Viêm loét đại tràng là bệnh lý gây viêm và loét ở niêm mạc trực tràng. Bệnh có thể gây suy nhược và đôi khi dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng. Liệu pháp điều trị viêm loét đại tràng gồm điều trị dùng thuốc và điều trị không dùng thuốc.
1. Điều trị bằng thuốc
Viêm loét đại tràng là một bệnh viêm mạn tính và loét ở niêm mạc đại tràng, đặc trưng nhất là triệu chứng tiêu chảy phân máu. Bên cạnh đó bệnh nhân có thể có các triệu chứng ngoài ruột, đặc biệt là viêm khớp. Các triệu chứng của viêm loét đại tràng thường phát triển dần dần theo thời gian. Viêm loét đại tràng có thể gây suy nhược và đôi khi dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng. Nguy cơ lâu dài của viêm loét đại tràng ung thư ruột già. Thuốc điều trị viêm loét đại tràng có thể làm giảm đáng kể các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh. Có một số loại thuốc điều trị viêm loét đại tràng, bao gồm:
- Axit 5-aminosalicylic (5-ASA): Balsalazide, mesalamine, olsalazine và sulfasalazine là những loại thuốc chính được sử dụng để điều trị viêm loét đại tràng. Chúng có dạng thuốc viên và thuốc đạn. Thông báo với bác sĩ nếu bạn bị dị ứng với sulfa trước khi dùng một trong những loại thuốc này để họ cân nhắc kê loại thuốc phù hợp.
- Thuốc corticoid: Các loại thuốc corticoid có thể được sử dụng nếu thuốc 5-ASA không có tác dụng hoặc nếu viêm loét đại tràng tiến triển nặng hơn. Những loại thuốc này đôi khi có tác dụng phụ và biến chứng lâu dài, vì vậy bác sĩ thường chỉ định chúng trong thời gian ngắn để giúp bệnh thuyên giảm, sau đó có thể chuyển sang thuốc 5-ASA để ngăn chặn các triệu chứng trong thời gian dài.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Nếu corticosteroid hoặc thuốc 5-ASA không hiệu quả, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc ức chế miễn dịch chẳng hạn như 6-mercaptopurine, azathioprine, cyclosporine và tacrolimus.
- Liệu pháp sinh học: Nhóm thuốc này bao gồm adalimumab (Humira), cộng với adalimumab-atto (Amjevita) và adalimumab-adbm (Cyltezo), certolizumab pegol (Cimzia), golimumab (Simponi, Simponi Aria), infliximab (Remicade), infliximab-abda (Renflexis), infliximab-axxq (Avsola), infliximab-dyyb (Inflectra), biosim tương tự với Remicade, IX), ustekinumab (Stelara) và vedolizumab (Entyvio).
- Thuốc ức chế Janus kinase (thuốc ức chế JAK): Đây là những loại thuốc uống có tác dụng nhanh chóng giúp bệnh viêm loét đại tràng thuyên giảm. Tofacitinib là thuốc ức chế JAK đầu tiên được FDA chấp thuận để điều trị viêm loét đại tràng.
- Chất điều biến thụ thể sphingosine 1-phosphate (S1P): Ozanimod là chất điều biến thụ thể sphingosine 1-phosphate (S1P) dùng đường uống đầu tiên được phê duyệt cho những bệnh nhân viêm loét đại tràng hoạt động từ trung bình đến nặng.
2. Điều trị không dùng thuốc
2.1 Thay đổi chế độ ăn uống
Mặc dù thực phẩm dường như không đóng vai trò gây ra viêm loét đại tràng, nhưng một số loại thực phẩm có thể làm nặng thêm triệu chứng khi bệnh đang hoạt động. Bác sĩ có thể đề nghị thay đổi chế độ ăn uống, tùy thuộc vào các triệu chứng của bạn. Họ cũng có thể giới thiệu các loại vitamin hoặc chất bổ sung dinh dưỡng. Dưới đây là một số gợi ý về chế độ ăn uống để giúp kiểm soát tình trạng viêm loét đại tràng:
- Hạn chế các sản phẩm từ sữa: Nhiều người bị viêm loét đại tràng nhận thấy rằng các vấn đề như tiêu chảy, đau bụng và đầy hơi được cải thiện bằng cách hạn chế hoặc loại bỏ các sản phẩm từ sữa. Một số bệnh nhân không thể dung nạp lactose - tức là cơ thể không thể tiêu hóa đường sữa (lactose) trong thực phẩm từ sữa. Trường hợp đó bệnh nhân có thể sử dụng một sản phẩm enzyme như Lactaid để cải thiện triệu chứng.
- Ăn nhiều bữa nhỏ: Bạn có thể cảm thấy tốt hơn khi ăn năm hoặc sáu bữa nhỏ mỗi ngày thay vì hai hoặc ba bữa ăn lớn.
- Uống nhiều chất lỏng: Cố gắng uống nhiều chất lỏng hàng ngày. Tốt nhất là nước. Rượu và đồ uống có chứa caffeine kích thích đường ruột và có thể làm triệu chứng tiêu chảy trầm trọng hơn, còn đồ uống có ga thường tạo ra khí gây đầy bụng.
2.2 Phẫu thuật viêm loét đại tràng
Một số bệnh nhân sẽ được phẫu thuật để cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ ruột kết. Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu thuốc không hiệu quả, các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn hoặc viêm loét đại tràng dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Khi tiến hành phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ ruột kết, bác sĩ phẫu thuật thường tạo ra một lỗ thông trong thành bụng và gắn với một cái túi để chất thải đi ra ngoài.
Một kỹ thuật phẫu thuật mới hơn, được gọi là nối hậu môn bằng túi hồi tràng (IPAA) không tạo ra một lỗ mở vĩnh viễn. Thay vào đó, bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ ruột kết và trực tràng, còn ruột non sẽ được sử dụng để tạo thành một túi hoặc bể chứa bên trong có nhiệm vụ như một trực tràng mới. Túi này sẽ được nối với hậu môn. Bên cạnh đó vẫn còn một số phương pháp phẫu thuật khác để bác sĩ có thể lựa chọn tùy theo tình trạng và nhu cầu của bệnh nhân. Tất cả các cuộc phẫu thuật đều có một số rủi ro và biến chứng. Do đó, bạn nên hỏi kỹ bác sĩ về những rủi ro có thể xảy ra trước khi quyết định phẫu thuật điều trị viêm loét đại tràng.
2.3 Trị liệu bổ sung
Bạn có thể cân nhắc những cách tiếp cận này bên cạnh những gì bác sĩ được bác sĩ chỉ định. Một số liệu pháp trị liệu bạn có thể áp dụng bao gồm:
- Các liệu pháp trị liệu tâm trí: Căng thẳng và lo lắng là nguyên nhân đối với nhiều người bị viêm loét đại tràng, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi liệu pháp thư giãn tâm trí có thể giúp ích. Những kỹ thuật này giúp nuôi dưỡng một kết nối lành mạnh giữa tâm trí và cơ thể cũng như giữa bạn và thế giới bên ngoài. Trong một số trường hợp, liệu pháp này sẽ khuyến khích thay đổi hành vi trong cuộc sống hàng ngày. Chúng có thể giảm bớt lo lắng và trầm cảm liên quan đến viêm loét đại tràng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, có một số bằng chứng cho thấy yoga, thiền và liệu pháp thôi miên có thể giúp giảm một số triệu chứng của viêm loét đại tràng. Một số kỹ thuật, như liệu pháp hành vi nhận thức đã thành công đến mức chúng dần trở thành một phần của phương pháp điều trị chính thống cho hội chứng ruột kích thích.
- Vitamin và các chất bổ sung: Nhiều người bị viêm loét đại tràng có thể không hấp thụ đủ một số vitamin hoặc khoáng chất từ thực phẩm. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng một số thực phẩm bổ sung. Tuy nhiên, một số chất trong số này có thể không an toàn, đặc biệt nếu bạn bị viêm loét đại tràng và đang dùng các loại thuốc khác. Do vậy, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các sản phẩm hỗ trợ. Một số thực phẩm bổ sung có thể hỗ trợ điều trị viêm loét đại tràng bao gồm:
- Dầu cá: axit béo omega-3 có trong cá, quả óc chó, hạt lanh và dầu thực vật rất tốt cho sức khỏe. Chúng làm giảm chứng viêm và giúp bảo vệ tim mạch. Một số người bị viêm loét đại tràng uống bổ sung omega-3 dưới dạng viên nang dầu cá để giảm viêm ruột. Nghiên cứu cho đến nay vẫn chưa xác định liệu dùng dầu cá có hiệu quả cho bệnh nhân viêm loét đại tràng hay không. Nhiều loại dầu cá có thể không tốt cho bạn và có thể nguy hiểm nếu bạn dùng chung với thuốc chống đông máu như warfarin (Coumadin).
- Nghệ: Đây là loại gia vị thường được sử dụng trong nấu ăn ở các nước Ấn Độ và Nam Á. Có một thành phần trong nghệ là curcumin có thể giúp giảm viêm ở một số người. Một số nghiên cứu nhỏ cho thấy nó có thể giúp giảm bùng phát viêm loét đại tràng khi dùng ở dạng viên nang, nhưng các nhà khoa học cần thêm các nghiên cứu để xác định chắc chắn công dụng của curcumin. Curcumin cũng có thể gây ra các tác dụng phụ như đầy hơi, buồn nôn và tiêu chảy. Nó cũng làm loãng máu và chưa được thử nghiệm về độ an toàn đối với phụ nữ mang thai.
- Probiotics: Đây là những vi khuẩn “tốt” được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm giúp bổ sung sự cân bằng cho vi khuẩn trong đường ruột. Một số nghiên cứu cho thấy chúng có thể giúp làm giảm bùng phát viêm loét đại tràng.
2.4 Tầm soát ung thư
Bạn sẽ cần tầm soát ung thư ruột kết thường xuyên hơn vì nguy cơ ung thư gia tăng khi bị viêm loét đại tràng. Lịch trình được đề nghị sẽ phụ thuộc vào vị trí bệnh và thời gian mắc bệnh. Trong quá trình điều trị, bạn cần đi khám bác sĩ ngay nếu nhận thấy một số dấu hiệu sau đây:
- Đau bụng
- Phân có máu
- Tiêu chảy liên tục không đáp ứng với thuốc không kê đơn
- Tiêu chảy khiến bạn mất ngủ
- Sốt không rõ nguyên nhân kéo dài hơn một hoặc hai ngày
Nhìn chung viêm loét đại tràng thường không gây tử vong, nhưng đây là một bệnh lý nghiêm trọng. Trong một số trường hợp bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng. Do đó, bệnh nhân khi có các dấu hiệu nghi ngờ viêm loét đại tràng cần đi khám để được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh nhân phải tuân thủ các liệu pháp điều trị được bác sĩ chỉ định, thay đổi chế độ ăn uống, hạn chế căng thẳng, duy trì lối sống lành mạnh và tầm soát ung thư định kỳ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.