Đứt dây chằng chéo sau là một trong những tổn thương thường gặp sau chấn thương ở đầu gối, đặc biệt là trong các môn thể thao đòi hỏi vận động mạnh và thường xuyên như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ,... Tuy nhiên, nếu không có phương pháp chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng về sau. Hãy theo dõi bài viết này để hiểu rõ hơn về đứt dây chằng chéo sau và cách điều trị phù hợp.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BS CKII Vũ Tú Nam - Trưởng khoa Phẫu thuật Nội soi khớp & Y học thể thao, Bệnh viện Vinmec Times City; Phó chủ nhiệm bộ môn Chấn thương chỉnh hình, Đại học Vinu thuộc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Thế nào là đứt dây chằng chéo sau?
Cấu trúc của khớp gối bao gồm dây chằng chéo sau, dây chằng chéo trước, dây chằng bên, sụn chêm, xương đùi, dây chằng sụn chêm, xương bánh chè và xương chày. Khi bị chấn thương trực tiếp vào phần trước của khớp gối có thể gây ra đứt dây chằng chéo sau. Dây chằng chéo sau khi tổn thương có thể bị đứt bán phần hoặc đứt hoàn toàn gây đau nhức, tràn dịch ở vùng đầu gối.
Tình trạng đứt dây chằng chéo sau có thể được phân thành ba loại:
- Loại 1: Dây chằng bị tổn thương nhẹ, đụng dập.
- Loại 2: Rách một phần của dây chằng.
- Loại 3: Dây chằng bị bong gân nặng và đứt hoàn toàn.
2. Nguyên nhân dẫn đến đứt dây chằng chéo sau
Đứt bán phần dây chằng chéo sau là một chấn thương phổ biến trong nhiều môn thể thao và cũng có thể xảy ra trong tai nạn giao thông. Ngoài ra, các tình huống không may trong cuộc sống như trượt, ngã trên sàn nhà, cầu thang và các vấn đề tương tự cũng có thể dẫn đến tình trạng này. Tình trạng này cũng có thể xuất phát từ một chấn thương phức tạp kèm theo gãy xương ở phần chi dưới.
Thông thường, khi dây chằng chéo sau bị giãn, người bệnh thường trải qua cảm giác đau nhức ở khớp gối, gây khó khăn trong việc vận động. Đôi khi, triệu chứng này có thể bị nhầm lẫn với các vấn đề khớp khác, khiến người bệnh chủ quan không tìm kiếm liệu pháp chữa trị kịp thời.
Vì vậy, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của chấn thương này, tốt nhất là người bệnh nên đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị.
3. Đứt bán phần dây chằng chéo sau tự lành được không?
Đa số các trường hợp đứt bán phần dây chằng chéo sau không kèm với các tổn thương phối hợp có thể tự phục hồi nếu bệnh nhân thực hiện các bài tập phục thể dục phù hợp. Điều này giúp tăng cường sức mạnh của khối gân cơ gối phía trước, hỗ trợ dây chằng trong các hoạt động hàng ngày.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể kết hợp thêm vật lý trị liệu để giữ cho khớp gối linh hoạt, tăng cường sức mạnh của cơ đùi và phục hồi hoàn toàn khả năng vận động của khớp gối.
Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt yêu cầu phẫu thuật. Các trường hợp này bao gồm đứt dây chằng chéo sau kèm theo tổn thương sụn chêm, đứt dây chằng khác ở khớp gối hoặc các trường hợp ở bệnh nhân trẻ, cũng như vận động viên thể thao chuyên nghiệp, đứt dây chằng chéo sau hoàn toàn gây mất vững gối. Trong những trường hợp này, phẫu thuật nội soi để tái tạo dây chằng chéo sau thường được khuyến nghị.
4. Phương pháp điều trị đứt bán phần dây chằng chéo sau
4.1 Không cần phẫu thuật
Người bị chấn thương có thể thực hiện phương pháp sơ cứu RICE (Rest là nghỉ ngơi, Ice là chườm lạnh, Compression là băng ép và Elevation là nâng cao) để giảm đau ban đầu. Cách thực hiện như sau:
- Nghỉ ngơi để tránh tình trạng chấn thương trở nên nặng hơn, đồng thời cũng là cách bảo vệ đầu gối hiệu quả.
- Chườm lạnh đầu gối trong khoảng 15 phút và thực hiện cách quãng, lặp lại quy trình này.
- Ép nhẹ đầu gối bằng băng thun.
- Nâng cao chân lên gối khi nghỉ ngơi và sử dụng thuốc giảm đau thông thường. Nếu sau 48 tiếng tình hình không cải thiện, cần phải đến bệnh viện ngay.
Các trường hợp chấn thương dây chằng chéo sau có thể không cần phẫu thuật bao gồm:
- Chấn thương cấp độ I hoặc II và không có tổn thương nào khác ở các dây chằng đầu gối còn lại.
- Các chấn thương mãn tính chỉ ảnh hưởng đến dây chằng chéo sau và không gây ra triệu chứng khác.
4.2 Điều trị bằng phẫu thuật
Phương pháp phẫu thuật được xem xét khi bệnh nhân gặp chấn thương dây chằng chéo sau, đặc biệt là trong các tình huống nghiêm trọng như dây chằng bị đứt hoàn toàn, khớp gối trở nên lỏng lẻo hoặc tổn thương liên quan đến các dây chằng khác.
Bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện nội soi tái tạo dây chằng. Quy trình nội soi tái tạo dây chằng là một phẫu thuật phức tạp vì trong quá trình này, bác sĩ phẫu thuật phải cố gắng đảm bảo sự ổn định của dây chằng chéo sau và đặt vào vị trí chính xác ban đầu mà không gây tổn thương cho dây chằng chéo trước.
Thêm vào đó, vì vị trí của dây chằng chéo sau gần với động mạch khoeo nên trong quá trình phẫu thuật sẽ có nguy cơ làm tổn thương bó mạch này, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Sau phẫu thuật, nếu quá trình mổ tái tạo dây chằng được thực hiện một cách chính xác và bệnh nhân tuân thủ lịch trình vận động hồi phục với các bài tập vật lý trị liệu, khả năng phục hồi hoàn toàn diễn ra trong khoảng 6-8 tháng. Do đó, việc chọn lựa một địa điểm phẫu thuật có uy tín và chuyên môn cao là rất quan trọng.
Đặc biệt, cần tránh các hoạt động thể thao tiếp xúc như bóng rổ, bóng chuyền hoặc bóng đá sau phẫu thuật. Những hoạt động này có thể tạo ra những tình huống đặc biệt căng thẳng cho vùng đầu gối, dễ gây chấn thương hoặc thậm chí làm đứt dây chằng hoàn toàn.
5. Biện pháp phòng ngừa chấn thương dây chằng chéo sau
Thực tế, việc ngăn chặn chấn thương dây chằng là khá khó khăn vì tình trạng này thường xảy ra do tai nạn hoặc do các tình huống không lường trước được. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có thể giảm thiểu nguy cơ đứt dây chằng chéo sau bằng cách:
- Chọn các phương pháp vận động phù hợp với thể chất.
- Tập trung vào việc khởi động, đặc biệt là việc thực hiện các động tác kéo giãn thường xuyên để duy trì phạm vi chuyển động linh hoạt của khớp.
- Thực hiện các bài tập nhằm tăng cường cơ đùi và cẳng chân để làm ổn định khớp.
- Cẩn thận khi tham gia các môn thể thao có nguy cơ chấn thương dây chằng đầu gối như bóng đá, quần vợt, bóng rổ và các môn tương tự.
- Thiết lập một chế độ dinh dưỡng phù hợp, cân bằng đặc biệt là tăng cường nhóm thực phẩm tốt cho sức khỏe của cơ.
- Giữ cân nặng ở mức hợp lý để ngăn chặn nguy cơ thừa cân và béo phì, từ đó giảm áp lực lên khớp gối.
Đứt bán phần dây chằng chéo sau là chấn thương phổ biến thường xảy ra ở những người thường xuyên luyện tập thể thao. Mặc dù, chấn thương này có thể tự lành nhưng trong một số trường hợp bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật. Vì thế, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế kiểm tra và điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.