Globulin miễn dịch là chế phẩm vô trùng được sản xuất từ huyết tương người khoẻ mạnh chứa kháng thể cao, giúp chống nhiễm trùng. Vì vậy, chế phẩm vô trùng này được sử dụng để tăng cường khả năng hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ nhiễm trùng ở người có hệ miễn dịch yếu.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Đỗ Thiên Ân, chuyên khoa Nội cơ xương khớp và Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Globulin miễn dịch là gì?
Globulin miễn dịch là gamma globulin, hay còn gọi là immune globulin (viết tắt là IG), là một chế phẩm vô trùng chứa các kháng thể đậm đặc được sản xuất từ huyết tương người thông qua phương pháp phân đoạn ethanol lạnh (cold ethanol fractionation).
Trong lịch sử, gamma globulin và kháng thể là hai từ được sử dụng đồng nghĩa,. Bên cạnh đó cũng có các ký hiệu Ig và y, nhưng y nay không sử dụng tương ứng như thế nữa.
Ở Hoa Kỳ, quá trình sản xuất huyết thanh Globulin chỉ được thực hiện từ huyết tương của những người hiến máu được xác định là âm tính với các kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B, âm tính với kháng thể virus suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV) và âm tính với kháng thể virus viêm gan C (HCV).
Hơn nữa, theo yêu cầu của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), quy trình sản xuất IG phải bao gồm các bước khử hoạt tính virus, hoặc sản phẩm cuối cùng phải được kiểm tra âm tính với HCV-RNA thông qua phản ứng chuỗi polymerase.
2. Ai nên tiêm globulin miễn dịch?
Globulin miễn dịch được dùng để củng cố hệ miễn dịch và giảm nguy cơ nhiễm trùng ở những người có hệ miễn dịch suy yếu. IG được tạo ra từ máu của những người khỏe mạnh, có chứa hàm lượng kháng thể cao, giúp phòng tránh nhiễm trùng.
Ngoài ra, Globulin miễn dịch cũng được sử dụng để tăng số lượng tiểu cầu ở những người mắc các rối loạn đông máu nhất định, như giảm tiểu cầu vô căn, vì tiểu cầu là yếu tố cần thiết cho quá trình cầm máu và hình thành cục máu đông.
Các sản phẩm Globulin miễn dịch cũng có thể được áp dụng để điều trị một số vấn đề liên quan đến yếu cơ như bệnh dây thần kinh vận động đa ổ (Multifocal motor neuropathy) hoặc bệnh đa dây thần kinh huỷ myelin do viêm mạn tính (chronic inflammatory demyelinating polyneuropathy) hoặc để điều trị một số rối loạn mạch máu ở những người mắc hội chứng Kawasaki.
Với những người khỏe mạnh, tiêm vắc-xin viêm gan A tại các cơ sở y tế có nguồn vắc-xin đáng tin cậy và nguồn cung ổn định giúp phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm gan A.
3. Các nhóm gamma globulin
Có 5 nhóm gamma globulin có thể tách biệt được khi điện di:
- IgG chiếm khoảng 75% lượng kháng thể trong máu và có mặt trong hầu hết các dịch cơ thể, có nhiệm vụ chống lại sự nhiễm trùng do vi khuẩn, virus gây ra nên rất quan trọng. Nhóm này là loại duy nhất có thể truyền từ mẹ sang con qua đường nhau thai.
- IgM - loại kháng thể lớn nhất, chiếm khoảng 10% tổng lượng kháng thể. Nhóm này được tìm thấy trong dịch bạch huyết và máu và là lớp kháng thể đầu tiên được tạo ra khi cơ thể đáp ứng miễn dịch với các kháng nguyên lạ, thường xuất hiện sau tiêm chủng và có khả năng ngăn chặn virus một cách hiệu quả.
- IgA chiếm khoảng 15 - 20% tổng lượng kháng thể của cơ thể, có mặt trong sữa mẹ, nước bọt, nước mắt, các dịch nhầy. Kháng thể này bắt đầu được tổng hợp sau khi sinh. IgA đóng vai trò như hàng rào bảo vệ đầu tiên của niêm mạch ruột, mũi, phổi khi có sự tấn công từ các tác nhân gây hại bên ngoài.
- IgD - loại kháng thể này chỉ chiếm dưới 1% tổng lượng kháng thể và chức năng vẫn chưa được xác định rõ ràng.
- IgE: Chỉ chiếm khoảng 0,001% tổng lượng kháng thể trong máu và có mặt ở phổi, niêm mạc, da. IgE đóng vai trò quan trọng trong các phản ứng dị ứng và giúp cơ thể chống lại ký sinh trùng, phấn hoa, nấm.
4. Tác dụng phụ của tiêm globulin miễn dịch là gì?
Người bệnh thường gặp các biểu hiện sau khi tiêm huyết thanh như:
- Đỏ bừng mặt, đau đầu, chóng mặt, cảm giác ớn lạnh, co cơ bắp, đau lưng hoặc khớp, sốt, buồn nôn hoặc nôn mửa.
- Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu tác dụng phụ nghiêm trọng nào, người bệnh nên thông báo ngay lập tức cho bác sĩ, bao gồm: dễ chảy máu hoặc có vết bầm tím, ngất xỉu, nhịp tim nhanh hoặc không đều, mệt mỏi bất thường.
- Mặc dù hiếm khi nhưng loại huyết thanh này có thể chứa các tác nhân gây bệnh như virus do được làm từ máu người. Mặc dù rủi ro này rất thấp do chế phẩm đã được sàng lọc cẩn thận từ máu người hiến, nhưng nếu có bất kỳ triệu chứng như đau họng hoặc sốt kéo dài, vàng mắt/da hoặc nước tiểu sẫm màu, người bệnh hãy đi khám sức khỏe càng sớm càng tốt.
- Phản ứng dị ứng nghiêm trọng hiếm khi xảy ra ở người được tiêm Globulin miễn dịch. Tuy nhiên, nếu trải qua bất kỳ biểu hiện nào như phát ban, ngứa hoặc sưng (đặc biệt là sưng ở mặt, lưỡi, hoặc cổ họng), chóng mặt nghiêm trọng, hoặc khó thở, người bệnh hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức để kiểm tra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: immunize.org