Tìm hiểu bệnh còi xương và nhuyễn xương

Bệnh còi xương ở trẻ em thường ảnh hưởng đến sự phát triển, gây đau nhức và có thể dẫn đến biến dạng xương. Tình trạng này ở người lớn được gọi là nhuyễn xương hoặc mềm xương.

1. Ai là đối tượng dễ mắc còi xương và nhuyễn xương?

Bất kỳ trẻ em nào không được cung cấp đủ vitamin D hoặc canxi đều có thể bị còi xương, tuy nhiên một số nhóm trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ví dụ, bệnh còi xương được ghi nhận phổ biến hơn ở trẻ em gốc Á, Phi-Ca-ri-bê và Trung Đông vì da của chúng sẫm màu và cần nhiều ánh sáng mặt trời hơn để có thể bổ sung đủ vitamin D.

Trẻ sinh non cũng có nguy cơ bị còi xương vì chúng chưa tích trữ đủ lượng vitamin D khi còn trong bụng mẹ. Trẻ bú mẹ hoàn toàn, đặc biệt đối với trẻ bú mẹ hơn 6 tháng cũng có thể có nguy cơ thiếu vitamin D.

2. Triệu chứng còi xương và nhuyễn xương

Còi xương sẽ khiến xương của bé trở nên mềm và yếu, dễ dẫn đến dị dạng. Những triệu chứng dễ nhận thấy của bệnh còi xương bao gồm:

  • Đau nhức xương: Trẻ cảm thấy khó khăn khi đi, bước đi có thể trông khác thường (bước đi lạch bạch);
  • Dị tật xương - dày mắt cá chân, cổ tay và đầu gối, dấu hiệu chân vòng kiềng, xương sọ mềm và cong cột sống;
  • Các vấn đề liên quan đến răng miệng như: Men răng yếu, mọc răng chậm và sâu răng;
  • Tăng trưởng và phát triển kém: Nếu khung xương không tăng trưởng và phát triển đúng cách thì trẻ sẽ thấp hơn so với mức trung bình;
  • Xương của trẻ trở nên yếu và dễ bị gãy hơn.

Một số trẻ bị còi xương có thể có lượng canxi trong máu thấp, tình trạng này được gọi là hạ canxi máu. Điều này làm cho các triệu chứng của bệnh còi xương trở nên tồi tệ hơn, đây cũng là nguyên nhân gây ra chuột rút, co giật, ngứa ran ở bàn tay và bàn chân.

Người lớn bị nhuyễn xương có thể gặp các triệu chứng tương tự trẻ nhỏ như: Đau xương, yếu cơ, xương mỏng manh và dễ gãy hơn.


Trẻ bị còi xương có triệu chứng điển hình là đau nhức xương
Trẻ bị còi xương có triệu chứng điển hình là đau nhức xương

3. Nguyên nhân còi xương và nhuyễn xương

Còi xương thường xảy ra do thiếu vitamin D hoặc canxi, đôi khi do khiếm khuyết di truyền hoặc bệnh lý khác.

3.1. Thiếu vitamin D và canxi

Nguyên nhân thường thấy nhất của bệnh còi xương là do chế độ ăn uống của trẻ bị thiếu canxi hoặc vitamin D. Theo thời gian, sự thiếu hụt vitamin D hoặc canxi sẽ gây ra còi xương ở trẻ em và nhuyễn xương (mềm xương) ở người lớn.

3.2. Khiếm khuyết di truyền

Một số trường hợp còi xương cũng có thể xảy ra do rối loạn di truyền (hiếm gặp). Ví dụ, bệnh còi xương do giảm phosphat huyết, khiến cho nồng độ phosphat trong máu và xương giảm, dẫn đến xương yếu và mềm.

3.3. Bệnh lý nền

Đôi khi, còi xương xuất hiện ở các trẻ mắc bệnh lý hiếm gặp về thận, gan và ruột. Những bệnh lý này có nguy cơ ảnh hưởng đến sự hấp thu vitamin và khoáng chất.

4. Điều trị còi xương và nhuyễn xương

4.1. Bổ sung vitamin D và canxi

Vì hầu hết các trường hợp còi xương và nhuyễn xương là do thiếu hụt vitamin D và canxi nên cách điều trị thường là tăng cường vitamin D và canxi cho trẻ.

Mức độ vitamin D và canxi có thể được cải thiện bằng cách:

  • Xây dựng chế độ ăn với nhiều thực phẩm giàu canxi và vitamin D;
  • Uống bổ sung canxi và vitamin D mỗi ngày;
  • Thực hiện tiêm vitamin D mỗi năm: Điều này chỉ cần thiết nếu trẻ không thể bổ sung qua đường uống, mắc bệnh đường ruột hoặc bệnh gan.
  • Ngoài ra, ánh nắng mặt trời giúp cơ thể tạo ra vitamin D, vì vậy ba mẹ nên tăng thời gian cho trẻ ở bên ngoài, thay vì chơi ở trong nhà.

Bác sĩ sẽ tư vấn về lượng vitamin D và canxi cần bổ sung cho trẻ. Hàm lượng này phụ thuộc vào độ tuổi và nguyên nhân gây ra bệnh còi xương. Nếu con bạn gặp vấn đề trong việc hấp thụ vitamin, chúng có thể cần một liều lượng cao hơn mức thông thường.

Đối với người lớn bị nhuyễn xương, điều trị bằng các chất bổ sung thường sẽ chữa khỏi bệnh lý này. Tuy nhiên, có thể phải mất đến vài tháng thì tình trạng đau nhức xương và yếu cơ mới thuyên giảm. Sau khi điều trị, người bệnh vẫn nên tiếp tục bổ sung vitamin D thường xuyên để ngăn ngừa bệnh nhuyễn xương quay trở lại.


Bổ sung vitamin D là phương pháp điều trị còi xương, nhuyễn xương phổ biến
Bổ sung vitamin D là phương pháp điều trị còi xương, nhuyễn xương phổ biến

4.2. Điều trị các biến chứng và tình trạng liên quan

Trong trường hợp còi xương là biến chứng của một bệnh lý khác thì việc điều trị bệnh lý này thường sẽ giúp cải thiện được tình trạng còi xương.

Nếu trẻ bị biến dạng xương do biến chứng từ còi xương, ví dụ như chân vòng kiềng hoặc vẹo cột sống thì bác sĩ có thể đề nghị làm phẫu thuật cho trẻ.

4.3. Còi xương di truyền

Để điều trị bệnh còi xương do thiếu hụt phosphat trong máu, cần có sự kết hợp giữa chất bổ sung phosphat và một dạng vitamin D đặc biệt.

Trẻ em mắc các dạng còi xương di truyền khác cần điều trị với một lượng rất lớn vitamin D.

4.4. Những tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình điều trị

Khi điều trị còi xương và nhuyễn xương, rất hiếm khi xảy ra tác dụng phụ từ các chất bổ sung vitamin D, canxi hoặc phosphat nếu chúng được cung cấp đúng liều lượng. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn về hàm lượng bổ sung cần thiết, trong thời gian bao lâu và theo dõi quá trình điều trị.

Nếu liều lượng vitamin D hoặc canxi quá cao, quá trình điều trị quá lâu hoặc không được theo dõi cẩn thận thì nồng độ canxi trong máu có thể tăng cao (tăng canxi huyết).

Những dấu hiệu của tăng canxi huyết bao gồm:

  • Tiểu nhiều;
  • Thường xuyên cảm thấy khát;
  • Chán ăn;
  • Buồn nôn, đau bụng, táo bón và nôn mửa;
  • Chóng mặt, nhức đầu;
  • Đau xương.

Nếu người bệnh có bất kỳ triệu chứng nào kể trên, nên đi thăm khám ngay lập tức.

5. Phòng ngừa còi xương và nhuyễn xương

Để ngăn ngừa bệnh còi xương, cần đảm bảo con bạn:

  • Có một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, bổ sung các loại thức ăn chứa nhiều vitamin D;
  • Dành thời gian ở ngoài trời nắng;
  • Uống bổ sung vitamin D.

Trẻ sơ sinh đến 1 tuổi, kể cả những trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc một phần đều cần bổ sung 8,5 đến 10 microgam (mcg) vitamin D mỗi ngày.

Trẻ nhỏ từ 1 tuổi và người lớn: Cần bổ sung khoảng 10mcg vitamin D mỗi ngày.

5.1. Đối tượng cần bổ sung vitamin D

  • Phụ nữ mang thai và cho con bú nên cân nhắc bổ sung hàng ngày 10mcg vitamin D vào những tháng mùa đông;
  • Trẻ sơ sinh đến 1 tuổi, dù bú mẹ hoàn toàn hay một phần, nên được bổ sung hàng ngày 8,5 - 10mcg vitamin D;
  • Trẻ dùng sữa công thức không cần bổ sung vitamin D trừ khi trẻ nhận được ít hơn 500ml sữa công thức mỗi ngày;
  • Trẻ em từ 1 đến 4 tuổi: Cần được bổ sung 10mcg vitamin D mỗi ngày.

5.2. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời

Ánh nắng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D dồi dào và chủ yếu cho cơ thể. Vitamin hình thành dưới da sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Bạn sẽ không nhận được vitamin D từ ánh nắng mặt trời nếu thoa kem chống nắng, tuy nhiên bạn nên thoa kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) ít nhất là 15 trước khi da bắt đầu có dấu hiệu đỏ hoặc bỏng. Điều này giúp bảo vệ da bạn tránh khỏi tác động có hại từ ánh nắng mặt trời.

Mặc dù trẻ em nên phơi nắng để ngăn ngừa bệnh còi xương, nhưng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có làn da rất nhạy cảm và dễ bị bỏng. Do vậy, chúng cần được thoa kem chống nắng và được che chắn cẩn thận khi ra nắng.

Chẩn đoán sớm bệnh còi xương và nhuyễn xương sẽ giúp điều trị hiệu quả hơn. Do vậy, ngay khi thấy dấu hiệu của còi xương hoặc nhuyễn xương thì người bệnh nên đến bệnh viện uy tín để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những địa chỉ chất lượng được đông đảo người bệnh tin tưởng thăm khám và điều trị bệnh. Không chỉ có hệ thống cơ vật chất, trang thiết bị hiện đại: 6 phòng siêu âm, 4 phòng chụp X- quang DR (1 máy chụp toàn trục, 1 máy tăng sáng, 1 máy tổng hợp và 1 máy chụp nhũ ảnh), 2 máy chụp Xquang di động DR, 2 phòng chụp cắt lớp vi tính đa dãy đầu thu (1 máy 128 dãy và 1 máy 16 dãy), 2 phòng chụp Cộng hưởng từ (1 máy 3 Tesla và 1 máy 1.5 Tesla), 1 phòng chụp mạch máu can thiệp 2 bình diện và 1 phòng đo mật độ khoáng xương....Vinmec còn là nơi quy tụ đội ngũ các y, bác sĩ giàu kinh nghiệm sẽ hỗ trợ phần nhiều trong việc chẩn đoán và phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của cơ thể người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: nhs.uk

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe