Gây mê nội khí quản phẫu thuật kết hợp xương điều trị gãy lồi cầu xương hàm dưới

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tôn Thất Quang - Trưởng đơn nguyên Gây mê - Giảm đau - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ đã có hơn 15 năm kinh nghiệm công tác trong ngành Gây mê - Hồi sức.

Gãy xương hàm dưới là một loại gãy xương vùng hàm mặt thường gặp. Gãy xương hàm dưới lại có nhiều loại gãy khác nhau, một trong số đó là gãy lồi cầu xương hàm dưới. Trường hợp này thường phải phẫu thuật kết hợp xương, và việc gây mê trong phẫu thuật đóng vai trò hết sức quan trọng.

1. Gãy lồi cầu xương hàm dưới

Gãy lồi cầu xương hàm dưới là một tổn thương hay gặp, đặc biệt ở nước ta, khi số người bị tai nạn giao thông ngày càng tăng và thường để lại các di chứng nặng nề nếu không được điều trị đúng.

Khi bị gãy lồi cầu xương hàm dưới, bệnh nhân sẽ có một số biểu hiện sau đây:

  • Sau chấn thương xuất hiện đau, sưng nề, đau tăng khi vận động hàm dưới, đặc biệt khi nhai.
  • Bệnh nhân hạn chế vận động hàm dưới do đau.
  • Quan sát có thể thấy một bên hàm biến dạng hoặc sưng nề, có vết bầm tím do tụ máu dưới da vùng liên quan với ổ gãy xương.
  • Khi thăm khám, sờ nắn vùng khớp thái dương hàm bệnh nhân sẽ thấy đau chói, bác sĩ sẽ thấy xương mất liên tục.
  • Quan sát trong miệng thấy các vết rách niêm mạc lợi, chảy máu hoặc tụ máu dưới niêm mạc.
  • Khớp cắn trung tâm bị lệch hoặc cắn hở.

Gãy lồi cầu xương hàm dưới thường gặp ở ba vị trí sau:

  • Gãy dưới lồi cầu thấp:
    • Đường gãy nằm nghiêng xuống dưới và ra sau nền cổ lồi cầu và nằm ở ngoài khớp. Đoạn lồi cầu sẽ bị kéo lên trên, ra trước và vào trong do tác động của cơ chân bướm ngoài. Đoạn cành lên sẽ bị kéo lên trên, ra sau do tác động của cơ cắn.
    • Thăm khám: khi ấn giữa nắp tai và lồi cầu, người bệnh sẽ thấy đau chói trước nắp tai. Khi dùng hai ngón tay út đặt trước ống tai ngoài hai bên, yêu cầu bệnh nhân há rồi ngậm miệng lại để so sánh cử động của hai lồi cầu. Quan sát trong miệng sẽ thấy cung hàm lệch về phía gãy.
  • Gãy dưới lồi cầu cao:
    • Vị trí đường gãy nằm ngang cổ giải phẫu của lồi cầu ở trong khớp. Trong trường hợp này đầu lồi cầu sẽ bị trật vào trong, xuống dưới và ra trước do tác động của các cơ chân bướm ngoài.
    • Thăm khám: thấy bệnh nhân mất cử động lồi cầu bên gãy, đau và tụ máu ở trước nắp tai, hở khớp cửa, hàm bị lệch về phía gãy, răng chạm khớp 2 lần, bên gãy sẽ chạm sớm hơn.
  • Gãy chính lồi cầu: bệnh nhân có các triệu chứng giống gãy dưới lồi cầu cao. Thường phối hợp với gãy xương nhĩ, hõm chảo và cung tiếp xương thái dương.

Điều trị phẫu thuật gãy lồi cầu xương hàm dưới là phương pháp điều trị đem lại kết quả tốt cho đa số các trường hợp gãy lồi cầu. Phẫu thuật cần đảm bảo phục hồi khớp cắn sinh lý cho bệnh nhân, để đảm bảo khả năng ăn, nhai sau này cho bệnh nhân.


Gãy lồi cầu xương hàm dưới là một tổn thương hay gặp
Gãy lồi cầu xương hàm dưới là một tổn thương hay gặp

2. Gây mê nội khí quản phẫu thuật kết hợp xương điều trị gãy lồi cầu xương hàm dưới

Gây mê nội khí quản là một kỹ thuật gây mê toàn thânđặt nội khí quản với mục đích kiểm soát hô hấp trong suốt cuộc phẫu thuật và hồi sức sau phẫu thuật. Phẫu thuật kết hợp xương điều trị gãy lồi cầu xương hàm dưới cũng sử dụng phương pháp gây mê nội khí quản.

Để thực hiện được phương pháp gây mê nội khí quản yêu cầu cơ sở y tế phải có đủ phương tiện, trang thiết bị gây mê và hồi sức. Bác sĩ phải thành thạo kỹ thuật gây mê nội khí quản.

Quá trình gây mê nội khí quản phẫu thuật kết hợp xương điều trị gãy lồi cầu xương hàm dưới gồm các bước cơ bản sau đây:

  • Kiểm tra hồ sơ, kiểm tra người bệnh.
  • Tư thế bệnh nhân: nằm ngửa, thở oxy 100% với tốc độ 3 - 6l/phút trước khi khởi mê ít nhất 5 phút.
  • Lắp máy theo dõi
  • Thiết lập đường truyền
  • Nếu cần có thể thực hiện tiền mê.
  • Khởi mê bằng: thuốc ngủ, thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ.
  • Điều kiện để có thể đặt ống nội khí quản đó là người bệnh phải ngủ sâu, có đủ độ giãn cơ.
  • Có hai kỹ thuật đặt nội khí quản đó là:
  • Kiểm tra vị trí của ống nội khí quản xem đã vào đúng vị trí hay chưa bằng cách nghe phổi.
  • Cố định ống bằng băng dính.
  • Duy trì mê
  • Kiểm soát hô hấp bằng máy hoặc bóp tay.

Gây mê nội khí quản là một kỹ thuật gây mê toàn thân
Gây mê nội khí quản là một kỹ thuật gây mê toàn thân

Một số tai biến có thể gặp khi gây nội khí quản trong phẫu thuật kết hợp xương điều trị gãy lồi cầu xương hàm dưới, gồm có:

  • Trào ngược dịch dạ dày vào đường thở. Trường hợp này cần hút sạch dịch ngay, cho bệnh nhân nằm đầu thấp, nghiêng đầu sang một bên. Cần theo dõi, đề phòng nhiễm trùng phổi sau đó.
  • Rối loạn huyết động: hạ huyết áp hoặc tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim (nhịp nhanh, nhịp chậm, loạn nhịp). Xử trí tùy theo từng triệu chứng và nguyên nhân.
  • Tai biến do đặt nội khí quản:
    • Không đặt được ống nội khí quản
    • Đặt nhầm vào dạ dày
    • Co thắt thanh - khí - phế quản
    • Chấn thương khi đặt ống nội khí quản: chảy máu, gãy răng, tổn thương dây thanh âm, rơi dị vật vào đường thở,...
  • Các biến chứng về hô hấp: gập, tụt ống nội khí quản bị đẩy sâu vào một phổi, tụt hoặc hở hệ thống hô hấp, hết nguồn oxy.... Trong trường hợp này cần đảm bảo thông khí ngay và cung cấp oxy 100% cho bệnh nhân, sau đó tìm nguyên nhân và giải quyết.
  • Biến chứng sau rút ống nội khí quản như là suy hô hấp, đau họng, khàn tiếng, co thắt thanh - khí - phế quản, viêm đường hô hấp trên,...

Tùy theo biến chứng mà bác sĩ sẽ có phương pháp xử lý thích hợp để khắc phục các biến chứng đó.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Xem thêm:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe