Hỏi
Chào bác sĩ,
Dạo gần đây, em cảm thấy hay chóng mặt, thật sự em không biết nguyên nhân là gì. Khi em cảm thấy vậy là em nằm nghỉ ngơi thì cơ thể tôi thoải mái rất nhiều. Vậy bác sĩ cho em hỏi nguyên nhân thường xuyên chóng mặt? Em cảm ơn bác sĩ.
Khách hàng ẩn danh
Trả lời
Chào bạn,
Với câu hỏi “Nguyên nhân thường xuyên chóng mặt?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Có 2 kiểu chóng mặt đó là: Chóng mặt ngoại biên, chóng mặt trung ương. Tùy vào tình trạng cơ thể, sức khỏe của bạn mà vấn đề bạn gặp phải sẽ khác nhau. Một trong những bệnh phổ biến của triệu chứng chóng mặt là huyết áp thấp.
Vì có rất nhiều nguyên nhân với các mức độ nặng nhẹ khác nhau gây ra chóng mặt thường xuyên, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, tìm nguyên nhân và điều trị phù hợp. Việc thiết lập một chẩn đoán cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng mà người bệnh phải trải qua kết hợp với các phương tiện cận lâm sàng. Bệnh nhân cần mô tả chi tiết triệu chứng chóng mặt hoa mắt về tần suất xuất hiện, chóng mặt hoa mắt khởi phát khi nào và các triệu chứng kèm theo. Một vài chỉ định cận lâm sàng được áp dụng để chẩn đoán nguyên nhân chóng mặt bao gồm: Công thức máu CT scan hoặc MRI sọ não, điện não đồ, siêu âm doppler sọ não, các phương tiện kiểm tra thính lực.
Trong một vài trường hợp, chóng mặt hoa mắt có thể tự biến mất mà không cần điều trị gì. Nếu người bệnh bị chóng mặt thường xuyên, vấn đề điều trị triệu chứng chóng mặt và giải quyết nguyên nhân cần được đặt ra. Một số loại thuốc giúp giảm chóng mặt thường được dùng như kháng histamin, tanganil, scopolamine hay thuốc kháng cholinergic. Thuốc chống nôn, an thần, giảm lo âu, giảm đau đầu cũng được sử dụng kết hợp tùy theo từng tình huống riêng biệt. Khi phương pháp điều trị nội khoa không có hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị can thiệp như phẫu thuật.
Bên cạnh việc dùng thuốc giải quyết triệu chứng và điều trị nguyên nhân chóng mặt hoa mắt, người bệnh cần lưu ý một vài điều trong chế độ sinh hoạt và ăn uống để giảm tần suất và mức độ nặng của triệu chứng chóng mặt. Một số biện pháp được công nhận có hiệu quả như:
- Không thay đổi tư thế đầu đột ngột, chuyển từ nằm sang ngồi hoặc đứng một cách chậm rãi để cơ thể kịp thích nghi.
- Không nên làm những nghề liên quan đến vận hành máy móc hay xe cộ khi bị chóng mặt thường xuyên.
- Không lạm dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích.
- Nên dùng các loại thực phẩm giàu vitamin C, vitamin B6.
- Uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh.
- Tránh ăn quá mặn hoặc quá ngọt.
- Thư giãn, sống trong môi trường trong lành, thoải mái, tránh xa căng thẳng trong cuộc sống.
- Khi bị chóng mặt, nên nằm nghỉ ngơi, hạn chế thay đổi tư thế và đi lại nhiều vì rất dễ mất thăng bằng gây té ngã.
Vì vậy, để biết được tình trạng bệnh của mình, bạn nên đến thăm khám bác sĩ, từ đó có hướng điều trị thích hợp.
Nếu bạn còn thắc mắc về nguyên nhân thường xuyên chóng mặt, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.