Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Trung Hiếu - Trưởng khoa Phẫu thuật khớp háng và khung chậu Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao miền Bắc Vinmec, Trưởng đơn nguyên Phẫu thuật chi dưới và cột sống khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao, Giảng viên bộ môn Chấn thương Chỉnh hình, Viện Khoa học Sức khỏe, Đại học VinUniversity, Phó Giám đốc chuyên môn Lab Công nghệ 3D trong Y học, Đại học VinUniversity
Thay khớp háng nhân tạo là phương pháp phẫu thuật được ứng dụng ngày càng rộng rãi, giúp phục hồi khả năng vận động cho bệnh nhân. Vậy thay khớp háng bao lâu thì đi được? Bạn đọc cùng tham khảo thông tin giải đáp qua bài viết dưới đây.
1. Thay khớp háng nhân tạo là gì?
Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo là kỹ thuật loại bỏ khớp háng tổn thương do mắc các bệnh lý và thay thế bằng khớp háng nhân tạo. Phương pháp này sẽ được chỉ định khi người bệnh bị tổn thương ở khớp háng, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt hằng ngày.
Hiện có 2 kỹ thuật thường được áp dụng là thay khớp háng toàn phần hoặc thay khớp háng bán phần. Kỹ thuật này giúp bệnh nhân giảm đau khớp háng, phục hồi chức năng vận động để quay trở lại sinh hoạt, học tập và lao động như bình thường
2. Tập luyện và phục hồi chức năng sau mổ thay khớp háng nhân tạo
Để đạt được kết quả tốt nhất sau phẫu thuật thay khớp háng thì ngoài việc lựa chọn địa chỉ có bác sĩ giàu kinh nghiệm, kỹ thuật mổ tốt, người bệnh còn cần chú ý tới việc luyện tập và phục hồi chức năng sau mổ. Quy trình luyện tập khá đơn giản, bệnh nhân có thể được tập ngay từ ngày đầu tiên sau phẫu thuật dưới sự hướng dẫn của bác sĩ phẫu thuật hoặc bác sĩ phục hồi chức năng
Để tập luyện, người bệnh được chuẩn bị khung tập đi (hoặc 1 đôi nạng), 1 đôi giày bata hoặc tất chống trượt, 1 đôi tất áp lực. Chương trình luyện tập sau mổ như sau:
- Tập tại giường bệnh từ ngày đầu tiên sau phẫu thuật: Bệnh nhân tập gấp - duỗi cổ chân, co cơ mông, gấp gối, co cơ tứ đầu đùi, nâng chân, dạng chân và gấp - duỗi gối chủ động. Cường độ tập là giữ động tác trong 10 giây x 20 lần, ngày tập 3 - 5 đợt, không tập quá sức. Người bệnh luyện tập ngay sau khi mổ cho tới khi ra viện, có thể tiếp tục tập tại nhà đến khi đi lại bình thường;
- Tập trong tư thế đứng: Gồm tập không có dây chun và tập kèm dây chun. Bệnh nhân nên tập từ ngày 3 - 5 sau mổ cho tới khi có thể đi lại bình thường và tiếp tục tập duy trì kéo dài;
- Tập đi cầu thang: Bệnh nhân có thể tập đi với nạng, đi xuống cầu thang (chân bệnh xuống trước) và đi lên cầu thang (chân lành lên trước). Thông thường, người bệnh nên đi với khung trong tuần đầu sau mổ rồi đi nạng trong 2 - 6 tuần kế tiếp. Trong thời gian đầu, nên có một người khỏe mạnh đi kèm giúp bệnh nhân đi lại dễ dàng hơn, phòng trường hợp bệnh nhân bị choáng, ngã do yếu hoặc luyện tập quá sức
Lưu ý, trong vòng 6 tháng sau mổ, người bệnh không được thực hiện những động tác dưới đây để tránh sai khớp nhân tạo:
- Gấp háng quá 90°: Gồm các động tác ngồi xổm, nhặt đồ rơi dưới đất hay buộc dây giày;
- Bắt chéo chân: Gồm các động tác ngồi gác chân, ngồi chéo chân hoặc nằm vắt chân
- Xoay khớp háng vào trong: Gồm các động tác xoay bàn chân vào trong, xoay người lấy đồ vật hoặc khép háng - xoay trong bàn chân
Ngoài ra, người bệnh cần chú ý đợi tới khi vết mổ đã lành, các mô tạo được một lớp bao bọc chắc chắn quanh khớp háng thì mới quan hệ tình dục. Khi quan hệ tình dục cần tránh các tư thế dễ gây trật khớp háng, khuyến cáo chỉ nên ở tư thế nằm trong thời gian đầu.
3. Thay khớp háng bao lâu thì đi được?
3.1 Thay khớp háng khi nào đi lại bình thường?
Thay khớp háng nhân tạo là phương pháp thay toàn bộ khớp hỏng của bệnh nhân bằng cấu trúc mới làm từ chất liệu nhân tạo, có khả năng chịu được sức nặng cơ thể và các hoạt động của bệnh nhân. Với nguyên lý này, nếu không có các vấn đề về sức khỏe và không chịu ảnh hưởng nhiều bởi gây tê, gây mê, các biến chứng phẫu thuật,... thì người bệnh có thể tập đứng, đi lại với khung hỗ trợ trong vòng 24 giờ đầu sau mổ. Việc vận động và tập đi sớm giúp rút ngắn thời gian nằm viện và giảm nguy cơ huyết khối tĩnh mạch.
Thời gian phục hồi vận động của người bệnh như sau:
- Giai đoạn 1: Sau mổ từ 3 - 7 ngày, bệnh nhân có thể đi lại với khung hỗ trợ và tự thực hiện được các hoạt động sinh hoạt cơ bản như đi vệ sinh, tắm rửa, ăn uống, thay quần áo,...;
- Giai đoạn 2: Từ khi ra viện tới 4 - 6 tuần sau mổ, người bệnh phục hồi hoàn toàn cấu trúc phần mềm quanh khớp háng, chuyển từ khung tập đi sang đi nạng hoặc đi với gậy, có thể tự lo mọi sinh hoạt hằng ngày của mình;
- Giai đoạn 3: Từ tuần thứ 6 sau mổ trở đi, người bệnh quay trở lại cuộc sống bình thường, có thể lao động nhẹ nhàng với cường độ tăng dần. Từ sau tháng thứ 6 sau mổ, bệnh nhân có thể tham gia chơi thể thao nhẹ nhàng.
Như vậy, sau mổ thay khớp háng nhân tạo khoảng 6 tuần, người bệnh có thể đi lại bình thường. Tuy nhiên, hoạt động của người bệnh có thể không được linh hoạt như khớp tự nhiên bình thường.
3.2 Thời gian sử dụng khớp háng nhân tạo
Nếu thay khớp háng nhân tạo đúng chỉ định và kỹ thuật thì có thể duy trì tuổi thọ của khớp trong vòng 15 - 20 năm. Tuy nhiên, điều này còn chịu ảnh hưởng bởi thể trạng, mức độ vận động và các chấn thương có thể gặp của bệnh nhân sau phẫu thuật.
Khớp háng nhân tạo thế hệ mới có thiết kế phù hợp với cơ sinh học của bệnh nhân, sử dụng vật liệu mới như gốm sinh học hay hợp kim titan,... nên có độ bền rất cao. Theo nhiều nghiên cứu, độ bền của khớp háng nhân tạo toàn phần trong điều kiện tối ưu có thể đạt 20 - 25 năm. Sau thời gian này, các thành phần tiếp khớp sẽ bị mòn, hoạt động không còn trơn tru như trước.
Tóm lại, thay khớp háng nhân tạo là phương pháp hiệu quả trong việc phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân. Để giảm nguy cơ biến chứng và sớm quay trở lại hoạt động sinh hoạt hằng ngày, người bệnh nên thực hiện theo mọi hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình phẫu thuật và phục hồi chức năng sau mổ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.