Đau khớp ngón tay trỏ: Nguyên nhân gây ra và cách điều trị

Đau khớp ngón tay trỏ là tình trạng đau nhức xảy ra tại các khớp ngón tay trỏ (giữa ngón tay cái và ngón giữa). Nguyên nhân phổ biến bao gồm sử dụng khớp quá mức, chấn thương (bong gân, gãy xương), hoặc bệnh lý (viêm khớp,...). Cơn đau có thể âm ỉ hoặc đau nhói đột ngột, kèm theo cảm giác tê bì, cứng khớp, ảnh hưởng đến vận động ngón tay.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Vũ Đức Việt - Bác sĩ ngoại chấn thương chỉnh hình, chuyên khoa phẫu thuật chi trên thuộc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. 

1. Nguyên nhân đau khớp ngón tay trỏ

Do tập trung nhiều dây thần kinh, ngón tay trỏ và bàn tay là hai bộ phận nhạy cảm nhất cơ thể, dễ bị sưng tấy, đau nhức chỉ sau va chạm nhỏ. Đau khớp ngón tay trỏ có thể xuất hiện do thực hiện những động tác gây tổn thương đến ngón tay hoặc do chấn thương trong tai nạn lao động, thể thao.

1.1 Do chấn thương

Tai nạn lao động, giao thông, gãy xương, va chạm thể thao... đều có thể gây tổn hại khớp, bao gồm vỡ bao sụn, tràn dịch khớp gối, rạn xương, đau khớp vai, cổ tay. Viêm và đau nhức khớp do chấn thương lâu ngày có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh.

Va chạm thể thao có thể gây tổn hại khớp, bao gồm vỡ bao sụn, tràn dịch khớp gối, rạn xương, đau khớp vai, cổ tay.
Va chạm thể thao có thể gây tổn hại khớp, bao gồm vỡ bao sụn, tràn dịch khớp gối, rạn xương, đau khớp vai, cổ tay.

1.2 Do hội chứng ống cổ tay

Đây là một trong những nguyên nhân thường gặp gây đau ngón trỏ, ngoài ra còn có thể tê bì, đau ngón cái và ngón giữa kèm theo. Bệnh lý này thường gặp ở những người sử dụng bàn tay, cổ tay nhiều như nhân viên văn phòng, nội trợ.

1.3 Do bệnh Raynaud

Hội chứng Raynaud khiến người bệnh dễ gặp phải tình trạng đau nhức và khó chịu ở các khớp ngón tay. Nguyên nhân là do các mạch máu ở khu vực ngoại vi có phản ứng quá nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường, đặc biệt là khi trời chuyển lạnh đột ngột. Khi đó, các mạch máu co thắt, làm giảm lưu thông máu đến các ngón tay và gây ra đau khớp ngón tay trỏ.

Trời chuyển lạnh đột ngột khiến các mạch máu co thắt mạnh mẽ, làm giảm lưu thông máu đến các ngón tay và gây ra đau khớp ngón tay trỏ.
Trời chuyển lạnh đột ngột khiến các mạch máu co thắt mạnh mẽ, làm giảm lưu thông máu đến các ngón tay và gây ra đau khớp ngón tay trỏ.

1.4 Ngón tay lò xo

Hay ngón tay cò súng, đây là tình trạng ngón tay đau khi vận động gấp duỗi, ở giai đoạn muộn, ngón tay sẽ không thể cử động được do tình trạng kẹt gân vào đường hầm dây chằng ngón tay.

1.5 Do viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấpbệnh tự miễn, do hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các mô khớp, khiến khớp bị viêm, sưng, cứng, khô và đau nhức. Ở người bệnh nặng, các hạch cứng có thể xuất hiện dưới da.

Trong trường hợp không được điều trị kịp thời, viêm khớp dạng thấp tiềm ẩn nguy cơ gây cứng khớp, sốt cao, rối loạn tiêu hóa, sụt cân, teo cơ,... Đặc biệt, sưng đau khớp ngón tay trỏ là dấu hiệu cảnh báo sớm của viêm khớp dạng thấp mà bệnh nhân cần lưu ý.

1.6 Do thoái hóa khớp ngón tay

Thoái hóa khớp ngón tay trỏ có thể xuất phát từ hai nguyên nhân chính: chấn thương hoặc do tuổi tác và ảnh hưởng của vận động thường ngày. Biểu hiện điển hình của bệnh là cảm giác đau nhức, sưng tấy và cứng khớp ngón tay.

2. Cách chẩn đoán

Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân làm xét nghiệm cận lâm sàng nếu bệnh nhân có tiền sử chấn thương hoặc biểu hiện của các bệnh lý liên quan. Để xác định nguyên nhân gây đau khớp ngón tay trỏ, bác sĩ sẽ sử dụng một số kỹ thuật chẩn đoán, bao gồm:

  • Chụp X-quang: Nhờ hình ảnh X-quang, bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác các tổn thương, xác định nguyên nhân gây đau khớp có phải bắt nguồn từ gãy xương, thoái hóa khớp hoặc các bệnh lý khác liên quan đến hệ thống xương khớp không.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Chụp MRI là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tiên tiến, hỗ trợ bác sĩ xác định chính xác các tổn thương ở mô mềm quanh khớp và tình trạng chèn ép dây thần kinh.
  • Chụp CT cắt lớp: Khi chưa xác định được nguyên nhân gây đau khớp, bác sĩ có thể chỉ định chụp CT cắt lớp để có hình ảnh chi tiết, đa chiều về khu vực tổn thương. Nhờ vậy, bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau khớp.
  • Điện thần kinh cơ: Đây là một bài test chuyên sâu để đánh giá về cơ và thần kinh, được thực hiện nếu bác sĩ nghi ngờ vấn đề đau ngón tay do nguyên nhân từ thần kinh.

3. Cách điều trị đau khớp ngón tay trỏ

Sưng đau khớp ngón tay trỏ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, từ đơn giản đến phức tạp. Trong trường hợp do sử dụng khớp quá mức, tình trạng thường không nghiêm trọng và có thể cải thiện bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà.  

Tuy nhiên, nếu nguyên nhân xuất phát từ bệnh lý hoặc chấn thương, việc can thiệp y tế kịp thời là vô cùng cần thiết để tránh các biến chứng nguy hiểm như dị dạng khớp, tổn thương khớp không hồi phục, viêm nhiễm lan rộng, thậm chí liệt ngón tay trỏ.

Để điều trị đau ở khớp ngón tay trỏ, có nhiều phương pháp khác nhau mà bệnh nhân có thể sử dụng, bao gồm sử dụng thuốc, thực hiện các biện pháp vật lý trị liệu...

3.1 Điều trị bằng Tây y

3.1.1 Thuốc giảm đau và chống viêm

Đối với trường hợp đau khớp ngón tay mức độ nhẹ và vừa, bệnh nhân có thể được bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau kháng viêm không steroid như paracetamol, meloxicam, ibuprofen, diclofenac…  

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh lạm dụng hay tự ý dùng thuốc mà không có chỉ định. Việc dùng thuốc không đúng cách, bao gồm việc dùng quá liều, uống không đúng chỉ dẫn hoặc ngưng thuốc đột ngột, có thể dẫn đến các tác dụng phụ ảnh hưởng tiêu cực đến dạ dày, chức năng gan, thận, đồng thời làm giảm hiệu quả điều trị.

3.1.2 Tiêm steroid

Khi thuốc không còn tác dụng, tiêm steroid là giải pháp tiếp theo. Tuy nhiên, việc tiêm cần được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn và bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn điều trị.

Mặc dù tiêm có thể giảm đau nhanh chóng nhưng phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm loãng xương, suy thận, đái tháo đường và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

3.1.3 Vật lý trị liệu

Bên cạnh việc sử dụng thuốc Tây, bệnh nhân có thể kết hợp các bài tập vật lý trị liệu để tăng tốc độ phục hồi chức năng sụn khớp. Các bài tập này bao gồm vận động khớp, massage và xoa bóp nhẹ nhàng.

Bên cạnh việc sử dụng thuốc Tây y, bệnh nhân có thể kết hợp massage để tăng tốc quá trình phục hồi chức năng sụn khớp.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc Tây y, bệnh nhân có thể kết hợp massage để tăng tốc quá trình phục hồi chức năng sụn khớp.

3.2 Điều trị bằng Đông y

Sử dụng sản phẩm từ thiên nhiên để phòng ngừa và hỗ trợ chữa đau khớp ngón tay trỏ đang ngày càng được ưa chuộng do tính an toàn và ít tác dụng phụ.

Nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên, những sản phẩm này mang đến hiệu quả cải thiện tình trạng sưng đau, đồng thời hỗ trợ tăng cường vận động khớp. Nhờ vậy, sản phẩm giúp phòng ngừa và ngăn chặn các triệu chứng của bệnh viêm khớp, từ đó giảm nguy cơ tái phát và hạn chế các biến chứng do bệnh gây ra.

Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị do bác sĩ kê đơn, bệnh nhân cần chủ động xây dựng chế độ dinh dưỡng và luyện tập hợp lý. Chỉ khi đó, hệ thống xương khớp mới có thể được phục hồi và khỏe mạnh nhanh chóng.

Đau khớp ngón tay trỏ là tình trạng phổ biến, ảnh hưởng đến khả năng cử động và cầm nắm của bàn tay. Việc điều trị sớm có thể giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh và ngăn ngừa biến chứng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe