Chào bác sĩ,
Trước đây, em bị đau khớp háng nhẹ vào lúc sáng ngủ dậy. Sau đó, bệnh cũng hết, đến bây giờ em bị đau lại, em cảm thấy đau hơn trước và đau cả đầu gối. Vận động rất đau, khi đứng thì chân đau dài hơn chân không đau. Vậy bác sĩ cho em hỏi đau khớp háng nhẹ kèm đau đầu gối có sao không? Em cảm ơn.
Tư vấn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Trung Hiếu - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Đau khớp háng nhẹ kèm đau đầu gối có sao không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Đau khớp háng nhẹ kèm đau đầu gối là một tình trạng rất hay gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Tình trạng này có thể ảnh hưởng tương đối đến các công việc và sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, chỉ dựa vào các triệu chứng này vẫn chưa thể kết luận được chính xác về tình trạng mà bạn đang gặp phải.
Vì thế, để giúp bạn có thêm thông tin tham khảo, dưới đây là một số điều cần biết về những nguyên nhân gây ra tình trạng đau khớp háng và đau đầu gối cũng như cách khắc phục.
1. Nguyên nhân đau khớp háng nhẹ kèm đau đầu gối
Đau khớp háng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý liên quan tới khớp, trong đó có thể kể đến như viêm khớp dạng thấp, hoại tử chỏm xương đùi hay viêm bao hoạt dịch.
Bên cạnh đó, tình trạng đau khớp háng cũng có thể do vận động mạnh gây ra chấn thương, ví dụ như mang vác đồ vật nặng. Tùy vào nguyên nhân cụ thể, mức độ đau của bệnh nhân sẽ khác nhau.
Đau đầu gối hay đau khớp đầu gối có thể xảy ra do sự tác động của yếu tố bên ngoài và bên trong cơ thể. Đau đầu gối có thể xảy ra do mô mềm, túi hoạt dịch bao quanh gối, gân hoặc dây chằng bị chấn thương.

Một số người bệnh có thể thấy đau nhẹ ở đầu gối, trong khi một số khác lại đau nặng tới mức gây trở ngại cho những hoạt động trong ngày.
2. Cách xử trí
Đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, nếu có những biểu hiện như mô tả ở khớp háng và đầu gối, bạn nên thăm khám tại các khoa Cơ xương khớp để được chẩn đoán sớm.

Tại đây, các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện chụp X-quang khớp háng bị đau, khớp gối, siêu âm khớp cũng như thực hiện các xét nghiệm yếu tố viêm khớp trong máu. Từ kết quả thu được, bác sĩ sẽ có hướng dẫn chẩn đoán chính xác và đưa ra các phương pháp điều trị cụ thể.
3. Một số cách điều trị tại nhà
Sau đây là một số phương pháp có thể giúp điều trị tình trạng này tại nhà:
- Thay đổi cách sinh hoạt: Cần nghỉ ngơi để khớp háng có thể phục hồi hoàn toàn. Bệnh nhân nên hạn chế đi bộ đường dài hoặc chơi các môn thể thao nặng hay leo cầu thang.
- Dùng thuốc: Một số loại thuốc giảm đau, kháng viêm có thể được dùng để cải thiện tình trạng. Tuy nhiên, các loại thuốc này có đi kèm tác dụng phụ, vì thế cần phải sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Vật lý trị liệu: Một số phương pháp vật lý trị liệu như xoa bóp, massage hay bấm huyệt có thể là cách để giúp cải thiện tình trạng đau khớp háng.
- Chườm đá: Khi bị đau có thể chườm đá khoảng 20 phút mỗi ngày. Điều này sẽ giúp giảm đau và giảm sưng rất hiệu quả. Để thực hiện, hãy cho đá lạnh vào túi vải hoặc khăn ướt, tránh chườm trực tiếp lên da. Mỗi ngày có thể chườm 3 lần, mỗi lần 20 phút để cải thiện.
Dù áp dụng phương pháp nào thì việc khám trực tiếp ở các chuyên khoa xương khớp uy tín vẫn là lựa chọn cần thiết nhất cho mọi trường hợp. Nếu tình trạng đau khớp háng kèm đau đầu gối vẫn kéo dài thì chúng ta nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Vừa rồi là những thông tin mà Vinmec cung cấp để trả lời cho câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc về tình trạng này, bạn có thể đến các bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để được kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Bệnh viện Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.