Hỏi
Chào bác sĩ,
Bà ngoại cháu năm nay khoảng 80 tuổi ạ. Trước đây, bà cháu đã gặp nhiều chấn thương do đi đứng không cẩn thận. Bà đã bị ngã gãy tay 2 lần, rồi gãy chân, gần đây nhất bà bị gãy xương hông ạ. Nhưng bà của cháu đã rất nỗ lực và hiện tại có thể di chuyển được dựa vào một cái gậy ạ. Bà hay bị đau nhức ở những nơi bị thương trước đó, bà dùng thuốc mỡ kèm thuốc giảm đau để giúp giảm bớt cơn đau ở hông ạ. Vào mùa đông khi gặp thời tiết lạnh bà cháu hay bị tê ở chân. 3 ngày gần đây bà cháu cảm thấy hơi thở của mình bị yếu , phải thở bằng miệng nữa, kèm theo ho hen ạ. Bà cháu ngủ được rất ít vì chuyện này, cả ban ngày lẫn ban đêm. Còn lại bà cháu không bị đau nhức ở ngực hay khác nữa ạ. Xin bác sĩ tư vấn điều trị tình trạng đau nhức xương khớp, khó thở kèm ho và đau ngực cho người cao tuổi? Cháu cảm ơn bác sĩ rất nhiều.
Lương Thu Hoài (2001)
Trả lời
Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hường - Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Điều trị tình trạng đau nhức xương khớp, khó thở kèm ho và đau ngực cho người cao tuổi?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
- Gãy xương người cao tuổi
Ở người cao tuổi quá trình lão hóa diễn ra với tất cả các hệ cơ quan. Trên hệ xương khớp quá trình lão hóa làm xương mềm xốp (loãng xương) dễ gãy xương ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tuổi thọ, tàn tật, tốn nhiều công sức và tiền bạc để điều trị và chăm sóc bệnh nhân, do đó việc chăm sóc người bệnh lớn tuổi và dự phòng loãng xương hiệu quả góp phần hạn chế bệnh tật và chi phí chăm sóc điều trị cho bệnh nhân. Tình trạng gãy xương xảy ra ở người cao tuổi là khá phổ biến. Với người già, khi bị gãy xương thì khả năng phục hồi chậm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Trong cơ thể người các xương liên kết chặt chẽ với nhau và tạo thành một cái khung cứng nâng đỡ toàn bộ cơ thể. Đồng thời khung xương cũng giúp bảo vệ các cơ quan quan trọng như não bộ và tủy sống khỏi chịu sự tổn thương khi có tác động từ bên ngoài.
Xét về mặt cấu tạo, xương được tạo thành chủ yếu từ canxi, chất nền hữu cơ collagen và các phức hợp protein cùng một số loại khoáng chất khác chiếm tỷ lệ không đáng kể. Theo tiến trình lão hóa tự nhiên của thời gian, khả năng trao đổi chất trong cơ thể ngày càng giảm, hàm lượng collagen, chất đạm và collagen cũng giảm theo khiến cho chất lượng xương không còn như trước. Chính vì vậy khi chúng ta càng lớn tuổi thì mật độ xương giảm, xương mỏng, giòn và dễ chịu tổn thương ngay cả khi có va đập nhẹ. Đây chính là lý do giải thích vì sao người già dễ bị gãy xương.
Tình trạng gãy xương ở người già chủ yếu xảy ra ở các vị trí như xương đùi, xương bánh chè, gãy đầu dưới xương quay và gãy đốt sống ở vị trí thứ 3-4-5. Khi bị gãy xương thì vùng xương bị gãy thường đau nhức, có vết bầm tím do tụ máu hoặc có thể không cử động được do xương lệch hẳn đi nơi khác. Gặp tình trạng này cần đưa ngay bệnh nhân tới bệnh viện để kiểm tra và chữa trị để xương sớm lành lại.
Để phòng tránh gãy xương cho người già, cần có những biện pháp thiết thực
- Tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra như ngã, vấp té. Để hạn chế được những rủi ro này thì cần thay đổi lại môi trường sống và sinh hoạt của người già như để phòng ngủ ở dưới tầng một, nơi gần nhà tắm; Sàn nhà nên lót thảm và hạn chế ẩm ướt; Vào nhà tắm nên mang dép để tránh bị trơn trượt; đeo kính lão....
– Không mang vác vật nặng quá sức.
– Kiểm soát tốt cân nặng để tránh làm gia tăng áp lực lên hệ cơ xương khớp khiến xương ngày càng yếu đi.
– Lao động, vận động ở tư thế đúng.
– Luyện tập thể dục mỗi ngày khoảng 30 phút để cải thiện sức khỏe và giúp xương khớp được cứng chắc hơn. Nên chọn các bộ môn vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập dưỡng sinh, tập yoga....
– Có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý. Nên tăng cường ăn các thực phẩm giàu canxi, vitamin D và vitamin C. Nếu cần thiết hãy uống sữa bổ sung canxi để phòng ngừa loãng xương.
Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng nên thường xuyên đi khám sức khỏe định kì nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời các vấn đề về xương khớp.
- Khó thở ở người cao tuổi không còn là hiện tượng xa lạ hiện nay, bởi khi tuổi cao sức đề kháng bị suy giảm là một trong những yếu tố làm phát triển bệnh. Triệu chứng khó thở thường xảy ra khi cơ thể có một số bệnh lý ở tim, phổi, thần kinh... Mà bệnh tim lại là căn bệnh phổ biến nhất ở người cao tuổi. Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới, bệnh tim mạch phát triển mạnh nhất là ở người cao tuổi và đang có dấu hiệu gia tăng mỗi ngày. Khó thở được người bệnh miêu tả là cảm giác không bình thường, khó chịu khi thở. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng khó thở ở người cao tuổi. Trong đó điển hình nhất phải kể tới những căn bệnh sau:
- Khó thở ở người cao tuổi báo hiệu bệnh lý của tim. Như đã nói ở trên, người lớn là đối tượng dễ mắc bệnh tim mạch nhất. Do đó, nếu thấy khó thở kéo dài ở người già, thì rất có khả năng là dấu hiệu của các bệnh: suy tim, thiếu máu cơ tim, bệnh mạch vành, bệnh màng ngoài tim...
- Khó thở ở người cao tuổi do bệnh hen suyễn
Những người bị bệnh hen suyễn ở những nơi bụi, lông thú, nơi có những loại phấn hoa hoặc thời tiết trở nên lạnh bất thường cũng gây ra hiện tượng khó thở và có cảm giác bị bóp nghẹt ở cổ họng đột ngột và dữ dội do đường thở bị viêm và chít hẹp lại. Ngoài ra, biểu hiện khó thở cũng xuất hiện ở những người bị giãn phế nang hay tràn khí màng phổi.
- Khó thở ở người cao tuổi do bệnh phổi. Thường thì những người hay hút thuốc lá, thuốc lào, sống trong môi trường ô nhiễm, độc hại nhiều năm là đối tượng của bệnh phổi. Đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây ra các triệu chứng ho, khạc đờm và kèm theo đó là biểu hiện khó thở khiến người bệnh khó chịu và làm suy giảm nghiêm trọng tình trạng sức khỏe của người bệnh. Nếu không được xử trí kịp thời, rất dễ dẫn đến tử vong ở người bệnh.
Bên cạnh các bệnh kể trên, các bệnh đau dây thần kinh liên sườn, chấn thương lồng ngực, viêm amidan, viêm thanh quản hay các bệnh rối loạn cảm xúc cũng gây khó thở. Để có một sức khỏe tốt, trái tim luôn khỏe mạnh và kiểm soát tốt bệnh khó thở ở người cao tuổi, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và làm theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu bạn còn thắc mắc về điều trị tình trạng đau nhức xương khớp, khó thở kèm ho và đau ngực cho người cao tuổi, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để để kiểm tra và tư vấn thêm bạn nhé. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.