người viêm xương khớp từ trung bình đến nặng. Tuy nhiên, chất này dường như không hoạt động tốt ở những người:
- Bị đau đầu gối nhẹ
- Bị đau trong một thời gian dài
- Thừa cân
Các chất bổ sung glucosamin sulfat dường như làm giảm đau nhiều hơn so với sử dụng ibuprofen. Nhưng nó không hoạt động một cách nhanh chóng mà phải mất khoảng thời gian từ 4 đến 8 tuần để glucosamine sulfate phát huy được tác dụng giảm đau.
Một số nghiên cứu khác cũng chứng minh được glucosamin sulfat có thể có các tác dụng với các bệnh như:
- Viêm xương khớp hông hoặc cột sống
- Viêm khớp thái dương-hàm dưới (TMJ)
Một nghiên cứu khác nữa ở nam giới cũng cho thấy glucosamine sulfate có thể giúp một người có thể uốn cong đầu gối một cách dễ dàng sau khi bị chấn thương đầu gối. Glucosamine sulfate cũng có thể làm chậm quá trình viêm xương khớp.
3. Sử dụng glucosamine sulfate
Liều tối ưu của glucosamine sulfate chưa được thiết lập. Nguyên nhân là do thành phần bổ sung và chất lượng của glucosamine có thể khác nhau từ các nhà sản xuất vì thế rất khó khăn để thiết lập được một liều tiêu chuẩn.
Liều dùng trong nhiều nghiên cứu để điều trị thoái hoá khớp gối là glucosamine sulfate 750mg dạng viên nén và uống ba lần trong một ngày. Tuy nhiên, có nhiều dạng glucosamine khác nhau, nên cần kiểm tra thành phần của chất bổ sung. Ngoài ra, còn có thêm loại glucosamine sulfate 1500mg cũng có tác dụng hỗ trợ giảm đau khớp, giảm viêm và sưng khớp và uống mỗi ngày một viên.
4. Những rủi ro khi dùng glucosamine sulfate
Glucosamine sulfate dường như là an toàn với người dùng ngay cả khi sử dụng trong một vài năm. Tuy nhiên, khi sử dụng glucosamine sulfate sẽ có các tác dụng phụ như:
- Táo bón
- Bệnh tiêu chảy
- Buồn ngủ
- Đau đầu
- Chứng ợ nóng
- Buồn nôn
- Phát ban
Glucosamine sulfate có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và insulin. Nếu có triệu triệu bất thường hoặc nếu bạn bị tiểu đường hoặc kháng insulin thì cần gặp bác sĩ để tư vấn trước khi sử dụng.
Các nghiên cứu Glucosamine sulfate trên động vật cho thấy nó có thể làm tăng cholesterol LDL - cholesterol xấu - nếu ăn nhiều thực phẩm chứa chất béo. Và hiện tượng này cũng cần thêm nhiều nghiên cứu để có cơ sở chứng minh.
Glucosamine sulfate có thể gây trở ngại cho một số loại thuốc khác. Ví dụ, không nên sử dụng glucosamine sulfate với warfarin (Coumadin). Bởi vì khi chúng kết hợp với nhau sẽ làm tăng nguy cơ bị bầm tím và chảy máu nguy hiểm.
Cũng có báo cáo cho rằng glucosamine sulfate làm giảm hiệu quả của một số thuốc. Vì vậy hãy thận trọng khi dùng bổ sung với những thuốc sau:
- Acetaminophen (Tylenol)
- Các loại thuốc hoá trị bao gồm (Adriamycin, Rubex), etoposide (Etopiside), và teniposide (Vumon).
- Thuốc trị bệnh tiểu đường bao gồm (Amaryl), glyburide (DiaBeta), insulin (NovoLog), pioglitazone (Actos), và rosiglitazone (Avandia).
Nếu bị dị ứng với các động vật có vỏ thì khi sử dụng bổ sung glucosamine sulfate với các thuốc khác nên gặp bác sĩ để được tư vấn đầy đủ. Đồng thời, luôn luôn nói với bác sĩ về bất kỳ chất bổ sung đang sử dụng bao gồm cả chất tự nhiên hay chất mua không cần toa. Bằng cách đó, bác sĩ có thể kiểm tra tác dụng phụ tiềm ẩn hoặc tương tác xấu giữa các loại thuốc.
Tóm lại, sử dụng glucosamine sulfate cần chú ý đến thông tin bào chế, hàm lượng và nguồn gốc của sản phẩm. Trước khi sử dụng nên gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể về cách sử dụng, liều lượng, thời gian sử dụng để có thể phát huy được tác dụng của glucosamine nhằm cải thiện tình trạng viêm xương khớp.
Nguồn tham khảo: Webmd.com