Đau khớp ngón tay là bệnh lý thường gặp, nguyên nhân dẫn đến bệnh là rất đa dạng. Tuy nhiên, một số trường hợp cần phải được theo dõi vì có thể gây ra một vài biến chứng nguy hiểm.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BS Đỗ Văn Cường, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
1. Tổng quan tình trạng đau khớp ngón tay
Đau khớp ngón tay có thể ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Người bệnh có thể mắc phải tình trạng này trong thời gian dài mà không thể cải thiện, thậm chí sau khi nghỉ ngơi hoặc điều trị không kê đơn. Cùng với đó, sưng và cứng khớp cũng là những dấu hiệu đi kèm với tình trạng đau khớp ngón tay ở người bệnh.
Dưới đây là một số nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị đau khớp ngón tay mà bệnh nhân có thể tham khảo.
2. Các nguyên nhân gây đau khớp ngón tay
Có rất nhiều nguyên nhân gây đau khớp ngón tay, dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất:
2.1 Đau ngón tay do chấn thương
Chấn thương ngón tay là một vấn đề phổ biến, đặc biệt là đối với những người hay tham gia hoạt động thể thao hoặc làm việc với máy móc. Do tính chất của chấn thương thường đi kèm với tình trạng đau và viêm, người bị đau khớp ngón tay thường cảm thấy khó chịu khi các ngón tay bị áp lực.
2.2 Viêm gân và viêm bao gân
Gân là những sợi mô kết nối cơ với xương. Có hai vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến gân, đó là viêm gân và viêm bao gân. Viêm gân xảy ra khi gân trở nên viêm, gây ra tình trạng sưng tấy, khó chịu và giảm khả năng cử động của khớp.
Viêm bao gân là tình trạng viêm ở bao gân - lớp màng mỏng bao quanh gân. Tình trạng này có thể dẫn đến đau khớp, sưng và cảm giác cứng khớp, đặc biệt ở ngón tay. Đối với những trường hợp nhẹ, mọi người có thể tự điều trị tại nhà, nhưng có những trường hợp cần phải tới các cơ sở y tế.
2.3 Nang hoạt dịch
Nang hoạt dịch là những khối u chứa chất dịch thường xuất hiện ở cổ tay và đầu khớp ngón tay. Những u nang này có thể được nhận thấy trên tay khi chạm vào. Thông thường, chúng không gây nguy hiểm, nhưng một số bệnh nhân có thể trải qua cảm giác đau nhức, hoặc cảm thấy suy yếu các khớp gần khu vực u nang hạch xuất hiện.
Nguyên nhân chính xác dẫn đến sự hình thành nang hoạt dịch vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy những khối u chứa chất lỏng này có thể phát triển từ các vết thương ở mô liên kết và các tình trạng mãn tính ảnh hưởng đến khớp, ví dụ như viêm khớp.
U nang hoạt dịch thường tự giảm kích thước mà không cần can thiệp y tế. Bác sĩ thường chỉ đề xuất điều trị cho những u nang gây đau hoặc có ảnh hưởng đến khả năng vận động của bệnh nhân. Tùy thuộc vào vị trí của u nang hạch dịch, bác sĩ có thể đề xuất quá trình tiêm corticosteroid hoặc phẫu thuật cắt bỏ.
2.4 Viêm khớp gây đau khớp ngón tay
Viêm khớp là một thuật ngữ tổng quát mô tả các tình trạng viêm nhiễm, đau đớn và cảm giác cứng ở khớp. Do đó, những tình trạng này có thể gây đau đớn và không thoải mái khi ngón tay chịu áp lực. Hai loại viêm khớp phổ biến bao gồm viêm xương khớp (OA) và viêm khớp dạng thấp (RA).
Viêm xương khớp là tình trạng bệnh liên quan đến sự thoái hoá, bào mòn ở sụn bọc lấy các khớp. Đây là một dạng bệnh lý phổ biến, đặc biệt là ở người trưởng thành trên 50 tuổi. Tình trạng này thường xuất hiện ở các vùng như gốc ngón tay, khớp gần đỉnh ngón tay hoặc giữa các khớp ngón tay.
Viêm khớp dạng thấp lại là một tình trạng viêm nhiễm mãn tính, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô khỏe mạnh của cơ thể.
Ngoài ra, còn nhiều loại viêm khớp khác như lupus, bệnh gout, viêm khớp vị thành niên và viêm khớp vẩy nến. Các triệu chứng của viêm khớp bao gồm:
Đau khớp và sưng tấy.
Cảm giác cứng ở khớp kéo dài lên đến 2 giờ, đặc biệt là vào buổi sáng.
Khó khăn khi di chuyển, ngồi hoặc đứng dậy.
Mất khả năng vận động ở các khớp nhỏ của bàn tay và ngón tay.
Khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động vận động cần sự tỉ mỉ, ví dụ như thắt dây giày.
2.5 Tiểu đường
Bệnh tiểu đường khi không kiểm soát tình trạng bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng cơ xương, ảnh hưởng đến bàn tay và ngón tay, bao gồm co cứng Dupuytren, hội chứng ống cổ tay, và tổn thương thần kinh do tiểu đường.
Phương pháp điều trị đau khớp ngón tay do tiểu đường sẽ tập trung vào việc giảm bớt các triệu chứng và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh. Các bác sĩ có thể sử dụng các biện pháp như tiêm corticosteroid, thuốc giảm đau hoặc vật lý trị liệu. Nếu nặng hơn, một cuộc phẫu thuật có thể được tiến hành.
2.6 Khối u gây đau khớp ngón tay
Khối u mặc dù là một tình trạng hiếm, nhưng nó có thể phát sinh ở mô mềm, xương, dây chằng, hoặc gân ngón tay, từ đó dẫn đến nhiều vấn đề khó chịu như đau, cứng khớp, và giảm khả năng vận động.
Nếu khối u liên quan đến ung thư, người bệnh có thể trải qua các triệu chứng như đau xương, sưng và đau ở vị trí bị ảnh hưởng. Xương khi suy yếu có thể dẫn đến gãy xương, mệt mỏi, và giảm cân không mong muốn.
Bên cạnh đó, nếu các khối u không ác tính thì không nhất thiết cần điều trị y tế. Miễn là không gây đau hoặc thay đổi khả năng vận động, người bệnh có thể sống chung với khối u lành tính một cách an toàn.
Nếu nó có khả năng trở thành ung thư, các bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật để loại bỏ khối u, từ đó trị triệt để tình trạng nguy hiểm này cũng như cơn đau khớp ngón tay của bệnh nhân.
3. Cách điều trị đau khớp ngón tay
Tuỳ vào bệnh lý khác nhau sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể áp dụng các cách điều trị tại nhà để giảm thiểu tình trạng đau trước khi thăm khám bác sĩ.
Nghỉ ngơi: Tránh di chuyển hoặc cử động ngón tay bị thương trong vài ngày. Bệnh nhân có thể cân nhắc việc cố định ngón tay bị thương bằng nẹp hoặc dán nó vào một ngón tay khác.
- Chườm đá: Đặt một túi nước đá lên ngón tay bị thương trong 20 phút, từ bốn đến tám lần một ngày. Chườm đá có thể giúp giảm sưng và giảm đau.
- Băng cố định: Quấn ngón tay bị thương bằng băng gạc hoặc vải mềm. Hãy đảm bảo rằng chỗ được băng không quá chặt.
- Nâng cao khớp: Giữ ngón tay bị thương cao hơn tim để giảm huyết áp và sưng tấy ở ngón tay.
- Dùng thuốc giảm đau: Các loại thuốc giảm đau như ibuprofen và aspirin có thể giúp giảm đau và giảm sưng.
Bên cạnh đó, các chấn thương nghiêm trọng hơn như trật khớp và gãy xương cần phải được chăm sóc y tế. Các bác sĩ có thể điều chỉnh lại vị trí khớp và phục hồi xương bị gãy. Sau đó, các ngón tay bị thương sẽ được cố định để bước vào quá trình phục hồi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.