Gân chân ngỗng là gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lưu Hồng Hải - Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Tổn thương dây chằng chéo trước khớp gối gây mất vững khớp gối, nếu không được điều trị sẽ dẫn tới thoái hóa khớp sớm, tổn thương thứ phát các thành phần khác, giảm sút chức năng khớp gối. Trong trường hợp này phẫu thuật tạo hình dây chằng bằng gân cơ ngỗng là cần thiết. Vậy gân cơ ngỗng là gì? Vị trí và vai trò của gân cơ ngỗng ra sao?

1. Gân chân ngỗng là gì?

Gân chân ngỗng là một nhóm cơ bao gồm cơ thon (cơ thẳng trong), cơ bán gân, và cơ may đi từ trên đùi xuống. Gân chân ngỗng còn có tên gọi khác là nhóm cơ chậu chày. Ba cơ này xuất phát từ 3 vị trí khác nhau ở phía trong của xương đùi nhưng nhập lại bám vào mặt trước trong đầu trên xương chày (xương ống quyển).

Hình ảnh ba gân giống như chân của con ngỗng nên đã được đặt tên theo hình ảnh này. Gân của các các cơ này rất dài, phần trên là cơ phần dưới thoát ra gân chạy xuống bám vào mặt trước trong đầu trên của xương chày.

2. Cấu tạo của gân chân ngỗng

Vị trí gân chân ngỗng bám tận ở mặt trước trong đầu trên xương chày. Vùng bám tận này rộng khoảng 20mm, nằm dưới đỉnh của lồi củ trước khoảng 19mm và vào trong khoảng 22,5mm.

  • Cơ may nguyên ủy từ gai chậu trước trên chạy dọc mặt trước đùi theo hướng từ ngoài vào trong, đoạn dưới đùi gân trở nên mỏng và rộng bám vào mặt trước trong đầu trên xương chày, là thành phần nông nhất trong bó gân chân ngỗng.
  • Cơ thon nguyên ủy từ thân và ngành dưới của xương mu chạy xuống dọc mặt trong của đùi đến nhập cùng gân bán gân bám tận ở đầu trên xương chày.
  • Gân bán gân nguyên ủy từ ụ ngồi, chạy dọc mặt sau trong đùi đến bám tận cùng với gân cơ thon và cơ may ở mặt trước trong đầu trên xương chày.

Ở tại vùng mặt trong gối trước khi đến chỗ bám tận chung của bó chân ngỗng, gân bán gân và gân cơ thon nằm ở giữa hai lớp: lớp thứ nhất gân cơ may và lớp thứ hai dây chằng bên trong; gân cơ thon ở trước và trên gân bán gân. Gân cơ thon tròn hơn nhưng nhỏ hơn gân bán gân. Cân đùi chia ra lớp nông và sâu bọc quanh cơ may cả phần cơ và phần gân. Lá cân sâu nối với gân cơ thon và gân bán gân tạo thành 3-4 dải quanh các gân này tại vị trí khoảng 8-10cm trên điểm bám tận.

3. Vai trò của gân chân ngỗng


Gân chân ngỗng được sử dụng rộng rãi tạo mảnh ghép tự thân trong các phẫu thuật tái tạo gân và dây chằng
Gân chân ngỗng được sử dụng rộng rãi tạo mảnh ghép tự thân trong các phẫu thuật tái tạo gân và dây chằng

Gân cơ chân ngỗng là một gân chung do sự hòa nhập của ba cơ theo vị trí bám từ trên xuống dưới là cơ thợ may, cơ thon và cơ bán gân, nằm ở lớp thứ II, trong đó cơ bán gân và cơ thon là hai cơ được lấy để làm mảnh ghép trong tái tạo dây chằng chéo.

Gân chân ngỗng được sử dụng rộng rãi tạo mảnh ghép tự thân trong các phẫu thuật tái tạo gân và dây chằng như: dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, dây chằng bên của khớp gối, các tổn thương cũ của gân bánh chè, gân Achilles, phẫu thuật điều trị trật bánh chè.... Trong phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước mảnh ghép tự thân của gân bán gân và gân cơ thon được sử dụng phổ biến nhờ những ưu điểm hơn so với gân bánh chè.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy chân người bệnh sẽ không bị yếu đi khi phải lấy gân chân ngỗng để tạo hình lại dây chằng chéo trước của mình. Bên cạnh đó, phương pháp này tránh được tổn thương tại chỗ lấy gân so với lấy gân bánh chè (đau ở mặt trước gối, làm yếu cơ tứ đầu, hạn chế biên độ duỗi gối). Mảnh ghép gân bán gân và gân cơ thon chập bốn có độ khỏe lớn hơn dây chằng chéo trước

(Anterior Cruciate Ligaments: ACL) nguyên bản và với độ chắc gần tương đương ACL.

Tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này là mảnh ghép gân chậm liền trong đường hầm xương, có thể bị đứt trong quá trình lấy gân làm mảnh ghép ngắn thậm chí phải cần mảnh ghép thay thế. Nhiều nghiên cứu cho thấy sự yếu đi của các cơ khoeo là rất nhỏ và thường hồi phục sau khi phục hồi chức năng. Đặc biệt, sau khi lấy bỏ phần gân chúng bị dính vào các cơ xung quanh và tăng sức mạnh cho các cơ này. Chúng cũng có khả năng tái sinh lại gân nhờ quá trình liền sẹo trên gân đã bị lấy đi, có thể thấy điều đó thông qua phim chụp MRI kiểm tra.

Hiện nay phẫu thuật tạo hình dây chằng bằng gân bán gân và gân tự thân đã cho thấy đây là vật liệu đáp ứng tốt yêu cầu của phẫu thuật. Phương pháp tái tạo ACL bằng gân cơ bán gân và gân cơ thon đã trở thành một kỹ thuật rất phổ biến, tỷ lệ thành công lên đến hơn 96%, giúp cho người bệnh có một khớp gối vững chắc, vận động dễ dàng, quay lại chơi môn thể thao yêu thích.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là chuyên khoa chuyên điều trị các chấn thương và tình trạng bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và dây chằng.

Trung tâm có thế mạnh chuyên môn trong phẫu thuật, điều trị các bệnh lý:

  • Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp nhân tạo;
  • Thay khớp háng, gối, khuỷu tay;
  • Thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam;
  • Phẫu thuật nội soi khớp tái tạo và sửa chữa các tổn thương dây chằng, sụn chêm;
  • Ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động;
  • Phục hồi chức năng chuyên sâu về Y học thể thao;
  • Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.

Trung tâm đang áp dụng các công nghệ hiện đại, tối tân vào điều trị như công nghệ tái tạo hình ảnh 3D và in 3D xương, khớp nhân tạo, công nghệ trợ cụ cá thể hóa được chế tạo và in 3D, công nghệ chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng các vật liệu mới, kỹ thuật phẫu thuật chính xác bằng Robot.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe