Bài viết của Chuyên viên tâm lý Trương Tạ Anh Nga – Trung tâm Y học tái tạo, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Việc kích thích giác quan không chỉ giúp bàn tay mà cả cơ thể trẻ cũng đều hoạt động và phát triển. Kích thích nhiều giác quan giúp trẻ có những đầu vào “chất lượng” và nền tảng xử lý thông tin nhanh chóng và chính xác hơn.
Nhà giáo dục nổi tiếng Maria Montessori từng chia sẻ: “Đôi bàn tay là công cụ của trí thông minh”. Các hoạt động kích thích giác quan là các hoạt động kích thích xúc giác, tiền đình, cảm nhận cơ thể, thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác. Ví dụ, khi trẻ được cầm nắm, sờ chạm, nếm ngửi một quả chuối, trẻ sẽ có nguồn cung cấp đầu vào chính xác hơn việc trẻ chỉ được nhìn ngắm quả chuối qua bức tranh. Đồng thời, được chơi các hoạt động giác quan, trẻ sẽ cảm thấy thư giãn, thoải mái, giúp trẻ bình tĩnh hơn trong các trường hợp bị căng thẳng. quá tải.
Chúng ta có thể tổ chức các hoạt động chơi với nước, giấy, bóng, các hoạt động liên quan đến không gian. Sau đây là một vài gợi ý.
1. Hoạt động chơi với giấy
Đây là một chất liệu rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày, được tạo nên từ nhiều chất liệu, kích cỡ, màu sắc khác nhau. Do đó, cha mẹ có thể thực hiện và chơi với giấy cùng con bất cứ lúc nào.
1.1. Trò chơi nằm trên giấy
Việc nằm lên giấy và cảm nhận độ trơn, độ ráp hoặc lắng nghe tiếng sột soạt của giấy cũng phát triển các giác quan của trẻ. Cha mẹ có thể cho trẻ nằm lên và quấn cả người hoặc quấn từng bộ phận trên cơ thể. Ngoài ra, cha mẹ có thể cho trẻ nằm trên giấy và hướng dẫn trẻ lăn tròn trên giấy. Cha mẹ có thể vò giấy, xé thành 1 đống và cho trẻ nằm phía dưới.
Hoạt động này giúp trẻ nhận thức được cơ thể của mình. Thật dễ dàng để “nằm” lên giấy thật vui!
1.2. Trò chơi cảm nhận chất liệu giấy
Khi chơi các trò chơi với giấy, trẻ có thể sử dụng chân trần đi trên các loại giấy khác nhau như: giấy bóng kính, giấy A4, giấy bìa carton, giấy mĩ thuật....
Trẻ có thể để chân trần và vò giấy bằng chân. Sau đó sử dụng chân để cảm nhận độ nhàu của giấy. Khi sử dụng kết hợp với bìa cứng, trẻ có thể nhảy ra nhảy vào tờ giấy, cảm nhận sự di chuyển của tờ bìa.
1.3. Trò chơi với giấy tăng cường tập trung
Trẻ có thể xé giấy, ném lên không trung hoặc nhặt từ thùng này sang thùng khác, trẻ có thể nhìn thấy sự chuyển động của giấy, nhìn thấy sự biến hoá của màu sắc nếu dùng giấy khác màu.
Người lớn có thể ngồi cùng chiều với trẻ, một tay cầm giấy, tay khác hỗ trợ trẻ kéo giấy về phía trẻ. Chất liệu giấy khác nhau thì độ khó cũng khác nhau. Khi xé, trẻ cảm nhận sự khác nhau qua âm thanh, chất liệu. Người lớn có thể sử dụng những mảnh giấy vụn tận dụng trong nhiều hoạt động khác như đặt đồ chơi vào 1 cái hộp và đổ giấy vụn vào. Yêu cầu trẻ tìm được đồ chơi trong mảnh giấy đó. Hoặc trẻ sử dụng ống hút để thi nhau thổi giấy. Trẻ có thể làm một bức tranh từ những mảnh giấy vụn.
Trẻ có thể chơi một cách đơn giản khác là “Vò giấy” - hoạt động đòi hỏi sự phối hợp của 2 bàn tay. Trẻ vò giấy để tạo thành bất cứ thứ gì trẻ tưởng tượng như bóng, quả cam, bánh xe ... Người lớn có thể hướng dẫn trẻ vò đầy thùng và chơi trò giấu đồ vật. Trẻ có thể dán những quả bóng giấy lên người và hướng dẫn trẻ vận động. Trẻ sẽ cảm nhận độ nhám của giấy
1.4. Kết hợp giấy với âm nhạc
Chúng ta có thể chuẩn bị 1 tờ giấy bất kỳ, mở một bài nhạc sôi động và trẻ có thể vỗ vào giấy theo nhịp.
Ngoài ra, chúng ta có thể cho trẻ ngồi trong 1 thùng bìa lớn, cho trẻ ném, tung giấy theo nhịp. Trẻ sẽ cảm nhận âm thanh, nhịp độ, tốc độ và sẽ có những phản xạ cơ thể tương ứng. Khi đó, trẻ sẽ cảm nhận sự chuyển động của giấy cùng với âm thanh.
1.5. Kết hợp giấy với màu
Các trò chơi với giấy và màu kích thích thị giác, xúc giác. Trẻ có thể dùng cả bàn tay có màu nước và chấm lên giấy. Trẻ sẽ tạo được những hình thù sáng tạo, đồng thời cảm nhận được độ trơn, dính của màu nếu sử dụng tay hoặc chân để tô trên giấy.
2. Hoạt động chơi với bóng
“Quả bóng tròn tròn, quả bóng xinh xinh” luôn thu hút trẻ. Quả bóng luôn luôn chuyển động tượng trưng cho sự năng động. Khi bé được vận động với bóng cũng là lúc cả cơ thể trẻ được liên tục kích thích, liên tục được rèn luyện sự phối hợp tay – mắt cũng như phối hợp các khối cơ lớn – khối cơ nhỏ.
2.1. Lăn bóng trên người
Cho trẻ nằm trên sàn, trẻ sẽ cảm nhận bóng lăn trên cơ thể mình, cảm nhận từng bộ phận trên cơ thể. Khi trẻ nằm ngửa trên sàn, trẻ có thể nhìn thấy bóng di chuyển trên mình và trẻ đẩy bóng ra.
2.2. Hoạt động với bịt mắt (Tăng cường cảm nhận đôi bàn tay)
Người lớn chuẩn bị cái hộp nhỏ, trong đó có rất nhiều đồ như bông, bóng, quả chanh, quả cam, các loại bóng. Khi bị bịt mắt, trẻ sẽ tập trung cảm nhận và phân biệt được sự khác nhau của bề mặt nhám – mịn. Bạn hãy gọi tên một đồ vật bất kỳ và yêu cầu trẻ tìm đồ vật đó. Quá trình này đòi hỏi trẻ sử dụng xúc giác để cảm nhận, kết hợp với một số dữ kiện trong não bộ từ trước (hình ảnh về quả chanh, quả bóng, cục bông...), huy động trí tưởng tượng thì mới có thể đoán/tìm được chính xác.
2.3. Hoạt động với đôi bàn chân
Trẻ chơi với các loại bóng có bề mặt, kích thước khác nhau với chân trần. Người lớn đặt chậu các loại bóng trước mặt trẻ, hướng dẫn trẻ đặt chân vào chậu. Trẻ có thể ngồi hoặc đứng, trẻ có thể di chuyển chân và giấu chân dưới những quả bóng.
2.4. Hoạt động lăn bóng
Khi lăn bóng, trẻ sẽ sử dụng một hoặc hai tay hoặc chân để đẩy. Một cử động nhẹ chỉ đủ để di chuyển bóng. Đầu tiên khoảng cách giữa người chơi cùng trẻ không nên quá rộng. Tuỳ vào khả năng của trẻ, chúng ta có thể sử dụng nhiều loại bóng có kích cỡ khác nhau. Sử dụng bóng nhỏ và bóng lớn trẻ sẽ có cơ hội được trải nghiệm nhiều kích thước khác nhau.
Ngoài ra, cha mẹ có thể thực hiện đơn giản bằng cách ngồi đối diện trẻ và hướng dẫn trẻ lăn bóng qua lại. Khoảng cách giữa cha mẹ và trẻ sẽ được tăng dần. Có thể thực hiện hoạt động này cùng với nhiều trẻ ngồi theo vòng tròn. Hoặc tăng dần khoảng cách khi lăn bóng trong khoảng không gian rộng hơn, ví dụ như phòng họp, nhà ăn hay sân chơi để trẻ cảm nhận độ dài của quả bóng lăn.
Trẻ có thể mở rộng hoạt động bằng cách chơi bowling: Sử dụng bóng to, thùng giấy hay hộp kim loại nhiều màu sắc như mục tiêu để lăn. Trẻ sẽ cần phối hợp tay mắt. Khi bowling đổ, trẻ sẽ cảm nhận được sự khác nhau của âm thanh đến từ chất liệu khác nhau. Ngoài ra, trẻ có thể lăn bóng theo đường kẻ cho sẵn. Hoạt động này đòi hỏi trẻ cần phải phối hợp mắt và cơ thể để lăn bóng được trên đường kẻ.
2.5. Nhặt và giữ bóng
Trẻ sử dụng chân để nhặt/di chuyển bóng từ giỏ này sang giỏ kia hoặc từ chậu nước này sang chậu nước kia.
2.6. Chuyền bóng
Trẻ có thể rủ bạn bè hoặc người thân trong gia đình ngồi thành vòng tròn. Cả nhà có thể hát 1 bài và chuyền bóng cho đến khi hết bài hát. Khi hết bài hát, ai là người cầm bóng cuối cùng sẽ đứng lên hát 1 bài. Cứ như vậy cho đến hết vòng tròn.
2.7. Tung bóng
Trò chơi này cũng có thể kết hợp hoạt động vòng tròn. Trẻ có thể gọi tên một người bất kỳ trong vòng tròn và nhiệm vụ của người được gọi tên là phải bắt được bóng. Đây là hoạt động đòi hỏi trẻ phải lắng nghe và chú ý đến đường đi của bóng.
2.8. Nhún bóng
Cha mẹ chọn bóng yoga với đường kính khoảng 75cm và cho trẻ nằm lên cảm nhận. Khi nằm lên bóng đung đưa, trẻ được giải toả cảm xúc. Cha mẹ có thể cho bóng đến gần tường, giữ trẻ ngồi lên bóng an toàn bằng hai tay và cho trẻ nhún trên bóng. Cần đảm bảo bóng được cố định và môi trường xung quanh trẻ là an toàn.
Có thể thấy, các phương pháp kích thích giác quan của trẻ khá đơn giản, cha mẹ có thể cùng con thực hiện để tăng thêm sự gắn kết giúp con phát triển trọn vẹn, năng động, hoạt bát.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.