Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Sỹ Quyền Năng - Trưởng khoa Phẫu thuật khớp gối và cổ chân - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Bàn chân là bộ phận có chức năng vận động quan trọng. Tuy nhiên, việc chăm sóc bàn chân vẫn chưa được chú ý trừ khi xuất hiện tình trạng đau. Để giải quyết cơn đau bàn chân, đau gan bàn chân,...bạn cần biết vị trí đau, biểu hiện bệnh và các phương pháp điều trị cần thiết.
1. Đau gót chân
1.1. Viêm cân gan chân
Đau gót chân cảnh báo bệnh viêm cân gan chân. Bệnh xuất hiện do xảy ra tình trạng viêm ở dải cân bám từ các xương bàn đến xương gót. Thông thường, bạn sẽ cảm thấy đau ở gót chân hoặc vùng lõm ở lòng bàn chân. Mức độ đau thay đổi tùy vào hoạt động trong ngày, nhưng thường đau nhất khi bắt đầu hoạt động bàn chân vào buổi sáng.
Điều trị viêm cân gan chân bằng cách:
- Để chân nghỉ ngơi
- Duỗi gót chân và các cơ vùng chân
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn
- Mang giày có đệm tốt để giảm đau vùng gót chân
1.2. Gai xương gót chân
Gai xương gót chân cũng có thể xảy ra ở những người đau gót chân. Nguyên nhân thường gặp là do mang giày dép không phù hợp, tư thế và dáng đi bị lệch, thậm chí là do chạy nhiều. Xương gót có thể bị tổn thương trong khi đi hoặc đứng. Đa số mọi người không bị đau, ngoại trừ những người có bàn chân phẳng hoặc vòm chân cao.
Điều trị gai xương gót chân bằng cách:
- Mang miếng đệm gót chân
- Sử dụng một miếng đệm tùy chỉnh
- Chú ý mang những đôi giày vừa vặn để giảm ma sát với gót chân
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn
- Để chân có thời gian nghỉ ngơi
- Tập vật lý trị liệu
- Đến gặp bác sĩ để được tư vấn nếu bạn vẫn còn đau
Trắc nghiệm: Bạn biết gì về bệnh đau cổ vai gáy?
Đau cổ vai gáy là tình trạng cơ vùng vai gáy co cứng gây đau, kèm theo các hạn chế vận động khi quay cổ hoặc quay đầu. Bệnh thường xuất hiện vào buổi sáng và có liên quan chặt chẽ đến hệ thống cơ xương khớp và mạch máu vùng vai gáy.
1.3. Bầm gót chân
Bầm gót chân thường xuất hiện ở vùng mỡ dày tại gót chân hoặc gan bàn chân do va chạm vào các vật cứng. Cơn đau có cảm giác tương tự như dẫm lên viên sỏi và tự mất dần theo thời gian. Để giảm đau, bạn có thể sử dụng các biện pháp như để chân nghỉ ngơi, chườm đá vùng bị bầm và dùng thuốc giảm đau không kê đơn.
1.4. Gãy xương gót chân
Gãy xương gót chân thường xảy ra như một hệ quả từ tai nạn giao thông hoặc ngã đau. Ngoài gãy xương thì nặng hơn là nó có thể bị vỡ. Đau gót chân, bầm tím, sưng và khó đi lại là những triệu chứng chính của bệnh.
Điều trị gãy xương gót chân bằng cách:
- Hạn chế các hoạt động gây áp lực lên gót chân bằng cách sử dụng nạng để đi lại
- Đặt miếng lót ở sau gót chân
- Mang nẹp để giúp vùng xương gãy nhanh chóng liền lại
- Nhờ bác sĩ tư vấn sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn hoặc kê đơn
- Tập vật lý trị liệu
- Nếu vẫn còn đau, bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn về các biện pháp khắc phục khác, trong đó có phẫu thuật.
2. Đau gan bàn chân
2.1. Đau ụ ngón chân
Đau ụ ngón chân là tình trạng đau và viêm ở lòng bàn chân. Kích cỡ giày không phù hợp thường là nguyên nhân chính. Ngoài ra, nó còn có thể được gây ra bởi hoạt động đôi chân quá mức như chạy, nhảy. Bệnh còn được gọi với cái tên khác là bầm gan bàn chân.
Điều trị đau ụ ngón chân bằng cách:
- Uống thuốc giảm đau
- Chườm đá và để chân có thời gian nghỉ ngơi
- Mang những đôi giày, dép có kích cỡ vừa phải
- Đệm thêm miếng lót vào giày để giảm áp lực lên gan bàn chân
2.2. U dây thần kinh Morton
U dây thần kinh Morton là hiện tượng gây ra bởi sự dày lên của các mô xung quanh dây thần kinh giữa các gốc ngón chân (thường là giữa ngón chân thứ bà và thứ tư). Bạn có thể cảm nhận được sự khác thường về cảm giác ở gan và ngón bàn chân như đau hoặc tê liệt chân. U dây thần kinh Moron là hệ quả của việc thường xuyên đi giày cao gót và giày chật.
Điều trị u dây thần kinh Morton bằng cách:
- Chèn thêm miếng đệm lót vào giày để làm giảm áp lực lên dây thần kinh
- Sử dụng steroid hoặc các loại thuốc tiêm khác
- Uống thuốc giảm đau
- Hạn chế mang giày cao gót hoặc những đôi có vị trí đặt các ngón chân hẹp
- Tránh các hoạt động gây áp lực lên khối u dây thần kinh
- Nhờ bác sĩ tư vấn về cuộc phẫu thuật
2.3. Viêm xương vừng
Viêm xương vừng: Xương vừng có vị trí nằm gần ngón cái, gồm có hai xương được nối với nhau bằng gân. Khi bị viêm mủ, nó có thể gây ra tổn thương các đường gân xung quanh, dẫn đến tình trạng viêm. Nó là một dạng của viêm gân, xảy ra chủ yếu ở những người chạy bộ và vũ công ba lê.
Viêm xương vừng được điều trị bằng cách:
- Dành thời gian để chân được nghỉ ngơi
- Chườm lạnh vị trí đau
- Chèn thêm miếng lót vào dưới ngón chân với đôi giày có kích cỡ vừa phải
- Băng bó ngón chân cái để cố định khớp nhằm chữa lành bệnh
- Mang giày có gót thấp
- Nhờ bác sĩ tư vấn về việc tiêm steroid
3. Đau phần lõm của lòng bàn chân
3.1. Viêm cân gan chân
Bệnh viêm cân gan chân là nguyên nhân phổ biến gây ra đau phần lõm bàn chân. Viêm cân gan chân có thể ảnh hưởng đến gót chân, phần lõm hoặc phần xung quanh nó. Nếu tình trạng bệnh kéo dài, người bệnh có thể được đề nghị cần tiêm hỗn hợp steroid với thuốc gây tê cục bộ.
3.2. Bàn chân phẳng
Bàn chân phẳng: Bệnh xảy ra do lực ma sát giữa phần lõm bàn chân và mặt đất khi đứng hoặc đi lại, từ đó dẫn đến bong tróc, gây đau. Bàn chân phẳng có thể điều trị bằng cách chèn thêm miếng lót, nghỉ ngơi, chườm lạnh, sử dụng gậy đi bộ hoặc nẹp, vật lý trị liệu, kể cả phẫu thuật nếu cần thiết.
4. Đau ngón chân
4.1. Bệnh gút
Bệnh gút là một dạng viêm khớp, nguyên nhân gây ra đau ngón chân. Các chất tích tụ trong khớp gây sưng và đau dữ dội. Bệnh thường xảy ra ở ngón chân cái.
Bệnh gút được điều trị bằng cách:
- Dành thời gian để chân được nghỉ ngơi
- Chườm lạnh ở vùng đau
- Sử dụng thuốc colchicine, thuốc kháng viêm không steroid hoặc prednisone
- Tránh các loại thực phẩm khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn
4.2. Biến dạng ngón chân cái
Biến dạng ngón chân cái là hiện tượng biến dạng khớp nối ngón chân cái với bàn chân. Ngón chân thường bị biến dạng do đi giày với kích cỡ không phù hợp. Càng nhiều tuổi, bệnh càng dễ xảy ra. Để giảm đau, bạn cần chuyển sang sử dụng các đôi giày thoải mái hơn hoặc mang miếng đệm giày. Nếu tình trạng đau kéo dài, bạn có thể gặp bác sĩ để nhờ tư vấn về phẫu thuật.
4.3. Ngón chân hình búa
Ngón chân hình búa là hiện tượng các ngón chân thứ hai, thứ ba hoặc thứ tư bị uốn cong xuống dưới ở khớp giữa, tạo thành hình dạng giống chiếc búa. Nó thường xảy ra do mất cân bằng giữa các khối cơ hoặc mang giày với kích cỡ không phù hợp. Để điều chỉnh lại ngón chân, bạn cần đi giày thoải mái, thực hiện các bài tập kéo dài cơ ngón chân, thậm chí là phẫu thuật nếu cần thiết.
4.4. Ngón chân hình móng vuốt
Ngón chân hình móng vuốt là hiện tượng ngón chân cử động lên xuống nhưng không duỗi thẳng được. Nó thường là biến chứng tổn thương dây thần kinh của bệnh tiểu đường hoặc nghiện rượu. Nếu không đi những đôi giày phù hợp với tình trạng ngón chân, nó có thể gây đau rát và hình thành vết chai.
Điều trị ngón chân hình móng vuốt bằng cách:
- Đổi sang loại giày dép với kích thước phù hợp hơn, tránh đi giày cao gót
- Dành thời gian tập duỗi các ngón chân và khớp ngón chân
- Chèn miếng đệm lót giày
- Đề nghị phẫu thuật nếu cần thiết
4.5. Móng chọc thịt
Móng chọc thịt là hiện tượng góc trước bờ bên của móng chân chọc và xé rách tổ chức phần mềm ở cuốn móng có thể gây sưng, đau và dẫn đến nhiễm khuẩn ở cuốn móng bên.
Điều trị móng chọc thịt bằng cách:
- Ngâm chân trong nước ấm 4 lần/ngày.
- Dùng miếng gạc chèn giữa các ngón có móng đau và lau sạch nước trên móng chân mỗi ngày một lần
- Nếu các phương pháp trên không hiệu quả, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn thêm
4.6. Bàn chân thảm cỏ
Bàn chân thảm cỏ là thuật ngữ mô tả chấn thương các đốt ngón chân cái, vùng gan bàn chân và phức hợp xương vừng của bàn chân. Bệnh xảy ra do các cơn đau lặp lại kéo dài, hoặc là hệ quả của bệnh vảy nến hoặc gãy xương vừng.
4.7. Bong gân ngón chân
Bong gân ngón chân có thể xảy ra khi bạn bới sâu vết thương hoặc vấp ngón chân, làm tổn hại đến gân hoặc các mô mềm của ngón chân. Nếu không bị gãy xương, cơn đau và sưng sẽ biến mất trong vài ngày.
4.8. Gãy xương ngón chân
Gãy xương ngón chân có thể xảy ra ở bất kỳ xương nào của các ngón chân. Tùy vào vị trí gãy mà mức độ điều trị khác nhau, thay đổi từ nghỉ ngơi, chườm lạnh, thuốc giảm đau đến phẫu thuật.
4.9. Cứng khớp ngón chân cái
Cứng khớp ngón chân cái là một loại viêm khớp xảy ra ở gốc ngón chân cái. Triệu chứng đau và cứng khớp sẽ xấu đi theo thời gian. Các phương pháp điều trị bệnh có thể gồm thuốc giảm đau, các bài tập kéo giãn ngón chân hoặc chỉ định phẫu thuật trong một số trường hợp.
4.10. Vết chai chân
Vết chai chân là sự tích tụ dày lên của một vùng da. Nó là kết quả của sự kích thích hoặc tạo áp lực liên tục lên vùng da bị chai, thường được gây ra bởi việc đi những đôi giày dép không phù hợp.
Điều trị vết chai chân bằng cách:
- Chọn đôi giày phù hợp hơn để mang
- Ngâm chân và sử dụng đá bọt để làm mòn lớp da thừa.
4.11. Gãy xương vừng ngón chân
Gãy xương vừng ngón chân là một vết nứt tại xương vừng nằm trong các gân gắn vào ngón chân cái. Đau ngón chân cái và các vùng lân cận là triệu chứng chính của bệnh.
Điều trị gãy xương vừng ngón chân bằng cách:
- Nghỉ ngơi, chườm lạnh và tập nâng cao chân
- Mang giày đế cứng hoặc miếng lót chân để giảm áp lực
- Uống thuốc giảm đau
- Nhờ tư vấn của bác sĩ nếu vẫn cảm thấy đau
5. Đau mép ngoài của mu bàn chân
Xương bàn chân số năm là một xương dễ bị gãy khi va chạm mạnh. Đau, sưng và bầm tím dọc theo mép ngoài bàn chân sau khi bị chấn thương là những dấu hiệu thường gặp để cảnh báo gãy xương. Trong trường hợp này, bạn cần đến gặp bác sĩ để được chụp X-quang chẩn đoán.
Điều trị gãy xương bàn chân bằng cách:
- Uống thuốc giảm đau
- Nghỉ ngơi, chườm lạnh và tập nâng cao chân
- Không tạo lực lên vùng bị tổn thương
- Nhờ bác sĩ tư vấn nếu cần thiết
- Hãy hỏi bác sĩ nếu phẫu thuật là cần thiết.
- Bó bột có thể cần thiết trong một số trường hợp
6. Đau toàn bàn chân hoặc không cố định vị trí đau
6.1. Tổn thương thần kinh ở bàn chân
Tổn thương thần kinh ở bàn chân thường gây ra bởi bệnh tiểu đường. Cơn đau được mô tả với các triệu chứng đau rát, châm chích hoặc cảm giác như điện giật. Nó có thể xảy ra bất cứ vị trí nào ở bàn chân. Bạn nên hỏi bác sĩ về các lựa chọn giảm đau và cách để ngăn ngừa bệnh tiến triển.
6.2. Viêm gân
Viêm gân là hiện tượng gân, là các dải gắn cơ vào xương bị kích thích gây viêm. Gân chạy dọc theo tất cả các bề mặt của bàn chân và có thể gây đau chân ở nhiều vị trí khác nhau.
Điều trị các bệnh gây ra những cơn đau không cố định ở vùng bàn chân bằng cách:
- Dành thời gian để chân nghỉ ngơi
- Uống thuốc giảm đau
- Tiêm thuốc steroid
- Phẫu thuật trong trường hợp cần thiết
Qua những thông tin về tình trang đau ở các vị trí của bàn chân, bạn có thể bước đầu nhận định được nguyên nhân gây bệnh và cách xử trí. Tuy nhiên nếu tình trạng đau không dứt, kéo dài thì bạn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, mayoclinic.org