Khớp gối là một khớp lớn, có cấu tạo phức tạp, đóng vai trò chịu lực cho toàn bộ cơ thể. Với nhiều thành phần cấu tạo khác nhau nên khớp gối rất dễ bị tổn thương. Trong số đó rách sụn chêm khớp gối là một bệnh lý hay gặp, đặc biệt là trong tai nạn giao thông hoặc chấn thương thể thao.
1. Rách sụn chêm khớp gối là gì?
Rách sụn chêm khớp gối là một trong những chấn thương liên quan đến gối hay gặp nhất. Vai trò của sụn chêm bao gồm giúp ổn định khớp, hạn chế bào mòn các xương. Tuy nhiên chỉ cần một tác động đột ngột trong lúc tập luyện hoặc chơi thể thao, chấn thương do tai nạn lao động hoặc tai nạn giao thông đều có thể dẫn đến rách sụn chêm khớp gối.
Vị trí rách sụn chêm khớp gối rất đa dạng, bao gồm rách sụn trong hoặc ngoài, rách sụn vùng giàu mạch máu hoặc vô mạch, rách sụn trước hoặc sau... Bên cạnh đó, hình thái vết rách cũng đa dạng và có thể ảnh hưởng đến phương pháp điều trị rách sụn chêm khớp gối, thường gặp là rách sụn theo chiều dọc, chiều ngang hoặc đôi khi rách hình nan hoa, hình vạt hoặc nhiều hình dạng phức tạp khác.
Một số đối tượng nguy cơ cao dễ bị rách sụn chêm khớp gối:
- Vận động viên thể thao chuyên nghiệp, thường xuyên tập luyện, thi đấu và khớp gối phải vận động nhiều như bóng đá, bóng rổ, quần vợt...;
- Người lớn tuổi dễ mắc bệnh thoái hóa xương khớp, sụn chêm bào mòn và dễ bị tổn thương.
2. Chẩn đoán rách sụn chêm khớp gối
Dấu hiệu rách sụn chêm khớp gối bao gồm:
- Đau và sưng nhẹ khớp gối, kéo dài từ 2-3 tuần với tổn thương rách kích thước nhỏ;
- Đau ở khe khớp hoặc trung tâm khớp gối với vết rách trung bình. Tình trạng sưng khớp xuất hiện, có thể cứng khớp, giới hạn vận động khớp gối;
- Với vết rách kích thước lớn: Mảnh rách lớn có thể gây kẹt hoặc khóa khớp, dẫn đến người bệnh không thể duỗi thẳng gối. Sưng, cứng khớp xuất hiện muộn sau 2 đến 3 ngày.
Sau khi thăm khám, hỏi bệnh, các bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như X quang và chụp cộng hưởng từ (MRI) khớp gối để xác định chẩn đoán và phát hiện các tổn thương kèm theo.
3. Điều trị rách sụn chêm khớp gối
Mục đích chính của việc điều trị rách sụn chêm khớp gối là giúp cải thiện triệu chứng đau và phục hồi khả năng vận động cho người bệnh. Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị tùy theo vào vị trí, kích thước, hình thái và mức độ trầm trọng của vết rách sụn chêm khớp gối. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác có thể góp phần cho việc lựa chọn phác đồ điều trị bao gồm tuổi tác và mức độ vận động của bệnh nhân.
3.1. Điều trị rách sụn chêm khớp gối bảo tồn
Điều trị rách sụn chêm khớp gối bảo tồn hay không phẫu thuật được chỉ định cho người bệnh sau:
- Tổn thương nhỏ;
- Vị trí rách ở 1⁄3 ngoài sát bao khớp và có mạch máu nuôi dưỡng dồi dào;
- Người bệnh ít đau và khớp gối còn vững.
Các phương pháp điều trị không phẫu thuật bao gồm chườm lạnh (chườm đá), bất động khớp gối, hạn chế các vận động kết hợp sử dụng các thuốc giảm đau, kháng viêm và chống phù nề.
3.2. Phẫu thuật rách sụn chêm khớp gối
Hiện nay, phẫu thuật rách sụn chêm bao gồm 2 phương pháp chính là mổ mở và mổ nội soi. Tùy theo đặc điểm tổn thương rách sụn chêm khớp gối mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp, bao gồm cắt bỏ, ghép hoặc khâu sụn chêm khớp gối.
- Cắt bỏ sụn chêm:
Phẫu thuật rách sụn chêm bằng cách cắt bỏ được bác sĩ chỉ định trong những trường hợp như vết rách cũ trên 6 tuần, vị trí rách sụn chêm ở 2⁄3 trong và rách vùng có mạch máu nuôi nghèo nàn.
Điều trị rách sụn chêm khớp gối bằng biện pháp này được xem là nghiêm trọng nhất, bệnh nhân hoàn toàn không có khả năng phục hồi. Khi đó, bác sĩ phẫu thuật cố gắng cắt bỏ vùng rách một cách tiết kiệm nhất, để lại vùng sụn còn nguyên giáp bao khớp, duy trì khả năng giữ vững khớp gối và mức độ chịu lực cho cơ thể.
- Ghép sụn chêm:
Ghép sụn là biện pháp phẫu thuật rách sụn chêm khá phức tạp, yêu cầu cơ bản là phải có sụn chêm đồng loại (allograft) để ghép cho người bệnh. Do đó, với sự phát triển y học hiện tại, Việt Nam chưa thể thực hiện được kỹ thuật điều trị này.
- Khâu sụn chêm:
Sụn chêm đóng vai trò rất quan trọng trong cấu tạo chung của khớp gối. Sụn chêm điều hòa lực dẫn truyền từ xương đùi xuống xương cẳng chân, do đó khi sụn chêm bị rách một phần hoặc toàn bộ sụn sẽ tác động không tốt đến việc điều hòa lực, làm mất hoặc giảm khả năng phân phối lực đều đặn giữa các xương, qua đó dẫn đến tổn thương lớp sụn và dần dần sẽ gây thoái hóa khớp.
Mức độ cắt bỏ sụn chêm tỷ lệ thuận với nguy cơ thoái hóa khớp. Cắt càng nhiều thì thoái hóa khớp diễn ra càng sớm và càng trầm trọng. Vì thế, khâu sụn chêm là phương pháp điều trị được phát triển để hạn chế những trường hợp phải cắt bỏ sụn chêm.
Phẫu thuật rách sụn chêm bằng cách khâu sụn được chỉ định cho những vết rách dọc, rách mới xảy ra trong vòng 6 tuần, vị trí rách ở 1⁄3 ngoài sát bao khớp và có mạch máu nuôi dưỡng dồi dào, mang lại khả năng hồi phục tổn thương nhanh. Tuy nhiên, một vấn đề cần được hết sức lưu ý là điều trị khâu sụn chêm cần phải tiến hành sớm vì nếu can thiệp muộn, tổn thương tại vị trí rách đã xơ hóa sẽ khiến giảm cơ hội phục hồi cho người bệnh.
Khâu sụn chêm có ưu điểm là giúp phục hồi chức năng và hình thái giải phẫu của sụn chêm. Đồng thời, biện pháp này còn hạn chế được các vấn đề khác như đau, tràn dịch khớp gối hoặc kẹt khớp...
4. Một số lưu ý khi điều trị rách sụn chêm khớp gối
Chỉ định phác đồ điều trị cho từng người bệnh như khâu hay cắt bỏ, nếu cắt thì cắt phần nào, khâu thì khâu phần nào... sẽ được bác sĩ đưa ra sau khi đã thăm khám và đánh giá chính xác tổn thương trên lâm sàng và hình ảnh học.
Người bệnh cần lưu ý khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường thì cần đi khám sớm để được chỉ định biện pháp điều trị kịp thời, thích hợp.
Sự phát triển của kỹ thuật phẫu thuật nội soi trong điều trị rách sụn chêm khớp gối mang lại một số ưu điểm vượt trội như sau:
- Phẫu thuật nhanh chóng, thuận tiện: Người bệnh có thể được chẩn đoán và phẫu thuật ngay trong ngày, hạn chế di chuyển nhiều lần;
- Tiết kiệm chi phí điều trị, đồng thời giảm được các nguy cơ ảnh hưởng khi dùng thuốc hậu phẫu (kháng sinh) kéo dài;
- Thời gian phục hồi nhanh, kích thước vết mổ nhỏ, thẩm mỹ và hạn chế đau so với mổ hở truyền thống;
- Khả năng phục hồi vận động lên đến 80-90%, nhanh chóng trở lại với những sinh hoạt bình thường.
Tóm lại, để việc điều trị rách sụn chêm khớp gối được tối ưu, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định cũng như phác đồ điều trị do bác sĩ chuyên khoa đưa ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.