Dị ứng lông chó là một vấn đề sức khỏe phổ biến, ảnh hưởng đến nhiều người yêu động vật. Đây là phản ứng quá mức của hệ miễn dịch đối với các protein có trong da, nước bọt và nước tiểu của chó với mức độ biểu hiện dị ứng khác nhau ở mỗi người. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và dị ứng lông chó phải làm sao để bảo vệ sức khỏe của mình.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Vũ Thị Mai, chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc Tế Vinmec Times City.
1. Triệu chứng khi bị dị ứng lông chó
Người bị dị ứng lông chó thường có các triệu chứng tương tự như các loại dị ứng mũi khác, bao gồm:
- Ho, khò khè, khó thở.
- Đỏ mắt, ngứa mắt và chảy nước mắt.
- Chảy nước mũi, hắt hơi, ngứa mũi và nghẹt mũi.
Một số người bị dị ứng lông chó không chỉ cảm thấy ngứa ngáy và hắt hơi mà còn có thể xảy ra phản ứng trên da. Da của bệnh nhân có thể nổi mẩn đỏ sau khi bị chó liếm. Đặc biệt nguy hiểm, những người mắc hen suyễn hoặc dị ứng với thú cưng có thể gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng.
2. Các nguyên nhân gây ra dị ứng lông chó
Các protein gây dị ứng có mặt trong da chết, lông, nước bọt và nước tiểu của chó. Hệ miễn dịch phản ứng quá mức với những protein này, gây ra phản ứng dị ứng. Mức độ dị ứng còn phụ thuộc vào giống chó do sự đa dạng về loại dị nguyên và loại lông.
Ngoài ra, chất gây dị ứng từ chó thường bám vào lông, thảm, quần áo, tường, đệm ghế và có thể tồn tại trong không khí, xâm nhập vào mắt, phổi khi con người hít phải.
3. Phương pháp chẩn đoán
Bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm da hoặc xét nghiệm máu để phát hiện Immunoglobulin E (IgE) đặc hiệu với chất gây dị ứng, từ đó xác định xem bệnh nhân có dị ứng lông chó hay không. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp cho rằng bản thân bị dị ứng với chó nhưng thực chất là bị dị ứng phấn hoa hoặc nấm mốc mà chó mang từ bên ngoài vào nhà.
Việc xét nghiệm dị ứng không phải lúc nào cũng cho kết quả chính xác về tình trạng dị ứng lông chó. Vì vậy, bác sĩ thường khuyến khích chúng ta sống thử ở một nơi không có chó trong một khoảng thời gian để theo dõi sức khỏe. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sẽ mất nhiều tháng để lượng lông chó trong nhà giảm xuống mức tương đương với nhà không có chó. Do đó, cần thời gian để người bệnh nhận biết các triệu chứng dị ứng của bản thân.
4. Cách điều trị dị ứng lông chó
Trong trường hợp dị ứng lông chó phải làm sao? Cách hiệu quả nhất để tránh dị ứng lông chó là không nuôi hoặc không tiếp xúc với chó. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng đối với những người yêu thích chó. Vì vậy, bệnh nhân có thể hạn chế tiếp xúc với chất gây dị ứng và giảm triệu chứng bằng cách sau:
4.1. Sử dụng thuốc
- Thuốc kháng histamine giúp giảm ngứa, hắt hơi và sổ mũi.
- Corticosteroid dạng xịt mũi giúp giảm viêm và kiểm soát triệu chứng.
- Cromolyn natri: Loại thuốc xịt mũi này giúp giảm triệu chứng do dị ứng lông chó, đặc biệt nên được sử dụng trước khi triệu chứng trở nên nghiêm trọng.
- Thuốc thông mũi: Giúp giảm kích thước niêm mạc các cuốn mũi đang bị phù nề, có sẵn dưới dạng viên uống, nhỏ hoặc xịt mũi.
- Liệu pháp miễn dịch: Giúp cơ thể bệnh nhân giảm độ nhạy cảm với protein động vật gây dị ứng. Phương pháp này thường được sử dụng cho các trường hợp nặng hoặc khi bệnh nhân không muốn dùng thuốc xịt lâu dài và cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa Dị ứng.
- Thuốc kháng Leukotrien: Được khuyến nghị khi bệnh nhân không thể dung nạp thuốc kháng histamin hoặc corticosteroid tại chỗ.
4.2. Cách điều trị không dùng thuốc
Một số người bị dị ứng lông chó có thể rửa mũi hàng ngày bằng nước muối để làm sạch đường mũi khỏi chất gây dị ứng. Phương pháp "rửa mũi" này giúp kiểm soát các triệu chứng như nghẹt mũi và chảy nước mũi.
Bệnh nhân nên luôn chuẩn bị sẵn thuốc xịt nước muối và bộ dụng cụ rửa mũi hoặc có thể tự làm bằng cách pha 1/8 thìa cà phê muối ăn vào nước cất.
Ngoài ra, ngay khi tiếp xúc với lông chó và xuất hiện triệu chứng dị ứng mũi, người bệnh cần xịt hoặc rửa mũi để loại bỏ dị nguyên, giúp giảm triệu chứng.
4.3. Thay đổi lối sống
Có một loạt biện pháp mà những người nuôi chó có thể thực hiện trong ngôi nhà để giảm thiểu chất gây dị ứng, bao gồm:
- Lựa chọn nuôi giống chó có nguy cơ dị ứng thấp hơn như:
- Chó săn Afghan (Afghan Hound).
- Chó sục không lông Mỹ (American Hairless Terrier).
- Chó sục Bedlington (Bedlington Terrier).
- Chó Bichon Frise.
- Chó có mào (Chinese Crested).
- Chó bông Tulear (Coton de Tulear).
- Chó Schnauzer lớn (Giant Schnauzer).
- Chó lội nước Ireland (Irish Water Spaniel)
- Chó sục xanh Kerry (Kerry Blue Terrier).
- Chó Lagotto Romagnolo.
- Chó Maltese.
- Chó Schnauzer nhỏ.
- Chó Orchid Inca (Peruvian Inca Orchid).
- Chó Poodle.
- Chó săn lội nước Bồ Đào Nha (Portuguese Water Dog).
- Chó sục Wheaten lông mềm (Soft Coated Wheaten Terrier).
- Chó lội nước Tây Ban Nha (Spanish Water Dog).
- Chó Schnauzer.
- Chó không lông Xoloitzcuintle.
- Không cho chó vào một số khu vực nhất định, như phòng ngủ.
- Tắm cho chó hàng tuần bằng dầu gội chuyên dụng cho thú cưng (do người không bị dị ứng với lông chó thực hiện).
- Loại bỏ thảm, đồ nội thất bọc nệm, rèm cửa và bất kỳ vật dụng nào dễ dính lông.
- Sử dụng máy lọc không khí HEPA để loại bỏ các chất gây dị ứng trong nhà.
- Nên nuôi chó ở bên ngoài.
- Kiểm tra tình trạng dị ứng của các thành viên trong gia đình bằng cách tiếp xúc với chó khi vừa mới đưa vào nhà.
5. Lời khuyên cho bệnh nhân bị dị ứng với chó
Hầu hết những người bị dị ứng lông chó đều đồng ý rằng cách hiệu quả nhất để kiểm soát tình trạng này là tránh tiếp xúc với chó. Dưới đây là một số gợi ý cho những người nuôi thú cưng:
- Giữ khoảng cách: Tránh tiếp xúc trực tiếp, vuốt ve hoặc ôm chó. Nếu có thể, hãy tránh xa những nơi có chó.
- Sử dụng thuốc: Nếu biết rằng sẽ phải tiếp xúc với chó, bệnh nhân nên bắt đầu dùng thuốc trước vài tuần. Việc sử dụng thuốc dự phòng có thể ngăn chặn phản ứng dị ứng xảy ra và nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa Dị ứng.
- Cẩn thận với những vị khách có nuôi chó: Lông chó có thể bám vào quần áo và hành lý của khách đến thăm, ngay cả khi họ không mang theo chó.
- Thay quần áo sau khi tiếp xúc với thú cưng.
- Ưu tiên dùng máy hút bụi khi dọn dẹp thay vì dùng chổi để hạn chế lông chó bay trong không khí.
Nhìn chung, dị ứng lông chó là tình trạng phổ biến ở những người nuôi thú cưng, xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng quá mức với các protein có trong da, nước bọt, nước tiểu hoặc mồ hôi của chó. Biện pháp hiệu quả nhất để giảm thiểu tình trạng này là tránh tiếp xúc với lông chó hoặc không nuôi chó. Nếu nghi ngờ mình bị dị ứng với chó, hãy gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.