Vai trò của người chăm sóc bệnh nhân ung thư hoàn toàn không đơn giản. Chăm sóc về cả thể chất và tinh thần là điều mà người chăm sóc nên thấu hiểu và cảm thông.
1. Vừa là người thân, vừa là người chăm sóc là một thử thách
Ngày nay bệnh nhân ung thư thường cần sự chăm sóc tại nhà nhiều hơn là tại bệnh viện. Do đó việc chăm sóc bệnh nhân thường do người thân đảm nhiệm, và nó thực sự là một thử thách, cần một sự kiên trì ngày qua ngày. Cách chăm sóc bệnh nhân ung thư như thế nào, làm gì khi có người thân ung thư? Sẽ có rất nhiều công việc thông thường người chăm sóc phải hỗ trợ bệnh nhân, như ăn uống, tắm rửa, thay quần áo, đi vệ sinh,...
Bên cạnh đó còn rất nhiều thứ khác cần quan tâm như đi lại, lịch hẹn khám, quản lý tài chính,... và quan trọng hơn cả đó là cần đảm bảo vừa chăm sóc tốt bệnh nhân vừa giải quyết ổn thỏa những vấn đề của cá nhân và gia đình. Có những người đã không còn thời gian quan tâm tới bản thân, thậm chí phải từ bỏ cả công việc, sự nghiệp để chăm sóc người bệnh.
Tuy nhiên, hãy bình tĩnh trước sự thật không thể thay đổi, rằng người thân yêu đang mắc bệnh nặng, và hơn lúc nào hết, họ cần được yêu thương, cảm thông, chăm sóc trong phần đời còn lại. Đây là lúc thể hiện tình yêu của người chăm sóc với bệnh nhân, là lúc thể hiện vai trò không thể thay thế của gia đình khi đối mặt với bệnh tật.
Trải qua quá trình chăm sóc cho bệnh nhân, người chăm sóc sẽ dần nhận ra những khả năng của bản thân mà trước đó chưa hề được biết tới, đó là sự quan tâm, khả năng cảm thông, chia sẻ, sự tự tin cũng như sự hoàn thiện trong sắp xếp và thực hiện công việc.
Có những thời điểm việc chăm sóc người bệnh nặng trở nên thật sự mệt mỏi và căng thẳng. Những lúc như vậy hãy cố gắng tự tìm cách thư giãn, lấy lại cân bằng, đừng tức giận hay đổ lỗi lên bệnh nhân, làm như vậy không giúp ích cho bất kỳ điều gì trong thực tại mà còn khiến bệnh nhân vốn đã buồn bã vì bệnh tật lại càng cảm thấy dằn vặt, tuyệt vọng. Giữ tâm lý cân bằng và cảm xúc tích cực sẽ giúp tiếp thêm sức lực và nghị lực cho người chăm sóc.
2. Người chăm sóc cũng cần tự chăm lo cho bản thân
Việc chăm sóc bệnh nhân ung thư chưa bao giờ dễ dàng, có những lúc mọi chuyện suôn sẻ, nhưng sẽ không ít lần mọi chuyện như rơi vào ngõ cụt, đó là điều rất bình thường. Có rất nhiều nguyên nhân gây căng thẳng và buồn bã, như tương lai bất định, rắc rối tài chính, lựa chọn khó khăn, cuộc sống xáo trộn,... Cảm xúc tiêu cực (sợ hãi, tuyệt vọng, dằn vặt, bất an, tức giận,...) có thể xuất hiện ở cả người chăm sóc và bệnh nhân. Do đó người chăm sóc rất dễ bị ảnh hưởng về cả thể chất và tinh thần.
2.1. Trầm cảm
Trầm cảm khá thường gặp ở người chăm sóc bệnh nhân ung thư, dù không phải tất cả những người chăm sóc đều bị trầm cảm. Cảm xúc của mỗi người có lúc vui lúc buồn, nhưng nếu thường trực nỗi buồn, bất lực, khóc nhiều hoặc dễ nổi giận, đó rất có thể là cảnh báo của trầm cảm.
Rất nhiều người coi cảm xúc xuống dốc là dấu hiệu của sự yếu đuối hơn là dấu hiệu của mất cân bằng, do đó họ thường bỏ qua. Nhưng nhận biết sớm dấu hiệu trầm cảm sẽ mang lại khác biệt rất lớn tới hiệu quả chăm sóc người bệnh.
Có một số phương pháp người chăm sóc có thể áp dụng để giảm căng thẳng, cân bằng lại cảm xúc và ngăn chặn sự tiến triển theo thời gian của trầm cảm:
- Nhận thêm sự hỗ trợ từ gia đình, họ hàng, bạn bè trong việc chăm sóc người bệnh.
- Tập thể thao.
- Ăn uống cân bằng.
- Các hoạt động hỗ trợ tinh thần, như tôn giáo, cầu nguyện, thiền định,...
- Cân bằng lại thời gian biểu, giao lưu xã hội, gặp gỡ bạn bè.
- Tham vấn chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ chuyên ngành tâm thần
Dù chuyên tâm chăm sóc bệnh nhân, nhưng người chăm sóc đừng quên những nhu cầu của chính bản thân mình.
2.2. Lên kế hoạch làm những điều bản thân ưa thích
Hãy cố gắng dành thời gian để làm những điều mình thích, như:
- Giao lưu với người khác: đi ăn, đi chơi với bạn bè,...
- Mang lại thích thú cho bản thân: tập thể dục, chơi thể thao,...
- Mang lại cảm giác bình an, thư giãn: thiền định, đi dạo, xem phim,...
Phần thời gian dành cho bản thân rất quan trọng, hãy tận hưởng nó, và đừng suy nghĩ gì khác, để lấy lại cân bằng về cả thể chất và tinh thần.
2.3. Tham vấn chuyên gia khi cần
Dưới gánh nặng trách nhiệm chăm sóc người bệnh, người chăm sóc có thể cảm thấy kiệt sức. Nhưng nếu tình trạng này tiếp diễn liên tục, hãy tham vấn chuyên gia về sức khỏe tâm lý, đặc biệt khi có những dấu hiệu:
- Cảm thấy xuống sức, yếu đuối, tuyệt vọng.
- Có ý nghĩ tự làm hại bản thân, làm hại hoặc la mắng bệnh nhân.
- Lạm dụng rượu hoặc các loại thuốc thần kinh.
- Gây gổ với người xung quanh (người nhà, bạn bè, con cái,...)
- Không còn muốn tự chăm sóc bản thân.
3. Dành một khoảng nghỉ cho bản thân
Người chăm sóc cho bệnh nhân khá ngần ngại khi quyết định dành cho bản thân một khoảng nghỉ ngơi, dù chỉ là một chút thời gian, bởi đa phần đều cảm thấy có lỗi khi làm vậy. Nhưng không ai có thể hoàn thành việc chăm sóc liên tục ngày qua ngày, 24 giờ mỗi ngày trong suốt nhiều năm nhiều tháng.
Hãy thử ra ngoài mỗi ngày, dù chỉ là đi dạo một quãng hay đi mua chút đồ ăn, cũng sẽ giúp người chăm sóc cảm thấy khá hơn. Nếu tình trạng bệnh nhân yêu cầu luôn cần có người trợ giúp bên cạnh, hãy tìm sự hỗ trợ từ họ hàng, bạn bè, người quen, nếu không ai có thể giúp được, hãy thử thuê người chăm sóc.
4. Biết được giới hạn của bản thân
Người chăm sóc đôi khi không thể tự làm hết được tất cả mọi thứ. Khả năng của mỗi người không phải vô hạn, do đó hãy nhờ sự trợ giúp của người khác khi không có khả năng làm gì đó. Nếu cố gắng làm điều không thể, người chăm sóc rất dễ làm tổn hại chính bản thân mình. Hãy luôn ghi nhớ, người chăm sóc phải an toàn và khỏe mạnh mới chăm sóc bệnh nhân tốt nhất.
5. Tìm kiếm sự giúp đỡ
Người chăm sóc cho bệnh nhân cũng cần rất nhiều sự trợ giúp. Hãy tìm những người có thể tin tưởng và giúp đỡ, có thể là họ hàng, người quen, bạn bè, hàng xóm,... Trong những cuộc họp gia đình, hãy cho mọi người biết người nhà của bệnh nhân ung thư nên làm gì, để mọi người chia sẻ trách nhiệm chăm sóc bệnh nhân. Tất cả đều vì kết quả tốt nhất dành cho người bệnh.
6. Vừa chăm sóc con cái, vừa chăm sóc người bệnh
Vừa chăm sóc bệnh nhân ung thư vừa chăm sóc con cái có thể là một tình huống khá khó khăn. Rất nhiều người hoang mang không biết sẽ chăm con vào lúc nào, như thế nào khi gánh trách nhiệm chăm sóc người bệnh. Chìa khóa ở đây chính là san sẻ gánh vác, hãy để mọi người trong gia đình cũng như những người có thể tin tưởng cùng giúp chăm sóc bệnh nhân.
Những đứa trẻ có thể không được quan tâm nhiều như trước, nhưng hãy cố gắng đừng xáo trộn quá nhiều cuộc sống của chúng. Trẻ em rất nhạy cảm trước những thay đổi, do đó dù thời gian dành cho chúng có thể ít đi, nhưng hãy luôn quan tâm và trò chuyện với chúng, để hiểu và chia sẻ những suy nghĩ, tâm tư của con trẻ.
7. Cân bằng giữa công việc và việc chăm sóc người bệnh
Việc chăm sóc bệnh nhân ung thư đôi khi ảnh hưởng rất nhiều tới công việc của người chăm sóc. Nghỉ phép, nghỉ không lương, năng suất thấp, không đạt chỉ tiêu, mất khen thưởng, gián đoạn công việc, thậm chí nghỉ việc là những vấn đề thực tế mà người chăm sóc phải đối mặt.
Có những thời điểm, người chăm sóc buộc phải tạm xin nghỉ để chăm sóc bệnh nhân, như khi bệnh nhân đi khám, thực hiện trị liệu, hay khi bệnh nhân sắp qua đời. Nhìn chung, người chăm sóc cần tự tìm cách cân bằng giữa công việc và việc chăm sóc bệnh nhân, dù đôi khi việc này vô cùng khó khăn. Hãy trình bày hoàn cảnh của bản thân với người quản lý nơi làm việc để có thể được hỗ trợ.
8. Nếu người chăm sóc mắc sai lầm
Không ai có thể làm hoàn hảo tất cả mọi việc, và việc chăm sóc bệnh nhân cũng như vậy. Hãy cố gắng làm tốt nhất trong giới hạn của bản thân là được.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Everyday.com, reuters.com