Ung thư xương đầu gối là tình trạng tăng sinh bất thường các tế bào xương ở vùng gối một cách không kiểm soát. Mặc dù hiếm gặp nhưng ung thư xương thường diễn tiến âm thầm khiến cho bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn. Việc nhận biết các dấu hiệu ung thư xương đầu gối có ý nghĩa quan trọng để bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
1. Các loại ung thư xương
Ung thư xương xảy ra khi các tế bào xương tăng sinh một cách bất thường, không có sự kiểm soát, làm phá hủy mô xương bình thường.
Không phải tất cả các khối u xương đều là ung thư xương, mà u xương lành tính lại chiếm đa số. U xương lành tính mặc dù không xâm lấn, không di căn đến các cơ quan khác của cơ thể, tuy nhiên nó vẫn có thể làm yếu xương và dẫn đến gãy xương.Một số loại u xương lành tính thường gặp là u xương sụn (Osteochondroma), u tế bào khổng lồ (Giant cell tumor), u xương dạng xương (Osteoid osteoma), u nguyên bào xương (Osteoblastoma), u sụn trung tâm (Enchondroma).
Ung thư xương bao gồm hai loại chính là: Ung thư xương nguyên phát và ung thư xương thứ phát.
1.1. Ung thư xương nguyên phát
Ung thư xương nguyên phát (sarcoma xương) là u ác tính xuất phát từ hệ thống xương của cơ thể. Nguyên nhân của ung thư xương nguyên phát đang còn được nghiên cứu, tuy nhiên gen có thể liên quan đến bệnh lý này.
Các loại ung thư xương nguyên phát thường gặp nhất là:
- Osteosarcoma: Osteosarcoma thường biểu hiện quanh đầu gối và cánh tay. Độ tuổi thường gặp nhất nhất của Osteosarcoma là thanh thiếu niên và thanh niên. Người lớn mắc bệnh Paget xương cũng có nguy cơ mắc bệnh Osteosarcoma.
- Sarcoma Ewing: Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi 5-20. Các vị trí tổn thương hay gặp của Sarcoma Ewing là ở xương sườn, xương chậu, chân và tay. Đôi khi bệnh xuất phát từ mô mềm quanh xương.
- Chondrosarcoma: Chondrosarcoma xuất phát từ các tế bào sụn, bệnh nhân mắc Chondrosarcoma thường trong độ tuổi 40-70. Vùng hông, xương chậu, chân, tay và vai là những vị trí tổn thương phổ biến của bệnh.
Cần nhấn mạnh rằng bệnh đa u tủy xương không phải là một loại ung thư xương nguyên phát, mà đó là bệnh lý tại tủy xương.
1.2. Ung thư xương thứ phát
Bên cạnh ung thư xương nguyên phát là ung thư xuất phát từ xương thì ung thư xương thứ phát là tổn thương xương do ung thư ở các cơ quan khác di căn tới, ví dụ như: Ung thư vú di căn xương, ung thư phổi di căn xương, ung thư tiền liệt tuyến di căn xương,...
2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ ung thư xương đầu gối
Nguyên nhân gây ung thư xương nói chung và ung thư xương đầu gối nói riêng là do sự phân chia bất thường của các tế bào tạo xương, dẫn đến hình thành các tổn thương xương ác tính. Như đã đề cập ở trên, yếu tố gen có thể có vai trò trong việc dẫn đến ung thư xương đầu gối nguyên phát. Các tổn thương xương đầu gối thứ phát có thể do ung thư nguyên phát ở các cơ quan khác di căn tới.
Ngoài ra, người ta nhận thấy ung thư xương đầu gối có thể liên quan với một số yếu tố nguy cơ như:
- Tiền sử điều trị ung thư: Việc sử dụng các phương pháp hóa trị, xạ trị, ghép tế bào gốc,... để điều trị bệnh ung thư trong quá khứ làm tăng nguy cơ mắc ung thư xương, trong đó có ung thư xương đầu gối.
- Hội chứng Li-Fraumeni, u nguyên bào võng mạc: Các bệnh lý này làm tăng nguy cơ ung thư xương.
- Bệnh Paget xương: Mặc dù bệnh Paget xương là bệnh lý lành tính, tuy nhiên đây có thể là một yếu tố nguy cơ khiến bệnh diễn tiến và trở thành ung thư xương.
- Tuổi trẻ: Người trẻ có nguy cơ mắc ung thư xương cao hơn. Bệnh nhân ung thư xương có độ tuổi trung bình là 20 tuổi.
3. Triệu chứng ung thư xương đầu gối
Ung thư xương đầu gối nếu được phát hiện và điều trị sớm thì có đến 80% bệnh nhân sống trên 5 năm. Tuy nhiên, ung thư xương đầu gối có thể phát triển âm thầm, đến khi xuất hiện triệu chứng thì bệnh có thể đã di căn xa đến các cơ quan khác. Bệnh có thể tình cờ được phát hiện khi bệnh nhân chấn thương vùng gối, hoặc một số vấn đề khác mà bệnh nhân được chỉ định chụp X quang vùng gối. Một số triệu chứng ung thư xương đầu gối có thể gặp là:
3.1. Đau xương đầu gối
Đau xương vùng gối là dấu hiệu ung thư xương đầu gối thường gặp nhất, khối u xương vùng gối khiến bệnh nhân có cảm giác đau nhức, khó chịu. Ban đầu cảm giác đau thường ở mức độ nhẹ, không liên tục và đau tăng lên khi bệnh nhân vận động khớp gối, sau đó tần suất đau tăng lên, mức độ đau cũng tăng và tăng nhiều về đêm, kém đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường. Điều này khiến cho bệnh nhân hạn chế vận động, ảnh hưởng cuộc sống hàng ngày.
Cần nhấn mạnh rằng chấn thương không phải là nguyên nhân gây ra ung thư xương, tuy nhiên bệnh có thể được phát hiện sau một chấn thương nhẹ vùng gối khiến bệnh nhân nhập viện và được chụp X quang hay cắt lớp vi tính.
3.2. Sưng vùng gối
Bệnh nhân ung thư xương đầu gối có thể biểu hiện triệu chứng sưng nề vùng gối quanh xương. Triệu chứng này có thể nhầm lẫn với các bệnh lý xương khớp lành tính như: Viêm khớp, thoái hóa khớp,...
3.3. Hạn chế vận động
Ung thư xương đầu gối với tình trạng tiêu xương, sưng đau vùng gối có thể khiến bệnh nhân hạn chế vận động khớp gối. Bệnh nhân có thể đi khập khiễng để né tránh cơn đau, hay do cấu trúc bất thường của xương vùng gối. Một số bệnh nhân ung thư xương đầu gối còn có tình trạng teo cơ do hạn chế vận động.
3.4. Gãy xương bệnh lý
Bệnh nhân bị gãy xương sau một tác động nhẹ vùng gối có thể là biểu hiện của gãy xương bệnh lý, trong đó có bệnh ung thư xương đầu gối. Ung thư xương khiến tổ chức xương trở nên yếu hơn, giảm độ chịu lực, và chỉ một chấn thương nhẹ cũng có thể gây ra tình trạng gãy xương.
3.5. Triệu chứng toàn thân
Ung thư xương đầu gối hay ung thư nói chung thường khiến bệnh nhân mệt mỏi, sụt cân. Một số bệnh nhân ung thư xương đầu gối có tình trạng sốt hay đổ mồ hôi đêm.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp một số triệu chứng toàn thân khác do ung thư xương đầu gối di căn tới các cơ quan khác (thường gặp nhất là di căn phổi).
4. Cận lâm sàng chẩn đoán ung thư xương đầu gối
Sau khi thăm khám lâm sàng và hỏi tiền sử bệnh, bệnh nhân sẽ được chỉ định các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh ung thư xương đầu gối.
4.1. Chẩn đoán hình ảnh
Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cho phép khảo sát, đánh giá tổn thương xương bao gồm:
- X quang: Kỹ thuật này cho thấy hình ảnh khối u xương vùng gối và kích thước của nó.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan): Cũng sử dụng tia X giống như X quang, tuy nhiên hình ảnh u xương trên cắt lớp vi tính sẽ chi tiết và rõ ràng hơn, giúp đánh giá kích thước, đặc điểm khối u chính xác hơn. Ngoài ra, bệnh nhân ung thư xương đầu gối có thể được chỉ định chụp cắt lớp vi tính toàn thân để đánh giá giai đoạn ung thư xương nguyên phát, hoặc tìm cơ quan ung thư nguyên phát di căn đến xương đầu gối.
- Cộng hưởng từ (MRI): Cộng hưởng từ vận dụng đặc tính của từ trường để khảo sát xương đầu gối cũng như các tổ chức, mô mềm xung quanh xương.
- PET Scan: Kỹ thuật này giúp phát hiện ra các tế bào ung thư nhanh nhạy và chính xác hơn.
- Xạ hình xương: Xạ hình xương là kỹ thuật tiêm phóng xạ vào tĩnh mạch, sau đó sử dụng máy quét để phát hiện các tổ chức xương ác tính.
- Bác sĩ cũng có thể làm xét nghiệm máu để tìm hai loại enzym có thể là dấu hiệu của ung thư máu.
4.2. Giải phẫu bệnh
Tiêu chuẩn chẩn đoán ung thư nói chung là mô bệnh học. Bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết khối u xương vùng gối và gửi đến bác sĩ giải phẫu bệnh để xem xét mẫu bệnh phẩm dưới góc độ đại thể, vi thể, từ đó đưa ra chẩn đoán xác định liệu u xương đó là lành tính hay ác tính, ung thư xương nguyên phát hay thứ phát,...
5. Điều trị ung thư xương đầu gối
Việc điều trị ung thư tốt nên có sự thống nhất, đồng thuận sau khi hội chẩn đa chuyên khoa giữa các bác sĩ phẫu thuật tạo hình, hóa trị, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ, chuyên gia tâm lý,... Phương pháp điều trị sẽ được thảo luận và chọn lựa tùy thuộc vào đặc điểm bệnh học của ung thư xương đầu gối, giai đoạn bệnh, tuổi tác và thể trạng bệnh nhân cũng như bệnh kèm (nếu có),... Việc điều trị ung thư xương ở giai đoạn khu trú tại chỗ và giai đoạn di căn xa hoàn toàn khác nhau.
Các phương pháp điều trị ung thư xương phổ biến gồm:
5.1. Phẫu thuật
- Phẫu thuật bảo tồn: Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật loại bỏ u xương ác tính nhưng hạn chế ảnh hưởng đến các tổ chức lân cận như gân cơ hay mô mềm xung quanh. Bệnh nhân có thể được chỉ định thay khớp gối để hỗ trợ vận động, vị trí khuyết hổng của xương bệnh lý vùng gối có thể được thay thế bằng một dụng cụ cấy ghép kim loại,
- Cắt cụt chi: Nếu khối u xương đầu gối có kích thước lớn hoặc chạm đến dây thần kinh, mạch máu, chỉ định cắt cụt chi có thể được đặt ra và vận động thay thế bằng lắp chân giả.
5.2. Xạ trị
Xạ trị có thể được chỉ định cùng với phẫu thuật nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư và thu nhỏ khối u xương.
5.3. Nội khoa
- Hóa trị: Hóa trị là phương pháp sử dụng các loại thuốc hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh ung thư xương đầu gối mà hóa trị có thể được chỉ định trước phẫu thuật / sau phẫu thuật, hoặc chỉ định cho các trường hợp ung thư di căn xa.
- Liệu pháp nhắm trúng đích: Liệu pháp nhắm trúng đích cũng sử dụng thuốc để điều trị bệnh ung thư, tuy nhiên liệu pháp này nhắm vào một số đặc điểm nhất định (gen, protein), hoặc các thay đổi khác của tế bào ung thư.
Tóm lại, ung thư xương đầu gối nói riêng và ung thư xương nói chung là một bệnh lý ác tính không quá phổ biến với nhiều thể bệnh khác nhau. Bệnh thường khởi phát triệu chứng muộn khiến việc điều trị trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Do đó, việc nhận biết các dấu hiệu sớm của ung thư xương đầu gối có ý nghĩa quan trọng để chẩn đoán bệnh kịp thời và mang lại hiệu quả điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.