Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Hải Yến - Khoa phục hồi chức năng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Hệ thống dây chằng đầu gối có vai trò vô cùng quan trọng, giúp giữ cho xương chày không bị bị trượt ra phía trước so với xương đùi cũng như trượt ra phía sau khi vận động khớp gối. Khi bị giãn dây chằng đầu gối, người bệnh cần tuân thủ nguyên tắc điều trị và phục hồi chức năng để nhanh chóng hồi phục.
1. Nguyên nhân giãn dây chằng khớp gối
Khớp gối là một khớp lớn của cơ thể, được giữ vững nhờ hệ thống các dây chằng, bao khớp, sụn chêm và các cơ bao bọc xung quanh nó.
Hệ thống dây chằng gồm dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau và hai dây chằng bên. Hai dây chằng bên rất chắc chắn cùng với dây chằng chéo trước có vai trò quan trọng cho việc giữ cho xương chày không bị trượt ra trước so với xương đùi và dây chằng chéo sau có chức năng giữ cho xương chày không bị trượt quá ra phía sau khi khớp gối vận động.
Giãn dây chằng khớp gối nguyên nhân chủ yếu là do chấn thương thể thao (bóng đá, bóng chuyền, chạy nhảy..), tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt gây va đập trực tiếp vào đầu gối, hay chấn thương xoắn (khi chạy, đi xe máy... bị ngã bất ngờ người bệnh dùng một chân để trụ và chống đỡ dẫn đến tình trạng chấn thương xoắn).
Giãn dây chằng thường có những triệu chứng cơ bản sau:
- Tiền sử bị chấn thương khớp gối
- Đau sưng khớp gối, có thể thấy tiếng khác thường khi vận động
- Lỏng gối, mất vững khớp gối: Cảm giác đi lại khó, yếu, dễ vấp ngã.
- Teo cơ: Khi bị chấn thương để lâu đùi sẽ bị teo cơ, chân bị teo sẽ yếu và khó di chuyển hơn so với chân kia.
2. Phục hồi chức năng
Điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân giãn dây chằng đầu gối dựa trên nguyên tắc kết hợp vật lý trị liệu với các bài tập phục hồi chức năng nhằm tăng tầm vận động khớp gối, tăng sức mạnh cơ, giúp người bệnh trở lại các vận động sinh hoạt và chơi thể thao bình thường.
2.1 Các phương thức điều trị vật lý
- Nhiệt trị liệu: Hồng ngoại; paraffine: Tác dụng giãn cơ, tăng tuần hoàn, giảm đau, tạo thuận cho các bài tập
- Chườm lạnh: Giai đoạn sưng nóng và sau tập
- Sóng ngắn trị liệu: Tác dụng chống viêm, giảm phù nề, kích thích tái tạo tổ chức tổn thương
- Điện xung trị liệu: Tác dụng giãn cơ giảm đau, gia tăng tuần hoàn; ức chế dẫn truyền đau
- Siêu âm trị liệu: Tác dụng chống viêm (viêm gân, viêm cân cơ, viêm bao hoạt dịch...), gia tăng tuần hoàn, thúc đẩy quá trình hàn gắn tổn thương (xương, dây chằng...), chống xơ dính, cốt hóa mô mềm...
Trắc nghiệm: Bạn hiểu gì về giãn dây chằng thắt lưng?
Giãn dây chằng và đau thắt lưng phổ biến với mọi đối tượng, nhất là những người độ tuổi trung niên. Tình trạng này gây đau nhức đốt sống lưng, ảnh hưởng đến cuộc sống bệnh nhân, nếu không được điều trị có thể gây đứt dây chằng thắt lưng.
Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Lê Dương Tiến , chuyên khoa Cơ xương khớp , Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
2.2 Phục hồi chức năng giãn dây chằng khớp gối
Được chia làm 04 giai đoạn:
Giai đoạn I:
Ngay sau chấn thương càng sớm càng tốt đến hết tuần thứ nhất
- Mục đích: Giảm đau giảm sưng nề, duỗi gối hoàn toàn và gấp khớp gối được từ 0 đến 90 độ.
- Chườm lạnh:
- Chườm 10 - 15 phút / lần trong mỗi 2 tiếng, trong ngày đầu tiên.
- Giảm xuống chườm 3 lần/ ngày và 10 - 15 phút /lần trong những ngày tiếp theo tùy theo tình trạng sưng nề.
- Không chườm đá lạnh trực tiếp lên da, phải bọc đá trong khăn bông tránh bị bỏng lạnh.
Giai đoạn II:
Sau tuần thứ nhất đến hết tuần thứ 02
- Mục đích: Giảm đau, giảm sung, gấp gối được hơn 90 đến 120 độ, có thể chạy bộ chậm sau 02 tuần nếu không đau khi vận động.
- Chườm lạnh: Ngày 2 -3 lần tùy theo tình trạng sưng nề, chườm sau khi tập.
Giai đoạn III:
Sau tuần thứ 02 đến tuần thứ 04
- Mục đích: Khớp gối vận động được hết tầm vận động khớp với sức mạnh tương đương chân lành, trở lại chạy và chơi một số môn thể thao đặc thù.
Giai đoạn IV:
Thường bắt đầu sau 04 tuần và kéo dài 3 đến 6 tuần.
- Mục đích là để trở lại đào tạo và thi đấu.
2.3 Bài tập phục hồi chức năng
- Duỗi gối thụ động: Kê gót chân bên bị giãn dây chằng lên một chiếc gối hoặc chăn mỏng. Dùng tay ấn nhẹ gối xuống mặt giường để giữ phần gối duỗi thẳng trong khoảng 5,6 giây, sau đó thả lỏng 10 giây và tiếp tục bài tập như ban đầu.
- Tập cơ tứ đầu: Duỗi thẳng hai chân, kê phía dưới gót một chiếc chăn mỏng và gồng căng cơ tứ đầu gối để giữ vững gối tồi từ từ nhấc toàn bộ phần chân lên khỏi mặt giường khoảng 20-30 cm. Thực hiện bài tập từ 6-8 lần mỗi ngày cho đến khi chân duỗi thẳng được.
- Tập vận động khớp háng, cử động phần cổ chân: Nằm thẳng trên sàn nhà, đặt phần chân duỗi thẳng dựa vào tường, tạo với mặt tường một góc 90 độ. Sau đó từ từ co dần bàn chân bên gối bị giãn dây chằng xuống cho đến khi cảm thấy khớp gối căng lại thì dừng lại. Giữ nguyên tư thế này trong khoảng 30 giây rồi thu chân về vị trí ban đầu. Lặp lại động tác này từ 2-4 lần.
- Tập phần cơ bắp chân: Bài tập cơ bắp chân rất quan trọng trong quá trình tập luyện phục hồi giãn dây chằng. vì cơ vùng bắp chân giữ ổn định khớp gối khi vận động. Trong tuần đầu chưa tì toàn bộ trọng lượng sang chân bệnh, từ tuần thứ hai có thể tỳ hoàn toàn trọng lượng lên chân bệnh, và tập chạy bộ chậm nhẹ nhàng từ tuần thứ 03 nếu không đau.
- Tập nhóm cơ mặt sau đùi: Chú ý bài tập này thực hiện vào giai đoạn II, sau hết tuần thứ nhất với giãn dây chằng. Còn với những bệnh nhân bị đứt dây chằng đặc biệt là đứt dây chằng chéo trước thì bài tập này được thực hiện vào giai đoạn IV, sau 04 tuấn điều trị. Cách thực hiện như sau: Nằm ngửa, duỗi thẳng chân trên giường, nhẹ nhàng gồng phần cơ mặt phía sau đùi đồng thời ấn gót chân xuống mặt giường, giữ nguyên trong 6 giây sau đó thả lỏng và thực hiện khoảng 8-12 lần.
Vì sau chấn thương sẽ có biểu hiện sưng đau vùng khớp gối bị thương tổn, nếu trong tuần đầu tình trạng sưng đau nhiều thì ưu tiên hàng đầu là nghỉ ngơi, gác cao chân, chườm lạnh để giảm đau, giảm sưng rồi mới đến các bài tập trong các tuần kế tiếp. Sử dụng băng thun cố định khớp gối từ 04 – 06 tuần sau chấn thương khi đi lại, tập luyện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.