Đau đầu chùm: Chẩn đoán và điều trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh An Thiên - Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Cơn đau đầu chùm thường gây nhiều khó chịu cho người bệnh bởi tính chất đột ngột, dữ dội. Do đó, khi xuất hiện cơn đau với mức độ thường xuyên, bạn cần đi khám để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị kịp thời.

1. Chẩn đoán đau đầu chùm

Đau đầu chùm là cơn đau có tính chất dữ dội. Chẩn đoán đau đầu chùm phụ thuộc vào mô tả của bạn về cơn đau, vị trí, mức độ đau, tần suất đau và thời gian kéo dài của cơn đau đầu trong quá trình hỏi bệnh. Bạn càng liệt kê chi tiết, bác sĩ sẽ càng dễ dàng xác định loại và nguyên nhân gây đau đầu. Các phương pháp thường được sử dụng để chẩn đoán đau đầu chùm gồm có:

1.1. Kiểm tra thần kinh

Kiểm tra thần kinh giúp bác sĩ phát hiện các dấu hiệu thực thể của rối loạn thần kinh. Bác sĩ sẽ sử dụng nhiều biện pháp để đánh giá chức năng não bộ như kiểm tra các giác quan, khả năng phản xạ và các dây thần kinh. Ở bệnh nhân đau đầu chùm, kết quả kiểm tra thường không phát hiện các dấu hiệu bệnh lý.

1.2. Xét nghiệm hình ảnh

Nếu kiểm tra thần kinh cho kết quả bất thường hoặc cơn đau đầu nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện xét nghiệm khác để loại trừ các nguyên nhân khác như khối u hoặc phình động mạch não. Các xét nghiệm hình ảnh não bộ được sử dụng phổ biến gồm có:

  • MRI: MRI sử dụng từ trường và sóng vô tuyến mạnh, có thể giúp quan sát chi tiết cấu trúc não bộ và các mạch máu não.
  • CT: CT sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh cắt ngang chi tiết của bộ não.

Chụp MRI giúp chẩn đoán hình ảnh về tình trạng đau đầu bất thường
Chụp MRI giúp chẩn đoán hình ảnh về tình trạng đau đầu bất thường

2. Điều trị đau đầu chùm

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cách chữa đau đầu chùm. Mục tiêu điều trị chủ yếu là giảm mức độ nghiêm trọng của cơn đau, rút ngắn thời gian đau đầu và ngăn chặn các cơn đau.

Vì tính chất của cơn đau đầu chùm là cấp tính, nên việc áp dụng các biện pháp điều trị cấp tính và dự phòng được cho là có hiệu quả nhất.

2.1. Điều trị cấp tính

  • Oxy: Thở oxy qua mặt nạ trong thời gian ngắn khoảng 15 phút giúp làm giảm đáng kể các cơn đau đầu. Thở oxy là phương pháp an toàn và không có tác dụng phụ. Nhược điểm chính của nó là cần có bình oxy và bộ điều chỉnh nồng độ oxy. Điều này khiến việc điều trị trở nên bất tiện, rằng bệnh nhân chỉ có thể đến bệnh viện mà không thể tự điều trị tại nhà.
  • Triptans: Triptans dưới dạng tiêm sumatriptan (Imitrex), thường được sử dụng để điều trị chứng đau nửa đầu, cũng là phương pháp điều trị hiệu quả cho đau đầu chùm cấp tính. Mũi tiêm đầu tiên cần được quan sát phản ứng trong và sau tiêm. Sumatriptan cũng được sử dụng dưới dạng xịt mũi, nhưng không hiệu quả với số đông người dùng và cần thời gian lâu hơn để cho tác dụng giảm đau. Sumatriptan không được khuyến nghị cho người bị huyết áp caobệnh tim mạch khó kiểm soát. Thuốc xịt mũi zolmitriptan (zomig) là loại thuốc triptans khác được sử dụng nhằm giảm cơn đau đầu chùm. Thuốc uống tương tác chậm, thường không hữu ích trong điều trị cấp tính.

Mỗi người bệnh có phương pháp điều trị đau đầu chùm khác nhau
Mỗi người bệnh có phương pháp điều trị đau đầu chùm khác nhau
  • Octreotide: Octreotide (Sandostatin) là dạng thuốc tiêm tổng hợp của hormone somatostatin, một phương pháp điều trị hiệu quả cho chứng đau đầu chùm đối với một số người. Nhìn chung thì nó ít hiệu quả và thời gian giảm đau chậm hơn triptans.
  • Gây tê cục bộ: Tác dụng gây tê của thuốc gây tê cục bộ như lidocaine, có thể làm giảm đau đầu chùm ở một số người với đường tiêm qua mũi.
  • Dihydroergotamine: Dihydroergotamine (D.H.E. 45) dạng tiêm có thể là thuốc giảm đau hiệu quả cho một số người bị đau đầu chùm. Thuốc này cũng có sẵn ở dạng thuốc xịt mũi, nhưng dạng này chưa được chứng minh mức độ hiệu quả.

2.2. Điều trị dự phòng

Điều trị dự phòng được sử dụng để ngăn chặn các cơn đau đầu chùm tái phát. Việc xác định loại thuốc dự phòng phụ thuộc vào thời gian và tần suất của cơn đau.

  • Thuốc chẹn kênh canxi. Các loại thuốc chặn kênh canxi verapamil (Calan, Verelan) thường là lựa chọn đầu tiên để ngăn ngừa đau đầu chùm. Verapamil có thể được sử dụng kết hợp với các loại thuốc khác. Thuốc có thể sử dụng lâu dài nhằm kiểm soát đau đầu chùm mạn tính. Tác dụng phụ của thuốc gồm có táo bón, buồn nôn, mệt mỏi, sưng mắt cá chân và huyết áp thấp.
  • Corticosteroid: Các loại thuốc ức chế viêm prednisone (Prednisone Intensol, Rayos) là những thuốc có tác dụng phòng ngừa hiệu quả các đau đầu chùm. Bác sĩ có thể kê toa corticosteroid nếu tình trạng đau đầu mới xuất hiện hoặc cơn đau ngắn với tần suất thấp. Corticosteroid không được sử dụng dài ngày vì làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như tiểu đường, tăng huyết áp và đục thủy tinh thể.

Lạm dụng thuốc Corticosteroid có thể gây ra bệnh tiểu đường
Lạm dụng thuốc Corticosteroid có thể gây ra bệnh tiểu đường
  • Litium cacbonate: Lithium carbonate (Lithobid) được sử dụng để điều trị rối loạn lưỡng cực, có thể có hiệu quả trong việc ngăn ngừa đau đầu chùm mạn tính trong trường hợp các loại thuốc khác không có tác dụng. Tác dụng phụ gồm có run, tăng cảm giác khát và tiêu chảy. Chúng có thể được giảm xuống bằng cách điều chỉnh liều lượng thuốc. Trong thời gian sử dụng thuốc, bạn sẽ được kiểm tra các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như tổn thương thận.
  • Phong bế thần kinh: Tiêm thuốc gây tê và corticosteroid vào khu vực xung quanh dây thần kinh chẩm, nằm ở phía sau đầu, có thể cải thiện chứng đau đầu mạn tính. Phong bế thần kinh chẩm giúp giảm đau tạm thời cho đến khi thuốc dự phòng dài hạn có hiệu lực. Nó thường được sử dụng kết hợp với verapamil.

Các loại thuốc phòng ngừa khác được sử dụng cho đau đầu chùm bao gồm thuốc chống động kinh, chẳng hạn như topiramate (Topamax, Qudexy XR).

2.3. Phẫu thuật

Đau đầu chùm mạn tính hiếm khi được điều trị bằng phẫu thuật trừ các trường hợp không đáp ứng các phương pháp điều trị khác, không chịu đựng được thuốc hoặc tác dụng phụ của thuốc.

  • Kích thích hạch đối giao cảm sphenopalatine: Là cuộc tiểu phẫu sử dụng que bông cho vào mũi đến vị trí của hạch sphenopalatine. Các nghiên cứu cho thấy nó giúp giảm đau nhanh và giảm tần suất xuất hiện cơn đau nhưng vẫn cần thêm nghiên cứu để chứng minh.
  • Kích thích dây thần kinh phế vị không xâm lấn (VNS): Sử dụng một thiết bị cầm tay để kích thích điện đến dây thần kinh phế vị qua da. Một số nghiên cứu cho thấy VNS giúp giảm tần suất đau đầu chùm.

Một nguyên nhân khác gây đau đầu chùm là tổn thương dây thần kinh sinh ba, dây chi phối hoạt động của vùng mặt, răng, quanh miệng. Nó có thể được điều trị hiệu quả bằng phẫu thuật với nhiều phương pháp khác nhau như tiêm cồn vào nhánh của dây 5, nhiệt đông, đốt bằng sóng radio hoặc chiếu xạ hạch Gasser, cắt chọn lọc dây thần kinh sau hạch Gasser. Tuy nhiên, phẫu thuật ít khi được thực hiện do nguy cơ xảy ra các biến chứng như yếu cơ ở hàm, mất cảm giác ở một số vùng trên mặt và đầu.


Hiếm khi trường hợp bệnh nhân đau đầu chùm cần phẫu thuật
Hiếm khi trường hợp bệnh nhân đau đầu chùm cần phẫu thuật

2.4. Phương pháp điều trị trong tương lai

Các nhà khoa học đang nghiên cứu một số phương pháp tiềm năng có thể áp dụng trong điều trị đau đầu chùm, gồm có:

  • Kích thích dây thần kinh chẩm. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cấy điện cực ở phía sau đầu và kết nối chúng với một thiết bị nhỏ giống như máy tạo nhịp tim. Các điện cực truyền xung điện để kích thích dây thần kinh chẩm, giúp giảm hoặc ngăn ngừa cơn đau. Một số nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của phương pháp này trong việc giảm mức độ và tần suất đau đầu ở những người bị đau đầu chùm mạn tính.
  • Kích thích não sâu. Kích thích não sâu là một phương pháp điều trị đầy hứa hẹn nhưng chưa được chứng minh mức độ hiệu quả trong điều trị đau đầu chùm không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Trong thủ tục này, các bác sĩ cấy điện cực vào vùng dưới đồi, khu vực não kiểm soát thời gian đau. Tiếp theo, bác sĩ kết nối điện cực với một máy phát điện làm thay đổi các xung điện của não nhằm giảm đau. Tuy nhiên, vì điện cực đặt sâu trong não nên nó có thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng hoặc xuất huyết. Kích thích não sâu vùng dưới đồi có thể giúp giảm đau ở những người đau đầu chùm mãn tính nghiêm trong, không đáp ứng với thuốc điều trị.

Kích thích não sâu đang được nghiên cứu thêm nhằm điều trị bệnh đau đầu chùm
Kích thích não sâu đang được nghiên cứu thêm nhằm điều trị bệnh đau đầu chùm

3. Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Các biện pháp sau đây có thể giúp bạn tránh được cơn đau đầu chùm:

  • Ngủ đúng giờ quy định: Cơn đau có thể được kích hoạt khi có những thay đổi trong chu kỳ ngủ hàng ngày.
  • Tránh uống rượu: Uống rượu, bia và rượu vang có thể nhanh chóng gây ra cơn đau đầu chùm.

4. Cần chuẩn bị gì trước khi đi khám đau đầu chùm?

Một trong những điều hữu ích nhất bạn có thể làm là ghi nhật ký đau đầu. Mỗi khi bạn bị đau đầu, hãy ghi lại những chi tiết này có thể giúp bác sĩ xác định loại đau đầu và nguyên nhân gây đau đầu có thể xảy ra.

  • Ngày: Lập một biểu đồ ngày và thời gian của mỗi cơn đau đầu
  • Thời gian đau: Mỗi cơn đau đầu kéo dài bao lâu?
  • Cường độ: Đánh giá mức độ đau đầu theo thang điểm từ 1 đến 10, với 10 là nghiêm trọng nhất.
  • Nguyên nhân: Liệt kê các yếu tố có thể gây ra đau đầu như một số loại thực phẩm, âm thanh, mùi, hoạt động thể chất hoặc ngủ quá nhiều.
  • Triệu chứng: Bạn có bất kỳ triệu chứng trước khi đau đầu như nhìn thấy quầng sáng?
  • Thuốc: Liệt kê tất cả các loại thuốc, vitamin và sản phẩm chức năng, bao gồm cả liều lượng, ngay cả khi chúng không liên quan đến chứng đau đầu.
  • Giảm đau: Mức độ giảm cơn đau theo thời gian.

Khi đi khám đau đầu, bạn cần thông báo cho bác sĩ biết những loại thuốc bạn đang sử dụng
Khi đi khám đau đầu, bạn cần thông báo cho bác sĩ biết những loại thuốc bạn đang sử dụng

Bạn cũng cần chuẩn bị các trả lời chi tiết cho các câu hỏi sau để giúp bác sĩ chẩn đoán nhanh và chính xác nhất:

  • Triệu chứng đau đầu xuất hiện từ khi nào?
  • Các triệu chứng xảy ra thỉnh thoảng hay liên tục?
  • Các triệu chứng có xu hướng xảy ra vào khoảng thời gian cố định trong ngày? Hoặc một mùa nhất định trong năm?
  • Uống rượu có khiến bạn bị đau đầu?
  • Các triệu chứng đau đầu nghiêm trọng đến mức nào?
  • Bạn đã làm gì để làm giảm nhẹ cơn đau?
  • Điều gì làm cơn đau đầu nặng thêm?

Đau đầu chùm không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống mà còn tác động đến nhiều mặt sức khỏe của con người. Vì thế nếu tình trạng đau đầu chùm kéo dài, bệnh nhân cần đến các trung tâm y tế, bệnh viện chuyên khoa thần kinh để thăm khám, tìm ra nguyên nhân để có hướng điều trị bệnh kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe