Hỏi
Chào bác sĩ!
Gây mê có ảnh hưởng đến trí nhớ không? Tháng 2 và tháng 7 vừa rồi em có mổ hai lần. Bình thường em không quên nhưng sau mổ em hay bị quên. Xin hỏi trình trạng này sau bao lâu sẽ hết và làm thế nào để mau hết ạ?
Câu hỏi ẩn danh
Trả lời
Chào bạn!
Với câu hỏi “Gây mê có ảnh hưởng đến trí nhớ không?”, bác sĩ xin được trả lời như sau:
Bản thân gây mê không có hại dù tiến hành nhiều lần liên tiếp. Rất nhanh, các thuốc mê sẽ thải hoàn toàn sau khi mổ.
Gây mê là tình trạng mất ý thức dưới tác dụng của thuốc được thực hiện khi tiến hành các thủ thuật hay phẫu thuật cho người bệnh. Mục đích của gây mê nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh và giúp thủ thuật, phẫu thuật được thuận lợi và thành công.
1.Gây mê trong phẫu thuật có làm mất trí nhớ không?
Đây luôn là mối quan tâm của người bệnh và gia đình. Đồng thời đây cũng là câu hỏi thường gặp nhất mà bất kỳ bác sĩ gây mê nào trong quá trình khám tiền mê cũng dành thời gian khá dài để tư vấn giải đáp cho người bệnh.
Các nhà khoa học đã nói gì về vấn đề này?
Những trường hợp mất trí nhớ sau mổ (Postoperative Cognitive Dysfunction - POCD) đầu tiên được nhắc đến từ 100 năm trước đây và nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trên 20 năm qua. Tuy nhiên cơ chế vẫn chưa được chứng minh rõ ràng và một số giả thuyết được đặt ra để giải thích tình trạng này vẫn còn là vấn đề được bàn cãi. Biểu hiện của POCD cũng đa dạng và mang tính chung chung. Người bệnh thường có biểu hiện quên chuyện linh tinh, làm việc hay lẫn lộn, khó tập trung, mất khả năng thực hiện nhiều việc cùng lúc... Để đánh giá tình trạng và mức độ POCD, hiện nay đã có những thử nghiệm về tâm thần đánh giá một tuần trước mổ và 3 tháng sau mổ. Nghiên cứu của Alejandro A. Rabinstein năm 2014 về rối loạn thần kinh và gây mê cho thấy POCD thường xảy ra ở người già và tần suất gặp cao nhất sau phẫu thuật tim mạch: 30-80% trong vài tuần đầu sau mổ, 10-60% sau 3-6 tháng. Ngoài ra yếu tố nguy cơ bao gồm nghiện rượu, trình độ học vấn thấp, tiền căn đột quỵ. Điều đáng ngạc nhiên là không có bằng chứng nào cho thấy việc lựa chọn phương thức gây mê hay gây tê cũng như độ sâu của gây mê làm thay đổi nguy cơ POCD.
POCD được cho là liên quan đến rối loạn đáp ứng viêm thần kinh. Duy trì cân bằng nội môi sinh lý trong và sau mổ có thể làm giảm nguy cơ của biến chứng này. John Beca, David Sidebotham trong nghiên cứu về rối loạn thần kinh năm 2007 thấy POCD thường gặp trong phẫu thuật tim mạch, 14-37% sau mổ bắt cầu mạch vành, 53% khi xuất viện, 36% sau mổ 6 tuần, 24% sau 6 tháng và 42% sau 5 năm. Yếu tố nguy cơ gồm cao tuổi, xơ vữa động mạch ngoài mạch vành, học vấn thấp, tiểu đường, có khiếm khuyết thần kinh trước đó... Nhồi máu não đa ổ diện nhỏ ở người cao tuổi không triệu chứng làm tăng đáng kể nguy cơ POCD kể cả khi họ không trải qua phẫu thuật.
Mới đây trên tạp chí Frontier Psychiatry ngày 17 tháng 1 năm 2019, Seyed A. Safavynia và Peter A. Goldstein cũng đưa ra bằng chứng nghiên cứu trên người cho thấy không thể chứng minh có mối liên quan giữa POCD và gây mê. Tổng hợp các nghiên cứu khi so sánh giữa gây mê và gây tê tủy sống, tỉ lệ POCD không khác biệt, gợi ý phẫu thuật mà không phải gây mê là nguyên nhân POCD.
Kirk Hogan trường Y tế công đại học Wiscosin (Madison) cũng đã kết luận trong nghiên cứu của mình: “Những sự thay đổi trong khả năng tư duy sau phẫu thuật thường nhỏ, hầu như không có biểu hiện gì và không ảnh hưởng đến nhận thức”.
Stress trong cuộc sống cũng có thể gây mất trí nhớ. Bản thân phẫu thuật là stress đối với người bệnh, làm các tế bào, đặc biệt là tế bào mô thần kinh bị viêm nên dẫn đến mất trí nhớ sau mổ tương tự như các stress trong cuộc sống. Gây mê không làm mất trí nhớ như người ta vẫn thường lo lắng. Mặt khác gây mê nếu có kế hoạch thích hợp sẽ giúp ngăn chặn stress do phẫu thuật gây ra, giảm thiểu các biến chứng trong mổ, bảo đảm an toàn cho người bệnh. Khoảng 40% chúng ta bị suy giảm trí nhớ
Suy giảm trí nhớ là bệnh lý thoái hóa thần kinh thường gặp ở lứa tuổi trung niên và cao tuổi với các biểu hiện như: Giảm khả năng tư duy, độ tập trung kém, hay quên, đãng trí. Nhiều người thường diễn tả những hành vi của bản thân như: Hay nhắc đi nhắc lại một câu hỏi, nói chuyện nọ xọ chuyện kia hoặc phải mất nhiều thời gian để tìm đồ dùng cá nhân vì không nhớ vị trí để chúng; Diễn đạt lủng củng do quên từ ngữ, rối loạn ngôn ngữ; Thay đổi nhân cách, rối loạn cảm xúc và giảm khả năng nhận xét, đánh giá. Suy giảm trí nhớ thường tiến triển âm thầm và nặng dần theo tuổi tác.
2. Nguyên nhân gây nên suy giảm trí nhớ là gì?
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì chứng suy giảm trí nhớ đang ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 36 triệu người trên thế giới. Cứ với tốc độ gia tăng suy giảm trí nhớ như hiện nay, số người bệnh đến năm 2050 có thể lên tới 1 tỷ người. Nếu như trước đây, suy giảm giảm trí nhớ được xem là bệnh của người già, nhưng nay bệnh đang dần trẻ hóa.
2.1. Nguy cơ suy giảm trí nhớ ở nhân viên văn phòng
Hiện Việt Nam có khoảng 20% đến 30% người trẻ đến khám về vấn đề trí nhớ tại các cơ sở y tế. Nhiều người trong số đó là nhân viên văn phòng.
Theo các chuyên gia tâm thần kinh cảnh báo rằng: 50% số người bị suy giảm trí nhớ sẽ chuyển thành sa sút trí tuệ sau này, và khoảng 10% trường hợp suy giảm trí nhớ sẽ chuyển thành Alzheimer- Một dạng thoái hóa toàn não bộ không hồi phục nguy hiểm.
2.2. Suy giảm trí nhớ ở người trẻ còn do trầm cảm và stress
Cuộc sống nhiều áp lực căng thẳng, công việc bề bộn, áp lực học hành cùng môi trường ô nhiễm, thiếu ngủ thường xuyên chính là nguyên nhân dễ dẫn đến stress và stress khiến cho người ta mất tập trung nhất.
2.3. Thiếu ngủ, mất ngủ thường xuyên cũng gây suy giảm trí nhớ
Ngủ đủ giấc có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe. Nó giúp cơ thể được nghỉ ngơi và phục hồi năng lượng và đào thải độc tố. Khi ngủ sóng não sẽ được tạo ra, để lưu trữ các thông tin và chuyển thông tin đó đến vỏ não trước trán (là nơi lưu trữ ký ức).
Khi ngủ không đủ giấc, những ký ức không di chuyển về phía vỏ não trước trán nên gây ra tình trạng mất trí nhớ ngắn hạn và mau quên.
3. Các phương pháp điều trị suy giảm trí nhớ
4 cách “kích hoạt” não bộ và cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ. Nếu thấy bản thân đang có những dấu hiệu suy giảm trí nhớ, hãy áp dụng những lời khuyên dưới đây:
3.1.Vận động bộ nhớ
Biên đạo múa nổi tiếng Twyla Tharp đã rèn luyện trí óc của mình bằng phương pháp cố gắng ghi nhớ trong đầu thay vì viết ra giấy. Khi xem lại buổi trình diễn, cô cố nhớ 12 – 14 lỗi sai để sau đó mang ra thảo luận.
Nghiên cứu cho thấy, việc ghi nhớ các sự kiện và trao đổi với người khác là phương thức cải thiện trí óc hiệu quả. Những hoạt động này giúp vận hành các cấp độ của não bộ như: Tiếp nhận, ghi nhớ và suy nghĩ.
3.2.Lặp lại các hoạt động khác nhau
Cách để cải thiện chất lượng và tốc độ của bất kỳ hoạt động nào là sự lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác. Sự quen thuộc sẽ giúp não bộ điều khiển các hành vi nhanh và chính xác hơn. Trì hoãn trong việc dọn dẹp nhà cửa, đợi gần tới hạn nộp bài mới bắt tay vào làm, nếu không gần đến ngày thi thì chưa chịu học,... tất cả đang khiến bộ não trì trệ. Hãy bắt tay vào thay đổi từ những việc vụn vặt nhất.
3.3.Rèn luyện cơ thể
Việc tập thể thao hàng ngày không chỉ giúp cải thiện sức khỏe mà còn củng cố trí óc. Chỉ với 20 phút tập thể dục mỗi ngày, các nơron của não bộ sẽ liên kết tốt hơn, phản xạ nhanh nhạy. Các nhà khoa học khuyên rằng, nên rèn luyện cơ thể ngay trước khi bắt đầu bài tập rèn luyện trí não để đạt hiệu quả tốt.
3.4 Cười “thả ga”
Cười nhiều giúp bạn thoải mái tinh thần và sảng khoái đầu óc. Việc xem hài kịch xả stress cũng giúp não bộ hoạt động tích cực hơn. Những người có tính hài hước thường là thông minh và nhạy bén.
Chúc bạn thành công và chóng khỏe!
Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi tới Hệ thống Y tế Vinmec, rất mong được gặp bạn để được tư vấn trực tiếp. Trân trọng!
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.
Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa II Đinh Văn Lộc - Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.