Gãy xương quai xanh (xương đòn) bao lâu thì lành?

Gãy xương đòn là một trong những chấn thương phổ biến nhất ở vùng vai. Quá trình điều trị tình trạng này có thể được thực hiện thông qua các phương pháp như điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật . Người bệnh cũng cần phải kết hợp với chế độ dinh dưỡng phù hợp để xương nhanh liền.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Mai Anh Kha - Bác sĩ ngoại Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Gãy xương đòn có nguy hiểm không?

Cơ thể con người gồm có hai xương đòn, còn được gọi là xương quai xanh nằm dưới vai và đối diện nhau qua ức. Mỗi xương có một đầu nối với ức thông qua khớp tròn và một đầu khác nối với xương bả vai qua khớp cùng đòn, giúp liên kết cánh tay với cơ thể.

Gãy xương quai xanh thường xảy ra trong các vụ tai nạn ở vùng vai, chiếm 35-43% tổng số trường hợp gãy xương ở vùng vai và 4% trong tổng số trường hợp gãy xương trên cơ thể.  

Nguyên nhân chủ yếu gây gãy xương đòn là do té ngã và tai nạn giao thông. Khoảng 80% các trường hợp chấn thương xảy ra do tác động gián tiếp như đập vai hoặc chống tay khi ngã. 20% còn lại là do va đập trực tiếp, thường dẫn đến gãy xương hở.

Trên thực tế, tỉ lệ gãy xương đòn bên trái thường cao hơn so với bên phải, do số người người thuận tay phải nhiều hơn, bên không thuận có xu hướng yếu hơn nên dễ bị gãy hơn. Hơn nữa, ở Việt Nam, người tham gia giao thông thường đi bên lề phải, dẫn đến việc chống xe bằng chân trái. Do đó, khi tai nạn xảy ra, cơ thể thường ngả về phía bên trái.

Hai xương quai xanh nằm dưới vai và đối diện nhau qua ức.
Hai xương quai xanh nằm dưới vai và đối diện nhau qua ức.

Gãy xương đòn có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau, nhưng vị trí phổ biến nhất là gãy ở vị trí 1/3 giữa xương. Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở phần 1/3 trong hoặc 1/3 ngoài, nhưng điều này ít xảy ra hơn.  

Xương đòn có thể gãy đơn thuần nhưng cũng có trường hợp xương gãy gây tổn thương đến các cấu trúc khác như mạch máu, màng phổi, hay thần kinh.

Gãy xương đòn thường không gây nguy hiểm tính mạng do xương đòn có màn xương dày và nằm ở vị trí trên lồng ngực, nơi có nguồn cung cấp máu dồi dào nên xương dễ lành sau khi gãy. Mặc dù nằm gần các dây thần kinh và mạch máu quan trọng nhưng tình trạng gãy xương đòn và di lệch các đầu xương hiếm khi gây ảnh hưởng đến các cơ quan này.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp gãy xương đòn phức tạp, các mảnh xương có khả năng xuyên thủng các dây thần kinh hoặc mạch máu dưới xương gây ra chảy máu hoặc liệt tay, xương gãy đâm vào phổi có thể dẫn đến tràn khí hoặc tràn máu vào màng phổi gây suy hô hấp nguy hiểm đến tính mạng.  

Những người bị gãy cả hai xương quai xanh cùng lúc thường gặp khó khăn trong khi thở vì chuyển động của xương quai xanh khi hít thở gây đau đớn.

2. Triệu chứng gãy xương đòn vai

Khi bị gãy xương đòn, người bệnh sẽ trải qua các triệu chứng sau:

  • Đau và sưng tại vị trí gãy xương.
  • Xương gồ lên dưới da ở vùng chấn thương.
  • Khi ấn vào vết thương có cảm giác bập bềnh.
  • Nghe thấy tiếng lạo xạo hoặc âm thanh không bình thường khác.
  • Giảm sức mạnh hoặc mất khả năng di chuyển của khớp vai.

Để xác định chính xác tình trạng gãy xương đòn, bác sĩ cần thực hiện các phương pháp khác như chụp X-quang thẳng và nghiêng để đưa ra chẩn đoán chính xác về vị trí và đường gãy của xương.

Nếu cần biết rõ hơn về loại gãy hoặc mức độ lệch, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện chụp cắt lớp CT. Nếu cần phẫu thuật, người bệnh sẽ được yêu cầu làm nhiều loại xét nghiệm khác.

3. Các phương pháp điều trị gãy xương đòn

Hiện nay, điều trị bảo tồn và điều trị phẫu thuật là hai phương pháp chính để điều trị gãy xương đòn.

Hầu hết các trường hợp gãy xương đòn thường được điều trị bằng phương pháp bảo tồn. Một số phương pháp điều trị bảo tồn bao gồm:

  • Bó bột để điều chỉnh vai và giữ xương cố định.
  • Phương pháp Rieunau: Bệnh nhân sẽ đặt gối dưới vai, nằm ngửa liên tục trong hai tuần. Vị trí xương đòn bị gãy sẽ được băng bó bằng hai dải băng dính lớn. Sau hai tuần này, bệnh nhân có thể ngồi dậy và bắt đầu sử dụng băng treo tay, cũng như tập luyện khớp vai.
  • Băng số 8: Phương pháp này sử dụng băng thun rộng khoảng 10-12 cm, bắt chéo theo hình số 8 sau lưng bệnh nhân trong khoảng 4-8 tuần. Đây là phương pháp điều trị bảo tồn phổ biến nhất vì băng thun sẽ mang lại cảm giác nhẹ nhàng và thoải mái hơn cho bệnh nhân.
Hiện nay, điều trị bảo tồn và điều trị phẫu thuật là hai phương pháp chính để điều trị gãy xương đòn.
Hiện nay, điều trị bảo tồn và điều trị phẫu thuật là hai phương pháp chính để điều trị gãy xương đòn.

Phương pháp điều trị bảo tồn thường được đề xuất cho các bệnh nhân cao tuổi, vì những bệnh nhân này thường có các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, đái tháo đường cùng với tình trạng loãng xương, xương giòn, mỏng, xốp… không thích hợp cho phẫu thuật.

Hơn nữa, điều trị bảo tồn được áp dụng cho những bệnh nhân không mong muốn phẫu thuật, không thích nằm viện và lo ngại về sẹo sau mổ. Tuy nhiên, phương pháp này thường không thể đảm bảo xương sau khi hồi phục có thể đạt được hình dạng ban đầu một cách tuyệt đối.

Thông thường, khi sử dụng phương pháp điều trị bảo tồn, người bệnh có thể xảy ra các vấn đề như can lệch, xương lồi lên gây ra tình trạng vai bị ngắn lại và xương nhô lên ảnh hưởng đến thẩm mỹ của bệnh nhân.

Trong quá trình điều trị bảo tồn, tình trạng nhô cao của phần xương gãy có thể gây loét da và thủng ra ngoài. Để phòng ngừa những biến chứng khi thực hiện phương pháp điều trị bảo tồn, người bệnh cần tái khám định kỳ để bác sĩ đánh giá rủi ro dựa trên kết quả X-quang. Nếu cần thiết, bệnh nhân sẽ phải phẫu thuật để tránh biến chứng.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị gãy xương quai xanh (xương đòn) được áp dụng trong những tình huống sau đây:

  • Khi gãy xương đòn có biến chứng gây tổn thương đến thần kinh, mạch máu hoặc làm thủng màng phổi.
  • Trường hợp gãy kín đang được điều trị bảo tồn, nếu có mảnh xương thứ ba làm thủng da hoặc màng phổi, người bệnh cũng sẽ được chỉ định phẫu thuật.
  • Các trường hợp gãy hở cần phẫu thuật để cắt lọc vết thương và phục hồi kết cấu xương.
  • Bệnh nhân mong muốn phẫu thuật để xương hồi phục tốt nhất, ngăn ngừa tình trạng tạo thành một cục u lồi làm mất thẩm mỹ có thể xảy ra khi áp dụng phương pháp điều trị bảo tồn.
  • Gãy xương đòn di lệch chồng ngắn hơn 2 cm hoặc gãy hở tách rời hai đầu xương  

Phẫu thuật mang lại hiệu quả nắn chỉnh xương tốt hơn so với phương pháp điều trị bảo tồn, tuy nhiên, chi phí sẽ cao hơn và sẽ để lại vết sẹo từ quá trình mổ. Ngoài ra, bệnh nhân cần phải trải qua một cuộc mổ thứ hai để lấy dụng cụ y tế ra. Hiện nay, các dụng cụ y tế được sử dụng để kết hợp xương đòn bao gồm đinh nội tủy có răng vặn và nẹp vít (dùng nẹp và vít để cố định).

4. Gãy xương quai xanh bao lâu thì lành?

Trong phương pháp điều trị bảo tồn, bệnh nhân gãy xương đòn sẽ đeo đai trong khoảng 4-8 tuần, trong thời gian này xương sẽ có can xương. Mặc dù phẫu thuật cho phép bệnh nhân vận động sớm hơn nhưng trong phương pháp này, can xương sẽ bị ảnh hưởng bởi các tác động như bóc tách và kết hợp xương, dẫn đến can xương hình thành chậm hơn so với phương pháp bảo tồn.

Trắc nghiệm: Xử trí thế nào khi gãy xương quai xanh?

Xương quai xanh có tác dụng rất quan trọng, là nơi treo xương cánh tay vào thân. Gãy xương quai xanh là một chấn thương thường gặp ở vùng vai, trong trường hợp ngã hoặc chấn thương do tai nạn giao thông.

Cần mất nhiều thời gian để xương hồi phục sau gãy, thời gian liền xương sinh lý thường là từ 3 đến 6 tháng.
Cần mất nhiều thời gian để xương hồi phục sau gãy, thời gian liền xương sinh lý thường là từ 3 đến 6 tháng.

Quá trình phục hồi sau khi gãy xương đòn thường mất nhiều thời gian, với thời gian phục hồi sinh lý của xương thường từ 3 đến 6 tháng. Trong khoảng thời gian này, người bệnh cần tránh cầm và mang vác vật nặng vì việc này có thể kéo vai xuống và làm di chuyển chỗ gãy.

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân thường có mong muốn sớm trở lại lao động hoặc lái xe máy bởi vì các dụng cụ y tế cố định trong xương không gây đau và không vướng víu. Tuy nhiên, những hoạt động này không tốt cho bệnh nhân vì có khả năng làm cho xương chưa lành bị lỏng và các vít cố định bị tuột ra, dẫn đến phẫu thuật thất bại và cần phải thực hiện lại.

Để đảm bảo hồi phục tối ưu, bệnh nhân nên bắt đầu vận động muộn hơn, khoảng từ 2 đến 3 tháng sau khi phẫu thuật, khi xương đã cho thấy dấu hiệu của can xương.

Bệnh nhân gãy xương đòn không bắt buộc phải thực hiện vật lý trị liệu vì tình trạng này ít gây di chứng, tuy nhiên bệnh nhân cần duy trì việc tập luyện khớp vai để tránh tình trạng cứng khớp do thiếu hoạt động kéo dài.  

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân nên duy trì một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, giàu canxi và vitamin D để thúc đẩy quá trình lành xương. Bệnh nhân cũng cần tuân thủ lịch tái khám để bác sĩ đánh giá tình trạng liền xương và phát hiện kịp thời bất kỳ biến chứng nào có thể xảy ra.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là chuyên khoa chuyên điều trị các chấn thương và tình trạng bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và dây chằng.

Trung tâm có thế mạnh chuyên môn trong phẫu thuật, điều trị các bệnh lý:

  • Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp nhân tạo;
  • Thay khớp háng, gối, khuỷu tay;
  • Thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay ;
  • Phẫu thuật nội soi khớp tái tạo và sửa chữa các tổn thương dây chằng, sụn chêm;
  • Ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động;
  • Phục hồi chức năng chuyên sâu về Y học thể thao;
  • Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.

Trung tâm đang áp dụng các công nghệ hiện đại, tối tân vào điều trị như công nghệ tái tạo hình ảnh 3D và in 3D xương, khớp nhân tạo, công nghệ trợ cụ cá thể hóa được chế tạo và in 3D, công nghệ chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng các vật liệu mới, kỹ thuật phẫu thuật chính xác bằng Robot.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe