Đo mật độ xương phát hiện kịp thời tình trạng loãng xương

Đo mật độ xương, hay còn gọi là đo độ loãng xương, là một kỹ thuật y khoa được sử dụng để đánh giá lượng khoáng chất, chủ yếu là canxi, có trong xương. Mục tiêu chính của việc đo độ loãng xương là phát hiện sớm tình trạng loãng xương, một căn bệnh khiến xương trở nên giòn và dễ gãy. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về kỹ thuật này trong bài viết sau!

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Lê Dương Tiến - CK Nội cơ xương khớp, Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Đo mật độ xương là gì?

Đo mật độ xương bằng kỹ thuật DEXA hoặc DXA là phương pháp không xâm lấn, đơn giản và nhanh gọn. Phương pháp này sử dụng nguồn tia X kép có năng lượng thấp để chiếu qua vị trí cần kiểm tra mật độ xương, thường là cột sống hoặc cổ xương đùi.  

Khi tia X đi qua, xương sẽ hấp thụ một phần năng lượng. Mật độ xương càng cao thì lượng tia X xuyên qua càng ít, trong khi mật độ thấp sẽ cho phép tia X đi qua nhiều hơn. Kỹ thuật này hỗ trợ xác định tình trạng giảm mật độ khoáng xương, đánh giá nguy cơ loãng xương và khả năng gãy xương.

Chỉ định đo mật độ xương:

Dù có nguy cơ hay không, phụ nữ trên 50 tuổi và nam giới trên 60 tuổi đều cần đo độ loãng xương để đánh giá tình trạng loãng xương kịp thời, ngay cả khi chưa xuất hiện triệu chứng.

Những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc loãng xương bao gồm:

  • Phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh hoặc sau mãn kinh không sử dụng liệu pháp hormon.
  • Người có tiền sử từng bị gãy xương hoặc đau lưng kéo dài.
  • Người có thành viên trong gia đình từng bị gãy xương vùng chậu.
  • Người mắc các bệnh lý nội khoa như: bệnh tuyến giáp, tuyến cận giáp, bệnh gan, bệnh thận, tiểu đường tuýp 1, viêm khớp dạng thấp...
  • Người bị giảm chiều cao do xẹp hoặc gãy cột sống.
  • Người đã điều trị bằng corticoid kéo dài trên 3 tháng.
  • Người có cột sống bị biến dạng như gù hoặc vẹo cột sống.
  • Người gầy ốm, chỉ số BMI dưới 19. 
Người gầy ốm và chỉ số BMI dưới 19 là đối tượng có nguy cơ cao mắc loãng xương. Vì thế, đối tượng này cần đo mật độ xương sớm.
Người gầy ốm và chỉ số BMI dưới 19 là đối tượng có nguy cơ cao mắc loãng xương. Vì thế, đối tượng này cần đo mật độ xương sớm.

Phương pháp đo mật độ xương khá an toàn, nhưng vẫn có những trường hợp cần tránh áp dụng do ảnh hưởng tiêu cực của tia X đến một số đối tượng, cũng như các trường hợp bị hạn chế về khả năng xuyên qua mô của tia X. Những trường hợp chống chỉ định thực hiện bao gồm:

  • Phụ nữ mang thai.
  • Đã sử dụng thuốc cản quang qua đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch trong 2 tuần vừa qua.
  • Vùng đo có vật liệu kim loại.

2. Phát hiện sớm loãng xương bằng phương pháp này như thế nào?

Loãng xương là tình trạng suy giảm lượng chất khoáng trong xương, làm cho xương trở nên mỏng manh, yếu ớt và dễ gãy hơn. Căn bệnh này thường tiến triển âm thầm, không biểu hiện triệu chứng rõ ràng nên khó phát hiện thông qua các dấu hiệu lâm sàng.  

Phần lớn các trường hợp chỉ được chẩn đoán khi bệnh đã trở nên nghiêm trọng hoặc có biến chứng gãy xương. Lúc này, việc điều trị tập trung vào kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa bệnh tiến triển và khắc phục hậu quả mà loãng xương gây ra.

Vì thế, việc nhận biết sớm các chỉ số loãng xương và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao là rất cần thiết.

Những bệnh nhân có khả năng mắc loãng xương cần được tầm soát sớm để áp dụng các biện pháp phòng ngừa và điều trị phù hợp, giúp giảm thiểu tiến triển bệnh cũng như tránh các biến chứng nguy hiểm.

Đo mật độ xương là một kỹ thuật nhanh chóng, đơn giản, không xâm lấn, giúp phát hiện sớm loãng xương, đánh giá nguy cơ gãy xương và theo dõi hiệu quả của quá trình điều trị.

Trắc nghiệm: Nguyên nhân gây loãng xương là gì?

Bệnh loãng xương là một trong số các bệnh xương khớp thường gặp hiện nay, và đang có xu hướng gia tăng. Bệnh gặp nhiều ở người cao tuổi, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ cao nhất. Vậy đâu là nguyên nhân gây loãng xương và ai là người dễ bị loãng xương?

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II, Phạm Trung Hiếu , chuyên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình , Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Phạm Trung Hiếu
Phạm Trung Hiếu
Bác sĩ chuyên khoa II,
Ngoại chấn thương chỉnh hình
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Phương pháp đo mật độ xương giúp bệnh nhân phát hiện sớm loãng xương.
Phương pháp đo mật độ xương giúp bệnh nhân phát hiện sớm loãng xương.

Phương pháp đo mật độ xương mang lại những lợi ích sau:

  • Nhanh chóng, dễ dàng và không cần can thiệp xâm lấn.
  • Không cần sử dụng thuốc gây mê.
  • Độ chính xác cao.
  • Lượng tia X được sử dụng thấp hơn lượng bức xạ tự nhiên mà cơ thể tiếp xúc trong một ngày.
  • Đây là phương pháp chẩn đoán loãng xương, nguy cơ gãy xương và theo dõi kết quả điều trị hiệu quả nhất hiện nay.

3. Các bước tiến hành đo mật độ xương

3.1 Chuẩn bị

  • Khám sức khỏe tổng quát cho bệnh nhân và thu thập thông tin để loại trừ những trường hợp không thể đo mật độ xương.
  • Trước khi đo, người khám cần ngừng bổ sung canxi vào cơ thể trong khoảng thời gian từ một đến hai ngày.
  • Ngoài ra, người khám cần tháo các vật dụng kim loại trên cơ thể như thắt lưng, chìa khóa, điện thoại di động…

3.2 Tiến hành đo

Quy trình đo mật độ xương thường diễn ra trong khoảng thời gian từ 10 đến 30 phút.  

  • Bệnh nhân sẽ nằm lên giường đo và thay đổi tư thế theo yêu cầu, tùy thuộc vào vị trí cần đo.  
  • Trong suốt quá trình, bệnh nhân phải duy trì tư thế ổn định và có thể được yêu cầu nín thở trong một vài giây để hạn chế mờ hình ảnh, thu được kết quả chính xác nhất.  
  • Sau khi hoàn thành, kết quả sẽ được thông báo và giải thích cho bệnh nhân. 
Quy trình đo mật độ xương thường diễn ra nhanh chóng, khoảng 10 đến 30 phút.
Quy trình đo mật độ xương thường diễn ra nhanh chóng, khoảng 10 đến 30 phút.

3.3 Kết quả đo độ loãng xương

Đánh giá mật độ khoáng xương (BMD) là một xét nghiệm quan trọng để xác định sức khỏe xương và nguy cơ loãng xương. Kết quả BMD được so sánh với hai nhóm đối chứng khác nhau, cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng xương của người khám.

Điểm T: Kết quả BMD sẽ được so sánh với nhóm đối chứng là những người khỏe mạnh ở độ tuổi 25-35 có cùng giới tính và dân tộc. Điểm T cho biết mức độ lệch chuẩn của người khám so với nhóm đối chứng này.

  • Điểm T khoảng ±1 SD: Mật độ xương bình thường.
  • Điểm T từ -1 đến -2.5 SD: Mật độ xương thấp.
  • Điểm T từ -2.5 SD trở xuống: Loãng xương.

Điểm Z: So sánh với nhóm đối chứng là những người cùng độ tuổi, dân tộc,... Điểm Z cung cấp thông tin về sự chênh lệch mật độ xương của người khám so với nhóm đối chứng:

  • Điểm Z > -2.0: Mật độ xương bình thường.
  • Điểm Z ≤ -2.0: Mật độ xương thấp hơn so với tiêu chuẩn.

Nhìn chung, phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện bệnh là tiến hành đo mật độ xương khi có nguy cơ mắc loãng xương. Ngoài ra, việc xây dựng một chế độ ăn uống và luyện tập khoa học từ sớm sẽ giúp phòng ngừa loãng xương và các biến chứng liên quan.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe