Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Bích Nhĩ - Bác sĩ Chuyên khoa Mắt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Dị ứng mắt là một trong những tình trạng thường gặp phải ở những người có cơ địa dễ bị dị ứng. Mặc dù căn bệnh này có thể dễ dàng chữa khỏi nhưng nó vẫn tiềm ẩn những nguy cơ gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho mắt ảnh hưởng rất lớn đến thị lực của người bệnh.
1. Dị ứng mắt là gì?
Dị ứng mắt còn có tên gọi khác là viêm kết mạc dị ứng, đây là một trong những tình trạng dị ứng phổ biến, thường xảy ra do các chất dị nguyên bám vào mắt, khi đó cơ thể sẽ sản sinh ra histamin để chống lại những tác nhân gây ra tình trạng dị ứng này. Tuy nhiên, phản ứng của hệ miễn dịch có thể bị sai lệch và dẫn đến các phản ứng miễn dịch với những chất nguy hiểm, kích hoạt các cơn dị ứng. Khi phản ứng dị ứng xảy ra sẽ làm cho mắt bị sưng, đỏ, ngứa, rát và chảy nước mắt.
Đa số các trường hợp bị dị ứng mắt thường đi kèm với dị ứng ở mũi (có các biểu hiện như nghẹt mũi, ngứa mũi hoặc hắt hơi). Tuy nhiên, tình trạng dị ứng này chỉ mang tính tạm thời và nó có thể xảy ra vào một mùa nhất định trong năm. Đối với dị ứng mắt, các tác nhân chính gây dị ứng có thể xuất phát từ bên ngoài môi trường, khi mắt tiếp xúc với các vật thể như nước hoa, phấn hoa, lông động vật, bụi, khói hoặc các loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng mắt.
2. Các dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng mắt
Dị ứng mắt có thể xảy ra đồng thời với các tình trạng dị ứng khác, bao gồm dị ứng mũi hoặc bệnh chàm (dị ứng da). Khi phản ứng dị ứng xảy ra, người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng cụ thể sau đây:
- Mờ mắt
- Đỏ bên trong tròng trắng của mắt
- Mắt bị ngứa, có cảm giác nóng rát
- Mí mắt bị sưng
- Quanh mắt có gỉ
- Chảy nước mắt
- Nhạy cảm với ánh sáng
Những triệu chứng này có thể biểu hiện ở một hoặc cả hai bên mắt. Khi dị ứng mắt xảy ra đồng thời với dị ứng mũi sẽ dẫn đến các triệu chứng khác kèm theo như ngứa mũi, sổ mũi, nghẹt mũi và hắt hơi. Để biết chắc chắn liệu bạn có đang mắc phải tình trạng dị ứng mắt hay không, cách tốt nhất là gặp trực tiếp bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn các biện pháp điều trị hiệu quả.
3. Dị ứng mắt có nguy hiểm không?
Dị ứng mắt là một tình trạng dị ứng tương đối nguy hiểm, nó có thể dẫn tới một số tổn thương nghiêm trọng ở mắt nếu không được điều trị kịp thời:
- Viêm giác mạc: xảy ra do các yếu tố như nhiễm vi khuẩn, nhiễm trùng, nhiễm độc tố, nhiễm các loại virus thủy đậu, Herpes hoặc zona. Viêm giác mạc thường dẫn tới các phản ứng viêm không/có mủ, hoại tử, khiến thị lực bị suy giảm, thậm chí có thể bị mù lòa nếu không có biện pháp điều trị sớm.
- Viêm kết mạc dị ứng: đây là một trong những tình trạng tổn thương ở mắt phổ biến nhất. Khi bị viêm kết mạc dị ứng, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng cụ thể như chảy nước mắt, ngứa mắt, gỉ mắt nhiều và thường có màu trong, đôi khi dai dính, đặc quánh hoặc ở thể lỏng. Khi bệnh tiến triển nặng hơn sẽ gây ra các tình trạng như co quắp mi mắt, phù nề hoặc nhạy cảm với ánh sáng.
- Viêm bên trong nhãn cầu: tình trạng này có thể bắt nguồn từ những yếu tố bên ngoài như vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm tấn công vào nhãn cầu. Một số trường hợp khác có thể là do chấn thương ở mắt gây nên. Những tác nhân này khi đi vào trong mắt sẽ phá hủy các tổ chức nội nhãn chẳng hạn như hắc mạc, võng mạc hoặc dịch kính của mắt; dẫn tới một số bệnh lý nghiêm trọng về mắt như glaucoma do thể thủy tinh hoặc viêm màng bồ đào dị ứng chất nhân.
4. Nên làm gì khi bị dị ứng mắt?
Trước hết, bạn cần phân biệt được dị ứng mắt với những tình trạng tổn thương mắt khác. Bệnh nhân cũng cần khoanh vùng những tác nhân có thể gây ra tình trạng dị ứng này.
Khi đã xác định bị dị ứng mắt, các dị nguyên có trong mắt cần được loại bỏ ra bên ngoài một cách nhanh chóng. Thêm vào đó, bệnh nhân tuyệt đối không được dụi tay vào mắt vì điều này sẽ vô tình kích hoạt các tế bào mast giải phóng nhiều hơn, khiến bệnh chuyển biến theo chiều hướng xấu đi.
Bạn cũng có thể làm giảm các triệu chứng như ngứa, sưng mi và giúp ổn định các màng tế bào có khả năng miễn dịch bằng biện pháp chườm lạnh. Trong trường hợp các triệu chứng dị ứng không thuyên giảm, bạn nên đến khám bác sĩ để được điều trị bằng các phương pháp khác hiệu quả hơn.
Khi sử dụng các loại thuốc kê đơn để điều trị, bệnh nhân cần phải tuân thủ theo đúng liệu lượng thuốc và cách dùng mà bác sĩ đã khuyến cáo, tránh tự ý sử dụng hoặc lạm dụng thuốc.
Trong trường hợp sử dụng thuốc nhỏ mắt bị xảy ra các phản ứng dị ứng thì bệnh nhân phải dừng thuốc ngay lập tức và đem thuốc tới cơ sở y tế để được hướng dẫn và lựa chọn thay đổi thuốc khác phù hợp hơn.
5. Điều trị dị ứng mắt
Dưới đây là một số phương pháp hiệu quả thường được sử dụng để điều trị cho các trường hợp bị dị ứng mắt:
- Thuốc kháng histamin đường uống: điều trị hiệu quả cho các triệu chứng như ngứa, rát mắt. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể đem lại một số tác dụng phụ không mong muốn, ví dụ như khô mắt hoặc khiến tình trạng dị ứng mắt trở nên nghiêm trọng hơn.
- Nước mắt nhân tạo: sử dụng nước mắt nhân tạo để loại bỏ đi chất gây dị ứng sẽ giúp làm giảm tạm thời các triệu chứng như khô mắt và tạo độ ẩm cho mắt. Bạn có thể mua các loại thuốc này tại hiệu thuốc và sử dụng chúng thường xuyên để đạt được hiệu quả cao.
- Thuốc thông mũi: các loại thuốc thông mũi được sử dụng để điều trị các triệu chứng đỏ mắt do dị ứng với các dị nguyên.
- Chất ổn định tế bào mast: sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt có chứa chất giúp ổn định tế bào mast sẽ làm giảm tình trạng ngứa, chảy nước mắt, mẩn đỏ hoặc rát mắt. Bạn nên sử dụng chúng khoảng 1-2 lần/ngày để đạt được hiệu quả tối ưu.
- Thuốc nhỏ mắt chứa Corticosteroid: điều trị hiệu quả các tình trạng ngứa, sưng tấy và đỏ mắt.
- Chích miễn dịch trị liệu: trong trường hợp thuốc nhỏ mắt, và các phương pháp kiểm soát dị ứng khác không đạt được hiệu quả, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện liệu pháp chích chất dị ứng. Trong phương pháp này, một lượng nhất định các chất gây dị ứng sẽ được đưa vào cơ thể và giúp cơ thể tăng khả năng miễn dịch với các chất gây dị ứng mắt.
6. Các cách phòng ngừa dị ứng mắt
Để phòng ngừa hiệu quả dị ứng mắt, bạn nên thực hiện theo các cách dưới đây:
- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, ví dụ như phấn hoa, lông chó mèo, bụi, khói,...
- Vào mùa xuân hoặc hạ, các loại thực vật bao gồm cây, cỏ dại và các loại phấn hoa thường phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, khi ở trong nhà, bạn nên đóng các cửa sổ hướng ra vườn và bật điều hòa trong phòng. Nếu phải hoạt động ngoài trời, bạn nên đeo theo kính mắt để tránh các chất gây dị ứng bay vào mắt.
- Nấm mốc, bụi bẩn và lông thú cưng đều là những tác nhân hàng đầu gây dị ứng mắt. Vì vậy việc vệ sinh nhà cửa, phòng tắm sạch sẽ là điều vô cùng cần thiết. Độ ẩm cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại nấm mốc gây bệnh phát triển, do đó, khi ở trong nhà, bạn nên cố gắng duy trì độ ẩm khoảng 30%- 50%. Ngoài ra, sau khi tiếp xúc với động vật, bạn nên rửa tay sạch sẽ với nước rửa tay để loại bỏ lông và vi khuẩn.
Mặc dù dị ứng mắt là căn bệnh có thể điều trị khỏi nhưng vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến thị lực của mắt. Vì thế khi có dấu hiệu suy giảm thị lực, khó chịu ở mắt bạn nên đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị tránh để những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Bệnh nhân có thể đến thăm khám và điều trị bệnh dị ứng mắt và nhiều các bệnh lý khác tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Tại đây có đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, kinh nghiệm cùng hệ thống cơ sở trang thiết bị hiện đại sử dụng cho nhiều ca phẫu thuật về mắt sẽ đem lại sự hài lòng cho quý khách hàng.
BS CKI Nguyễn Thị Bích Nhĩ có gần 10 năm kinh nghiệm về chuyên ngành mắt. Điều trị các bệnh lý nội khoa về mắt cũng như các phẫu thuật mắt như : Mộng thịt, Quặm mi mắt, u mi, Glocom và phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco. Bên cạnh đó còn điều trị bệnh lý võng mạc Đái tháo đường bằng phương pháp tiêm thuốc Anti-VEGF nội nhãn và phẫu thuật tạo hình mắt. Hiện bác sĩ đang là Bác sĩ Mắt thuộc khoa Khám bệnh - Nội khoa bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Quý khách hàng có thể trực tiếp đến Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám điều trị bệnh hoặc liên hệ hotline TẠI ĐÂY để được hỗ trợ.
Nguồn tham khảo: webmd.com