Điều trị viêm quanh khớp vai bằng y học cổ truyền

Điều trị viêm quanh khớp vai bằng y học cổ truyền là một phương pháp mang lại hiệu quả cao trong giảm đau và cải thiện khả năng vận động của bệnh nhân. Viêm quanh khớp vai là tình trạng viêm các mô mềm xung quanh khớp vai, bao gồm gân, cơ, dây chằng và bao khớp. Điều này dẫn đến đau nhức, hạn chế vận động và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Tổng quan viêm quanh khớp vai  

1.1 Viêm quanh khớp vai là gì?  

Trong y học cổ truyền, viêm quanh khớp vai còn được gọi là chứng kiên tý thống, thuộc nhóm bệnh chứng tý với nhiều nguyên nhân khác nhau, do đó mỗi thể bệnh cũng có tính chất riêng biệt. Theo Đông y, viêm quanh khớp vai được chia thành ba thể bệnh chính: kiên thống, kiên ngưng và hậu kiên phong. Cơ chế bệnh sinh là do sự kết hợp của phong, hàn và thấp, gây bế tắc kinh lạc.

1.2 Các giai đoạn của bệnh

  • Ở giai đoạn đầu, phong hàn chiếm ưu thế nên bệnh nhân thường đau quanh khớp vai. Giai đoạn này gọi là kiên thống.  
  • Tiếp theo, khi hàn thấp trở nên mạnh hơn, bệnh nhân bắt đầu gặp khó khăn trong vận động, được gọi là kiên ngưng.  
  • Nếu bệnh kéo dài, các tà khí sẽ thâm nhập sâu hơn, làm tắc nghẽn lưu thông khí huyết, khiến cho cân cơ không được nuôi dưỡng đầy đủ và dẫn đến thể bệnh hậu kiên phong.

1.3 Các nguyên nhân gây viêm quanh khớp vai

Việc điều trị viêm quanh khớp vai bằng y học cổ truyền cho hầu hết các trường hợp mắc bệnh, bất kể nguyên nhân. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:

1.3.1 Nguyên nhân tại chỗ

  • Chấn thương: Viêm quanh khớp vai thường xuất phát từ các vi chấn thương liên quan đến nghề nghiệp, thói quen hoặc động tác trong thể thao. Một số trường hợp hiếm hơn là do chấn thương mạnh vào vùng vai.
  • Viêm gân, thoái hóa hoặc vôi hóa các phần mềm quanh khớp.
  • Thời tiết lạnh, ẩm ướt cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.

1.3.2 Tổn thương thần kinh

Ngoài ra, có một số trường hợp không rõ nguyên nhân, chiếm khoảng 15% tổng số bệnh nhân. 

Điều trị viêm quanh khớp vai bằng y học cổ truyền là một phương pháp an toàn, hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh
Điều trị viêm quanh khớp vai bằng y học cổ truyền là một phương pháp an toàn, hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh

2. Một số cách điều trị viêm quanh khớp vai bằng Đông y

2.1 Thế kiên thống

Nguyên tắc điều trị viêm quanh khớp vai thể kiên thống là khu phong, tán hàn, trừ thấp và ôn thông kinh lạc. Bệnh nhân có thể sử dụng bài thuốc bao gồm các vị: hoàng kỳ 16g, nghệ vàng, thổ phục linh, xích thược và bạch chỉ mỗi loại 12g; trần bì, khương hoạt và phòng phong mỗi loại 8g; sinh khương, cam thảo và quế chi mỗi loại 6g, sắc uống mỗi ngày một thang.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể kết hợp điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc như sau:

  • Châm cứu: Thực hiện châm tả tại các huyệt như kiên tỉnh, kiên ngung, kiên trinh, thiên tông, trung phủ. Phương pháp ôn châm, điện châm, nhĩ châm và trường châm cũng có thể được áp dụng, trong đó điện châm đặc biệt hiệu quả trong việc hỗ trợ giảm đau.
  • Xoa bóp bấm huyệt: Sử dụng các thủ thuật xát, day, lăn, bóp, vờn, vận động, bấm huyệt tại các huyệt như kiên tỉnh, kiên ngưng, kiên trinh, thiên tông, trung phủ, tý nhu, cự cốt. Khi xoa bóp, cần thực hiện nhẹ nhàng để tránh gây đau thêm cho bệnh nhân.
  • Thuỷ châm: Phương pháp này kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, có thể thực hiện tại các huyệt như thiên tông, kiên trinh, tý nhu, đại chuỳ…

2.2 Thể kiên ngưng

Nguyên tắc chữa viêm quanh khớp vai thể kiên ngưng là trừ thấp, tán hàn, khu phong và thư cân hoạt lạc. Để hỗ trợ điều trị, bệnh nhân có thể sử dụng bài thuốc với thành phần gồm: khương hoạt, xuyên sơn giáp và phòng phong (mỗi loại 8g), quế chi (6g), xích thược, bạch chỉ và nghệ vàng (mỗi loại 12g), sinh khương (6g), đẳng sâm (16g), bạch truật (12g), trần bì (8g), cam thảo (6g), sắc uống mỗi ngày một thang.

Ngoài ra, có thể áp dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc như sau:

  • Châm cứu: Với thể kiên ngưng, thực hiện châm bổ tại các huyệt tương tự như thể kiên thống, giúp giảm đau và thúc đẩy lưu thông kinh lạc.
  • Xoa bóp: Phương pháp này rất hiệu quả cho thể kiên ngưng. Người thực hiện có thể xát, day, lăn, bóp, vờn, bấm huyệt, rung hoặc vận động khớp vai. Trong đó, động tác vận động mở khớp vai là quan trọng nhất, cần tăng dần cường độ và biên độ sao cho phù hợp với khả năng chịu đựng của bệnh nhân. Lưu ý là nên tăng tăng dần cường độ và biên độ vận khớp vai phù hợp với sức chịu đựng của người bệnh.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ, tập luyện đều đặn và kiên trì để đạt kết quả tốt nhất.

2.3 Thể hậu kiên phong

Nguyên tắc điều trị viêm quanh khớp vai thể hậu kiên phong là bổ khí huyết và hoạt huyết tiêu ứ. Bệnh nhân có thể sử dụng bài thuốc bao gồm: thục địa (16g), đào nhân, đương quy và hồng hoa (mỗi loại 10g), bạch thược (12g), xuyên khung (16g), đẳng sâm (10g), hoàng kỳ (16g), sắc uống mỗi ngày một thang. Nếu bệnh nhân có triệu chứng phù nề và đau nhức bàn tay, có thể bổ sung thêm khương hoạt (16g) và uy linh tiên (12g) để tăng cường công dụng trừ phong thấp, giảm đau.

Trường hợp bàn tay bầm tím hoặc lưỡi tím có điểm ứ huyết, có thể thêm tô mộc (10g) và nghệ vàng (8g) để gia tăng công dụng hoạt huyết tiêu ứ.

Các phương pháp điều trị không dùng thuốc gồm:

  • Châm cứu: Châm cứu là phương pháp hỗ trợ, chỉ nên áp dụng khi bệnh nhân đau nhiều. Có thể châm bổ vào các huyệt tương tự như thể kiên ngưng, đồng thời thêm các huyệt như khúc trì, thủ tam lý, ngoại quan hoặc hợp cốc ở bên bị đau.
  • Xoa bóp: Là phương pháp điều trị chính, tương tự như thể kiên ngưng, nhưng thêm xoa bóp bàn tay. Tuy nhiên, chỉ nên thực hiện xoa bóp khi bàn tay đã hết bầm tím và phù nề để tránh các tổn thương thứ phát như teo cơ hoặc cứng khớp.

Người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ và tập luyện đều đặn để phục hồi chức năng, giảm đau vai và cải thiện tầm vận động của khớp.

Điều trị viêm quanh khớp vai bằng y học cổ truyền được xem là an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, phương pháp châm cứu trong điều trị viêm quanh khớp vai có một số chống chỉ định. Cụ thể, không nên áp dụng châm cứu cho các trường hợp bệnh nhân đang trong tình trạng cấp cứu, người có sức khỏe yếu, thiếu máu, tiền sử nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, viêm màng ngoài tim hoặc phụ nữ đang mang thai. 

MRI cung cấp những hình ảnh cực kỳ chi tiết về các cấu trúc mềm trong khớp vai như: sụn, dây chằng, gân cơ, bao hoạt dịch
MRI cung cấp những hình ảnh cực kỳ chi tiết về các cấu trúc mềm trong khớp vai như: sụn, dây chằng, gân cơ, bao hoạt dịch

3. Phòng ngừa viêm quanh khớp vai

  • Để phòng ngừa viêm quanh khớp vai, có thể áp dụng các phương pháp sau:
  • Chăm sóc sụn khớp và xương dưới sụn: Đây là ưu tiên hàng đầu để duy trì sức khỏe của các khớp.
  • Hạn chế mang vác nặng.
  • Tránh các động tác lặp đi lặp lại ở vùng vai và cánh tay.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn giữa giờ làm việc: Điều này giúp các khớp có thời gian phục hồi.

Duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung đủ nước và tập thể dục thường xuyên: Những thói quen này giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và tăng cường sức mạnh của xương khớp, hỗ trợ phòng tránh viêm khớp vai hiệu quả.

Tóm lại, viêm quanh khớp vai là một bệnh lý phổ biến. Ngoài các phương pháp điều trị viêm quanh khớp vai bằng y học hiện đại, bệnh nhân có thể lựa chọn điều trị bằng y học cổ truyền như châm cứu hoặc xoa bóp để giảm đau và cải thiện chức năng vận động của khớp vai. Các phương pháp Đông y này mang lại hiệu quả hỗ trợ điều trị và có thể phù hợp cho nhiều trường hợp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe