Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Cao Thanh Tâm - Bác sĩ Nội tim mạch - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Một người có thể bị đột quỵ mà không có bất kỳ triệu chứng báo hiệu nào, tình trạng này được gọi là nhồi máu não thầm lặng (SCI) hay đột quỵ thầm lặng. Nếu tình trạng này xảy ra nhiều hơn sẽ có nguy cơ suy giảm trí nhớ và những biến chứng đột quỵ nghiêm trọng hơn.
1. Đột quỵ thầm lặng
Khi nhắc đến đột quỵ, người ta có thể nhớ ngay đến các triệu chứng điển hình của nó như liệt hoặc mất vận động một số bộ phận cơ thể, khó nói hay ăn uống, rối loạn nhận thức... Tuy nhiên, có một loại đột quỵ không biểu hiện bất kỳ một triệu chứng nào trong số trên, đó gọi là đột quỵ thầm lặng.
Tương tự đột quỵ do thiếu máu cục bộ, đột quỵ thầm lặng xảy ra khi lượng máu cung cấp cho não bị gián đoạn khiến các tế bào não thiếu oxy và chết. Nhưng đột quỵ thầm lặng khác biệt ở chỗ, các vùng não bị thiếu máu không đảm nhận các chức năng của cơ thể như vận động, tư duy... Vì thế, rất khó để nhận ra các tổn thương não tại các vùng này nếu không tiến hành chụp cắt lớp vi tính.
Một số nghiên cứu cho thấy 1/3 người trên 70 tuổi đã từng trải qua ít nhất 1 cơn đột quỵ thầm lặng và việc xuất hiện nhiều cơn đột quỵ thầm lặng có thể gây ra các triệu chứng điển hình như:
- Suy giảm trí nhớ
- Rối loạn cảm xúc: Không thể kiểm soát được cảm xúc, cười hoặc khóc vào những lúc không thích hợp.
- Thay đổi dáng đi lại.
- Có thể bị lạc ở những nơi vốn quen thuộc
- Mất kiểm soát đại, tiểu tiện
2. Chẩn đoán đột quỵ thầm lặng
Việc chẩn đoán đột quỵ thầm lặng cần dựa vào nguyên nhân cũng như triệu chứng của bệnh và cần phân biệt với các loại đột quỵ khác. Vậy làm thế nào để biết được trường hợp nào là đột quỵ thầm lặng, trường hợp nào là đột quỵ do thiếu máu cục bộ, đột quỵ do xuất huyết hay trường hợp nào chỉ là cơn thiếu máu thoáng qua (TIA)? Bạn có thể tìm ra câu trả lời dựa vào bảng sau:
Ngoài ra dựa vào kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể giúp xác định các vùng trên não bị tổn thương hoặc ngừng hoạt động qua đó đưa ra kết luận về đột quỵ thầm lặng.
3. Điều trị đột quỵ thầm lặng
Không có cách nào khôi phục lại hoạt động của khu vực não bị tổn thương do đột quỵ thầm lặng. Trong một số trường hợp các vùng khác trên não bộ có thể đảm nhận thay chức năng của vùng bị tổn thương, tuy nhiên nếu những cơn đột quỵ thầm lặng tiếp tục xảy ra hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.Những người mắc đột quỵ thầm lặng có thể lấy lại một số khả năng đã bị mất hoặc hạn chế dựa vào những liệu pháp phục hồi chức năng bao gồm:
- Vật lý trị liệu giúp hồi phục chức năng vận động của cơ thể
- Tìm đến các chuyên gia bệnh học về ngôn ngữ lời nói để cải thiện khả năng giao tiếp hàng ngày
- Sử dụng các biện pháp tâm lý, xã hội học đối với những trường hợp rối loạn tâm lý sau đột quỵ.
- Ngoài ra cũng có nhiều người sử dụng thuốc điều trị Alzheimer đối với những người sa sút trí tuệ sau nhiều cơn đột quỵ thầm lặng nhưng hiệu quả vẫn chưa được kiểm chứng.
Bên cạnh các phương pháp điều trị, việc hình thành những thói quen trong cuộc sống hàng ngày cũng là cách để người bệnh đột quỵ có thể tự rèn luyện để phục hồi trí nhớ của mình, ví dụ:
- Tập thói quen hoàn thành những công việc thường nhật vào khoảng thời gian cố định trong ngày.
- Hình thành thói quen để những đồ vật cá nhân vào vị trí cố định của chúng như chìa khóa, thuốc, bàn chải đánh răng, dao cạo râu...
- Lập danh sách chi tiết cho những việc cần làm trong ngày.
- Để riêng từng loại thuốc vào túi hoặc hộp có ghi tên và công dụng của chúng.
- Tham gia chơi một số trò chơi có thể nâng cao khả năng ghi nhớ.
Đột quỵ thầm lặng thường không biểu hiện triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng khiến nhiều người lầm tưởng với tình trạng lão hóa của người cao tuổi. Chính vì khó phát hiện nên đột quỵ âm thầm có khả năng gây ra những tổn thương không thể hồi phục với một số vùng của não. Tuy nhiên chúng hoàn toàn có thể được phòng ngừa bằng cách:
- Thường xuyên kiểm tra huyết áp và chỉ số đường huyết
- Tập thể dục đều đặn
- Giảm lượng muối đưa vào cơ thể
- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý
- Ăn nhiều rau, hạn chế chất béo và các loại đồ ăn nhanh
- Không hút thuốc lá và uống ít bia, rượu.
Đột quỵ là tình trạng cần được cấp cứu y tế, nhất là tình trạng đột quỵ thầm lặng, vì không có oxy và chất dinh dưỡng từ máu cung cấp cho các tế bào não và phần não bị ảnh hưởng thì não sẽ chết dần và để lại biến chứng bệnh nguy hiểm. Vì thế khi có dấu hiệu đột quỵ não, người thân cần đưa người bệnh đến các trung tâm y tế. Việc điều trị bệnh sớm sẽ hạn được những biến chứng nguy hiểm hoặc tử vong.
Hiện nay, Chụp cộng hưởng từ - MRI/MRA được coi là công cụ “vàng” tầm soát đột quỵ não. MRI được sử dụng để kiểm tra tình trạng hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt có giá trị trong chụp ảnh chi tiết não hoặc thần kinh cột sống. Do có độ phân giải và tương phản tốt nên hình ảnh MRI cho phép phát hiện ra các điểm bất thường ẩn sau các lớp xương mà các phương pháp tạo ảnh khác khó có thể nhận ra. MRI có thể cho kết quả chuẩn xác hơn so các kỹ thuật dùng tia X (ngoại trừ kỹ thuật chụp DSA đánh giá mạch máu) trong chẩn đoán các bệnh lý não, tim mạch, đột quỵ,... Hơn nữa, quá trình chụp bằng MRI không gây tác dụng phụ như trong chụp X-quang hay cắt lớp vi tính (CT).\
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com, webmd.com