Mất vững khớp vai mãn tính hay trật khớp vai tái diễn

Trong cơ thể, khớp vai có cử động linh hoạt nhất, có thể chuyển động theo nhiều hướng, giúp tay giơ lên cao, sang ngang và xoay tay. Tuy nhiên, chính sự linh hoạt đó lại dễ gây ra tình trạng mất vững khớp vai. Nếu khớp vai lỏng lẻo, mất vững và thường xảy ra trật khớp sẽ dẫn đến mất vững khớp vai mãn tính, hay còn gọi là trật khớp vai tái diễn.

1. Khái niệm về trật khớp vai mãn tính

Trong cơ thể, khớp vai có cử động linh hoạt nhất, có thể chuyển động theo nhiều hướng. Cấu trúc khớp vai gồm xương vai, xương đòn và chỏm xương cánh tay. Chỏm xương cánh tay nằm trong một ổ khớp nông, là gọi ổ chảo của xương vai. Khớp vai được bao bọc bởi hệ thống mô liên kết chắc và dày được gọi là bao khớp. Các dây chằng xung quanh có tác dụng bảo vệ và giữ cho chỏm xương cánh tay luôn ở vị trí trung tâm ổ chảo. Ngoài ra hệ thống các gân cơ bám xung quanh góp phần giúp cho khớp vai vững chắc hơn.

Mất vững khớp vai là tình trạng chỏm xương cánh tay bị trật quá mức so với ổ chảo của xương vai, làm xuất hiện triệu chứng đau khi thực hiện những động tác chủ động của khớp vai. Đây có thể là hậu quả của hoạt động quá mức hoặc một chấn thương cấp tính. Trật khớp vai có thể là bán trật khớp vai, nghĩa là chỉ trật một phần chỏm xương cánh tay ra khỏi ổ chảo xương vai. Trật khớp vai hoàn toàn là khi chỏm xương cánh tay bị trật ra khỏi ổ chảo hoàn toàn.

Khớp vai một khi đã bị trật thì dễ trật tái diễn. Nếu các gân cơ và dây chằng bao quanh khớp vai trở nên lỏng lẻo, mất vững hay bị rách thì trật khớp vai có thể tái phát nhiều lần. Tình trạng này được gọi là trật khớp vai tái diễn hoặc mất vững khớp vai mãn tính. Đây là bệnh lý khá phổ biến của chi trên trong y học thể thao.

Trật khớp vai chiếm gần 50% trong số các loại trật khớp. Trong đó trật khớp ổ chảo xương cánh tay ra trước chiếm khoảng 97%. Một điều đáng lưu ý là tới trên 90% bệnh nhân bị trật khớp vai cấp tính do chấn thương trong độ tuổi dưới 20 sẽ bị trật khớp vai tái diễn, tuổi càng cao tỷ lệ này càng giảm dần.

2. Nguyên nhân gây ra mất vững khớp vai mãn tính

Có 3 nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến mất vững khớp vai mãn tính:

  • Tổn thương nghiêm trọng ở lần trật khớp vai đầu tiên: Trật khớp vai lần đầu thường là do các chấn thương nặng vùng vai. Khi trật chỏm xương cánh tay ra khỏi ổ chảo, các xương và các dây chằng xung quanh khớp vai thường bị tổn thương. Hơn nữa, sụn viền, là vành sụn nằm xung quanh ổ chảo, cũng có thể bị tổn thương và rách nghiêm trọng. Tổn thương này có tên gọi là tổn thương Bankart, là nguyên nhân dẫn tới trật khớp vai tái phát. Trật khớp vai lần đầu mức độ nặng có thể dẫn tới cảm giác mất vững khớp vai hoặc những lần trật khớp vai tiếp theo.
  • Giãn dây chằng ở khớp vai tái phát nhiều lần: Một số bệnh nhân bị mất vững khớp vai mãn tính tuy chưa bao giờ trật khớp vai. Hầu hết những bệnh nhân này đều có đặc điểm là các dây chằng khớp vai lỏng lẻo hơn bình thường. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do áp lực tác động lên khớp vai lặp đi lặp lại, dần dần sẽ làm tích tụ tổn thương gân, cơ và dây thần kinh. Các chuyển động vai cường độ cao lặp đi lặp lại như đánh tennis, bóng chuyền, bơi lội,... sẽ làm giãn dây chằng ở khớp vai. Lâu ngày khớp vai sẽ lỏng lẻo, mất vững và dễ bị trật khớp vai tái diễn.

Mất vững khớp vai đa hướng: Mất vững khớp vai đa hướng là nguyên nhân hiếm gặp của trật khớp vai tái diễn. Trong trường hợp này, mặc dù chưa từng bị giãn dây chằng hay trật khớp vai trước đó nhưng khớp vai lại bị mất vững. Tính không ổn định khiến cho khớp vai có cảm giác lỏng lẻo nên dễ bị trật theo nhiều hướng khác nhau (ra trước, ra sau hoặc xuống dưới) vào bất kỳ thời điểm nào. Ngoài ra, bệnh nhân bị mất vững đa hướng cũng có thể bị lỏng lẻo dây chằng ở nhiều khớp khác trong cơ thể.


Đau khớp vai dữ dội là triệu chứng lâm sàng thường gặp của mất vững khớp vai mãn tính
Đau khớp vai dữ dội là triệu chứng lâm sàng thường gặp của mất vững khớp vai mãn tính

3. Triệu chứng của mất vững khớp vai mãn tính

Các triệu chứng lâm sàng thường gặp của mất vững khớp vai mãn tính bao gồm:

  • Đau khớp vai dữ dội
  • Hạn chế cử động khớp vai
  • Khớp vai biến dạng, có thể thấy rõ bằng mắt thường
  • Khớp vai lỏng lẻo, có thể nghe được tiếng tách hoặc tiếng bật
  • Vùng vai và cánh tay bị ngứa ran, tê bì và yếu
  • Bầm tím và sưng vùng bị chấn thương
  • Trật khớp vai tái diễn: Khi trật khớp vai từ 2 lần trở lên, lần trật sau thì nắn khớp dễ hơn lần trật trước, thậm chí người bệnh có thể tự nắn khớp vai được sau khi bị trật.

Ngoài ra, các phương tiện hình ảnh học có vai trò trong chẩn đoán xác định sự mất vững của khớp vai cũng như phát hiện các tổn thương đi kèm:

  • X quang: Thấy được những tổn thương xương vùng vai.
  • Cộng hưởng từ (MRI): Thấy được các tổn thương của sụn viền, dây chằng và gân cơ bao quanh khớp vai.

4. Điều trị mất vững khớp vai mãn tính

Trật khớp vai tuy không nguy hiểm tới tính mạng nhưng lại khiến cho người bệnh đau đớn và suy giảm khả năng vận động. Nếu trật khớp vai không được xử lý kịp thời có thể sẽ để lại di chứng vĩnh viễn, dẫn đến giảm hoặc mất chức năng khớp vai, gây ảnh hưởng nặng nề đến lao động, sinh hoạt hàng ngày, giấc ngủ và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Phương pháp điều trị đầu tiên cho mất vững khớp vai mãn tính sẽ là điều trị không phẫu thuật. Nếu các phương pháp này không đạt hiệu quả thì điều trị phẫu thuật sẽ được chỉ định.

4.1. Điều trị không phẫu thuật

Các phương pháp điều trị trật khớp vai tái diễn không phẫu thuật có thể mất nhiều tháng mới có kết quả. Vì vậy, người bệnh cần kiên nhẫn trong suốt quá trình điều trị. Cụ thể, những phương pháp điều trị không phẫu thuật như sau:

  • Điều chỉnh lại công việc và lối sống, tránh các hoạt động nặng gây áp lực lên vùng vai sẽ làm cho bệnh nặng thêm.
  • Chườm lạnh lên vùng khớp vai nhiều lần trong ngày để giảm sưng và đau.
  • Bác sĩ sẽ nắn lại khớp vai bằng các thao tác nhẹ nhàng. Người bệnh sẽ thấy cải thiện triệu chứng ngay lập tức nếu xương vai được nắn trở về đúng vị trí ban đầu.
  • Người bệnh sẽ cố định khớp vai bằng cách bó bột, băng đeo hoặc mặc áo desalt để giữ vai ổn định. Thời gian đeo băng hoặc nẹp phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu mang nẹp nằm ở giai đoạn nào của chấn thương và tình trạng trật khớp. Thông thường cần phải cố định khớp vai trong khoảng 3 đến 4 tuần thì mới ổn định được khớp.
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) giúp giảm đau, giảm phù nề và sưng khớp.
  • Vật lý trị liệu hồi phục chức năng khớp vai: Các chương trình kiểm soát khớp vai, các bài tập dành cho vai và tập mạnh cơ sẽ củng cố khớp, giúp làm tăng độ vững chắc của khớp và duy trì khả năng vận động. Tương tự như hầu hết các chấn thương xương khớp khác, bệnh nhân trật khớp vai tái diễn phải trải qua một đến nhiều lần vật lý trị liệu để phục hồi chức năng hoàn toàn. Thời gian liệu trình điều trị phụ thuộc vào tình trạng nghiêm trọng của chấn thương.

Chườm lạnh lên vùng khớp vai nhiều lần trong ngày để giảm sưng và đau
Chườm lạnh lên vùng khớp vai nhiều lần trong ngày để giảm sưng và đau

4.2. Điều trị phẫu thuật

Điều trị phẫu thuật trong mất vững khớp vai mãn tính nhằm mục đích sửa chữa các tổn thương bao khớp, sụn viền và dây chằng của khớp vai để giúp giữ vững khớp vai tốt hơn.

Có 2 phương pháp phẫu thuật để điều trị trật khớp vai tái diễn đó là:

  • Phẫu thuật mở khớp vai: Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch đường mổ lớn mở vào khớp vai bị chấn thương rồi tiến hành quan sát và trực tiếp sửa chữa các tổn thương, tái tạo vùng gân, cơ, dây chằng bên trong. Phẫu thuật mở khớp vai là phương pháp mổ truyền thống, có nhiều nhược điểm như dễ nhiễm trùng, nguy cơ biến chứng sau mổ cao, thời gian hồi phục lâu (theo dõi 5 – 7 ngày trong bệnh viện, mất ít nhất 14 ngày sau đó mới lành vết mổ hoàn toàn), tính thẩm mỹ kém do sẹo mổ dài và xấu.
  • Phẫu thuật nội soi khớp vai: Là loại phẫu thuật ít xâm lấn, trong đó bác sĩ phẫu thuật dùng một camera rất nhỏ để quan sát bên trong khớp vai và các dụng cụ phẫu thuật nhỏ để sửa chữa các tổn thương.

5. Phục hồi chức năng sau mổ

Sau mổ, người bệnh cần đeo đai để bất động khớp vai trong một khoảng thời gian. Sau khi tháo đai, sẽ tiến hành chương trình vật lý trị liệu với các bài tập dành cho cơ, khớp, dây chằng để giúp phục hồi sức cơ và khả năng vận động của khớp. Thay đổi chế độ tập luyện tăng dần theo thời gian sao cho phù hợp với tình trạng khớp vai.

Toàn bộ quá trình phục hồi có thể chậm và kéo dài, do đó nghiêm túc tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ chính là yếu tố quan trọng nhất giúp người bệnh sớm quay lại với công việc và cuộc sống hàng ngày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe