Quy trình bó bột khu vực ngực - vai - cánh tay

Bó bột ngực vai cánh tay không quá khác biệt so với bó bột chữ U và phương pháp này thường được áp dụng cho các trường hợp gãy 1⁄3 xương cánh tay, gãy cổ xương cánh tay, gãy xương kín, hở sau khi đã xử lý phẫu thuật.

1. Tổng quan về bó bột ngực vai cánh tay

Bó bột ngực vai cánh tay (Thoraco) về cơ bản tương tự như bó bột chữ U, tuy nhiên khác biệt ở 2 điểm chính:

  • Thứ nhất, phần bột phủ rộng tới toàn bộ phần ngực, phía trước và cả 2 bên xương ức, xương sườn, phía sau là xương cột sống. Kể cả với trường hợp bó cấp cứu cũng độn lót dầy, không rạch dọc.
  • Thứ hai, cách thức bó bột này khiến cho vai dạng từ 50-60 độ và đưa ra trước so với mặt phẳng lưng (30-45 độ) nhiều hơn so với bó chữ U.

Nhìn chung, bó bột ngực cánh tay dạng vai hiện nay ít được sử dụng do nhược điểm gây khó chịu, hạn chế vận động các khu vực khác của bệnh nhân. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phương thức khác phù hợp hơn.

2. Chỉ định và chống chỉ định bó bột ngực vai cánh tay

Các trường hợp được chỉ định bó bột ngực vai cánh tay bao gồm:

  • Gãy 1/3 xương cánh tay;
  • Gãy cổ xương cánh tay;
  • Một số dạng gãy mấu động lớn xương cánh tay có di lệch;
  • Sau nắn chỉnh góc xương cánh tay;
  • Gãy xương kín, gãy xương hở độ 1, hở độ 2 trở lên đã được xử lý phẫu thuật.

Tuy nhiên, bó bột ngực cánh tay dạng vai lại chống chỉ định cho các trường hợp:

  • Gãy hở từ độ 2 trở lên theo thang đánh giá Gustilo;
  • tổn thương mạch máu, thần kinh hay hội chứng chèn ép khoang;
  • Có tổn thương ở ngực, đa chấn thương.
  • Riêng bệnh nhân đang cho con bú thuộc dạng chống chỉ định tương đối, tức cần cân nhắc thêm ưu và nhược điểm của việc bó bột, nếu vẫn bó thì phải khoét bột ở 2 bên ngực để tránh gây bất tiện trong việc chăm sóc trẻ.

Chỉ định bó bột ngực vai cánh tay trong trường hợp gãy 1/3 xương cánh tay hoặc gãy cổ xương cánh tay...
Chỉ định bó bột ngực vai cánh tay trong trường hợp gãy 1/3 xương cánh tay hoặc gãy cổ xương cánh tay...

3. Các bước chuẩn bị bó bột

3.1. Người thực hiện

  • 01 kỹ thuật viên chuyên khoa xương, 02 người hỗ trợ;
  • 01 bác sĩ gây mê và 01 phụ tá gây mê (nếu cần gây mê).

3.2. Phương tiện thực hiện

  • 01 bàn nắn cố định chắc chắn xuống sàn nhà, có mấu ngang để lắp đai đối lực khi kéo nắn;
  • 01 ghế đẩu để người bệnh ngồi hoặc nằm khi bó bột;
  • 01 đai đối lực bằng vải mềm, to bản (giống quai balo) để tránh gây sát da bệnh nhân khi kéo nắn;
  • Bột thạch cao: 5,6 cuộn cỡ 10-12cm và 3,4 cuộn cỡ 15cm;
  • Giấy vệ sinh, bông cuộn lót;
  • Nước để ngâm bột: Đủ sạch và đủ lượng để ngâm chìm 3,4 cuộn bột cùng lúc;
  • 01 gối mỏng để độn trước ngực bệnh nhân, sau khi bó bột thì rút bỏ;
  • 01 cuộn băng vải hoặc băng thun để băng bên ngoài sau khi bó bột.

Với người bệnh cần gây mê, cần chuẩn bị thêm một số thiết bị sau:

  • 01 nẹp gỗ (hoặc kim loại) dạng to bản, mỏng nhưng đủ cứng để đỡ lưng người bệnh khi nằm ngửa bó bột.
  • Thuốc tê hoặc thuốc mê;
  • Dụng cụ gây tê, gây mê;
  • Dụng cụ hồi sức (bơm tiêm, dây truyền dịch, dịch truyền, cồn 70 độ, mặt nạ bóp bóng, thuốc chống shock, đèn nội khí quản... ).

3.3. Chuẩn bị cho người bệnh

Trước khi được bó bột vai - ngực - cánh tay, bệnh nhân sẽ được chuẩn bị theo các bước sau:

  • Thực hiện thăm khám toàn diện, tránh bỏ sót tổn thương (đặc biệt là tổn thương lớn như chấn thương ngực, vỡ tạng rỗng, vỡ tạng đặc...) trong quá trình nắn bó bột. Do bệnh nhân cần bó bột hoàn toàn lồng ngực nên thao tác đánh giá này đặc biệt quan trọng;
  • Giải thích rõ cho bệnh nhân và người thân mục đích của thủ thuật, quá trình tiến hành;
  • Vệ sinh sạch sẽ vùng xương gãy, cở bỏ hoàn toàn áo;
  • Với bệnh nhân gây mê, cần nhịn ăn uống trước khi thực hiện thủ thuật từ 5-6 giờ để tránh nôn sặc hoặc trào ngược gây nguy hiểm.

Giải thích rõ cho bệnh nhân và người thân mục đích cũng như quá trình tiến hành bó bột ngực vai cánh tay
Giải thích rõ cho bệnh nhân và người thân mục đích cũng như quá trình tiến hành bó bột ngực vai cánh tay

4. Các bước tiến hành bó bột ngực vai cánh tay

Tùy theo người bệnh có thực hiện gây mê hay không mà lựa chọn 1 trong 2 cách bó bột: bó 1 thì hoặc 2 thì.

4.1. Với người bệnh không gây mê

  • Bó bột 1 thì:
    • Sau khi nắn chỉnh người bệnh được đỡ ngồi trên ghế, tầm mắt nhìn thẳng, đặt tay lành lên đầu hoặc đặt sau gáy. Người hỗ trợ dùng một tay đỡ khuỷu người bệnh, tay còn lại kéo giữ các ngón 2,3,4,5 của họ sao cho vai dạng 60 độ, đưa ra phía trước 30-45 độ, khuỷu tay vuông góc 90 độ, ngón tay cái chỉ mũi;
    • Kỹ thuật viên sẽ đặt một nẹp cỡ trung bình (15cm) phía sau cánh-cẳng-bàn tay, từ khớp bàn tay-ngón tay đến vai. Kê 1 nẹp ở nách để đỡ cánh tay, giúp cánh tay người bệnh dạng ra vững vàng hơn;
    • Tiếp đó dùng bột khổ trung bình (15cm) rải một nẹp từ hõm nách bên tay lành bắt chéo lên trên, sang vai còn lại để 2 đầu nẹp tiếp giáp và gối lên nhau ở trên bên vai tổn thương;
    • Dùng bột khổ lớn (20cm) rải một nẹp lớn đặt từ đường nách giữa thành ngực bên tổn thương chạy ngang qua lồng ngực sang bên lành;
    • Quấn bột ở cả lồng ngực, vai, lẫn cánh tay. Quấn đến đâu vuốt và sửa sang đến đó để giúp bột liên kết tốt. Chuyển sang dùng bột cỡ nhỏ từ vùng cẳng tay trở xuống. Khi quấn bột đến vùng nách có thể rải theo hình ziczac ở trước nách và sau vai để tăng cường bột. Chỉnh trang lại lần cuối cho đẹp.
  • Bó bột 2 thì.
    • Thì đầu cách thức tương tự như bó bột 1 thì, bó từ vùng ngực đến giữa cẳng tay. Đến thì 2 thì bó tiếp xuống cho đến hết cẳng và bàn tay.

4.2. Với người bệnh gây mê

Cách thức bó bột ngực vai cánh tay tương tự như bó bột chữ U có gây mê, tức người bệnh được đặt nằm, có nẹp cứng đỡ sau lưng. Thao tác quấn bột tương tự với bó bột 1 thì hoặc 2 thì ở trường hợp không gây mê, sau khi bó xong rút nẹp đỡ, sửa sang bột cho đẹp, tránh để móp bột ở lưng do nẹp đỡ gây ra.

5. Theo dõi và xử lý tai biến

Đây là dạng bó bột mà phần bột ở ngực rất lớn, trong một số trường hợp có thể gây cản trở hô hấp hoặc tạo cảm giác khó chịu, do vậy nên được cân nhắc trước khi chỉ định và theo dõi sát sao sau khi thực hiện thủ thuật.

Nếu bị nặng nề hoặc tay sưng phù, người bệnh nên được chuyển đến viện để theo dõi nội trú, đánh giá tình trạng của tay thông qua các chỉ số: mạch, cảm giác, khả năng cử động, màu da...

Tóm lại, bó bột ngực cánh tay dạng vai hiện nay ít được sử dụng do có nhiều nhược điểm như gây khó chịu, hạn chế vận động các khu vực khác của bệnh nhân. Do đó, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phương thức khác phù hợp hơn đối với bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe