Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II, Bác sĩ cao cấp Đoàn Dư Đạt - Bác sĩ Nội tổng hợp – Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Luyện tập thể dục thể thao luôn được khuyến khích để nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, ở một số đối tượng lại xuất hiện dấu hiệu đau thắt ngực trong và sau khi tập thể dục. Vậy đau thắt ngực trong hoặc sau khi chơi thể thao có thực sự đáng ngại và người bị bệnh tim tập thể thao được không?
1. Đau thắt ngực là gì?
Đau thắt ngực được xem là triệu chứng liên quan phần lớn đến bất thường của hệ thống động mạch vành nuôi dưỡng cho tim. Theo y văn, đau thắt ngực có 2 dạng khác nhau là đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định:
- Đau thắt ngực ổn định là cơn đau xuất hiện khi gắng sức (như làm việc nặng, tập thể thao quá sức...), nguyên nhân là do thiếu máu nuôi cơ tim. Khi hệ thống mạch vành bị chít hẹp mãn tính, cơ thể hoạt động quá sức thì nhu cầu oxy tăng lên nhưng khả năng cung cấp không đủ nên cơn đau thắt ngực xuất hiện.
- Đau thắt ngực không ổn định là cơn đau xuất hiện đột ngột, ngay cả khi bệnh nhân nghỉ ngơi hoàn toàn, không gắng sức. Đặc điểm của cơn đau là đau dữ dội, kéo dài hơn và không tự mất đi. Cơ chế gây đau thắt ngực không ổn định là do các mảng xơ vữa ở hệ mạch vành không ổn định, bóc tách ra khỏi thành mạch máu và làm xuất hiện các cục máu đông, gây tắc hoàn toàn (trong nhồi máu cơ tim) hoặc không hoàn toàn mạch vành.
2. Một số nguyên nhân gây đau tức ngực khi tập thể dục
2.1. Đau thắt ngực do bệnh mạch vành
Đa số các trường hợp đau thắt ngực khi tập thể thao có thể là do bệnh lý mạch vành như:
- Nhồi máu cơ tim: Đau tức ngực khi tập thể dục do nguyên nhân này thì tính chất giống với cơn đau thắt ngực không ổn định, người bệnh đột ngột đau ngực bên trái, lan ra cánh tay trái và kèm theo đó bệnh nhân khó thở, thở nhanh, vã mồ hôi, mệt mỏi, hoảng loạn... Tiền sử bệnh nhân có các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim và rối loạn mỡ máu nặng. Khi đó, bệnh nhân cần được cấp cứu kịp thời tại các cơ sở y tế nếu không khả năng cao sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
- Thiếu máu cục bộ cơ tim mạn tính: Đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim chủ yếu là do bệnh nhân tập thể thao quá gắng sức dẫn đến thiếu máu nuôi, thiếu oxy đến cung cấp cho chính trái tim. Bệnh nhân đau tức ngực khi tập thể dục do nguyên nhân này thì khi nghỉ ngơi, cơn đau sẽ giảm nhanh chóng và thường không nguy hiểm đến tính mạng.
2.2 Đau tức ngực khi tập thể dục nguyên nhân không liên quan đến bệnh lý mạch vành
- Đau thần kinh liên sườn: Vì một nguyên do nào đó các dây thần kinh liên sườn bị tổn thương (bị chèn ép, bị chấn thương hoặc viêm nhiễm...) khiến người bệnh bị đau thắt ngực. Tuy nhiên, tính chất cơn đau thường dai dẳng, đau khu trú một vùng của dây thần kinh bị viêm và đáp ứng tốt với một số thuốc giảm đau, kháng viêm thông thường. Đây là nguyên nhân lành tính nhất, hay gặp với một số người tập thể thao quá sức làm ảnh hưởng đến các dây thần kinh liên sườn.
- Chấn thương gây tràn khí khoang màng phổi: Nhiều trường hợp do tập thể thao quá sức làm tổn thương, gây tràn khí khoang màng phổi cũng là nguyên nhân gây nên những cơn đau thắt ngực cùng bên với màng phổi bị tổn thương, đau không lan nhưng bệnh nhân thở rất khó khăn do hô hấp bị hạn chế.
- Ung thư phổi: Ở những người trẻ tuổi đột ngột xuất hiện các cơn đau thắt ngực khi tập thể thao hoặc bất cứ khi nào, đặc biệt là đau bên phải, đau sâu trong phổi và kèm cảm giác khó thở, ho dai dẳng, ho ra máu hoặc sụt cân nhanh... thì nên đến khám bệnh tại các cơ sở y tế nhanh chóng vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư phổi.
- Đau ngực do cong veo cột sống: Có thể gặp ở một số người có dị tật về cột sống, thỉnh thoáng có đau ngực liên quan đến vận động hoặc không liên quan đến vận động
3. Những xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân đau tức ngực khi tập thể dục
Nếu đột ngột xuất hiện các cơn đau thắt ngực khi tập thể thao hoặc đau khi gắng sức, kèm theo một số dấu hiệu sau thì bệnh nhân cần nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra và phát hiện các bất thường:
- Khó thở, thở hụt hơi;
- Cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực;
- Chóng mặt, choáng váng;
- Ngất xỉu.
Nói chung, những người sau 45 tuổi, có đau hiệu đau thắt ngực thoáng qua khi gắng sức cần phair nân đi khám chuyên khoa tim mạch để đánh giá bệnh mạch vành
Một số xét nghiệm giúp chẩn đoán nguyên nhân gây đau tức ngực khi tập thể dục:
- Điện tâm đồ: Đây là xét nghiệm đơn giản, dễ thực hiện giúp phát hiện những bất thường của hệ thống mạch vành như thiếu máu cục bộ cơ tim, nhồi máu cơ tim hoặc loạn nhịp tim...
- Điện tim gắng sức: Là thăm dò thiếu máu cục bộ cơ tim khi điện tâm đồ bình thường nghi ngờ, hoặc bình thường
- Siêu âm tim: Đây là phương tiện chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, có cung cấp một số hình ảnh giúp xác định các bất thường của tim mạch như tim bẩm sinh, hẹp hở van tim hay biến chứng sau nhồi máu cơ tim...
- Chụp CT mạch vành: Phương pháp hiện đại này là công cụ hiệu quả giúp chẩn đoán chính xác mức độ tắc hẹp của mạch vành.
- Chụp CT và MRI lồng ngực: Một số nguyên nhân khác không phải do bệnh mạch vành như tràn khí màng phổi, ung thư phổi hoặc chấn thương ngực sẽ phần nào được phát hiện khi bệnh nhân được chụp CT và MRI ngực.
4. Bệnh tim tập thể thao được không?
Theo các nghiên cứu, tập thể thao vừa khắc phục được lối sống tĩnh tại vừa có hiệu quả trong phòng chống các bệnh lý tim mạch như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành... Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị bệnh tim tập thể thao được không và tập như thế nào?
Khi tập thể thao, dù ít hay nhiều thì người tập đều phải gắng sức, do đó vẫn tồn tại tỷ lệ xuất hiện các biến cố tim mạch nhất định trên nền bệnh nhân đã có sẵn các bệnh lý tim mạch trước đó. Tuy nhiên theo một số nghiên cứu thì tỷ lệ này là cực kỳ thấp, chỉ xấp xỉ gần một lần xuất hiện nếu tập 400.000-800.000 giờ.
Do đó, ngay cả khi mắc bệnh tim mạch như đau thắt ngực thì việc tập thể thao vẫn tương đối an toàn. Ngoài ra, nếu người bệnh tập luyện thường xuyên thì nguy cơ biến chứng bệnh tim mạch còn thấp hơn nữa.
Nếu một người luyện tập thể thao tương đối đều đặn (khoảng 5 lần một tuần, mỗi lần khoảng 30 phút) thì khả năng xuất hiện các biến cố tim mạch nặng trong khi tập sẽ giảm tới 50 lần so với những người lười lười vận động hoặc người tập không thường xuyên. Tuy nhiên, người đã có sẵn bệnh lý tim mạch cũng không nên chủ quan. Thay vào đó nên chú ý đến những biểu hiện bất thường xuất hiện trước, trong và sau khi tập như cảm giác đau thắt ngực, khó thở, thở dốc, hoa mắt chóng mặt, choáng váng hoặc cảm giác hụt hẫng, hồi hộp lạ thường... cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ tim mạch để được khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời cũng như tư vấn phương pháp tập luyện sau này.
Đau thắt ngực là dấu hiệu điển hình của bệnh mạch vành và do một số nguyên nhân khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.