Điện thế gợi thị giác là gì?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Bích Nhĩ - Bác sĩ Mắt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Điện thế gợi là điện thế ghi được sau khi kích thích hệ thần kinh trung ương bằng những sóng kích thích đặc hiệu dành riêng cho từng cơ quan. Điện thế gợi thị giác dùng những kích thích ánh sáng để đánh giá sự toàn vẹn của dẫn truyền thần kinh thị, từ võng mạc đến vỏ não thị giác vùng chẩm.

1. Khái niệm và những điều cần biết về điện thế gợi

1.1 Điện thế gợi là gì?

Điện thế gợi (Eps) là sóng điện não ghi được sau một kích thích đặc hiệu cho những đáp ứng ghi được từ hệ thần kinh trung ương hoặc sóng có được nhờ vào sự kích thích hệ thần kinh trung ương.

Trước kia điện thế gợi rất được coi trọng nhưng do sự xuất hiện của MRI nên hiện nay vai trò của phương pháp này bị thu hẹp lại nhiều. Tuy nhiên giữa MRI và điện thế gợi vẫn có sự khác biệt rất lớn.

MRI não cung cấp thông tin về cấu trúc giải phẫu của hệ thần kinh còn điện thế gợi cho biết về chức năng các đường dẫn truyền thần kinh trong não.

Nhược điểm của MRI là chi phí cao, khó thực hiện nhiều lần và không làm tại giường bệnh được. Trong khi đó, điện thế gợi rẻ tiền hơn, có thể thực hiện ngay tại giường bệnh và có thể làm đi làm lại nhiều lần.

Ghi điện thế gợi kích thích cho phép ghi lại và phân tích các sóng điện phát ra từ vỏ não và tủy sống. Sóng điện thế gợi sẽ xuất hiện nếu có sự đáp ứng của hệ thần kinh trung ương với các kích thích điện dây thần kinh ngoại vi hay khi kích thích các cơ quan giác quan (thị giác, thính giác). Trừ điện thế kích thích vận động, muốn ghi được điện thế gợi thường cần kích thích vài trăm tới vài nghìn lần, dùng máy ghi điện toán hóa để lưu giữ các tín hiệu thu được. Các tín hiệu sẽ được tính trung bình cộng và loại bỏ các nhiễu, nhờ vậy các đường sóng điện thế kích thích sẽ được ghi rõ ràng. Máy ghi điện thế gợi sẽ gắn kèm theo các bộ phận kích thích chuyên biệt như ánh sáng, âm thanh hay từ trường.

1.2 Các loại điện thế gợi

Các loại điện thế gợi thường được thực hiện bao gồm:

  • Điện thế gợi cảm giác thân thể (SEPs): Có được bằng cách kích thích các sợi thần kinh hướng tâm của cơ và da. Điện thế gợi cảm giác thân thể giúp kiểm tra hệ thần kinh ngoại biên, nhất là ở gốc chi; phát hiện tổn thương thần kinh cảm giác trung ương; đánh giá tổn thương do phẫu thuật gây ra như mổ bóc lớp áo trong của động mạch cảnh để có thể kịp thời sửa chữa.
  • Điện thế gợi thính giác thân não (BAEPs): Dùng âm thanh để tạo sóng kích thích nhằm đánh giá chức năng của dây thần kinh và đường dẫn truyền thính giác trong thân não.
  • Điện thế gợi thị giác (VEPs): Dùng ánh sáng để tạo sóng kích thích nhằm đánh giá chức năng của dây thần kinh và đường dẫn truyền thị giác trong thân não.
  • Điện thế gợi vận động (MEPs): Ghi nhận được ở cơ, dây thần kinh ngoại biên hoặc tủy sống khi kích thích vỏ não hoặc bó tháp giúp chẩn đoán bệnh thần kinh vận động, tổn thương bó tháp và tiên lượng bệnh nhân đột quỵ.
  • Điện thế gợi của trí tuệ (P300): Đo lường thời gian tiềm và biên độ của P300 - phản ánh chức năng trí tuệ của não. Điện thế gợi trí tuệ hay dùng trong nghiên cứu về bệnh Alzheimer và các bệnh sa sút trí tuệ khác, bệnh trầm cảm, tâm thần phân liệt, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, mất tập trung chú ý và động kinh ở trẻ em.

Ghi điện thế gợi kích thích cho phép ghi lại và phân tích các sóng điện phát ra từ vỏ não và tủy sống
Ghi điện thế gợi kích thích cho phép ghi lại và phân tích các sóng điện phát ra từ vỏ não và tủy sống

2. Khái niệm và những điều cần biết về điện thế gợi thị giác

2.1 Điện thế gợi thị giác là gì?

Điện thế gợi thị giác (VEPs) là những sóng điện của não ghi được bằng cách kích thích ánh sáng vào mắt, phản ánh chức năng của dây thần kinh thị giác và tính nguyên vẹn của đường dẫn truyền thị giác, từ võng mạc tới vỏ não thị giác vùng chẩm.

2.2 Cách thực hiện điện thế gợi thị giác

Người bệnh ở tư thế thư giãn. Kích thích ánh sáng vào một bên mắt. Ánh sáng dưới dạng hình bàn cờ, gồm các ô vuông màu đen và trắng tương phản tối đa và xen kẽ nhau. Ánh sáng có tần số khoảng 2 Hz.

Điện cực ghi điện thế gợi gồm một điện cực ở chính giữa chẩm và 2 điện cực ở hai bên cách nhau 5cm. Thực hiện khoảng 100 đến 200 lần kích thích. Thường có hai sóng là N75 (sóng âm có thời gian tiềm tàng 75ms) và P100 (sóng dương tiếp theo sau có thời gian tiềm 100ms). Điện thế gợi thị giác quan trọng nhất là P100 vì phản ánh tính nguyên vẹn của đường dẫn truyền thị giác.

2.3 Ứng dụng của điện thế gợi thị giác

Điện thế gợi thị giác giúp đánh giá sự toàn vẹn của đường thần kinh thị giác từ dây thần kinh số II, qua giao thoa thị và dải thị giác, tới thể gối ngoài và phóng chiếu qua thể gối - khe cựa đến vỏ não thị giác. Điện thế gợi thị giác nhạy hơn MRI trong việc khảo sát tổn thương trước giao thoa thị nhưng cũng có thể giúp phân biệt những tổn thương của đường dẫn truyền thị giác sau giao thoa thị.

Điện thế gợi thị giác có thể cho thấy bất thường trong bệnh xơ cứng rải rác và mù vỏ não, bệnh glaucoma (bệnh cường nước), bệnh Parkinson. Nếu trên lâm sàng và MRI cho thấy có tổn thương ở tủy sống và điện thế gợi thị giác bất thường (dù MRI không thấy bất thường dây thần kinh số II và bệnh nhân cũng không than phiền về giảm thị lực) thì phải nghi ngờ bệnh lý xơ cứng rải rác hoặc bệnh Devic.

Ngoài ra, điện thế gợi thị giác còn dùng để đo thị lực ở trẻ nhỏ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe