Điều trị bảo tồn và phẫu thuật rách sụn chêm được thực hiện trong trường hợp nào?

Phẫu thuật rách sụn chêm được xem xét thực hiện khi chấn thương sụn chêm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của khớp gối. Sụn chêm có vai trò quan trọng trong việc hấp thụ và phân tán lực dồn nén lên trên khớp gối, giúp bảo vệ sụn khớp và hỗ trợ khớp gối trong việc gấp và duỗi một cách dễ dàng với biên độ tối đa.  

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Rách sụn chêm là gì?

Phẫu thuật rách sụn chêm được xem xét trong các trường hợp chấn thương nghiêm trọng tại khớp gối, vốn là một khớp bản lề phức tạp bao gồm ba khớp kết hợp (khớp chày-đùi, khớp chè-đùi và khớp chày-chè) nhờ các yếu tố như dây chằng, cân cơ và bao khớp. Khớp gối là vị trí phải chịu lực tác động lớn, thường lên tới 4.5-6.2 lần trọng lượng cơ thể.

Mỗi đầu gối có hai sụn chêm nằm giữa đầu xương đùixương chày, được gọi là sụn chêm trong (hình chữ C) và sụn chêm ngoài (hình chữ O). Sụn chêm này bền, dai và đàn hồi, được cấu tạo từ ba phần chính: sừng trước, sừng sau và thân giữa.

Rách sụn chêm là một trong những tổn thương thường gặp ở khớp gối. Ở người trẻ, các tổn thương này thường xảy ra sau những chấn thương thể thao đột ngột hoặc tai nạn giao thông. Trong khi đó, ở người già, rách sụn chêm thường liên quan đến quá trình thoái hóa và có thể xảy ra khi đứng lên đột ngột bằng tư thế bất lợi, thường đi kèm với tình trạng bong và mòn sụn khớp.

Rách sụn chêm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt, di chuyển của người bệnh.
Rách sụn chêm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt, di chuyển của người bệnh.

2. Dấu hiệu rách sụn chêm

Các dấu hiệu cơ bản của rách sụn chêm bao gồm: tiếng "nổ" phát ra khi sụn chêm bị rách. Nhiều bệnh nhân có thể vẫn đi lại bình thường, thậm chí các cầu thủ bóng đá có thể tiếp tục thi đấu trong suốt trận đấu.

  • Ở những trường hợp vết rách sụn chêm nhỏ, bệnh nhân có thể cảm nhận được cơn đau nhẹ và sưng tại khớp gối, kéo dài trong khoảng 2-3 tuần. Khớp gối có thể bị kẹt hoặc phát ra tiếng lục cục trong quá trình vận động.
  • Đối với những trường hợp vết rách sụn chêm có kích thước trung bình, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau ở khe khớp hoặc trung tâm khớp gối. Triệu chứng sưng thường xuất hiện muộn, khoảng 2-3 ngày sau đó và có thể dẫn đến cứng khớp hoặc hạn chế khả năng vận động của khớp gối khi gấp, đau ở bề mặt khớp gối khi ngồi xổm. Các triệu chứng này có thể kéo dài từ 1-2 tuần và có thể tái phát khi bệnh nhân thực hiện các động tác vặn xoắn hoặc các hoạt động quá tải khớp gối, làm cơn đau trở nên kéo dài.
  • Trong trường hợp vết rách sụn chêm lớn, miếng rách có thể di chuyển vào trong khe khớp, gây ra tình trạng kẹt, khóa khớp, khiến bệnh nhân không thể duỗi thẳng khớp gối (khớp gối không thể gấp duỗi hết tầm). Dấu hiệu sưng hoặc cứng khớp thường bắt đầu xuất hiện từ 2-3 ngày sau chấn thương và cần được phẫu thuật rách sụn chêm.
Đau khớp gối là dấu hiệu rõ ràng nhất của tình trạng rách sụn chêm.
Đau khớp gối là dấu hiệu rõ ràng nhất của tình trạng rách sụn chêm.

3. Biến chứng của rách sụn chêm nếu không được điều trị kịp thời

Sụn chêm đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ vận động khớp gối. Khi bị rách, tình trạng này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị hay phẫu thuật rách sụn chêm kịp thời,​ ảnh hưởng đến sức khỏe:

  • Đau nhức khớp gối: Người bệnh sẽ cảm thấy đau đớn, nhất là khi co duỗi hay nghiêng người. Chấn thương có thể dẫn đến sưng đau, khớp bị kẹt, không thể duỗi thẳng chân do mảnh sụn chêm rách kẹt giữa các bộ phận khớp.
  • Teo cơ tứ đầu đùi: Nếu cơn đau kéo dài không được điều trị có thể khiến cơ tứ đầu đùi bị teo, làm giảm khả năng vận động của chân.
  • Hư khớp gối: Tổn thương nghiêm trọng như đứt dây chằng chéo trước có thể khiến khớp gối mất vững, sụn chêm hư hại nặng và dẫn đến thoái hóa nhanh hư khớp.
  • Tổn thương phức tạp: Khoảng 50% các ca rách sụn chêm có liên quan đến tổn thương dây chằng chéo trước, dẫn đến các tổn thương khác như bong chỗ bám, tổn thương dây chằng chéo sau và phù tủy xương. Một số trường hợp còn gặp phải tình trạng lỏng khớp, mất khả năng đi lại do đứt dây chằng chéo trước.

4. Quá trình khám cận lâm sàng để chẩn đoán rách sụn chêm

Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ khai thác các triệu chứng mà bệnh nhân mô tả, đồng thời kiểm tra khớp gối qua các tư thế khác nhau bằng cách thực hiện các bài kiểm tra chẩn đoán để xác định các điểm đau và mức độ vận động của gối.

Nếu nghi ngờ tổn thương sụn chêm, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện chụp X-quang và chụp MRI cho khớp gối. Những phương pháp này giúp quan sát tình trạng hẹp khe khớp và phát hiện các tổn thương có thể đi kèm như tổn thương dây chằng chéo trước, tổn thương sụn khớp, tổn thương dây chằng chéo sau và tổn thương dây chằng bên.

Bên cạnh đó, siêu âm khớp gối cũng có thể được chỉ định để đánh giá tình trạng sụn lỏng và khảo sát dịch tích tụ quanh khớp gối. Trong trường hợp tổn thương sụn chêm quá phức tạp, nội soi khớp gối sẽ được tiến hành để chẩn đoán chính xác hơn, từ đó quyết định có cần tiền hành phẫu thuật rách sụn chêm.

5. Các phương pháp điều trị rách sụn chêm

Phương pháp điều trị cho tình trạng rách sụn chêm phụ thuộc vào hình thái và kích thước của vết rách, cũng như vị trí của sụn chêm:

  • Rách sụn chêm ở vị trí 1/3 ngoài: Đây là vị trí được cung cấp máu tốt, do đó vết rách ở đây thường dễ lành. Các vết rách nhỏ có khả năng tự lành, nhưng đối với những vết rách lớn hơn, bệnh nhân có thể cần đến phương pháp khâu bảo tồn qua nội soi.
  • Rách sụn chêm ở vị trí 2/3 trong: Đây là vùng khó lành do cung cấp máu kém. Vết rách ở 1/3 trong thường không tự lành và cần phải cắt bỏ phần rách thông qua phương pháp nội soi.

Ngoài ra, việc lựa chọn phương pháp điều trị bảo tồn hay phẫu thuật rách sụn chêm cũng cần cân nhắc đến yếu tố tuổi tác và mức độ hoạt động hàng ngày của bệnh nhân để đảm bảo phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.

5.1 Điều trị bảo tồn sụn chêm

Phương pháp điều trị bảo tồn được áp dụng cho các vết rách nhỏ ở bờ ngoại vi khi bệnh nhân không cảm thấy đau và khớp gối vẫn ổn định. Điều trị bảo tồn bao gồm các biện pháp như chườm đá, sử dụng băng thun gối, hạn chế vận động và nghỉ ngơi, dùng các loại thuốc giảm đau và thuốc kháng viêm không steroid, cũng như thuốc giảm phù nề.

Chườm đá quanh khớp gối là một biện pháp điều trị bảo tồn sụn chêm.
Chườm đá quanh khớp gối là một biện pháp điều trị bảo tồn sụn chêm.

5.2 Điều trị rách sụn chêm bằng phẫu thuật

  • Cắt bỏ toàn bộ sụn chêm đến tận bao khớp: Phương pháp này hiện nay ít được sử dụng.
  • Cắt một phần sụn chêm bị tổn thương: Được chỉ định cho các trường hợp vết rách ở vùng không có mạch máu nuôi (vùng 2/3 trong) và các vết rách cũ trên 6 tuần.
  • Khâu bảo tồn sụn chêm: Áp dụng cho những trường hợp vết rách nằm ở vùng có mạch máu dồi dào (thường là 1/3 ngoài gần bao khớp), vết rách dài khoảng 2cm và thời gian rách không quá 4 tuần. Các kỹ thuật khâu có thể bao gồm khâu inside-out, khâu outside-in, hoặc khâu all inside, tùy thuộc vào kinh nghiệm và kỹ năng của bác sĩ phẫu thuật rách sụn chêm.
Phẫu thuật rách sụn chêm được xem xét thực hiện khi chấn thương sụn chêm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của khớp gối.
Phẫu thuật rách sụn chêm được xem xét thực hiện khi chấn thương sụn chêm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của khớp gối.

Sau phẫu thuật rách sụn chêm, chân của bệnh nhân cần được giữ bất động bằng nẹp trong 3 tuần. Nếu có khâu sụn chêm, thời gian bất động có thể kéo dài hơn để hỗ trợ quá trình lành sụn. Sau đó, bệnh nhân cần tiến hành vận động sớm để phục hồi biên độ vận động của khớp, đồng thời tập luyện các bài tập cơ bắp để ngăn ngừa tình trạng teo cơ.

​​​6. Cần làm gì sau phẫu thuật rách sụn chêm và phòng ngừa rách sụn chêm

6.1 Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt sau điều trị rách sụn đầu gối

Sau điều trị và phẫu thuật rách sụn chêm​, người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ về thời gian giữ nẹp bất động, thực hiện các bài tập phục hồi chức năng phù hợp, tránh các hoạt động gây áp lực mạnh lên khớp gối để phục hồi biên độ vận động và ngăn ngừa teo cơ. Ngoài ra, cần bổ sung các thực phẩm hỗ trợ sức khỏe xương khớp, góp phần thúc đẩy quá trình hồi phục.

6.2 Phòng ngừa rách sụn chêm

Để ngăn ngừa rách sụn chêm và các biến chứng liên quan, các bác sĩ cũng khuyến cáo nên:

  • Tập luyện thể dục thể thao đều đặn để tăng cường sự dẻo dai của khớp gối.
  • Giữ tư thế đúng khi lao động và trong sinh hoạt hàng ngày.
  • Tránh các động tác xoay gối đột ngột.
  • Tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định của bác sĩ để tránh tái phát tổn thương sụn khớp gối.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe