Bài viết bởi ThS. Nguyễn Đắc Tú, Trưởng nhóm Đánh giá Chất lượng Sản phẩm và ThS. Phạm Thị Thanh, Chuyên viên Đánh giá Chất lượng Sản phẩm - Trung tâm Công nghệ cao Vinmec
Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối không xâm lấn nên giảm thiểu tối đa xuất hiện các biến chứng, rút ngắn thời gian điều trị. Đặc biệt, quá trình phân tách PRP rất đơn giản, dễ thực hiện nên chi phí thấp hơn nhiều so với các phương pháp điều trị xương khớp khác. Do đó, PRP là một trong những lựa chọn hàng đầu trong điều trị viêm xương khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp gối.
1. Thoái hóa khớp là căn bệnh như thế nào?
Viêm xương khớp còn được gọi là thoái hóa khớp, đây là bệnh viêm khớp thường gặp nhất và ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới. Viêm xương khớp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt từ 40 tuổi trở lên và rất phổ biến ở người trên 65 tuổi. Viêm xương khớp có thể gặp ở người trẻ do những chấn thương tại khớp.
Sụn khớp đóng vai trò quan trọng như tấm đệm bao bọc lấy các đầu khớp, giúp bảo vệ và giảm ma sát, khiến cho các khớp khi vận động không va chạm với nhau và trượt lên nhau một cách trơn tru. Khi tấm đệm này bị tổn thương, vỡ hoặc mòn đi sẽ khiến cho các xương dưới sụn va chạm vào nhau, dẫn đến sưng, gây cảm giác đau và giảm khả năng vận động. Ở giai đoạn cuối của viêm xương khớp, khi sụn khớp bị bào mòn thì các xương liên kết có thể bắt đầu chà xát với nhau dẫn đến tổn thương khớp và đau nhiều hơn.
Viêm khớp gối hay thoái hóa khớp gối là hậu quả của sự lão hóa các tế bào sụn khớp, sự mất cân bằng giữa tổng hợp và phân hủy của sụn, xương dưới sụn gây ra những thay đổi về hình thái, sinh hóa, loét, nứt, mất sụn khớp, xơ hóa xương dưới sụn [4]. Do đó, viêm xương khớp còn được gọi là hiện tượng “mòn và rách” sụn khớp (Hình 1).
Viêm xương khớp có thể ảnh hưởng tới bất kỳ khớp nào trên cơ thể như: viêm khớp gối, viêm khớp hông, viêm khớp vai, viêm khớp ngón tay, ngón chân,... Tuy nhiên, viêm khớp gối và ngón tay thường xuất hiện phổ biến nhất. Nghiên cứu của Scott [2] báo cáo rằng viêm khớp gối ảnh hưởng tới 13% phụ nữ từ 45-65 tuổi. Trong báo cáo của Al-Boukai và cộng sự [1] cho thấy viêm khớp gối ảnh hưởng tới 53,3% nam giới và 60,9% nữ giới tại các nước Trung Đông. Năm 2014, nghiên cứu của GS. Nguyễn Văn Tuấn [3] chỉ ra rằng tỉ lệ mắc viêm khớp gối của người Việt Nam là 34.2%. Tỉ lệ này sẽ tăng dần theo tuổi: 8% (40-49 tuổi), 30% (50-59 tuổi) và 61,1% (trên 60 tuổi).
Trắc nghiệm: Người thoái hóa khớp gối có nên đi bộ?
Thoái hóa khớp gối là một căn bệnh phức tạp có tác động không nhỏ tới cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Người bị thoái hóa khớp gối cũng nên lưu ý bên cạnh chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp. Vậy bị thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không?
Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Võ Sỹ Quyền Năng , chuyên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình , Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
2. Điều trị thoái hóa khớp gối
Một số phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối tập trung làm ngăn cản hoặc làm chậm lại quá trình thoái hóa thông qua thủ thuật ít xâm lấn hoặc can thiệp sớm hơn khi bệnh mới tiến triển. Các phương pháp không xâm lấn như: tiêm hyaluronic acid (HA), corticosteroids, sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), vật lý trị liệu. Ứng dụng huyết tương giàu tiểu cầu tự thân trong điều trị viêm khớp gối ngày càng được sử dụng phổ biến và mang lại nhiều hiệu quả tích cực (Hình 2).
3. Huyết tương giàu tiểu cầu – liệu pháp điều trị tiềm năng
Khác với thuốc điều trị thoái hóa khớp gối, huyết tương giàu tiểu cầu (Platelet rich plasma – PRP) là sản phẩm quý giá được tạo ra từ máu tự thân có chứa hàm lượng tiểu cầu cao hơn nhiều so với lượng tiểu cầu trung bình trong máu ngoại vi. Tiểu cầu chứa một lượng lớn các protein, các nhân tố tăng trưởng quan trọng tham gia vào nhiều quá trình cầm máu, chữa lành vết thương và tái tạo mô.
Nhiều nghiên cứu [6,7] đã chứng minh rằng tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) giúp giảm hiện tượng sưng đau và cải thiện chức năng vận động của xương khớp, đặc biệt là trong điều trị thoái hóa khớp gối hiệu quả hơn so với các phương pháp điều trị khác (tiêm Hyaluronic Acid, Corticosteroids).
Năm 2020, nghiên cứu của Raeissadat và cộng sự [8] đánh giá hiệu quả của huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) tới quá trình chữa lành tổn thương sụn khớp cho 23 bệnh nhân nữ (58 tuổi) thoái hóa khớp gối thông qua MRI. So với nhóm đối chứng (tiêm Hyaluronic Acid) thì nhóm được điều trị với PRP cho các đặc điểm: thể tích khớp xương bánh chè, viêm màng hoạt dịch, sự phân hủy sụn ở giữa và bên đều được cải thiện đáng kể. Nghiên cứu của Sakata [9] chứng minh rằng PRP tham gia vào quá trình chữa lành tổn thương sụn khớp (tái tạo sụn khớp, tăng thể tích hoạt dịch). Hơn nữa, PRP làm chậm lại quá trình thoái hóa sụn khớp bằng cách thúc đẩy sự tăng sinh, di chuyển và biệt hóa của tế bào gốc trung mô trở thành tế bào sụn khớp.
Kon và các cộng sự đã báo cáo về hiệu quả sử dụng PRP trong điều trị cho 40 bệnh nhân thoái hóa khớp gối. Sau 6 tháng với 3 lần tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP), các triệu chứng sưng đau giảm rõ rệt. Đặc biệt, 33% những bệnh nhân trên 60 tuổi và 85% bệnh nhân dưới 60 tuổi cảmthấy hài lòng với kết quả điều trị. Kết quả cũng tương tự trong báo cáo của Sanchez và các cộng sự đánh giá hiệu quả điều trị của PRP so sánh với nhóm chỉ được điều trị bằng cách tiêm Hyaluronic Acid. Sau 5 tuần với 3 lần tiêm PRP, nhóm được tiêm PRP (30 bệnh nhân) giảm 33.4% sưng đau, trong khi nhóm chỉ được tiêm Hyaluronic Acid giảm 10% sưng đau khớp gối [10].
Năm 2020, nghiên cứu của Ren và cộng sự [5] đã sử dụng phương pháp siêu phân tích (meta-analysis) để làm rõ liệu rằng PRP có thật sự hiệu quả trong điều trị thoái hóa khớp gối hay không. Nghiên cứu đánh giá trên 5 thử nghiệm lâm sàng có đối chứng với tổng cộng 320 bệnh nhân. Kết quả cho thấy, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) vào khớp bị viêm giúp giảm sưng, đau sau phẫu thuật, cải thiện chức năng vận động và nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính người bệnh.
Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu là một trong những phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả, bởi nó là sản phẩm của máu tự thân nên giảm thiểu được các nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm (HIV, viêm gan B,C) và không gây đáp ứng miễn dịch. Đặc biệt, huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là phương pháp điều trị không xâm lấn, nhiều nghiên cứu chứng minh PRP giảm thiểu tối đa xuất hiện các biến chứng, rút ngắn thời gian điều trị. Hơn nữa, quá trình phân tách PRP rất đơn giản, dễ thực hiện nên chi phí thấp hơn nhiều so với các phương pháp điều trị xương khớp khác. Do đó, PRP là một trong những lựa chọn hàng đầu trong điều trị viêm xương khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp gối.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City – Đơn vị hàng đầu ứng dụng dùng liệu pháp điều trị bằng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP). Tại đây có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình, Cơ xương khớp, đồng thời họ cũng là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ứng dụng huyết tương giàu tiểu cầu để điều trị các bệnh lý viêm xương khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp. Trong giai đoạn 2018 – 2020, Vinmec đã thực hiện điều trị bằng PRP cho gần 1000 trường hợp, với kết quả hài lòng khách hàng sau điều trị đạt hơn 90%. Sản phẩm PRP tại Vinmec được điều chế trong hệ thống phòng sạch đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 14644-1, quy trình điều chế sử dụng hệ thống máy móc hiện đại được sản xuất theo quy trình ISO 13485, kit PRP đạt tiêu chuẩn CE - IVD. Vì thế, có thể khẳng định liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu đang được cung cấp bởi Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là sản phẩm có tính an toàn và hiệu quả tốt nhất tại Việt Nam hiện nay.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo
- Al-Arfaj A, Al-Boukai AA, (2002). Prevalence of radiographic knee osteoarthritis in Saudi Arabia. Clinical rheumatology. 21, 142-5.
- Scott D, Kowalczyk A, (2008). Osteoarthritis of the knee. Am Fam Physician. 77, 1149-50.
- Ho-Pham L.T, et al, (2014). Prevalence of radiographic osteoarthritis of the knee and its relationship to self-reported pain. PloS One. 9(4), e94563.
- Alshami A.M, (2014). Knee osteoarthritis related pain: a narrative review of diagnosis and treatment. Int J Health Sci (Qassim). 8(1), 85-104.
- Ren H, Zhang S, et al, (2020). Role of platelet rich plasma in the treatment of osteoarthritis: a meta-analysis. Journal of International Medical Research. 48(10), 0300060520964661.
- Dong Y, Zhang B, et al (2020). The effects of platelet rich plasma injection in knee and hip osteoarthritis: a meta-analysis of randomized controlled trials. Clin Rheumatol. 40(1), 263-277.
- Dai WL, Zhou A.G, et al (2016). Efficacy of Platelet rich plasma in the treatment of knee osteoarthritis: a meta-analysis of randomized controlled trials. Arthroscopy. 33(3), 659-670.
- Raeissadat S.A, Ghorbani E, et al (2020). MRI changes after platelet rich plasma injection in kee osteoarthritis (randomized clinical trial). Journal of Pain Research. 13, 65-73.
- Sakata R, Reddi AH, (2016). Platelet rich plasma modulates actions on articular cartilage lubrication and regeneration. Tissue Eng Part B Rev. 22(5), 408-419.
- Sanchez M, Anitua E, et al (2008). Intra-articular injection of an autologous preparation rich in growth factors for the treatment of knee OA: a retrospective cohort study. Clin Exp Rheumatol. 26(5), 910-913.