Giảm nhẹ cơn đau do viêm khớp

Các phương pháp giảm đau do viêm khớp hiệu quả và dễ thực hiện là điều mà nhiều người bệnh quan tâm. Từ việc thay đổi lối sống, áp dụng các liệu pháp tự nhiên đến sử dụng các công cụ hỗ trợ đơn giản, bệnh nhân hoàn toàn có thể kiểm soát cơn đau và cải thiện sức khỏe xương khớp một cách an toàn và hiệu quả. Hãy cùng tìm hiểu các phương pháp hữu ích trong bài viết sau đây.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Điều trị không dùng thuốc

Phương pháp điều trị không dùng thuốc được coi là lựa chọn ưu tiên đầu tiên để giảm đau do viêm khớp, mang lại lợi ích đáng kể lẫn một số rủi ro tiềm ẩn. Các chuyên gia khuyến nghị rằng, ngay cả khi đang sử dụng thuốc, việc thay đổi lối sống là điều cần thiết.

1.1. Vận động thường xuyên

Tập thể dục không chỉ giúp giảm đau khớp mà còn giảm tình trạng cứng khớp. Một nghiên cứu trên người bị viêm khớp gối đã chỉ ra rằng, tập thể dục mang lại hiệu quả tương đương với thuốc giảm đau xương khớp. Tuy nhiên, bệnh nhân cần duy trì thói quen này đều đặn, bởi nếu ngừng tập luyện, các lợi ích sẽ dần biến mất.

Chế độ tập luyện nên kết hợp các bài tập nâng cao sức khỏe tim mạch để giữ cho tim và phổi hoạt động tốt. Một số bài tập phù hợp bao gồm đi bộ, bơi lội, đạp xe, thái cực quyền, yoga và các bài tập kháng lực giúp xây dựng cơ bắp. Để đảm bảo hiệu quả và an toàn, người có dấu hiệu viêm khớp nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để chọn loại bài tập phù hợp nhất với tình trạng của mình.

1.2. Giảm cân

Nếu bệnh nhân thừa cân, việc giảm cân có thể tạo ra sự thay đổi đáng kể trong việc điều trị viêm khớp. Giảm cân giúp giảm áp lực đáng kể lên các khớp, đặc biệt là đầu gối và hông, đồng thời giảm đau và cải thiện khả năng vận động của khớp. Nghiên cứu cho thấy, việc giảm ít nhất 10% trọng lượng cơ thể (khoảng 9kg ở người nặng 90kg) có thể giảm đau do viêm khớp đến 50%.

1.3. Sử dụng dụng cụ hỗ trợ

Các dụng cụ hỗ trợ như gậy hoặc nẹp đầu gối cũng rất hữu ích, đặc biệt trong trường hợp đầu gối không thẳng hàng. Đối với viêm khớp ngón tay cái, nẹp cũng có thể mang lại hiệu quả tích cực. Để lựa chọn thiết bị phù hợp, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để lựa chọn các dụng cụ hỗ trợ phù hợp giúp đạt hiệu quả giảm đau do viêm khớp tốt nhất. 

Bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn dụng cũ hỗ trợ phù hợp để giảm đau do viêm khớp gối.
Bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn dụng cũ hỗ trợ phù hợp để giảm đau do viêm khớp gối.

1.4. Chế độ ăn địa trung hải

Theo các nhà khoa học, chế độ ăn Địa Trung Hải được xem là tiêu chuẩn vàng trong chế độ ăn chống viêm, nhờ tập trung vào việc tiêu thụ trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và cá, đồng thời giảm thiểu tiêu thụ thịt đỏ. Chế độ ăn này đã cho thấy tiềm năng trong việc giảm đau và cải thiện chức năng thể chất ở bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp, mang lại lợi ích sức khỏe toàn diện.

1.5. Cắt giảm đường

Theo một nghiên cứu, các món tráng miệng và nước ngọt chứa đường là hai loại thực phẩm có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng đau khớp ở người mắc viêm khớp dạng thấp. Vì vậy, bệnh nhân cần hạn chế tiêu thụ đồ ngọt và áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải để cải thiện triệu chứng viêm khớp hiệu quả.  

Tránh tiêu thụ bánh ngọt giúp giảm đau do viêm khớp hiệu quả.
Tránh tiêu thụ bánh ngọt giúp giảm đau do viêm khớp hiệu quả.

1.6. Thực hiện chườm nóng hoặc lạnh

Theo nguyên tắc chung, chườm lạnh thường được áp dụng cho các vết thương cấp tính, trong khi chườm nóng phù hợp hơn với các cơn đau mạn tính. Tuy nhiên, hiệu quả của mỗi phương pháp có thể khác nhau ở từng người. Một số bệnh nhân bị đau cấp tính có thể cảm thấy thoải mái hơn khi sử dụng nhiệt, trong khi những người bị đau mạn tính có thể thấy chườm lạnh mang lại sự dễ chịu hơn. Vì vậy, tốt nhất là thử cả hai phương pháp để xác định cách phù hợp giảm đau do viêm khớp nhất với tình trạng của mình.

2. Viêm khớp uống thuốc gì?

2.1. Thuốc giảm đau không kê đơn (OTC)

Bệnh nhân có thể dùng thuốc giảm đau do viêm khớp gối như acetaminophen (ví dụ: Tylenol) và thuốc chống viêm không steroid (NSAID, như Advil hoặc Motrin) để giảm đau do viêm khớp. Đây là những loại thuốc dễ mua và chi phí thấp. Acetaminophen hiệu quả trong việc giảm đau nhẹ do viêm khớp, nhưng cần sử dụng cẩn thận để tránh quá liều. Hãy đảm bảo không dùng quá 3.000 mg acetaminophen mỗi ngày, vì lạm dụng có thể gây tổn thương gan, đặc biệt với người mắc bệnh gan hoặc uống hơn 3 ly rượu mỗi ngày.

NSAID giúp giảm triệu chứng viêm khớp như sưng và đau khớp nhưng hiệu quả không đáng kể khi sử dụng với liều thấp. Dù hầu hết người khỏe mạnh có thể sử dụng NSAID an toàn trong thời gian ngắn, loại thuốc này vẫn có nguy cơ gây tác dụng phụ như tăng huyết áp, đau tim, đột quỵ và tổn thương thận. Đặc biệt, người từng bị đau tim cần cẩn trọng khi sử dụng NSAID, vì nguy cơ tái phát đau tim cao hơn.

Ngoài ra, NSAID có thể gây kích ứng dạ dày và chảy máu do ức chế cơ thể tạo ra các chất bảo vệ niêm mạc dạ dày. Nếu sử dụng lâu dài, bác sĩ có thể kê thêm thuốc giảm axit dạ dày để bảo vệ dạ dày. Nguy cơ tác dụng phụ cao hơn ở người trên 65 tuổi hoặc dùng NSAID liều cao.

2.2. Thuốc giảm đau không kê đơn khác

Bên cạnh các loại thuốc giảm đau, người bệnh có thể tìm mua các chất bổ sung và kem bôi tại hiệu thuốc để hỗ trợ giảm đau do viêm khớp. Các phương pháp điều trị tại chỗ cũng có thể được sử dụng song song với thuốc uống để tăng hiệu quả. Nhiều người bị viêm khớp thường lựa chọn glucosamine và chondroitin. Đối với những người bị đau đầu gối từ mức trung bình đến nặng, sự kết hợp giữa hai chất này có thể giúp giảm đau. Nếu bệnh nhân quyết định thử, hãy kiên trì sử dụng trong ít nhất 3 tháng để đánh giá hiệu quả.

Mặc dù glucosamine và chondroitin ít gây tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng do thuộc nhóm chất bổ sung, không được FDA kiểm soát nghiêm ngặt như thuốc, nên hàm lượng và chất lượng có thể khác nhau tùy theo nhà sản xuất. Ngoài ra, dầu cá cũng là một lựa chọn đáng cân nhắc, vì một nghiên cứu cho thấy việc sử dụng dầu cá lâu dài có thể giúp cải thiện cơn đau và chức năng khớp.

Các loại kem bôi chứa capsaicin, chiết xuất từ ớt, có thể hỗ trợ giảm đau do viêm khớp nhẹ. Khi sử dụng, bệnh nhân có thể cảm thấy châm chích hoặc nóng rát nhẹ trên da. Để đảm bảo an toàn, hãy thử bôi một lượng nhỏ lên vùng da nhỏ trước khi sử dụng để kiểm tra độ nhạy cảm với các thành phần của thuốc.

Quan trọng, bệnh nhân nên tránh bôi kem lên vùng da bị tổn thương hoặc kích ứng và không để thuốc tiếp xúc với mắt hoặc miệng. Đặc biệt, không kết hợp kem bôi với các liệu pháp nhiệt như chườm nóng hoặc miếng đệm nóng, vì điều này có thể gây bỏng nghiêm trọng. Ngoài ra, chườm lạnh hoặc ấm lên vùng khớp đau vài lần mỗi tuần cũng có thể giảm đau, sưng và cải thiện khả năng vận động. Liệu pháp lạnh đặc biệt hiệu quả trong việc giảm khó chịu sau khi tập thể dục.

2.3. Thuốc theo toa NSAIDS  

Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc kê đơn các NSAID liều cao hơn để điều trị viêm và giảm đau do viêm khớp. Một số NSAID kê đơn phổ biến bao gồm diclofenac (Cambia, Cataflam, Voltaren), etodolac (Lodine), meloxicam (Mobic), oxaprozin (Daypro), và piroxicam (Feldene), bên cạnh các loại không kê đơn như ibuprofen và naproxen.

Tuy nhiên, giống như các NSAID không kê đơn, việc sử dụng các loại thuốc này trong thời gian dài có thể dẫn đến những tác dụng phụ nghiêm trọng như đau tim, đột quỵ, bệnh thận, kích ứng dạ dày và chảy máu, đặc biệt là ở người cao tuổi.  

Nếu người bệnh đang dùng aspirin hàng ngày, hãy trao đổi với bác sĩ để đảm bảo việc kết hợp các loại NSAID khác là an toàn. Ngoài ra, các NSAID dạng bôi ngoài da, chẳng hạn như kem diclofenac, cũng mang lại hiệu quả tốt trong việc giảm đau và viêm khớp ở tay và đầu gối.

Celecoxib (Celebrex) là một loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) khác, giúp giảm đau và viêm khớp hiệu quả. Tuy nhiên, tương tự các NSAID khác, việc sử dụng celecoxib có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đặc biệt ở liều cao và có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Nếu bệnh nhân gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong quá trình sử dụng, hãy báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn và xử lý kịp thời.

2.4. Thuốc theo toa STEROID

Steroid giúp giảm viêm và làm dịu cơn đau do viêm khớp, nhưng hiệu quả chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, thuốc steroid có thể gây ra một số tác dụng phụ như nhiễm trùng, phản ứng dị ứng, chảy máu, thay đổi màu da và hiếm gặp hơn là đứt gân gần khu vực tiêm. Tiêm steroid lặp đi lặp lại vào cùng một khớp có thể làm tổn hại đến cấu trúc của khớp, vì vậy cần sử dụng cẩn thận và theo chỉ định của bác sĩ. 

Thuốc steroid làm dịu cơn đau bằng cách giảm viêm nhưng chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn.
Thuốc steroid làm dịu cơn đau bằng cách giảm viêm nhưng chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn.

Đau do viêm khớp có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống nhưng việc áp dụng các phương pháp giảm đau do viêm khớp phù hợp có thể giúp cải thiện tình trạng này một cách hiệu quả. Hãy kết hợp giữa chăm sóc bản thân và tham khảo ý kiến chuyên gia y tế để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe