Dấu hiệu khi bị dị ứng thuốc

Một số dấu hiệu dị ứng thuốc phổ biến bao gồm: nổi mề đay, đau đầu, mệt mỏi, sốt cao.... Tuy nhiên, một số những trường hợp lại không có triệu chứng rõ ràng và khó phát hiện như rối loạn tiền đình, suy thận, giảm tế bào máu. Do đó, người bệnh cần thận trọng khi sử dụng thuốc và theo dõi cơ thể sau khi sử dụng để phát hiện sớm các dấu hiệu dị ứng. 

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

1. Dị ứng thuốc là gì?

Dị ứng thuốc xảy ra khi cơ thể không thể dung nạp với thuốc dưới dạng uống, tiêm hoặc thoa, gây ra các biểu hiện phản ứng quá mức, có hại cho cơ thể khi dùng hoặc tiếp xúc.

Tình trạng dị ứng này thường không liên quan đến liều lượng thuốc được sử dụng. Do đó, dù dùng thuốc đúng liều hoặc thậm chí liều rất thấp, người dùng vẫn có thể bị dị ứng. Tuỳ vào cơ địa, người sử dụng thuốc có thể gặp phải tình trạng dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào, kể cả những loại thuốc được xem như vitamin B1.

Trong trường hợp dị ứng thuốc nặng, người dùng có thể bị sốc thuốc (choáng phản vệ) dẫn đến tử vong.

Người bị dị ứng với thuốc thường dị ứng với các loại thuốc sau:  

Dị ứng thuốc xảy ra do một chất tồn tại trong cơ thể có tên là histamine và các mô dưới dạng liên kết tĩnh điện histamine-héparine không có hoạt tính. Khi có chất lạ xâm nhập vào cơ thể của những người dễ bị dị ứng, nối liên kết tĩnh điện này bị phá vỡ dẫn đến giải phóng histamine gây ra một loạt các tác dụng dược lực tác động lên hệ tuần hoàn, gây ra:

  • Tụt huyết áp do giãn mạch.
  • Kích thích tim đập nhanh.
  • Tăng áp lực nội sọ gây đau đầu.
  • Nghẹt thở do co thắt khí phế quản.
  • Gây co thắt cơ trơn trên hệ tiêu hóa.

Do đó, thuốc chống dị ứng thường được biết đến với tên gọi chung là thuốc kháng histamine. Theo một số nghiên cứu, có mối liên hệ di truyền giữa cha mẹ và con cái về khả năng mắc dị ứng. Nếu cha mẹ bị dị ứng, con cái cũng có 50% nguy cơ mắc dị ứng với cùng các nguyên nhân giống như cha mẹ. 

Nếu cha mẹ bị dị ứng, con cái cũng có 50% nguy cơ mắc và xuất hiện các dấu hiệu dị ứng thuốc.
Nếu cha mẹ bị dị ứng, con cái cũng có 50% nguy cơ mắc và xuất hiện các dấu hiệu dị ứng thuốc.

Bên cạnh đó, nhân viên y tế cũng có nguy cơ cao bị dị ứng thuốc gấp 2,5 lần so với người bình thường. Việc sử dụng thuốc hết hạn sử dụng không những không mang lại hiệu quả mà còn có thể chuyển hóa thành chất khác, gây nguy hiểm cho người dùng.

Ngoài ra, thị trường hiện nay đang tràn lan các loại thuốc thiếu thông tin hướng dẫn sử dụng an toàn và việc quản lý nguồn gốc thuốc sản xuất trong nước và nhập khẩu vẫn còn nhiều bất cập.  

2. Dấu hiệu dị ứng thuốc

2.1 Nổi mề đay

  • Hầu hết các trường hợp dị ứng thuốc bao gồm cả dị ứng thuốc nghiêm trọng đều bị nổi mề đay. Đây là dấu hiệu dị ứng thuốc phổ biến và thường xuất hiện đầu tiên.
  • Mặc dù tất cả các loại thuốc đều tiềm ẩn nguy cơ gây mề đay nhưng một số nhóm thuốc lại có tỷ lệ cao hơn bao gồm thuốc kháng sinh, vắc-xin, huyết thanh, thuốc chống viêm, giảm đau và hạ sốt...
  • Thời gian xuất hiện mề đay sau khi dùng thuốc dao động từ 5-10 phút đến vài ngày, tùy thuộc vào loại thuốc gây dị ứng và cơ địa của mỗi người. Người bệnh thường cảm thấy nóng bừng, ngứa trên da, nổi ban cùng sẩn phù. Trong trường hợp nặng, người bệnh sẽ xuất hiện đau bụng, đau khớp, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi và sốt cao… 
Nổi mề đay thường là dấu hiệu dị ứng thuốc hay gặp và là triệu chứng ban đầu của phần lớn các trường hợp.
Nổi mề đay thường là dấu hiệu dị ứng thuốc hay gặp và là triệu chứng ban đầu của phần lớn các trường hợp.

2.2 Nổi mẩn, ban đỏ

  • Trên da xuất hiện các nốt mẩn đỏ, ban dạng sởi hoặc ban dạng sẩn có kích thước nhỏ như đầu đinh, thường xuất hiện ở vùng thân mình. Các nốt này có thể liên kết lại với nhau thành mảng lớn, gây cảm giác ngứa ngáy…
  • Người bệnh có thể bị nổi ban đỏ sau khoảng 1 tuần kể từ khi sử dụng thuốc và các nốt ban này sẽ kéo dài vài tuần sau đó.

2.3 Phù Quincke

  • Phù Quincke là một loại mề đay khổng lồ biểu hiện bằng việc sưng phù cục bộ dưới da, gây ngứa và đau nhức, xảy ra do dị ứng với các loại thuốc kháng sinh, huyết thanh, thuốc hạ sốt, thuốc chống viêm và thuốc giảm đau...
  • Sau khi sử dụng thuốc, dấu hiệu dị ứng thuốc phù Quincke thường xuất hiện trên các vùng da mỏng như môi, cổ, quanh mắt, bụng, các chi và bộ phận sinh dục…
  • Phù Quincke thường có kích thước lớn, đôi khi bằng cả bàn tay. Nếu xuất hiện gần mắt thì mắt sẽ híp lại, ở môi thì môi sưng to biến dạng.
  • Vùng da bị phù Quincke thường có màu sắc bình thường hoặc hồng nhạt, đôi khi xuất hiện kèm theo mày đay.
  • Triệu chứng Phù Quincke ở mặt thường làm sưng to 2 mí mắt, môi và da mặt cùng với đó là đau đầu và buồn nôn.
  • Triệu chứng Phù Quincke ở họng và thanh quản là tình trạng nguy hiểm nhất với triệu chứng khó thở, ho khan, da mặt tái nhợt, mất máu và tím tái. Ngoài ra, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng đến mức gây co thắt khí quản khiến người bệnh nghẹt thở và có thể tử vong nếu không được cấp cứu và chữa trị kịp thời.
  • Người bệnh mắc phù Quincke đường tiêu hóa thường bị tiêu chảy và nôn ói dữ dội.

2.4 Hội chứng hồng ban đa dạng có bọng nước (Hội chứng Stevens - Johnson):

  • Hội chứng Stevens-Johnson là một phản ứng dị ứng thuốc nghiêm trọng và nguy hiểm, thường xuất hiện từ vài giờ đến vài ngày sau khi sử dụng thuốc.
  • Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, ngứa khắp cơ thể, cảm thấy nóng ran, sốt cao, xuất hiện nổi ban đỏ và bọng nước trên da, cũng như viêm loét và hoại tử niêm mạc ở các hốc tự nhiên như mắt, miệng, họng và bộ phận sinh dục.
  • Bên cạnh đó, bệnh còn có thể xảy ra tổn thương cho gan và thận. Trong các trường hợp nghiêm trọng có thể gây tử vong.

2.5 Hội chứng hoại tử tiêu thượng bì nhiễm độc (Hội chứng Lyell):

  • Hội chứng Lyell là một loại phản ứng dị ứng nặng sau khi sử dụng thuốc, có thể xảy ra từ vài giờ đến vài tuần sau khi bắt đầu sử dụng thuốc.
  • Mệt mỏi, khó ngủ, sốt cao, ngứa khắp cơ thể và xuất hiện các mảng đỏ trên da, đôi khi có các chấm xuất huyết là các dấu hiệu dị ứng thuốc thường gặp ở người bệnh. Bên cạnh đó, sau vài ngày, lớp thượng bì sẽ bắt đầu tách khỏi da, khi động vào sẽ trợt thành từng mảng.
  • Lyell có khả năng gây viêm gan, viêm thận. Tình trạng thường rất nặng và có thể dẫn đến tử vong một cách nhanh chóng.  

3. Làm thế nào khi dị ứng thuốc?

Khi phát hiện các dấu hiệu dị ứng thuốc, người bệnh cần thực hiện các bước sau:

  • Ngừng ngay việc sử dụng thuốc đang tiêm, uống, bôi, nhỏ vào mắt, mũi,...
  • Nếu triệu chứng dị ứng nhẹ, người bệnh nên sử dụng các loại thuốc chống dị ứng.
  • Trong trường hợp có dấu hiệu dị ứng thuốc nặng như khó thở, rối loạn tiêu hóa, tức ngực, phát ban khắp người,... người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức để cấp cứu.
  • Người bệnh cần ghi nhớ loại thuốc gây dị ứng và thông báo cho bác sĩ biết. Từ đó, bác sĩ sẽ tránh sử dụng loại thuốc đó và chọn loại thuốc khác để chữa bệnh.

4. Phòng ngừa dị ứng thuốc?

Tình trạng dị ứng thuốc sẽ trở nên nghiêm trọng hơn sau mỗi lần mắc phải. Việc dùng thuốc chống dị ứng chỉ mang tính chất tạm thời, không thể giải quyết được căn nguyên gây dị ứng, do đó, cách tốt nhất để bản thân không bị dị ứng là phải dự phòng. Dưới đây là một số quy tắc mà người bệnh cần tuân theo:

  • Chỉ sử dụng thuốc điều trị bệnh theo đúng đơn thuốc của bác sĩ và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị.
  • Không tự mua thuốc để tự điều trị hoặc giới thiệu thuốc điều trị cho người khác chỉ vì có triệu chứng tương tự bệnh lý của bản thân.
  • Nếu đã từng bị dị ứng với loại thuốc nào thì không bao giờ sử dụng lại loại thuốc đó.
  • Khi đi khám bệnh hoặc mua thuốc ở nhà thuốc, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ về các loại thuốc đã từng bị dị ứng và các loại thuốc đang sử dụng để được hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý và an toàn. 
Chỉ nên dùng thuốc điều trị bệnh theo đúng toa chỉ định của bác sĩ
Chỉ nên dùng thuốc điều trị bệnh theo đúng toa chỉ định của bác sĩ

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe