Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thiện Quang - Bác sĩ Nội ung Bướu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có trên 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khám, chẩn đoán các bệnh lý ung bướu và các phương thức điều trị xạ trị, hóa trị, điều trị đích và Chăm sóc giảm nhẹ.
Đau trong ung thư khiến cho bệnh nhân suy sụp sức khỏe và tinh thần toàn diện, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hiệu quả chữa bệnh. Do đó, điều trị giảm đau là vấn đề được chú trọng hàng đầu trong điều trị cho bệnh nhân ung thư, nhất là ở giai đoạn cuối.
1. Nguyên nhân gây đau trong ung thư giai đoạn cuối
Ung thư giai đoạn cuối có đau không? Ở giai đoạn đầu, ung thư thường chưa gây đau nhưng ở giai đoạn cuối, tỷ lệ bệnh nhân có biểu hiện đau đớn là hơn 90%. Việc giảm và cắt cơn đau vừa là mong muốn của bệnh nhân, thân nhân vừa là mục đích của các bác sĩ.
Đau trong ung thư do 4 nguyên nhân chính sau:
- Đau do khối ung thư chèn ép vào các tổ chức nằm xung quanh khối u hoặc ở xa khi có di căn (75 – 80 %).
- Đau do quá trình điều trị: phẫu thuật cắt bỏ khối u, điều trị bằng tia xạ, điều trị bằng hóa chất (15 - 19%).
- Đau do thủ thuật xét nghiệm chẩn đoán: lấy máu xét nghiệm, sinh thiết, nội soi...
- Đau không liên quan đến ung thư: Bệnh nhân đau ở một cơ quan hay một bộ phận trong cơ thể, vì lý do này mà bệnh nhân đi khám, tình cờ lại phát hiện ra ung thư ở 1 cơ quan hay bộ phận khác của cơ thể.
2. Ung thư giai đoạn cuối đau như thế nào?
Hội chứng đau trong ung thư cũng như đau trong ung thư giai đoạn cuối được phân ra ba loại: đau thực thể, đau nội tạng và đau do căn nguyên thần kinh.
2.1 Đau thực thể
Đau thực thể do khối u xâm lấn, chèn ép vào các tổ chức cơ quan tại chỗ, ở cạnh hoặc ở nơi khối u di căn đến. Bản thân sự chèn ép này đã gây ra đau do kích thích các thụ thể tại chỗ, đồng thời chèn ép tuần hoàn tại chỗ và phản ứng viêm. Hơn nữa, khối u xâm lâm chèn ép đi cùng với sự phóng thích của các chất hóa học của phản ứng viêm gây kích thích liên tục cho cảm thụ quan hóa học và làm cho cơn đau nặng hơn, đều đặn hơn.
Các cơn đau thực thể có thể cấp tính, mạn tính hoặc xảy ra từng đợt. Thường bệnh nhân sẽ cảm thấy đau tức với cường độ khác nhau, các mô kề cận bị co cứng, cơn đau thường tăng khi bị đè nén hoặc vận động.
Nhưng cũng có trường hợp bệnh nhân không cảm thấy đau, hoặc mức độ đau không tương xứng với tổn thương thực thể.
2.2 Đau nội tạng
Các cơ quan nội tạng như gan, phổi, nhu mô thận không có cảm thụ đau, do đó người bệnh không có biểu hiện đau dù bị tổn thương nặng và rộng do ung thư, trừ khi khối u ảnh hưởng đến cấu trúc ống hoặc các tổ chức lân cận.
Các cơn đau phủ tạng thường lan tỏa theo hệ thần kinh thực vật nên nhiều khi khiến chúng ta không xác định được nguồn gốc và vị trí của cơ quan bị bệnh.
Đau tạng phủ thường là tổng hợp của những nguyên nhân sau: bế tắc (căng phù), thiếu oxy dẫn đến sự tăng nồng độ của acid, phản ứng viêm do tổn thương mà ung thư gây ra. Các yếu tố này kích thích đến thụ thể và các tổ chức lân cận gây đau.
2.3 Đau do căn nguyên thần kinh
Tại hệ thần kinh trung ương, các khối u ung thư ở não có thể gây chèn ép và đau đớn. Còn ở thần kinh ngoại vi, cơn đau có thể gây ra do sự chèp ép và xâm nhập của các khối u và tác dụng độc hại của hóa - xạ trị.
Đau thần kinh có đặc điểm là các cơn đau đột ngột như bỏng buốt, có thể buốt như bị đâm. Đau ở thần kinh ngoại biên có thể dẫn tới sự hình thành các vùng nhạy cảm và duy trì hiệu ứng đau từ thần kinh trung ương.
3. Điều trị đau trong ung thư giai đoạn cuối
3.1 Điều trị bằng thuốc
Thuốc giảm đau là phương tiện chính để điều trị đau trong ung thư. Mục đích là giảm tối đa tần số và cường độ các cơn đau với tác dụng phụ ở mức cho phép.
Với những cơn đau nhẹ (bậc 1), bác sĩ thường dùng các thuốc chống viêm giảm đau dạng không steroid như paracetamol, ibuprofen...
Nếu các thuốc này không còn tác dụng sẽ sử dụng thuốc giảm đau trung ương yếu (bậc 2) và giảm đau trung ương mạnh (bậc 3) gồm morphin và các dẫn xuất dùng phối hợp với nhau.
Một số thuốc hỗ trợ điều trị đau trong ung thư gồm:
- Thuốc chống trầm cảm: thường tác dụng chậm, đồng thời giúp bệnh nhân ngủ được nên có thể dùng vào buổi tối như pamelor, elavil, norpramin.
- Thuốc chống động kinh (co giật): dùng trong trường hợp đau có nguồn gốc thần kinh. Thuốc chống kích động (excitability) cũng có thể giảm bớt những cơn đau buốt như kiểu dao đâm.
- Corticosteroid: nhóm thuốc này tác dụng phụ nặng nề nên chỉ được dùng khi thật cần thiết.
- Bisphosphonate: kìm hãm sự phá hủy của xương, giúp điều trị đau xương cho bệnh nhân ung thư.
- Calcitonin (sandostatin): dùng trong đau do tắc ruột và trường hợp bị tiêu chảy nặng.
- Nhóm thuốc phóng xạ: ban đầu khiến nhiều bệnh nhân bị đau nặng hơn khi dùng thuốc rồi sau đó mới được giảm đau. Chất dùng phổ biến là strontium - 89 (mertastron).
3.2 Điều trị bằng thủ thuật
Ngoài ra, hiện nay các nghiên cứu cũng cố gắng tìm kiếm những phương pháp giảm đau trong ung thư hiệu quả và an toàn hơn, kết hợp thuốc uống, thuốc tiêm và các biện pháp can thiệp khác.
Đặc biệt, với các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đáp ứng kém với thuốc giảm đau thì can thiệp bằng thủ thuật hiện đại là giải pháp đang được Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec áp dụng. Ví dụ:
- Hủy dây thần kinh bằng cồn để điều trị đau do khối u xâm lấn vào dây thần kinh ngoại vi.
- Hủy đám rối mặt trời trong đau nội tạng ở ung thư tụy, ung thư dạ dày...
- Hủy đám rối hạ vị trong các ung thư xâm lấn các vùng tiểu khung như ung thư tiền liệt tuyến, ung thư cổ cung.
- Gây tê ngoài màng cứng liên tục, gây tê tủy sống với buồng tiêm nội tủy để kiểm soát triệu chứng ung thư giai đoạn cuối....
Như vậy, hiện nay có nhiều phương pháp, thuốc điều trị đau trong ung thư giai đoạn cuối nhưng tùy vào tình trạng bệnh, tổn thương ung thư mà bác sĩ sẽ chỉ định thuốc và can thiệp thích hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.