Gãy xương bả vai có nguy hiểm không?

Gãy xương bả vai là một loại chấn thương khá phổ biến, thường xảy ra do các tác động mạnh lên vùng vai như tai nạn giao thông, ngã từ độ cao hoặc va chạm mạnh trong thể thao. Xương bả vai đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối cánh tay với thân người, vì vậy khi bị gãy, người bị chấn thương sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc vận động.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Gãy xương bả vai là gì?

Xương bả vai có dạng hình tam giác dẹt nằm ở phần lưng trên, đóng vai trò nối xương cánh tay trên với xương đòn và phần ngực. Ổ khớp vai cũng là một phần của xương bả vai. Nhiều cơ bao quanh xương này giúp bảo vệ, tăng cường sức mạnh và hỗ trợ chuyển động linh hoạt.

Trên thực tế, xương bả vai hiếm khi bị gãy. Dù ít gặp, gãy xương bả vai thường xảy ra ở nhóm người trẻ từ 25 đến 45 tuổi với tỷ lệ dưới 1%. Chỉ những chấn thương nghiêm trọng như tai nạn giao thông, tai nạn thể thao hoặc ngã mạnh mới có thể dẫn đến gãy xương vai.

Các dấu hiệu chính khi bị gãy xương bả vai thường bao gồm sưng, đau và xuất hiện vết bầm tím ở bả vai. Ngoài ra, còn có thể xuất hiện một số triệu chứng khác như:

  • Cánh tay bên bị gãy xương có xu hướng áp sát vào cơ thể nhiều hơn bình thường.
  • Khi cử động cánh tay, cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Không thể giơ cánh tay lên cao.
  • Cơn đau tăng lên khi thở sâu do sự chuyển động của lồng ngực làm xương bả vai dịch chuyển.
  • Vùng vai có thể bị biến dạng. 
Dấu hiệu gãy xương bả vai chính là sưng, đau ở vai.
Dấu hiệu gãy xương bả vai chính là sưng, đau ở vai.

Nguyên nhân phổ biến nhất của gãy xương vai thường xuất phát từ các chấn thương nặng với lực mạnh tác động trực tiếp lên vùng bả vai gây gãy xương. 80% các trường hợp gãy xương bả vai có liên quan đến các chấn thương vùng ngực, phổi và vai. Một số nguyên nhân cụ thể có thể kể đến như:

  • Tai nạn giao thông.
  • Ngã và va đập vào vùng bả vai.
  • Ngã trong tư thế tay duỗi thẳng.
  • Lực tác động cực mạnh vào bả vai.

Nếu xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ gãy xương vai như đau khi di chuyển vai, vùng vai bị sưng tấy hoặc bầm tím quanh vai và cơn đau không thuyên giảm sau 3-5 ngày, người bệnh nên nhanh chóng đi cấp cứu.

Liệu gãy xương bả vai có nguy hiểm không? Câu trả lời là có. Nếu không điều trị kịp thời, gãy xương vai có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như lệch vị trí xương, dẫn đến đau đớn, cứng khớp, hạn chế vận động và sưng phía sau bả vai.

2. Gãy xương vai bao lâu thì lành?

Nhiều người tò mò muốn biết vết gãy xương bả vai bao lâu thì lành. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết thời gian hồi phục của mỗi trường hợp là khác nhau và không có câu trả lời chính xác. Thời gian xương lành phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nguyên nhân gây gãy, mức độ tổn thương, vị trí vết gãy, cách sơ cứu ban đầu và phương pháp điều trị.

Thời gian phục hồi sau khi gãy xương vai phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Người bị chấn thương nặng kèm theo các tổn thương khác sẽ mất nhiều thời gian hơn để lành xương. Nếu được sơ cứu và điều trị kịp thời, quá trình phục hồi sẽ diễn ra nhanh hơn. Trung bình, một người bị gãy xương vai cần từ 6 tháng đến 1 năm để xương lành hoàn toàn. Việc nghỉ ngơi và chăm sóc đúng cách cũng góp phần rút ngắn thời gian hồi phục.

3. Điều trị gãy xương vai

Bác sĩ sẽ dựa trên vị trí và mức độ nghiêm trọng của gãy xương vai để quyết định phương pháp điều trị thích hợp với hai phương án cụ thể là:

3.1 Phương pháp không phẫu thuật

Phần lớn các trường hợp gãy xương bả vai có thể điều trị mà không cần can thiệp phẫu thuật. Sau khi xác định vị trí gãy xương, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh sử dụng nẹp để cố định vai trong một khoảng thời gian, giúp quá trình liền xương diễn ra thuận lợi. Khi xương đã bắt đầu lành, bệnh nhân cần nghỉ ngơi và kết hợp với các bài tập vật lý trị liệu để cải thiện khả năng vận động của vai, giảm nguy cơ cứng khớp cũng như giảm đau.

Nhiều người bệnh thường thắc mắc "Khi bị gãy xương vai thì nên kiêng gì?" vì lo lắng một số loại thực phẩm có thể cản trở quá trình hồi phục xương, kéo dài thời gian điều trị.  

Bên cạnh những thực phẩm có lợi cho xương khớp như hải sản, nấm, vitamin B6 và B12, bệnh nhân gãy xương vai cũng cần chú ý hạn chế những thực phẩm có thể làm vết thương lâu lành. Rượu và cà phê là hai loại đồ uống mà người bệnh cần tránh. Caffeine trong cà phê có khả năng làm giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể, trong khi rượu bia có chứa cồn có thể gây rối loạn quá trình tạo máu, khiến vết thương khó lành hơn.

3.2 Phẫu thuật

Trong một số tình huống, tình trạng gãy xương vai cần can thiệp phẫu thuật, bao gồm:

  • Gãy xương tại ổ chảo, nơi bả vai chuyển động.
  • Gãy xương bả vai ở mức độ nặng.
  • Gãy xương mỏm cùng vai gây ma sát với xương cánh tay trên.

Phẫu thuật gãy xương bả vai là một ca đại phẫu, vì vậy bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân trong quá trình thực hiện. Ca mổ nhằm mục đích sắp xếp lại các xương vào đúng vị trí và có thể dùng tấm kim loại, ốc vít hoặc dây chuyên dụng để kết hợp xương. Sau khi phẫu thuật xong, bệnh nhân cần phải nghỉ ngơi và tham gia vật lý trị liệu cho đến khi vai hồi phục hoàn toàn.

Sau khi trải qua phẫu thuật xương bả vai, bệnh nhân có thể đối mặt với một số vấn đề như sau:

  • Nhiễm trùng tại vết mổ.
  • Chảy máu nghiêm trọng.
  • Tác dụng phụ từ thuốc gây mê.
  • Sự ảnh hưởng đến các dây thần kinh xung quanh.

Nếu bệnh nhân bị gãy xương bả vai được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tình trạng gãy sẽ hồi phục và trở lại đúng vị trí ban đầu. Ngoài ra, để phục hồi khả năng vận động nhanh chóng, bệnh nhân cần làm theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Hy vọng thông tin trong bài viết này đã giúp ích cho bệnh nhân trong việc hiểu biết về gãy xương vai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe