Bài viết của Chuyên viên Tâm lý Trương Tạ Anh Nga – Trung tâm Y học tái tạo, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Trẻ bắt đầu khám phá thế giới bằng cách thử nghiệm các hướng khác nhau của không gian. Bằng việc cho trẻ hoạt động trong không gian khác nhau, trẻ sẽ trải nghiệm và có sự cảm nhận tốc độ, sự liên tiếp, sự mở rộng, chiều cao, khoảng cách...
1.Thử nghiệm không gian hạn hẹp
Những hoạt động này tốt nhất nên được tiến hành trong phòng nhỏ. Người lớn ngồi trên thảm với trẻ và giữ chặt trẻ. Thả trẻ ra để trẻ cảm nhận sự khác nhau giữa siết chặt cơ thể, giới hạn, thả lỏng. Hướng dẫn trẻ ngồi trên thảm và duỗi thẳng thay. Khi trẻ đã thư giãn, nâng trẻ ngồi dậy từ từ.
Hướng dẫn trẻ ngồi lên thảm và từ từ quấn chăn. Sau đó mở ra và quấn lại. Trẻ sẽ thử nghiệm trọng lượng của chăn trên lưng hay trên bụng.
Có thể dùng chăn quấn 2-3 trẻ một lúc để trẻ cảm nhận. Hướng dẫn nhóm trẻ cùng di chuyển đến đích, trẻ sẽ va chạm vào người nhau và trẻ học được cách phối hợp cùng đồng đội để đạt được mục tiêu.
Xây dựng một ngôi nhà nhỏ bằng cách trùm chăn hay tấm vải lớn vào 1 thùng bìa giấy to. Trẻ sẽ ngồi và thử di chuyển trong ngôi nhà nhỏ của mình. Trẻ sẽ được cảm nhận sự giới hạn của không gian. Hoặc khi trẻ co, duỗi tay chân cũng hỗ trợ cảm nhận ranh giới của ngôi nhà.
Cha mẹ có thể lấy 2 thùng giấy lớn để trẻ chui thông từ bên này sang bên kia trẻ sẽ học cách thu nhỏ mình để chui sang.
2. Thử nghiệm không gian rộng lớn
Thử nghiệm không gian rộng lớn là các hoạt động thông qua cử động và sự phối hợp với những cảm nhận của thị giác và thính giác. Đầu tiên trẻ thử nghiệm sự bao la, chiều sâu và chiều cao thông qua các cử chỉ thụ động như: Những cử động nhỏ, cảm giác được bay bổng.
Trẻ bắt đầu khám phá không gian bằng những chuyển động đơn giản như bò, chạy, nhảy, đi theo vòng tròn, đổi hướng đi, thử trải nghiệm các độ dài của bức tường, di chuyển từ phòng này sang phòng khác, từ vị trí này sang vị trí khác. Trẻ có thể thử nghiệm độ cao của không trung như ném lên cao, ném xuống dưới. Cha mẹ có thể cho trẻ nằm lên chăn và cha mẹ nhẹ nhàng đưa chăn lên không trung. Đối với một số trẻ, cử động nhỏ và cảm giác được bay bổng là rất cần thiết. Khi bắt đầu hoặc kết thúc hoạt động, người lớn phải nhấn mạnh và dự báo trước với trẻ. Khi trẻ thích thú với thử nghiệm này, bước tiếp theo là nhẹ nhàng đung đưa chăn/màn từ trái sang phải và từ trước – sau. Đặt trẻ trong chăn/màn và hai người lớn cùng mang trẻ đến không gian rộng lớn, có thể thay đổi hình thức di chuyển như nhanh, chậm, đi vòng trong, đi thẳng, đi từ bên này sang bên kia....
Để hỗ trợ thính giác cho trẻ, chúng ta có thể sử dụng các dụng cụ âm nhạc. Trẻ sẽ kết hợp cảm nhận về không gian với thị giác và thính giác. Cha mẹ có thể kết hợp chơi nhóm, hướng dẫn trẻ ngồi thành vòng tròn rộng lớn, mỗi người cầm trên tay một đồ vật phát ra âm thanh và cùng gõ theo nhịp tương ứng.
3. Khám phá không gian phía trên
Để cho trẻ thử nghiệm không gian phía trên, chúng ta có thể để trẻ đứng trên đùi hoặc đứng ở trên nhiều loại ghế như ghế thấp, ghế đầu, ghế dài.... Như vậy, trẻ sẽ có cảm nhận về độ cao của cơ thể cũng như một góc nhìn khác của đồ vật, con người và không gian.
Với ghế cao dưới 20 cm, trẻ có thể trèo lên một cách dễ dàng. Người lớn cần giúp trẻ bước tiếp theo là trèo lên ghế hoặc trên bàn. Trẻ nhìn quanh vào phòng và nhìn xuống nền nhà nơi người lớn đứng. Trẻ có thể ném bong bóng hoặc ném giấy để nhìn đồ chơi rơi xuống. Trẻ có thể leo lên cầu thang và nhìn xuống dưới. Nếu trẻ ngồi trên xích đu thì hãy đẩy xa hơn một chút, trẻ sẽ cảm nhận rõ ràng trên hay dưới.
Trẻ có thể vẽ lên bảng hay tờ giấy lớn, trẻ sẽ cố với người để tới đỉnh hay giấy.
Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ nhỏ nhảy từ trên đệm cao xuống đệm thấp, đảm bảo là vùng không gian xung quanh được an toàn. Có thể kết hợp cùng chơi với âm nhạc như mở bài nhạc “5 chú khỉ con”.
4. Hoạt động với không gian phía dưới
Trẻ cần được cung cấp về vốn từ về vị trí trên/ dưới. Người lớn có thể thực hiện hành động kèm lời nói: “Trên” và chỉ xuống dưới nói “Dưới”. Nếu có thể hãy để trẻ tự nhảy. Nếu trẻ thích, chúng ta có thể thay đổi chiều cao của vật.
Người lớn hướng dẫn trẻ đi xuống cầu thang để trẻ cảm nhận không gian phía dưới. Hoặc hướng dẫn trẻ đi xuống đường dốc của xe ô tô hay xe máy. Trẻ bắt đầu ở trên cao, nơi mà trẻ có thể nhìn xuống.
Hoạt động khác có có thể hỗ trợ sự hiểu biết về không gian phía dưới là hoạt động với bàn chân. Khuyến khích trẻ hạ thấp đầu và nhìn xuống. Sử dụng các loại thảm hay các vật liệu khác để đặt lên sàn nhà. Trẻ bước lên và cảm nhận bề mặt: Trẻ có thể đi trên đệm, gối hay bề mặt đòi hỏi sự phối hợp mắt – chân tốt.
5. Hoạt động với không gian trước – sau
Khám phá không gian phía trước dễ dàng hơn so với không gian phía sau hay bên cạnh. Có thể đưa một vật mà trẻ thích trước mặt, cho trẻ nhìn vào và hướng dẫn trẻ dùng tay để lấy.
Đặt những đồ vật trước mặt trẻ và khuyến khích trẻ bước qua, có thể là ghế dài, hộp lớn.
Treo “màn” được làm từ giấy hay hạt. Trẻ đi qua “màn” và cảm nhận “Có một cái gì đó trước mặt tôi, bây giờ nó chạm vào tôi và giờ thì ở sau tôi, tôi phải quay lại nhìn nó”.
Giấu một vật mà trẻ thích ở trong căn phòng. Khi trẻ đến gần đồ vật thì vỗ tay thật to, khi ở xa đồ vật thì nhỏ dần. Càng xa thì vỗ tay càng nhỏ. Càng gần thì vỗ tay càng to.
6. Hoạt động với không gian phải – trái
Đối với trẻ, việc khám phá không gian bên cạnh khó hơn rất nhiều so với không gian trước mặt.
Người lớn có thể trải chăn và cho trẻ nằm lật người hoặc nằm sang một bên. Trẻ sẽ cảm nhận được sự khác nhau của cảnh vật xung quanh mình.
Người lớn có thể đặt đồ vật trẻ yêu thích bên cạnh để khuyến khích trẻ lật sang bên trái – phải để nhìn đồ vật.
Hướng dẫn trẻ bò trong thùng giấy và đường ống hẹp được sắp từ những bàn, ghế sẽ cho trẻ cơ hội được trải nghiệm giới hạn 2 bên cơ thể.
Cố gắng khuyến khích trẻ thực hiện các hoạt động qua đường ranh giới cơ thể như khi lăn bóng, sơn, xây tháp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.