Chạy bộ là một môn thể thao đơn giản, phổ biến được rất nhiều người tập luyện để duy trì một vóc dáng đẹp và nâng cao sức khỏe. Nhưng với môn nào cũng vậy nếu bạn tập luyện quá sức hay chạy quá sức sẽ gây ra đau khớp.
1. Tại sao lại nói Đau khớp: Dấu hiệu chạy quá sức?
Khi chúng ta chạy quá sức, quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể thì dấu hiệu đến nhanh nhất chính là mỏi chân, đau khớp gối. Cơ thể ta khi đó sẽ đột ngột dừng lại, cơn đau mỏi kéo đến dồn dập khiến ta không thể đi tiếp. Nếu vẫn cố gắng tập luyện quá sức sẽ khiến cho khớp gối quá tải, dẫn đến tổn thương. Ngoài đau khớp gối ra còn có những dấu hiệu khác chứng tỏ bạn đã chạy quá sức như:
- Đau mỏi ở vùng bẹn: Nếu đang nâng tạ hoặc chạy trên máy chạy bộ mà bị đau dữ dội vùng bẹn thì cần dừng ngay, vì đây là triệu chứng không thể xem nhẹ. Cơn đau này có thể biểu hiện bằng chuột rút, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Nếu bạn tiếp tục thực hiện các hoạt động trên một lần nữa và bạn lại thấy đau nhưng với mức độ nhẹ hơn thì đây là dấu hiệu rõ ràng của việc cơ đùi trong của bạn bị căng quá mức. Mặc dù một số cơn đau cơ thường xảy ra khi nâng tạ, nhưng loại căng cơ này thường tương tự như chuột rút và là một triệu chứng rất đau cần dừng ngay lập tức khi bị tổn thương nhiều hơn. Nếu có thể, hãy dùng nước lạnh để giảm sưng. Bạn có thể sẽ mất khoảng 4 ngày đến 1 tuần để hồi phục và sau đó trở lại chương trình tập luyện bình thường.
- Mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần: Khi sự mệt mỏi luôn ám ảnh bạn, khi bạn ngủ nhiều hơn, thay đổi chế độ ăn uống và nghỉ ngơi trong vài ngày, bạn làm mọi cách để tâm trạng tốt hơn nhưng chẳng có tác dụng gì. Điều này có thể cho thấy rằng bạn đã tập luyện quá sức. Nếu bạn thấy mình đột nhiên mất hứng thú với các khía cạnh khác của cuộc sống mà trước đây bạn rất thích ngoài thể thao thì rất có thể bạn đang bị quá tải. Thay vì tiếp tục luyện tập, lúc này bạn nên dành chút thời gian để nghỉ ngơi. Tùy theo mức độ, tình trạng quá tải có thể mất từ 2 tuần đến vài tháng để hồi phục hoàn toàn. Khi bạn thực sự thúc đẩy cơ thể của mình để tập thể dục, bạn có thể bỏ qua cơn đau là một điều tốt, nhưng nếu bạn không hiểu cơn đau sẽ thực sự làm tổn thương mình, bạn có khả năng phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe. Vì vậy, sớm hiểu được những cơn đau của cơ thể như đau khớp gối rất có lợi cho bạn và quá trình hồi phục sau này.
2. Những đối tượng không nên chạy bộ?
Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên mang lại rất nhiều ích lợi cho cơ thể con người. Môn chạy bộ cũng vậy, nếu duy trì thói quen chạy bộ mỗi ngày sẽ giúp cải thiện tuần hoàn máu, giúp hệ tim mạch khỏe hơn, hỗ trợ giảm stress, giảm cân, giúp cơ thể săn chắc,... Nhưng không phải ai cũng có thể tập chạy bộ bởi với một số tình trạng cơ thể nếu cố gắng chạy quá sức sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe bản thân.
- Người mắc bệnh béo phì: Chạy bộ là một phương pháp giảm cân có hiệu quả rất tốt được nhiều người áp dụng. Nhưng trên thực tế, đối với những người mắc bệnh béo phì nặng thì đây không phải là lựa chọn tốt. Bởi vì khi chạy, đôi chân của họ sẽ phải chịu rất nhiều áp lực do sức nặng của cơ thể. Nếu duy trì trong thời gian dài, sức nặng của tạ sẽ đè lên chân gây mỏi khớp gối, thậm chí là gãy khớp gối.
- Người bệnh từng bị chấn thương khớp gối: Khi chạy bộ, tất cả các khớp của toàn bộ cơ thể đều ở trạng thái hoạt động với cường độ cao, đặc biệt là khớp gối khi áp lực của việc vận động toàn thân lớn. Nếu bạn đã từng bị chấn thương trước đó, việc chạy bộ sẽ khiến khớp gối bị quá tải, gây đau khớp gối hoặc thậm chí là gãy xương, vì vậy những người này tốt hơn nên lựa chọn các phương pháp rèn luyện sức bền khác thay vì chạy bộ. Ngay cả khi bạn cảm thấy vết thương của mình gần như đã lành hẳn, chạy bộ vẫn là một lựa chọn nguy hiểm. Hãy tập từ từ, tăng mức độ từ thấp đến cao như đi bộ, vận động ít hơn trước khi tính đến chuyện chạy bộ.
- Có tiền sử bệnh tim: Chạy bộ đúng cách sẽ giúp phòng chống các bệnh về tim và cải thiện sức khỏe tim mạch. Nhưng với những người có tiền sử bệnh tim hay có những dấu hiệu này thì tuyệt đối không được chạy bộ. Trong thời gian hai tháng gần nhất xuất hiện những cơn đau tức tim, những người có biểu hiện tức ngực thở dốc ngay cả khi làm công việc nhà nhẹ nhàng, leo cầu thang. Những người có tiền sử bệnh tim nếu chạy quá sức và tập luyện không đúng cường độ sẽ lập tức gây ra các biến chứng nguy hiểm.
- Người cao tuổi: Khi bước qua tuổi 60, cơ thể đang trong tình trạng lão hóa, các cơ bắp không còn linh hoạt khỏe mạnh như trước. Chạy bộ có thể gây ra các tổn thương dây chằng, xương khớp. Lựa chọn tốt hơn cả của người cao tuổi chính là đi bộ nhẹ nhàng.
Đau khớp có thể là dấu hiệu chạy quá sức, vì thế để đảm bảo sức khỏe bạn cần cân nhắc thời gian, bài tập luyện phù hợp. Khi có các dấu hiệu sức khỏe nên hạn chế, tập luyện các bài tập nhẹ nhàng hoặc nhờ sự tư vấn của bác sĩ, chuyên gia sức khỏe.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.