Đau xương khớp cổ tay sau chấn thương

Đau xương khớp cổ tay sau chấn thương là tình trạng xảy ra khi phần cổ tay chịu nhiều tác động ảnh hưởng bởi những vấn đề sức khỏe khác nhau. Tình trạng khớp cổ tay bị đau thường xuất hiện triệu chứng ban đầu là sưng tấy đỏ tại vùng cổ tay và kèm theo các cảm giác đau nhức khó chịu. Nguyên nhân đau khớp cổ tay thường do chấn thương gây nên.

1. Đau khớp cổ tay là gì?

Cổ tay được cấu tạo từ nhiều khớp nhỏ đan xen vào nhau chịu trách nhiệm giữ cho cánh tay và bàn tay ổn định, hỗ trợ xương bàn tay, cẳng tay hoạt động được linh hoạt hơn. Tình trạng khớp cổ tay sưng đau xảy ra khi phần cổ tay bị chịu tác động ảnh hưởng bởi nhiều vấn đề sức khoẻ khác nhau, hay do thực hiện nhiều nhiệm vụ nên phần khớp cổ tay rất dễ bị tổn thương.


Khớp cổ tay là bộ phận quan trọng dễ bị tổn thương
Khớp cổ tay là bộ phận quan trọng dễ bị tổn thương

Triệu chứng ban đầu trong đau xương khớp cổ tay đó là sưng tấy đỏ ở vùng cổ tay, khớp cổ tay kêu lục cục và có kèm theo cảm giác đau nhức khó chịu. Trong những trường hợp khớp cổ tay bị đau do tính chất vật lý (ví dụ như bị va đập mạnh, chấn thương trong thể thao,...) thì cơn đau sẽ thuyên giảm sau khi được sơ cứu vết thương và nghỉ ngơi

2. Nguyên nhân gây đau xương khớp cổ tay

Một số nguyên nhân gây đau xương khớp cổ tay bao gồm:

  • Đau khớp cổ tay do chấn thương vật lý: Khi cổ tay bị va chạm một cách đột ngột với lực mạnh sẽ dẫn tới tình trạng bị đau khớp cổ tay. Trong trường hợp phổ biến nhất chính là khi bị ngã và theo phản xạ tự nhiên chúng ta sẽ giơ tay ra chống đỡ để cơ thể không bị đập xuống mặt đất. Tuỳ thuộc vào mức độ va chạm nhẹ hay nặng mà tình trạng cổ tay có thể bị tổn thương như trật khớp, bong gân hoặc thậm chí là xương khớp bị rạn nứt hay gãy.
  • Chấn thương khi chơi thể thao: Những người hay tập luyện thể dục thể thao, đặc biệt là những môn thể thao đòi hỏi sự dẻo dai, sức mạnh nhiều từ cánh tay hay bàn tay sẽ rất dễ bị chấn thương. Những tổn thương về xương khớp ngày càng khiến cho bệnh nhân bị viêm khớp gây đau nhức vùng cổ tay và những vùng xương khớp xung quanh.

Đau xương khớp cổ tay có thể xảy ra khi vận động mạnh hoặc chơi thể thao.
Đau xương khớp cổ tay có thể xảy ra khi vận động mạnh hoặc chơi thể thao.
  • Lạm dụng cổ tay dẫn tới đau xương khớp cổ tay: Những công việc đòi hỏi cổ tay phải hoạt động nhiều và thường xuyên sẽ có nguy cơ bị đau khớp cổ tay cao hơn bình thường. Một số đối tượng dễ gặp phải tình trạng đau xương khớp cổ tay như vận động viên quần vợt, lái xe đường dài, nghệ sĩ đánh đàn, thợ may công nghiệp.

3. Chẩn đoán đau xương khớp cổ tay sau chấn thương

Sau khi gặp chấn thương, để chẩn đoán đau xương khớp cổ tay, trước tiên bác sĩ sẽ kiểm tra tổng quát bằng cách thăm khám lâm sàng:

  • Kiểm tra những triệu chứng, biểu hiện sưng, đau và biến dạng tại cổ tay.
  • Yêu cầu người bệnh cử động cổ tay nhằm kiểm tra phạm vi chuyển động của bộ phận này.
  • Đánh giá khả năng cầm nắm của bàn tay và sức của cánh tay.

Bên cạnh đó, một số xét nghiệm cận lâm sàng cần được thực hiện bao gồm:

  • Chụp X-quang: Tìm kiếm dấu hiệu gãy xương hay thoái hoá.
  • Chụp CT: So với chụp X-quang, xét nghiệm chụp CT cung cấp hình ảnh xương cổ tay chi tiết hơn và từ đó bác sĩ có thể phát hiện những vết nứt gãy không hiển thị dưới phim chụp X-quang.
  • Chụp MRI: Sử dụng từ trường mạnh và tần số vô tuyến nhằm tạo nên hình ảnh chi tiết về xương cổ tay và các mô mềm xung quanh.
  • Siêu âm: Hỗ trợ các chuyên gia đánh giá tình trạng sức khỏe ở dây chằng, gân và u nang nếu có.

4. Phương pháp điều trị đau xương khớp cổ tay

Đau xương khớp ở cổ tay có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Nhằm nâng cao hiệu quả điều trị tốt nhất có thể, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị cho từng trường hợp dựa trên các yếu tố:

  • Nguyên nhân gây nên khớp cổ tay bị đau
  • Vị trí đau
  • Mức độ nghiêm trọng của chấn thương
  • Tuổi tác
  • Tình trạng sức khỏe của người bệnh.

4.1 Sử dụng thuốc

Phần lớn trường hợp đau xương khớp cổ tay, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc giảm đau nhằm đẩy lùi các triệu chứng khó chịu. Những loại thuốc phổ biến trong nhóm giảm đau đó là paracetamolibuprofen. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần lưu ý tuân thủ chính xác những chỉ định của bác sĩ về việc uống thuốc (liều lượng, thời gian dùng,...) nhằm hạn chế rủi ro phát sinh biến cố ví dụ như viêm loét dạ dày, suy giảm chức năng thận, gan,... do tác dụng phụ của thuốc.


Thuốc giảm đau có thể được bác sĩ kê đơn cho người đau xương khớp cổ tay
Thuốc giảm đau có thể được bác sĩ kê đơn cho người đau xương khớp cổ tay

4.2 Các liệu pháp trị liệu

Trong trường hợp xương cổ tay nứt hoặc gãy nhẹ, bác sĩ sẽ nắn chỉnh là các mảnh xương vào đúng vị trí và để cho cơ thể tự chữa lành tổn thương. Lúc này, bệnh nhân có thể cần bó bột hoặc đeo nẹp nhằm cố định những mảnh xương này cho đến khi xương cổ tay lành lặn bình phục hoàn toàn.

Bên cạnh đó, việc đeo nẹp cho bệnh nhân đau xương khớp cổ tay cũng có thể đem lại lợi ích đối với tình trạng đau khớp cổ tay do giãn, bong gân hoặc rách dây chằng. Nẹp giúp hạn chế cổ tay di lệch trong khi vận động, tạo điều kiện cho tình trạng thương tổn ở đây sớm bình phục. Tập vật lý trị liệu là một trong những phương pháp phổ biến khác dành cho trường hợp đau xương khớp cổ tay dạng nhẹ. Ngoài ra, người bệnh bị đau ở khớp cổ tay cần phẫu thuật cũng nên thực hiện những bài tập này nhằm phục hồi chức năng hoạt động của cổ tay.

4.3 Phẫu thuật

Hầu hết tình trạng đau khớp cổ tay được điều trị nội khoa. Phẫu thuật là biện pháp điều trị lựa chọn cuối cùng khi không đáp ứng được những biện pháp điều trị khác. Những trường hợp cần điều trị bằng phương pháp phẫu thuật bao gồm:

  • Gãy xương cổ tay nghiêm trọng: Bác sĩ tiến hành phẫu thuật để nối lại các đoạn xương bằng các thanh kim loại chuyên dụng.
  • Đứt dây chằng hoặc gân: Đây là một tình trạng nghiêm trọng và cần được phẫu thuật để nối lại những dải mô bị đứt.

5. Phòng ngừa chấn thương gây đau xương khớp cổ tay

Những biến cố phát sinh có thể gây chấn thương cổ tay rất đa dạng và không thể ngăn chặn hết tất cả. Tuy nhiên, một số phương pháp phòng ngừa đau xương khớp cổ tay:

  • Tăng cường sức dẻo dai cho xương khớp: Người trưởng thành cần hấp thụ 1.000mg canxi mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe xương, khớp được tốt nhất có thể. Ngoài ra, đối với phụ nữ từ 50 tuổi trở lên thì hàm lượng canxi sẽ cần tăng lên 1.200mg.

Đảm bảo một chế độ ăn cân bằng giúp tránh khả năng đau xương khớp cổ tay
Đảm bảo một chế độ ăn cân bằng giúp tránh khả năng đau xương khớp cổ tay

  • Phòng ngừa té ngã: Người bệnh có thể chủ động phòng tránh té ngã bằng cách đi đứng cẩn thận, đồng thời lựa chọn mang giày dép phù hợp và dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp. Hãy đảm bảo ánh sáng trong nhà đủ để bạn nhìn rõ đường đi. Ngoài ra, bạn cũng có thể lắp đặt thêm các tay vịn ở nhiều vị trí khác nhau trong nhà như cầu thang hoặc trong phòng tắm nếu cần thiết.
  • Mặc đồ bảo hộ theo đúng quy định trong công việc hoặc khi tập luyện và thi đấu thể thao.

Tóm lại, đau xương khớp cổ tay sau chấn thương là một tình trạng phổ biến thường gặp ở những người thường xuyên hoạt động như vận động viên quần vợt, lái xe đường dài, nghệ sĩ đánh đàn, thợ may công nghiệp. Để phòng ngừa đau xương khớp cổ tay cần mặc đồ bảo hộ theo đúng quy định trong công việc, đồng thời bổ sung canxi để tăng cường sức khỏe xương khớp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe